ART & LIFE / Nghệ sĩ

Vở diễn “Múa Kiều”: Mỗi năm là một sự đổi mới

Jun 22, 2019 | By Trang Ps

Vở “Múa Kiều” trở lại sân khấu Sài Gòn lần thứ 3 đã đánh dấu một bước dịch chuyển mới mẻ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh và nhóm múa YSDE. Làm mới Truyện Kiều – “món ăn” tinh thần của người Việt – bằng ngôn ngữ cơ thể là ý tưởng vừa mang tính cách tân vừa bảo tồn nét truyền thống qua làn điệu ca trù, trang phục…

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã được viết cách đây 200 năm, và nhanh chóng trở thành tác phẩm bất hủ trong lòng người Việt. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đây là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về thông điệp nhân văn mà “Truyện Kiều” chuyển tải, ấy là lòng nhân đạo, hiếu thảo, tự do yêu đương, thiện ác và luật nhân quả.

Để chọn ra một phương thức chuyển tải sáng tạo, vừa hiện đại, vừa giữ được nét đẹp truyền thống, thì phải kể đến “Múa Kiều” của biên đạo người Hàn Chun Yoo Oh.

Có biết bao nhiêu nghệ sĩ đã đưa “Truyện Kiều” lên sân khấu, theo nhiều hình thức khác nhau, nhưng để chọn ra một phương thức chuyển tải sáng tạo, vừa hiện đại, vừa giữ được nét đẹp truyền thống, thì phải kể đến “Múa Kiều” của biên đạo người Hàn Chun Yoo Oh. Bà đã mất hơn một năm để chuẩn bị cho vở múa này. Công diễn lần đầu tiên và lần thứ hai vào năm 2018, “Múa Kiều” đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả Việt. Quay trở lại sân khấu Sài Gòn lần thứ ba này, “Múa Kiều” một lần nữa được làm mới, hứa hẹn mang đến những giây phút mãn nhãn và đồng điệu cho mỗi khán giả.

Để hiểu hơn về “Múa Kiều”, Luxuo đã có cuộc gặp gỡ với đoàn múa Y.O Saigon Dance Ensemble (YSDE), cùng lắng nghe chia sẻ của Đạo diễn Sun-Goo Jung, người luôn kề vai sát cánh với nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh và Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Phúc Hùng nhằm tìm kiếm góc nhìn của một người Việt thấu hiểu nghệ thuật và thị tường Việt hơn bất cứ ai khác.

Đạo diễn Sun-Goo Jung: Mối lương duyên với “madam” Chun Yoo Oh

Đạo diễn Sun-Goo Jung ở tuổi trung niên trong dáng người thon gọn và luôn mỉm cười gọi nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh bằng cái tên dễ mến “madam”. Ông biết đến “Truyện Kiều” (phiên bản dịch ra tiếng Hàn) từ nhiều năm về trước. Quả thật, với một tác phẩm có tổng cộng 3254 câu và thể hiện nhiều khía cạnh cuộc sống thông qua nhiều nhân vật như vậy, thật khó để một người ngoại quốc mang trong mình nền văn hóa và giáo dục khác hiểu “Truyện Kiều” một sớm một chiều.

Nhưng sức hút của “Truyện Kiều’’ cũng giống như tác phẩm huyền thoại của Shakespeare và mê hoặc như văn thơ cổ đại của người Hy Lạp, đạo diễn Sun-Goo Jung bắt đầu tóm tắt tác phẩm từ năm 2016. Ông tập trung vào nội tâm của Thúy Kiều trước tiên, sau đó mới móc nối với những nhân vật quan trọng trong cuộc đời Kiều như Kim Trọng, Từ Hải, Đạm Tiên… cuối cùng là những nhân vật phụ khác.

Đạo diễn quen biết “madam” Chun Yoo Oh từ lâu tại Hàn Quốc. Bà là biên đạo, diễn viên múa giỏi và nổi tiếng. Kể từ lúc qua Sài Gòn, dù không theo nghề nhưng bà vẫn liên tục tập luyện. Ông và Chun Yoo Oh gặp nhau, trao đổi ý tưởng qua lại và quyết định liên hệ với nhóm múa YSDE để thực hiện vở “Múa Kiều”. Thoạt đầu, khi sang Việt Nam, sự khác biệt về giáo dục và nền văn hóa khiến quá trình làm việc diễn ra chậm chạp và chưa thể kết nối bền chặt. Nhưng, sau một thời gian, nhờ sự kiên trì của cả hai, nhóm múa bắt đầu thể hiện được nội tâm cảm xúc của mình thông qua ngôn ngữ cơ thể.

Vở diễn sẽ có ba nàng Kiều: Đời thực của Kiều, Linh hồn của Kiều và Tương lai của Kiều. Điều đó sẽ chuyển tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan.

Điều đặc biệt ở “Múa Kiều”, như đạo diễn Sun chia sẻ, đó là: “Tôi đã xem rất nhiều vở diễn “Truyện Kiều” của những người khác, hầu hết đi theo cách dẫn truyện truyền thống, có cốt truyện, nội dung, trình tự thời gian… Nhưng “Múa Kiều” hoàn toàn khác, “Múa Kiều” kể chuyện thông qua ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải tính cách của từng nhân vật. Vở diễn sẽ có ba nàng Kiều: Đời thực của Kiều, Linh hồn của Kiều và Tương lai của Kiều. Điều đó sẽ chuyển tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan”.

Nét truyền thống hội tụ trong “Múa Kiều” chắc chắn phải kể đến phần âm nhạc ca trù của nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, đàn tơ-rưng của Cao Hồ Nga, sáo trúc của Trần Khánh Tường, đàn tỳ bà của Nghiêm Thu cùng nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc khác, bao gồm nghệ sĩ nhạc dân tộc người Hàn Quốc Kwon-Soon Kang.

Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Phúc Hùng: Mỗi năm là một sự thay đổi của “Múa Kiều

Để chuẩn bị cho vở “Múa Kiều” lần công diễn lại này, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ nhóm múa đã khởi tập cách đây hơn 2 tháng với cường độ 5 tiếng/ngày, 4 buổi/tuần. Nếu lần đầu tiên, khó khăn lớn nhất thể hiện ở việc đi tìm tiếng nói chung, tìm hiểu khán giả muốn gì và điều gì cần phát huy thì trong lần tái diễn này, công tác chuẩn bị “Múa Kiều” gần như trôi chảy.

Chun Yoo Oh là một người phụ nữ, một nghệ sĩ yêu nghề, nhiệt huyết, thật khó để tìm kiếm những người làm nghệ thuật như vậy.

“Việc hợp tác với biên đạo, đạo diễn người Hàn cũng là chuyện dễ hiểu. Bây giờ thế mới mở mà, chúng ta cũng không gặp thử thách về rào cản ngôn ngữ, hơn nữa múa lại là ngôn ngữ cơ thể. Ban đầu, chúng tôi chỉ gặp khó khăn về nền tảng văn hóa. Tuy nhiên, nhóm YSDE đã làm việc với biên đạo Chun Yoo Oh trong suốt 5 năm qua, thông qua nhiều dự án và “Múa Kiều” đã là dự án thứ 5. Theo cá nhân tôi, Chun Yoo Oh là một người phụ nữ, một nghệ sĩ yêu nghề, nhiệt huyết, thật khó để tìm kiếm những người làm nghệ thuật như vậy. Cô ấy luôn muốn chuyển tải thông điệp, luôn khích lệ mọi người để toát lên nội tâm chân thật nhất của nhân vật” – Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ.

Anh nhận định rằng những người làm nghệ thuật là người truyền lửa, tiếp lửa và khán giả cũng là người truyền lửa. Làm thể nào để ngọn lửa của mình một khi đưa đến khán giả và khiến họ cũng muốn thổi bùng nó lên. Giữa tổ chức/cá nhân làm nghệ thuật và công chúng cần có sự đồng cảm, thông cảm với nhau, chứ không đơn thuần mình đưa ra cái gì thì khán giả sẽ đón nhận tất cả. “Múa Kiều” chưa đặt nặng về vấn đề kinh doanh, cái cần hiện tại là mang nghệ thuật đến cho chính người Việt thưởng thức.

Nghệ thuật của chúng tôi không gói gọn trong “Múa Kiều” lần thứ 3 này. Dự định của công ty là quay trở lại với nhiều dự án cũ, làm mới mình, con người đổi mới, cách truyền tải thông điệp đổi mới và âm nhạc cũng cần phải đổi mới”

Anh kể: “Hôm qua, khi chúng tôi làm việc với trường đại học sư phạm có xấp xỉ 23.000 sinh viên. Chúng tôi nhận thấy, đó chính là thế hệ tương lai của Việt Nam, khán giả trẻ của nghệ thuật nước nhà. Trong thời đại nhiễu loạn thông tin như  bây giờ, nghệ thuật chân chính phải toát lên được những gì điển hình và bất hủ nhất. “Múa Kiều” là một trong số đó. Mỗi năm là một sự thay đổi của “Múa Kiều”, nghệ thuật của chúng tôi không gói gọn trong “Múa Kiều” lần thứ 3 này. Dự định của công ty là quay trở lại với nhiều dự án cũ, làm mới mình, con người đổi mới, cách truyền tải thông điệp đổi mới và âm nhạc cũng cần phải đổi mới”.

Bài: TRANG PS | Ảnh: PHÚC HẢI


 
Back to top