Làm cách nào để thay đổi thế giới dù ta không cố làm việc đó
Làm cách nào để thay đổi thế giới dù ta không cố làm việc đó: Suy ngẫm về Nghệ thuật trình diễn Đương thời. Mấy suy nghĩ của Lee Wen.
[…]
Nghệ thuật Trình diễn: Dịch chuyển quan niệm về Thời đại, Khuôn khổ và Tính độc đáo
Đã có không ít gợi ý về cách định nghĩa nghệ thuật trình diễn; như độ cởi mở trong việc dung nạp các hình thái khác hay khả năng làm nhoè đi quan niệm nhị nguyên phân tách nghệ thuật với đời sống, vốn khởi phát từ những dịch chuyển trong tiêu chuẩn xã hội, gu thẩm mỹ, đồng thời trong cách tri nhận lịch sử hình thành cũng như cảm thụ văn hoá.
Ray Langenbach từng đọc cho tôi nghe một đoạn trong khảo cứu mới-ra-lò về trình diễn của Marvin Carlson, trong đó trình diễn được mô tả như một “dạng thực hành phi khuôn phép, chống lại mọi sự kết luận”[1]. Có lẽ vì nó trùng khớp với thời điểm mà tôi đang loay hoay với những chất vấn và suy tư của riêng mình qua các trình hiện mang tính thể xác, mà tôi thấy tâm đắc với cách mô tả này về nghệ thuật trình diễn.
Lúc đó, tôi hẵng còn trong trạng thái chôn tới ngang bụng, ở vườn sau của ngôi nhà mà tôi sống cùng hai người bạn là nghệ sỹ Jason Lim và Vincent Leow. Tác phẩm này là phần nối tiếp của “Nychthemer” [2] 1 và 2; khi lần đầu tôi đi theo vòng tròn trên một bãi đất trống 24 giờ liên tục từ hoàng hôn ngày 8 tới hoàng hôn ngày 9 tháng 11 năm 1996, và một năm sau đó khi tôi quay lại cùng địa điểm để chôn mình tới bụng ngay tâm đường tròn nọ, suốt 24 giờ từ hoàng hôn ngày 8 tới hoàng hôn ngày 9 tháng 11 năm 1997. Thắc mắc của tôi xoay quanh việc Dương lịch được chấp thuận rộng rãi, kèm theo việc tính thời gian theo vòng 24 giờ như một trong những bước đầu tiên dẫn ta tới cảnh huống toàn cầu hoá ngày hôm nay, đã xoá sổ nhiều hình thái văn hoá độc đáo bắt nguồn từ những ý niệm khác về thời gian cũng như làm lịch.
Một trong những nguyên do chính thôi thúc tôi thực hiện tác phẩm này là sự ngặt nghèo gia tăng trong việc tổ chức nghệ thuật, đặc biệt là trình diễn, ở Singapore. Tôi muốn làm một sự kiện mà không muốn phải kinh qua những giấy tờ hành chính nhiêu khê. Thế nên tôi vẽ tay tờ rơi, photo làm nhiều bản phân phát cho bạn bè, rồi trình diễn ngay tại sân nhà. Tôi không chú trọng lắm việc mình có khán giả hay không, mọi người chủ động đến vào thời gian họ muốn. Suốt quãng 24 giờ đó, tôi phải rất nỗ lực để không ngủ gật, và nó giúp tôi ý thức rằng quan niệm về thời đại, khuôn khổ và tính độc đáo có mối liên quan không thể chối từ với hoạt động mà chúng ta gọi là nghệ thuật. Thứ chúng ta hay đại khái gọi là “tính bối cảnh” có thể được khai triển và phân tích thông qua ba hiện tượng nói trên, để tiệm cận một cách hiểu mạch lạc, khách quan cũng như cách ghi nhận định tính.
Những thay đổi về bản chất, hình thức và mục tiêu trong tạo tác nghệ thuật, đi từ hiện vật cụ thể như tranh hay tượng tới các tác phẩm trình diễn phù du hay những quá trình mang tính ý niệm, đã khơi dậy nhiều cuộc bàn luận, tranh cãi để xác định xem những phương thức thực hành mới kia có được coi là nghệ thuật hay không. Sự bất đồng thường liên quan tới những quan niệm về bản chất (không chỉ là mốc đo lường) của thời đại và ý nghĩa của những khuôn khổ [trong nghệ thuật] mà qua đó đạt đến sự độc đáo và tính thức thời. Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, bất kể ngôn ngữ của nó là trình diễn hay gì khác, khi nó có khả năng can thiệp, gián đoạn hoặc biểu thị theo một phương thức nào đó những thay đổi rốt ráo trong cách tri nhận thời đại, khuôn khổ và tính độc đáo.
[…]
Lee Wen là một nghệ sỹ và nhà tổ chức nghệ thuật ở Singapore. Ông sáng tác với thời gian như một chất liệu và với ngôn ngữ của trình diễn từ 1989. Là một trong những nhân tố hình thành nên nhóm The Artists Village ở Singapore và nhóm nghệ thuật trình diễn quốc tế Black Market, Lee Wen góp phần sáng lập và tổ chức nhiều sự kiện như Liên hoan Future of Imagination và R.I.T.E.S. (Bắt rễ nơi ngôn ngữ phù du). Thông qua đó, ông đã kiến tạo sân chơi, nền tảng hỗ trợ, khám phá thực hành nghệ thuật trình diễn, xây dựng diễn ngôn, hạ tầng và khán giả tại Singapore.
Chú thích
[1] Marvin A. Carlson, Performance: A Critical Introduction (Routledge, 1999), 188 – 189.
[2] “Nychthemer” là tên tác phẩm trình diễn của nghệ sỹ hoạ Lee Wen, nguyên là một từ tiếng Hy Lạp chỉ vòng lặp 24 giờ tạo thành một ngày trong lịch Tây.
Bài: Lee Wen
Chuyển ngữ: Lê Thuận Uyên