ART & LIFE

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Người khoác tấm áo mới cho tranh dân gian

Dec 04, 2023 | By LUXUO

Cắt, dán, xếp lớp và đi ngược lại với những mặc định truyền thống, những tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Tâm luôn trở thành chủ đề bàn tán của giới nghệ thuật ngay từ khi ra mắt. Nhưng với anh, đó mới chỉ là những bước khởi đầu của điều mà anh gọi là “tranh dân gian đương đại”.

Vì sao và từ khi nào anh lại hướng tới chất liệu dân gian truyền thống để đưa nó vào tác phẩm?

Tôi sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ ven sông Hồng, nơi người ta làm đồ thủ công, cấy lúa là chủ yếu. Đời sống dân dã ở đây sản sinh ra rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như tuồng, chèo, quan họ, múa rối nước, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống. Những chi tiết đời sống, những tâm lý không được giải tỏa sẽ được đưa vào các hình thức nghệ thuật ấy, để tạo nên văn hóa tinh thần. Ngày bé, quanh nhà tôi đã có tranh dân gian, khi lớn lên, tôi tiếp tục có dịp tiếp xúc với những nơi có đời sống văn hóa và người làm văn hóa truyền thống. Từ đó, tôi trăn trở về cái còn, cái mất của nét đẹp văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ mình phải nói tiếng nói của văn hóa truyền thống để mọi người suy nghĩ về nó, thấy được cái đẹp trong đó, nhưng phải truyền tải vào nghệ thuật đương đại thì góc nhìn của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, mới trở nên thú vị hơn.

Khi đưa ra bộ tranh đầu tiên là “Mona Lisa”, tôi đã đưa hình ảnh của chú Tễu và cô tiên hay các nhân vật khác trong múa rối vào những khung cảnh đương đại, như tất cả đang ngồi trên chiếc xe ba gác đi vào thành phố. Tất cả những điều đó khi được đưa vào triển lãm năm 2010 đã gây tiếng vang rất lớn, được nhiều nhà sưu tầm trong và ngoài nước tìm mua. Đó là bước đầu khá thành công trong việc tôi khai thác những yếu tố văn hóa dân gian. Tôi cũng đã thể nghiệm tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ ngay từ lúc đó nhưng có lẽ vì tuổi còn trẻ, trải nghiệm còn non nớt nên phải tạm thời gác lại. 

Đến series tranh tiếp theo, “Những kẻ điên” thực hiện từ năm 2010 đến 2017, tôi thể hiện lại giai đoạn khi người trẻ Việt Nam đón nhận những lối sống mới quá nhanh và nồng nhiệt dẫn đến một sự mất định hướng trong văn hóa. Tôi muốn phản ánh trực diện bằng tranh để tác động ngược lại rằng chúng ta phải nhìn nhận thực trạng xã hội Việt Nam, giới trẻ Việt Nam.

Tôi rất mừng khi thấy qua quá trình phát triển các bộ tranh khác nhau, tôi đã đúc rút được những kỹ thuật và kinh nghiệm cần thiết để hoàn thiện bộ tranh “Nothing Behind” (Không có gì ở đằng sau) từ năm 2017 đến 2020. Về kỹ thuật, những bộ tranh sơn dầu trước đó đã cho tôi khả năng để xử lý sơn dầu trên “Nothing Behind”. Về nội dung, tôi thấy mình đã đủ suy tư cho một đề tài như vậy. “Nothing Behind” được đúc rút qua những trải nghiệm cuộc sống, từ khi còn trẻ đến khi trải qua nhiều biến cố để đủ độ “chín” và biến nó thành tác phẩm.

Anh có nghĩ rằng việc theo đuổi dòng tranh dân gian đương đại đã mang đến cho anh lợi thế rất lớn trong việc thu hút sự chú ý của các nhà sưu tầm ngoài nước không? Vì đối với họ, chất liệu văn hóa Á Đông vẫn còn là điều gì đó rất hấp dẫn, thú vị và có phần bí ẩn nữa?

Bản thân châu Á là nơi có nền nghệ thuật rực rỡ, đặc biệt là tranh cổ. Có những bậc thầy hội họa Trung Quốc từng vẽ nên những bức tranh về thiên đàng và địa ngục đạt đến cảnh giới không thua gì các bậc thầy châu Âu. Trong những năm gần đây, tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, có một lớp nghệ sĩ đang phát triển rất mạnh và được thế giới đón nhận nồng nhiệt. Họ thấy thú vị vì những văn hóa và nghệ thuật truyền thống, tuy đã được thể hiện rõ rệt trong đời sống hay nghiên cứu, nhưng khi được phát triển lên thành nghệ thuật lại có một vẻ đẹp khác, thú vị hơn và mang tính phổ quát hơn. Đó là một trong những tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật châu Á, vì vốn dĩ chúng ta đã đi sau nghệ thuật của châu Âu nhiều trăm năm.

Tuy nhiên, không phải vì nhìn thấy điều đấy mà tôi theo đuổi nghệ thuật dân gian. Tôi chọn định hướng này ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, còn chưa hiểu nhiều về thị trường nghệ thuật thế giới. Nhưng trong quá trình làm nghệ thuật và tiếp xúc, tìm hiểu qua các triển lãm, hội chợ nghệ thuật, tôi mới nhận ra rằng suy nghĩ này của tôi đã đúng.

Vốn dĩ chúng ta (nghệ thuật của châu Á) đã đi sau nghệ thuật của châu Âu nhiều trăm năm.

Việc theo đuổi dòng tranh dân gian vừa có thể mang đến cho anh nhiều lợi thế, khi gần như tách hẳn anh ra khỏi lớp nghệ sĩ đương đại, nhưng cũng có thể mang đến nhiều tranh cãi, vì nói đi cũng phải nói lại, văn hóa truyền thống vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Đơn cử như những ồn ào xoay quanh triển lãm “Nothing Behind” của anh chẳng hạn.

Cuộc triển lãm này được rất nhiều người trong ngành đón nhận. Tuy nhiên, cũng có một số bộ phận lại tỏ thái độ phản đối rất quyết liệt, xem tôi như “tội đồ” trong nghệ thuật dân gian và nghệ thuật tín ngưỡng. Sau đó, tôi đã đưa ra lời giải thích công khai rằng văn hóa nghệ thuật dân gian có các dòng tranh khác nhau. Vào thời điểm Trường Mỹ thuật Đông Dương vẫn chưa được mở ra, người ta chủ yếu dùng tranh in khắc và tranh Đông Hồ để trang trí trong nhà hoặc vào những dịp Tết. Giới nhà giàu Hà Thành lại ưa chuộng những bức tranh Hàng Trống được vẽ lại với phong cách rực rỡ, sắc nét hơn. Những bức tranh này hay được dán trên cửa hay cổng nhà, tượng trưng cho ngũ hành, trong tâm linh được xem như để trấn trạch, trừ tà ma. Sau này, khi người ta bắt đầu chú ý hơn đến việc thờ cúng linh vật hơn, nhất là sự nổi lên của tín ngưỡng hầu đồng, tranh ông tướng cầm đao hay con hổ uy nghiêm mới được đưa vào để thờ (thờ ông Ba mươi). Từ đó, họ quy vào đây là tranh thờ, nhưng đối với tôi, đây không phải là tranh thờ ngay từ đầu. 

Bên cạnh đó là những dòng tranh dành riêng cho lễ cúng bái, thờ phụng, thường là tranh Đạo Mẫu. Nhóm người quy chụp tôi làm những bức tranh về tình yêu, tình dục làm vấy bẩn tranh thờ có lẽ đã nhầm lẫn giữa hai dòng tranh này. Trên thực tế, tôi luôn luôn tôn trọng dòng tranh thờ và cố gắng tránh trong khi thực hiện các đề tài của mình.

Nhìn chung, tranh cãi trong nghệ thuật là điều không tránh khỏi, kể cả với những nghệ sĩ lớn, vì sẽ có rất nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Âu đó cũng là điều tốt, vì khi có phản ứng như thế, nhiều người mới tìm hiểu lại, và nhờ đó thúc đẩy sự yêu thích hay am hiểu văn hóa dân gian lên một tầm cao nữa. Và cũng từ đấy, người ta sẽ tìm hiểu được nét đẹp của Á Đông và văn hóa truyền thống.

Tác phẩm “Vườn Xuân” được ra mắt trong triển lãm “Nothing Behind”

Tranh cãi trong nghệ thuật là điều không tránh khỏi, kể cả với những nghệ sĩ lớn, vì sẽ có rất nhiều luồng tư tưởng khác nhau.

Vì sao anh lại chọn cách kết hợp giữa tranh dân gian và đề tài tình yêu, tình dục?

Trên thực tế, tình yêu và tình dục đã là đề tài của tranh dân gian ngay từ đầu. Các nghệ nhân từ xưa đã gửi gắm rất nhiều hàm ý, từ tình cảm lứa đôi đến đời sống tình dục trong các tác phẩm như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”… Tôi chỉ nhìn nó theo một khía cạnh là để gắn bó và duy trì sự tồn tại của con người đều cần hai yếu tố và tình yêu và tình dục. Đó là một điều đẹp đẽ và cao cả. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của thuần phong mỹ tục và Nho giáo, Đạo giáo, nó lại trở thành điều cấm kỵ. 

Khi làm tranh về hai yếu tố này, tôi muốn lôi kéo sợi chỉ xuyên suốt giữa văn hóa truyền thống, con người xưa với thời đại hiện nay. Đó là câu chuyện lâu đời, nhưng việc đưa lên tranh dân gian một cách mạnh mẽ và trực diện như thế thì có lẽ tôi là người đầu tiên.

Xác định mình là người đầu tiên có nghĩa là anh cũng đã chấp nhận sự khác biệt và gây ra tranh cãi trong dòng tranh của bản thân, có đúng như thế không?

Thực ra, tôi còn muốn làm dữ dội hơn thế nhiều, nhưng lại gặp rào cản về văn hóa. Về đề tài tình yêu – tình dục, nghệ thuật thế giới gần như đã khai thác tuyệt đối, nên những gì tôi làm vẫn chưa thực sự mới mẻ hay gây sốc, thậm chí là thỏa mãn được cá nhân tôi. Là một nghệ sĩ đương đại, tôi thấy điều đó khá bình thường, nhưng trong mắt nhiều người, đó có vẻ là điều khá ghê gớm. Tuy nhiên, tôi luôn muốn thay đổi quan điểm của mọi người. Tôi hy vọng là trong tương lai, khi cái nhìn đã trở nên cởi mở hơn, tôi sẽ có thể trưng bày trọn vẹn những tác phẩm trong series này (Nothing Behind) cho mọi người cùng thưởng lãm.

Về đề tài tình yêu – tình dục, nghệ thuật thế giới gần như đã khai thác tuyệt đối, nên những gì tôi làm vẫn chưa thực sự mới mẻ hay gây sốc, thậm chí là thỏa mãn được cá nhân tôi.

Bên cạnh ý tưởng và cách thể hiện, anh còn có một điều rất mới trong triển lãm “Nothing Behind”, đó là kỹ thuật cắt dán (collage) tranh dân gian vào trong tác phẩm. Vì sao anh lại có ý tưởng này, và sắp tới, anh còn muốn khai thác thêm định dạng tranh nào khác không?

Vấn đề đầu tiên của nghệ thuật đương đại là mình quay về thực hành với chính cái mình muốn. Với việc cắt dán các chất liệu dân gian để đưa vào tranh, tôi muốn yếu tố thủ công phải được đặt lên hàng đầu. Với nhiều người, nghệ nhân dân gian chỉ là những nghệ nhân đơn thuần, cắt dán và làm thủ công cũng chỉ là việc làm thủ công thôi, nhưng tôi lại muốn đẩy tất cả những yếu tố đó thành việc thực hành nghệ thuật mang tính ý niệm của cá nhân nghệ sĩ. Nhân đó, tôi cũng muốn nói với các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này là nếu đã xác định được điều gì tạo nên yếu tố nghệ thuật của tác phẩm, họ phải triệt để tương tác với phần nghệ thuật ấy.

Quay trở lại câu chuyện vì sao tôi thích cắt dán, thì mỗi nghệ sĩ đều có một câu chuyện. Câu chuyện của tôi là từ ngày bé, tôi đã thích cắt ghép hình ảnh từ bích họa để dán lại với nhau. Việc tôi cắt dán trên tác phẩm của mình, nói đơn giản là cũng để tái hiện lại một phần ký ức tuổi thơ. Sắp tới, tôi sẽ có một lô tranh mới cũng có sự cắt dán, nhưng sẽ thiên hơn về yếu tố đồ họa. Hy vọng mọi người sẽ nhìn nhận tôi như một người làm sáng tạo tạo nên những khuynh hướng mới cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung.

Tranh thuộc triển lãm “Nothing Behind”

Trong hai series cũ đã làm nên tên tuổi của anh, “Mona Lisa” và “Những kẻ điên”, tôi rất ấn tượng với những đôi mắt to đầy thảng thốt của các nhân vật trong tranh, cả đàn bà và đàn ông. Vì sao anh lại đặc biệt nhấn nhá vào đôi mắt như thế, và đôi mắt liệu có phải là đặc trưng Á Đông mà anh muốn thể hiện nhất trong những tác phẩm của mình không?

Trước khi vẽ những bức tranh đấy, tôi có giai đoạn làm vệ sĩ phòng trà và quán bar. Tại đây, tôi có dịp nhìn thấy rất nhiều cô gái bước ra với gương mặt trắng bệch sau một đêm trác táng, trên đó, đôi mắt trông vừa mệt mỏi, vừa rạng rỡ, và không có định hướng. Từ tỉnh lẻ lên thành phố, tôi nhìn con mắt theo góc nhìn của một người hoàn toàn lạ lẫm với những xu hướng sống mới của giới trẻ, khi văn hóa truyền thống vẫn còn luôn ám ảnh bên trong. Tôi chọn khai thác yếu tố dân gian từ những nhân vật như vậy.

Trong tranh hay tượng cổ, đôi mắt của người Việt xưa thường rất nhỏ, người ta thường gọi là mắt lá răm, nhưng khi chuyển đổi thành tác phẩm, tôi nhận ra là nếu mình đi ngược với tính truyền thống đó thì mới nhấn mạnh được thực tại của đời sống văn hóa người Việt trẻ. Nó không còn là đôi mắt mơ màng, hiền lành của người Việt xưa nữa, mà là những đôi mắt mở to đầy thảng thốt pha lẫn sự mất định hướng. 

Series “Những kẻ điên” đó cũng chính là series đưa tôi lên tầm một nghệ sĩ khu vực, với những triển lãm được tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đó cũng chỉ phản ánh được một giai đoạn ngắn ngủi, khi Việt Nam vừa được mở cửa và những nét văn hóa khác du nhập. Sau này, tôi đã dừng bộ tranh đó khi cảm thấy mọi thứ đã về được với đúng vị trí của nó, và bắt đầu chuyển sang nói về văn hóa truyền thống nhiều hơn.

Vấn đề đầu tiên của nghệ thuật đương đại là mình quay về thực hành với chính cái mình muốn.

Tác phẩm “Tình yêu thời hiện đại” thuộc bộ tranh “Những kẻ điên”

Bên cạnh những đôi mắt to trong thời kỳ trước, còn nét đẹp Á Đông nào mà anh chú trọng trong những tác phẩm của mình không?

Sau giai đoạn đó, tôi có một thời kỳ vẽ về những cô gái Việt. Vẫn là những đôi mắt to, nhưng đã có những hình bóng truyền thống in trong đấy. Đó cũng là một series thành công với 3 triển lãm, nhưng tôi chưa từng có dịp trưng bày trọn bộ cho người Việt xem.

Còn một series tranh nhỏ nữa tôi cũng chưa từng có dịp cho ra mắt, lấy cảm hứng từ một tác phẩm điện ảnh kinh điển là Thiên nga Đen (Black Swan) để khai thác về thế giới nội tâm của con người. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác là điều khó nắm bắt, và trong bộ tranh đó, tôi muốn nắm bắt tâm lý nội tại của người Việt từ năm 1946, khi bắt đầu thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa đến hiện tại. 

Tác phẩm “Chân dung Những cô gái Việt Nam”

Trong tương lai, anh có dự định khai thác thêm yếu tố nào khác liên quan đến văn hóa Việt Nam truyền thống không?

Có một dự án lớn tôi rất muốn làm nhưng hiện tại chưa có đủ thời gian là khai thác sâu về câu chuyện của con người, như chúng ta từ đâu đến, của cả thế giới và Việt Nam. Tôi nghĩ mình sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng câu chuyện đó. Đó cũng là đề tài chung của văn hóa truyền thống Việt thôi, nhưng tôi sẽ khai thác nhiều về mặt ý niệm, mục đích của tôi là hướng cho người xem thấy đươc những yếu tố văn hóa, nhân chứng lịch sử không nằm ở con người, như hòn đá, gốc cây. Tôi muốn khai thác tất cả những ™nhân chứng lịch sử∫ đó để biến nó thành một tác phẩm đương đại, khá quy mô trong thời gian tới. Tôi hy vọng mình có đủ khả năng để làm được điều đó.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị này! 

Theo L’Officiel Vietnam


 
Back to top