Nghệ thuật

Chiêm nghiệm “Thoát xác” giữa đại dịch

May 02, 2020 | By Nguyen Huu Hon

“Hãy như vách đá cứ bị các cơn sóng đánh vào. Nó đứng yên và sự dữ dội của biển cả lặng xuống quanh nó.” – Marcus Aurelius [1]

Nguyễn Đình Đăng, Thoát xác, 2019, sơn dầu trên canvas, 65.2 x 80.3 cm

Trong khung cảnh tang thương của đại dịch ở Ý, sau khi nhìn thấy hàng dài vô tận xe tải quân sự chở quan tài, nhạc sỹ Roby Facchinetti (sinh năm 1944, Bergamo) đã biến nỗi đau và sự giận dữ của mình thành một khúc nhạc bi tráng trên phím đàn piano. Cùng với ca từ lạc quan được viết bởi ca sỹ Stefano D’Orazio (sinh năm 1948, Rome), bài hát Rinascerò, Rinascerai ra đời, như một sự tri ân và nguồn động lực tinh thần dành tặng người dân Bergamo [2] cũng như tất cả những ai đang chiến đấu với coronavirus đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Điệp khúc “Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh” làm tôi liên tưởng đến tác phẩm Thoát xác (2019) của họa sỹ Nguyễn Đình Đăng (sinh năm 1958, Hà Nội). Thoát xác mô tả một cô gái đang rũ bỏ thân xác tôm hùm giữa cảnh tan hoang trong một khoảng thời gian và không gian vô định. Bức tranh siêu thực đem đến những suy ngẫm về một đại dịch có thực, về nỗi đau khổ, sự tái sinh và niềm hy vọng. Sức lôi cuốn của Thoát xác không chỉ nằm ở sự đa tầng ý nghĩa mà còn ở vẻ thanh thoát trác tuyệt mang tinh thần karumi.

“Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh”

Nỗi đau được tiên đoán trước

Chi tiết bích họa Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng do Trần Đan Vy chụp qua kính loupe phóng to gấp 3.5 lần

Nỗi bi ai trong Thoát xác thâm trầm và tiềm ẩn. Bức tranh không tả cảnh chết chóc nhưng hình ảnh thành phố đang cháy ở bên phải cho thấy thảm kịch xảy ra ở nơi có người sinh sống. Khói đen bốc lên nghi ngút không có dấu hiệu dừng lại. Ở phía bên trái, bức bích họa (fresco) Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng bị hư hại đến nỗi không còn nhìn thấy Chúa Hài Đồng; người gỗ thì bị bỏ lại trơ trọi bên bức tường đổ nát. Người gỗ ngồi đó với dáng vẻ nhẫn nhục như thể đang chờ ai đó đem đến cho mình một linh hồn để được tái sinh làm người. Hậu cảnh bí ẩn và thê lương làm dấy lên một cảm giác buồn bã và tâm trạng bất an mơ hồ.

Chi tiết thành phố đang cháy

Một tháng sau khi Thoát xác được láng lớp cuối vào ngày 28/07/2019, một số vụ hỏa hoạn đã diễn ra tại Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Các sự kiện được tóm tắt như sau: ngày 28/08, cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội); ngày 28/09, cháy hội trường Cung Văn hóa Lao Động Hữu Nghị Việt – Xô (Hà Nội); ngày 28/10, cháy khu đồi Getty (Los Angeles) và ngày 31/10, cháy thành Shuri (Naha). Đây không phải lần đầu những dự cảm về thảm họa trong tranh của Nguyễn Đình Đăng trở thành hiện thực – hai bức tranh Mona Lisa xứ Romania (2011) và Vòi rồng (2013) đã từng tiên đoán đúng về các trận động đất, sóng thần và lốc xoáy vòi rồng ở Nhật Bản. [3]

Chi tiết con chuột chui bánh mì

Bi kịch không chỉ đến từ hỏa hoạn mà còn một hiểm họa khôn lường là loài chuột. Hình tượng chuột trong nghệ thuật không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Nhưng rốt cuộc thì loài chuột vẫn hay làm người ta nhớ đến sự phá hoại và bệnh truyền nhiễm, nhất là khi chúng ăn vụng hoặc chui ra từ cống. Con chuột tham lam rúc vào ổ bánh mì ở góc phải bức tranh có vẻ gì đó khôi hài. Lồ lộ giữa ánh sáng, con chuột đang tự “cách ly” này không đáng lo ngại. Thứ mà người xem dễ dàng bỏ qua là con chuột bé xíu ẩn mình trong bóng tối nơi miệng cống. Nó có thể là báo hiệu của tử thần, mang trong mình mầm mống bệnh dịch mà không ai biết. Vậy Thoát xác cũng có thể là lời tiên tri về dịch bệnh.

Chi tiết chuột ở miệng cống do Trần Đan Vy chụp qua kính loupe phóng to gấp 3.5 lần

Khoảng sáu tháng sau khi bức tranh được hoàn thiện, thế giới bắt đầu bấn loạn vì đại dịch đến từ Vũ Hán. Khi xem tranh trong bối cảnh này, những nỗi đau vô ngôn trở nên cụ thể. Bức bích họa gợi nhớ hình Đức Mẹ Đồng Trinh treo trên đầu giường trong phòng ngủ của những người nhiễm bệnh nặng ở Bergamo. [4] Người gỗ cô đơn thì như những người yếu thế, vô gia cư không nơi nương tựa trên khắp thế giới. Khi đại dịch kết thúc, liệu những người gỗ bất hạnh có bị lãng quên và những con chuột xấu xa có bị tiêu diệt tận gốc? Ngọn lửa bùng cháy như tượng trưng cho sự đau khổ và giận dữ của nhân loại.

Chim ong: biểu tượng của tái sinh và hy vọng

Nổi bật giữa khung cảnh bi thương là thiếu nữ khỏa thân đang vươn người lên trong khi thân dưới vẫn dính với vỏ tôm hùm khổng lồ – khoảnh khắc này được diễn tả từ đằng sau. Phụ nữ nhìn từ sau lưng là chủ đề quen thuộc trong tranh của Nguyễn Đình Đăng, từng xuất hiện trong các bức Biến thái (2008), “Hãy yêu tôi, Amami!” (2012) và Trở về Surriento (2017). Sự bí ẩn mời gọi người xem thả hồn theo nhân vật bằng cảm xúc của riêng mình. Như con bướm chui ra từ kén, cô gái đang tái sinh, hóa kiếp tôm hùm lên làm người. Những ai đang trải qua đau thương và mong muốn tinh thần được tái sinh như trong lời bài hát Rinascerò, Rinascerai có lẽ sẽ đồng cảm với cô gái. Hai càng tôm bị dây đỏ buộc chặt ám chỉ sự kìm kẹp, bất lực và những gánh nặng mà con người cần phải thoát khỏi để làm mới bản thân, vượt lên chính mình.

Chi tiết cô gái

Bàn tay trái cô gái hướng về phía chim ong, loài chim nhỏ đến từ Châu Mỹ đóng vai trò quan trọng trong các nền văn hóa Mỹ La-tinh. Trong tôn giáo Aztec, chim ong đại diện cho thần Mặt trời và Chiến tranh Huitzilopochtli, vị thần dẫn dắt người Aztec di cư đến Valley of Mexico xa xôi. Họ tin rằng các chiến binh đã khuất được đầu thai thành chim ong. [5] Chúng được coi là biểu tượng của sự tái sinh và còn được dùng trong bùa yêu. [6] Vào năm 1940, chim ong truyền cảm hứng cho Frida Kahlo [7] trong bức Chân Dung Tự Họa với Vòng Cổ Gai và Chim Ong. Con chim màu đen đã chết là hình ảnh ẩn dụ của chính họa sỹ và có thể tượng trưng cho tình yêu, lòng can đảm, lời tiên tri và phép thuật. [8]

Chi tiết chim ong

Sự thần bí của chim ong đem lại những ý nghĩa sâu xa cho Thoát xác. Chim ong có thể hiểu là niềm hy vọng và sự chỉ dẫn của cô gái, là biểu tượng của lòng can đảm và tình yêu giúp con người vượt qua biến cố. Màu trắng và lục nhạt cho thấy đây là con cái, vậy đây cũng có thể là hiện thân của linh hồn cô. Trạng thái bay lơ lửng của con chim khiến người xem tự hỏi không biết liệu cô có chạm vào được linh hồn của chính mình để hoàn thiện quá trình tái sinh. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra vì chim ong có khả năng bay tại chỗ, chuyển hướng bay dễ dàng và là loài chim duy nhất biết bay lùi. Hình ảnh cô gái vươn lên để chạm vào chim ong ẩn dụ cho việc con người sẽ luôn hy vọng dù có mong manh.

“Cao ngộ quy tục” cùng cảm thức karumi

Sự xuất hiện của chim ong tinh nhanh giữa bầu không khí nặng nề đem đến một cảm giác nhẹ nhõm, giải tỏa căng thẳng cho viễn cảnh ngày tận thế. Một hình ảnh tương tự từng được Dazai Osamu [9] mô tả trong Chiếc hộp Pandora để giải thích về karumi (nhẹ nhàng, thanh thoát): “Đó là một luồng gió ào tới sau những nỗ lực hết mình và mồ hôi túa ra đầm đìa. Đó là một chú chim được sinh ra từ bầu không khí bức bối sau cuộc đại loạn của thế giới, và nó nhẹ bẫng đến nỗi đôi cánh như trong suốt.” [10] Karumi là cảm thức mỹ học trong thơ haiku được Matsuo Basho [11] đề cao vào những năm cuối đời và cũng là yếu tố quan trọng trong hội họa Nhật Bản. Năm 1690, họa sỹ cùng thời với Basho là Tosa Mitsuoki đã tuyên bố rằng hội họa không cần gì ngoài một chữ Hán “kei” (có nghĩa là “nhẹ nhàng”). [12] Karumi hướng tới cách sống ung dung, tự tại, tao nhã, nhẹ nhàng, gạt bỏ cái tôi để giảm bớt nỗi buồn, cô đơn và tuyệt vọng. [13]

Về mặt hình thức, karumi được bộc lộ qua đường nét và bố cục thanh thoát làm dung hòa các cặp động-tĩnh, trong-đục, nặng-nhẹ và nhu-cương. Bên cạnh ngọn lửa dữ dội là mặt nước êm ả. Bên dưới là cốc nước long lanh tinh khiết thì bên trên là làn khói u ám mù mịt. Thân xác tôm hùm to nặng thì bù lại có chim ong nhỏ nhắn. Ấn tượng hơn cả là cơ thể mềm mại uyển chuyển đầy sức sống của cô gái đối lập với vỏ tôm hùm cứng và người gỗ bất động ở đằng xa. Sự tương phản làm tôn lên vẻ tự nhiên, linh hoạt, bay bổng của các sự vật nhẹ, tạo nên bố cục bất đối xứng mà vẫn hài hòa.

Chi tiết cốc nước

Một đặc điểm khác của karumi là tính hài hước, qua đó thể hiện thái độ bình thản, vô tư lự của thi nhân trước mọi sự trên đời. [14] Chuột là hình ảnh dí dỏm nhất trong Thoát xác. Ngoài con chuột chui bánh mì để lộ mỗi bàn tọa còn có con chuột lấp ló dưới cống với vẻ rón rén. Việc phát hiện ra những con chuột này có thể khiến người xem mỉm cười thích thú. Nhờ các chi tiết hóm hỉnh mà nỗi buồn trong Thoát xác không đến mức bi lụy não nề.

Karumi được dùng để đạt tới lý tưởng kogo-kizoku, tức “cao ngộ quy tục” (ngộ với thanh cao, về với thế tục). [15] Chỉ khi tâm hồn thanh thản mới có thể nhìn thấu vẻ đẹp của những sự vật thường ngày như người gỗ, cốc nước hay bánh mì, và để chắt lọc cái tinh tuý của cuộc sống thì còn cần bàn tay điêu luyện và tâm trí cao quý. Cốc nước thuỷ tinh chẳng hạn, hơi nghiêng để phản chiếu ánh sáng huyền diệu như những vì sao trong một đêm trăng sáng tỏ. Hài hước, giản dị nhưng không kém phần tinh tế, thanh cao chính là cảm thức karumi.

Vẻ đẹp thanh thoát và tinh thần an nhiên của karumi trong Thoát xác khiến đây là tác phẩm thích hợp để chiêm nghiệm giữa đại dịch – sâu sắc mà không trầm trọng hóa nỗi đau buồn. Giống như nụ cười vĩnh cửu của nàng Mona Lisa xứ Romani và bậc thầy không ngừng vẽ trong Vòi rồng, cô gái thoát xác lột tả sức mạnh nội tâm của con người trong cơn hoạn nạn. Hy vọng hay tuyệt vọng, được tái sinh hay không, thì có lẽ cần hơn cả vẫn là một tâm hồn bình yên thanh thoát như chú chim nhẹ bẫng sinh ra từ đại họa. Thưởng thức nghệ thuật chân chính cũng là “cao ngộ quy tục”, thanh lọc tâm hồn để đối mặt với thực tại một cách nhẹ nhàng hơn.

Chùm thơ haiku của Trần Đan Vy lấy cảm hứng từ Thoát xác:

Thành phố cháy

khói đen nghi ngút

cốc nước lung linh.

 

Chuột sa bánh mì

lộ mỗi bàn tọa

chuột dưới cống, đố tìm!

 

Người gỗ im lìm

bên bức tường đổ nát

chờ ai mang linh hồn đến?

 

Thanh tân làn da muốt

thoát xác tôm hùm chạm chim ong

thả hồn vào thanh không.

Hà Nội, 25/04/2020 I

Bài: Trần Đan Vy

Chú thích

[1] Marcus Aurelius (121–180), hoàng đế La Mã từ năm 161 đến 180, triết gia theo Chủ nghĩa Khắc kỷ. Nguyên văn trích dẫn trong tác phẩm Suy tưởng (Meditations) của Marcus Aurelius dịch bởi Gregory Hays (trang 129): “To be like the rock that the waves keep crashing over. It stands unmoved and the raging of the sea falls still around it.”
[2] Thành phố Bergamo thuộc vùng Lombardy là tâm dịch virus Vũ Hán tại Ý.
[3] Nguyễn Đình Đăng, “Đông và Tây Trong Tôi,” December 14, 2013
[4] Xem những bức ảnh xúc động về tình hình dịch bệnh ở Bergamo trong bài báo của Jason Horowitz, “We Take the Dead From Morning Till Night,” The New York Times, March 27, 2020
[5] The Editors of Encyclopaedia Britannica, “Huitzilopochtli,” Encyclopædia Britannica, May 27, 2019
[6] Melissa Flagg, “Hummingbird Facts and Symbolism,” Owlcation, June 1, 2017
[7] Frida Kahlo (1907–1954), họa sỹ Mexico, nổi tiếng với các chân dung tự họa màu sắc lấy cảm hứng từ nghệ thuật nguyên thuỷ và văn hóa bản xứ, thể hiện các chủ đề về giới tính, nỗi đau và cái chết.
[8] Udall, Sharyn R. “Frida Kahlo’s Mexican Body: History, Identity, and Artistic Aspiration.” Woman’s Art Journal 24, no. 2 (2003): 12
[9] Dazai Osamu (1909–1948), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ 20, được biết đến với các tác phẩm hiện đại kinh điển như Tà dương Thất lạc cõi người.
[10] Dazai Osamu, Chiếc Hộp Pandora, dịch bởi Đỗ Hương Giang (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), trang 175.
[11] Matsuo Basho (1644–1694), thi sĩ lỗi lạc thời Edo ở Nhật Bản, bậc thầy vĩ đại về thơ haiku (thể thơ 17 âm tiết, chia làm ba dòng, mỗi dòng lần lượt có 5, 7, 5 âm tiết, thường tả cảnh thiên nhiên).
[13] Nguyễn Vũ Quỳnh Như, “Matsuo Basho: Nhà Khai Sáng Thơ Haiku,” Nghiên cứu Nhật Bản, March 19, 2018
[14] Takiguchi, “Karumi”
[15] Nhật Chiêu, “Nhẹ Nhàng Haiku,” Khoa Văn học, July 7, 2016


 
Back to top