ART & LIFE

Nghệ thuật: Thắp hy vọng giữa những ngày dài u ám (Phần 2)

Feb 04, 2021 | By Luxuo Vietnam

Những hoạ sĩ như Klimt, Burne-Jones, Goerge Watts chứng minh rằng hy vọng không hoàn toàn là một khái niệm tươi sáng. Hầu hết những cảm xúc tích cực của con người đến khi chúng ta cảm thấy an toàn và được thoả mãn. Hy vọng ngược lại.

Trong tâm lý học, hy vọng được coi là một trạng thái xuất hiện khi có khủng hoảng và bắt đầu khơi gợi những sáng tạo mới (theo Barbara Fredrickson). Khi mọi việc xảy đến không được như ta mong muốn, như cơn đại dịch Covid-19. Đó là thời khắc của sự sợ hãi, bất lực và tuyệt vọng. Chính vào thời điểm đo chúng ta bắt đầu mong chờ về một tương lai sẽ tươi sáng hơn. Thật mỉa mai nhưng hy vọng lại nảy sinh trong cơn tuyệt vọng.

Frida Kahlo là một nữ hoạ sĩ tuyệt vọng khi nhắc tới bệnh tật. Bà dành phần lớn thời gian của mình trong bệnh viện, vật lộn với bệnh tật nhiều năm trời sau cuộc tai nạn nghiêm trọng. Và vào thời khắc thất bại của cuộc phẫu thuật diễn ra vào năm 1944, Frida đứng trước một kết cục bi thảm có thể dự đoán trước – cái chết. Bà đã tuyệt vọng, nhưng chúng ta đã thấy niềm hy vọng được sống mãnh liệt trong các tác phẩm của bà.

Tree of Hope, Remain Strong (1946, Frida Kahlo)

Tree of Hope, Remain Strong (1946, Frida Kahlo). Ảnh: Fridakahlo.org

Bức tranh Tree of Hope, Remain Strong được Frida vẽ theo yêu cầu của Eduardo. Bức tranh chi làm hai mảng rõ rệt, một bên sáng với mặt trời và một bên tối với mặt trăng. Chính giữa của bức tranh là hình ảnh hai Frida – cách  tự truyện thường thấy trong các bức tranh của nữ hoạ sĩ. Đó là một Frida với dáng ngồi vẻ mặt đầy mạnh mẽ và tự tin. Bên cạnh là một Frida khác nằm quay lưng vào trong trên giường bệnh, tấm lưng cô có những vết thương đang gỉ máu – ám chỉ sự đau đớn mà người bệnh đang phải chịu đựng.

Nhìn vào bức tranh không khó để cảm nhận được nỗi đau đớn và sự thống khổ mà nữ hoạ sĩ đã phải chịu đựng trong nhiều năm trời. Chúng ta thậm chí nhìn thấy hình ảnh của cái chết đang lẩn vẩn xung quanh bức tranh. Trong thực tế, cô đã muốn vẽ chiếc đầu lâu vào bức tranh nhưng sau đó đã xoá đi do yêu cầu của Eduardo.

Mặc dù trông có vẻ tiêu cực, nhưng bức tranh lại là thông điệp không đầu hàng số phận của Frida. Trên tay cô là chiếc cờ có dòng chữ từ bài hát “Cielito Lindo” – “Tree of Hope, Remain Strong.” Dù nhỏ nhoi, nhưng đó là niềm tin của Frida rằng cô sẽ chiến thắng. Cô là người nắm giữ vận mệnh và trở thành người thắng cuộc.Kể từ sau khi trở về từ cuộc phẫu thuật năm 1954, đối diện với tình trạng sức khoẻ đi xuống, và mặc dù vài năm sau đó cô đã không thể chống cự được căn bệnh. Frida vẫn không ngừng đặt niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật được thể hiện liên tiếp các tác phẩm ở giai đoạn này – Tree of hope, Remain Strong (1946), Broken Column (1944), Without Hope (1945), và The Wounded Deer (1946).

Không chỉ được thấy những mong chờ mang tính cá nhân. Hy vọng cũng là đề tài thường được các hoạ sĩ sử dụng trong bối cảnh xã hội, thường là các hoạt động về nhân quyền. Banksy là một cái tên nổi bật và tích cực nhất trong lĩnh vực này. Người nghệ sĩ đường phố, chưa ai biết mặt nhưng luôn khiến công chúng cảm động bởi những thông điệp kêu gọi bình an cho những hiện thực tối tăm của xã hội.

Girl with Balloon (Banksy, 2002 và 2006)

Bức tranh Girl with Balloon vẽ tại South Bank, London (2002). Ảnh: Bảo tàng Moco

Balloon girl hay, Girl with Balloon là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Banksy. Bức tranh không chỉ thể hiện kĩ thuật phun sơn graffiti đã trở thành biểu tượng khắp thế giới, mà gắn liền tên tuổi người nghệ sĩ như là tiếng nói của những người yếu thế trong xã hội. Các tác phẩm của Banksy đều mang một thông điệp nhất định, phần lớn nói lên các vấn đề như chiến tranh, công bằng sắc tộc, hay công bằng xã hội…

“There is Always Hope” – Sẽ luôn tồn tại hy vọng

Bức tranh cổ động sự cần thiết của niềm hy vọng trong xã hội. Giống như một động lực để chúng ta tiếp tục cuộc sống dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Banksy đã rất thông minh khi vẽ bức tranh trên một bức tường cũ để làm nổi ý tưởng hiện thực ảm đạm. Tình yêu, với biểu tượng là quả bóng bay hình trái tim là nhu cầu cơ bản của con người và phải được nuôi dưỡng. Một cách dễ dàng chúng ta có thể cảm nhận được sự tích cực trong bức tranh của Banksy.

Với thông điệp đó, Banksy đã sử dụng hình ảnh này nhiều lần cho các chiến dịch xã hội. Vào năm 2005 là sự kiện West Bank barrier tại Isareal, 2014 với cuộc khoảng hoảng nhập cư từ Syrie, và 2017 cho cuộc bầu cử của UK. Cô gái nhỏ bé đó đã chu du khắp nơi mang sứ mệnh lan toả niềm hy vọng và tình yêu đến cho mọi người.

Mặc dù sau này bức tranh đã bị huỷ đi một nửa trong phiên đấy giá của Sotheby’s năm 2018, một cú lừa đúng kiểu Banksy. Nhưng điều đó cũng không  làm thuyên giảm đi độ nóng của bức tranh, ngay sau đó tác phẩm mới (đã bị huỷ một nữa), lại được đặt một cái tên mới “Love is in the Bin”.

Mùa xuân của David Hockney (2020)

David Hockney là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất thế kỉ 20 của nước Anh và nổi tiếng là một trong những hoạ sĩ có sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Ở tuổi 83, Hockney hiện đang phải cách ly trong đại dịch nhưng vẫn không ngừng sự lạc quan. Ông tiếp tục sáng tác những bức tranh thiên nhiên được vẽ từ miền quê mà ông đang ở. Thông qua đó muốn gửi chút màu sắc tươi sáng hơn trong hoàn cảnh tăm tối của nhân loại.

“Hãy nhớ rằng họ không thể huỷ đi mùa xuân”

David Hockney, The Big Tree in Autumn (2020).Ảnh: The Art Newspaper

Vào tháng 3 năm ngoái, khi cơn đại dịch đạt tới cao điểm buộc cả thế giới phải cách ly. David Hockney đã gửi một bức tranh vui nhọn về mùa xuân tới mọi người, mang theo thông điệp rất lạc quan “hãy nhớ rằng họ không thể huỷ đi mùa xuân”. Thông qua thử nghiệm mới bằng cách vẽ trên chiếc Ipad của, Hockey thể hiện tài tình khả năng quan sát của mình thông qua những bức tranh vẽ phong cảnh ở Normandy.

Và đến tháng 11 vừa qua, ông một lần nữa gửi đến độc giả những hình ảnh mới – lần này ông đã vẽ nên vẻ đẹp của mùa thu, cùng với đó là lại là một thông điệp đầy hy vọng “Hãy nhớ rằng họ cũng không thể huỷ cả mùa thu” như một phần tiếp nối của mùa xuân.

David Hockney người đã dành cả đời để nhìn về những điều tích cực muốn nhắn nhủ rằng mùa xuân, mùa thu hay những vẻ đẹp thiên nhiên là liều thuốc chữa bệnh cho chúng ta. Hãy nhìn thật kĩ những bông hoa đang nở rộ, những chiếc lá đang chuyển màu, chẳng phải cuộc sống vẫn rất tươi đẹp kể cả đại dịch có xảy đến đấy thôi?

Sự nhắc nhở về thời gian, đặc biệt ở đây Hockney lựa chọn mùa xuân để bắt đầu câu chuyện năm 2020 của mình mà Hockney dự định sẽ kể lại vào năm 2021 trong “David Hockney: The Arrival of Spring, Normandy” sẽ diễn ra tại Royal Academy, London vào mùa xuân này.

Mùa xuân là mùa của hy vọng, đó không phải là niềm tin của con người nữa mà là lời hứa của đất trời, của thiên nhiên rằng mùa xuân sẽ đến và những bông hoa mùa xuân sẽ nở rộ, đem đến sức sống mới. Hockey đã cho chúng ta thấy niềm hy vọng một cách ý nhị đầy tài tình về sự tái sinh của thiên nhiên cũng như sự tái sinh của con người sau đại dịch. “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi” là sự gợi nhắc chúng ta sống tích cực hơn.

Thông qua những ví dụ trên, ta thấy những người hoạ sĩ lựa chọn vẽ nên hy vọng để đáp trả lại những khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ riêng đại dịch Covid-19 ,trong cuộc sống vốn chúng ta đều phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn. Với ai đó là mất đi công việc, với người khác là mất đi ước mơ hoặc chúng ta mất đi một người thân mình yêu quý. Covid-19 dạy cho chúng ta một bài học rằng chúng ta không thể lựa chọn điều sẽ xảy đến với mình.

Nhưng chúng ta luôn có thể lựa chọn hy vọng. Hy vọng thay vì sợ hãi, Những nhà tâm lý học như Barbara lý giải rằng những ước mơ như vậy xuất phát từ niềm tin trong khi con người hy vọng, rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, rằng chúng ta có thể lật ngược tình thế. Dù tệ hại đến nhường nào, dù không chắc chắn về tương lai nhưng tin rằng mọi thứ vẫn có thể trở nên tốt hơn. Hãy hy vọng, vì từ hy vọng chúng ta sẽ có được những cái nhìn tích cực, những cách thức sáng tạo, thậm chí mạnh mẽ hơn bao giờ hết giống như hoạ sĩ David Hockney đã lựa chọn.

Dương Hương


 
Back to top