Lùi về nguyên sơ… khi xem triển lãm NIỆM của Nguyễn Ngọc Phương
“Tôi vẽ quê hương, con người trên đất nước tôi bằng tất cả tâm thức và lương tri của mình”. – Nguyễn Ngọc Phương
Triển lãm cá nhân “NIỆM” của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Phương đang diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2021 Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Được biết, “Niệm” biểu hiện sự “hướng đạo” riêng của tác giả với 12 bức tranh chỉ đánh số, không đặt tên.
Lùi về nguyên sơ…
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương được biết đến nhiều qua lối vẽ trừu tượng – biểu hiện. Anh hiện là giảng viên tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, họa sĩ tham gia nhiều triển lãm ở Pháp, Nhật, Trung Quốc và là họa sĩ khá có tiếng trong nhóm Đông Nam Á (Asean Art).
Trân Facebook, họa sĩ Yến Năng chia sẻ: “Tôi biết, thời gian qua, Nguyễn Ngọc Phương phải trải qua nhiều khó khăn nhưng anh vẫn hoàn thành một khối lượng lớn tranh sơn mài khổ lớn cho triển lãm này. Dù không được tham gia với tư cách tác giả, tôi thấy triển lãm Niệm như có một phần tôi trong đó. Cảm ơn Nguyễn Ngọc Phương đã một mình hoàn thành NIỆM! Nếu quan niệm giá trị một con người là ở thái độ sống, giá trị nghệ thuật là ở thái độ sáng tạo, thì Nguyễn Ngọc Phương là một người mà tôi đánh giá cao. Mới chỉ xem qua ảnh nên tôi chưa thể nói gì về tranh của anh lần này, hãy đến tận nơi, để cảm nhận NIỆM của anh.”
Trong khi đó, họa sĩ lão thành Lý Trực Sơn (người nổi tiếng với sơn mài và giấy Dó) bình luận: “Trước mặt mỗi họa sĩ là rất nhiều trở ngại. Nghề càng cao trở ngại càng lớn. Với các họa sĩ có khuynh hướng trìu tượng càng thấy rõ điều này.
Dường như càng giỏi, càng điệu luyện càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì họa sĩ càng dễ sa vào lối mòn, tác phẩm của họ càng lẫn vào khuôn mẫu của các họa sĩ tài năng đi trước.
Nguyễn Ngọc Phương ý thức được điều đó. Ông chọn cách vượt qua nan giải ấy bằng cách lùi. Lùi về nguyên sơ đến tận thời điểm người nguyên thủy thể hiện mình trên vách đá, trong hang động, lùi về tận lúc ý thức về nghệ thuật xuất hiện mà khuôn mẫu và định nghĩa về lĩnh vực này chưa có. Đó là cách tránh làm nghệ thuật thứ sinh, chịu sự ảnh hưởng và chi phối cận thời và hiện thời.”
“Để thực hiện được hội họa của mình, Phương chỉ sử dụng đen và trắng. Chỉ có đen và trắng như hai yếu tố Âm và Dương mà khả năng tạo ra phổ định hình và biến hóa hết sức rộng. Xem tranh của Phương, ta thấy ông tập hợp tối đa năng lực nghệ thuật, hợp nhất ý thức với nguồn mạch dồi dào được khai thác bằng trực giác trong cõi vô thức.
Mỗi tác phẩm đều được xây dựng với ý đồ rành mạch nhưng thực hiện thuận với diễn biến tự nhiên, ngẫu nhiên. Cảm hứng sáng tạo không bị gò vào hình mẫu và quy tắc. Dòng cháy ào ạt của những thành tố hội họa được giữ và tạo nhịp bởi sự kiểm soát gián tiếp của cảm giác thẩm mỹ bản năng trời cho về tính trừng mực.
Nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Phương và con người của Nguyễn Ngọc Phương là một. Ông không tìm phong cách mà chỉ trình bầy những gì mình là mình có, mình trải nghiệm, mình thất vọng, hy vọng, cô độc, quyết liệt và kiêu hãnh, Nguyễn Ngọc Phương đã làm hội họa như vậy” – theo họa sĩ Lý Trực Sơn.