ART & CULTURE

Điêu khắc siêu thực của “Hùng Kiến”

Sep 06, 2022 | By Art Republik

Những con kiến khổng lồ bằng sắt là nhân vật chính trong “Hùng Kiến”, triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Mạnh Hùng, diễn ra vào ngày 22/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Các tác phẩm sắp đặt siêu thực gây hiệu ứng thị giác mạnh, đem đến sự thích thú đối với công chúng.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Kiên trì với chủ đề và vật liệu

Khoảng 30 tác phẩm kích thước lớn được sắp đặt trong không gian của hai phòng triển lãm. Bộ tác phẩm về kiến lần này là sự tiếp tục của tác phẩm “Phận kiến” năm 2019 của Nguyễn Mạnh Hùng trong triển lãm nhóm với chủ đề “Côn trùng”, diễn ra tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), thuộc Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Chủ đề kiến được anh nghiên cứu và khai thác khoảng từ năm 2013. Tuy nhiên, phải đến triển lãm cá nhân đầu tiên này, công chúng mới thực sự được chứng kiến quá trình lao động và sáng tạo của nghệ sĩ. Hơn 30 tác phẩm trong triển lãm được lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm của anh về loài kiến.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Đối với Hùng, kiến hấp dẫn bởi cấu tạo cơ thể đặc trưng của chúng. Còn về ý nghĩa: “hình ảnh của kiến làm người ta nghĩ về hoàn cảnh của con người giữa đời sống hiện đại, với hàng trăm gánh nặng trên vai nhưng luôn phải cố gắng vượt qua”. Hay ở một tự sự khác, anh viết: “Phận người cũng như phận Kiến đều tận hiến cho lý tưởng và trách nhiệm của mình trước những biến động của cuộc sống”. Bởi thế, Hùng dựng nên xã hội loài kiến gồm có kiến thợ, kiến chúa, và cả xác kiến chết, để làm sống động thêm công cuộc lao động và tận hiến của tổ chức xã hội loài kiến. Nhìn khối lượng kiến sắt mà Hùng miệt mài tạo ra trong nhiều năm, đã thấy sự chăm chỉ của nhà điêu khắc và sự theo đuổi bền bỉ của anh với một chủ đề. Đây cũng là cách mà nhiều tác giả khác ở Việt Nam và trên thế giới đang làm để đào sâu tư duy ở nhiều khía cạnh, từ tạo hình đến ý nghĩa ở đối tượng nghệ thuật.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Kiến của Hùng được làm bằng sắt, đen nhánh. Từ con nhỏ đến con to đều được làm theo phương pháp làm chảy từng đoạn sắt để ghép tạo khối. Nhờ kỹ thuật nung và ghép sắt mà thân hình kiến xù xì nhưng sinh động, lấp lánh khi bề mặt sắt phản quang dưới đèn rọi. Hùng thích làm việc với kim loại, đặc biệt với sắt. Anh đã theo đuổi chất liệu này nhiều năm. Trong một bài phỏng vấn anh nói: “kim loại mang loài người từ sự tối tăm đến văn minh”. Đặc tính của sắt nặng, cứng, nhưng nhờ kỹ thuật làm nóng chảy để ghép các thanh sắt, anh có thể chủ yếu làm bằng tay. Các tác phẩm kiến bằng chất liệu sắt thô sơ của Hùng đem đến cảm giác giản dị, chân thật. Ngoài sắt, anh còn tạo hình bề ngoài các tổ kiến bằng bao bố – vật liệu còn thô sơ hơn. Để đảm bảo độ bền, Hùng phủ composite và sơn lên bao bố cho cứng đanh như lớp nhựa đường, để tác phẩm có thể chịu được thời tiết. Những khối tổ lớn được tạo hình một cách chân thực, đôi khi còn thấy cả tổ tò vò thật mà tác giả đặt vào.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Những tác phẩm có thể tương tác

Các con kiến của Hùng, con nhỏ nhất cao chừng 30cm, con to nhất cao tới vài mét. Những con nhỏ được sắp đặt bò khắp mảng tường hay rải rác men theo chân tường. Với các tư thế khác nhau, những con kiến to được phân bố dàn trải khắp không gian triển lãm. Đấy là cách sắp xếp của Hùng trong triển lãm này. Với những con kiến tha mồi khổng lồ mà anh đã tạo ra, có thể sẽ có rất nhiều cách tổ hợp để tạo nên các sắp đặt đồ sộ hơn nữa. Và nếu được mang ra ngoài thiên nhiên, với kích thước lớn hơn nữa, thì sắp đặt kiến của Hùng sẽ còn tạo được nhiều sự ngạc nhiên, thú vị về thị giác cho công chúng.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Trong thời gian triển lãm, lượng khách đến rất đông. Một phần không nhỏ là các gia đình có trẻ nhỏ. Có em bé còn muốn ngồi lên con kiến dưới sự giám sát của bố mẹ, và tác giả đã cho phép. Với những tác phẩm điêu khắc đương đại ngày nay, việc tương tác giữa khán giả và tác phẩm đã không còn xa lạ. Những tác phẩm như thế thường được chủ ý tạo ra trong ý nghĩa gắn với tương tác xã hội. Đó có thể là những tác phẩm điêu khắc ý niệm được trưng bày trong triển lãm và chào mời khán giả trải nghiệm. Một cách dễ hiểu và phổ biến hơn, các tác phẩm điêu khắc công cộng có khi chỉ là sự kết hợp tinh tế và ý vị trong tạo hình điêu khắc với không gian có sẵn. Ở trường hợp này, có lẽ cũng không phải là chủ ý có sẵn của tác giả, nhưng bản thân chủ đề và cách tác giả sáng tạo cùng vật liệu đã khiến những tác phẩm của anh phù hợp với chức năng cộng đồng.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Từ suy tư về đời sống, Hùng mượn loài kiến làm đối tượng của nghệ thuật để nói về con người. Từ vật liệu mà anh thấy phù hợp, cách tạo hình giản dị đi thẳng vào đối tượng, cùng với sự miệt mài trong lao động nghệ thuật, người quan sát không khó để nhận diện một cá tính nghệ thuật qua tác phẩm. Hơn nữa, những con kiến siêu thực này đang kích thích người xem và có thể là chính tác giả, để mở ra nhiều hướng phát triển cho những tác phẩm điêu khắc về thiên nhiên, với nhiều hơn nữa sự suy tư về tạo hình và ý niệm cho cộng đồng.

Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm trong triển lãm “Hùng Kiến” (2022), sắt, bao bố, composite, sơn. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Trần Thu Huyền


 
Back to top