Sự giải phóng của Trần Hải Minh qua tranh
Làm chủ bút pháp sáng tạo và nhất quán trong cách thể hiện, họa sĩ Trần Hải Minh với con đường biểu hiện nghệ thuật độc đáo, trong khoảng hai năm 2020 – 2021 đã sáng tác hơn 70 bức tranh khổ lớn và nhỏ chất liệu acrylic, sơn dầu trên toan. Triển lãm lần này “trưng bày” những cung bậc cảm xúc, để người xem được nhìn thấy những tác phẩm thăng hoa trong im lặng.
Triển lãm tranh – hội họa trừu tượng biểu hiện của họa sĩ Trần Hải Minh diễn ra từ 11/12 đến 17/12 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Hải Minh được học tập và nghiên cứu phong cách trừu tượng biểu hiện với những bậc thày của hội họa thế giới khi anh là sinh viên tại Berlin. Đã nhiều năm qua, anh cặm cụi làm việc, sáng tạo, thực hành nghệ thuật trong không gian riêng tại M Galery, Thành phố Dĩ An – Bình Dương.
Sự giải phóng của Trần Hải Minh qua tranh
Xem tranh của Trần Hải Minh, rồi chợt nhận ra, cũng lâu lâu rồi mới thấy một họa sĩ Việt cá tính và lập dị như vậy. Không dám nói nội lực của ông là mạnh mẽ, nhưng các tác phẩm để lại những dấu ấn mà tôi không thấy bị trộn lẫn vào đâu, dù chất liệu hay kỹ thuật vẽ dường như cũng không có gì là mới mẻ.
Những bức Trần Hải Minh vẽ, ông nói đó là trừu tượng biểu hiện. Lối sáng tác này bao giờ cũng “đáp ứng” được bản năng thích khám phá và tìm tòi của con người. Chỉ là, giờ đây, diện tích mà người ta khám phá chỉ khoảng hơn một mét vuông, nhưng sự lý thú nằm ở chỗ trong đó là cả một thế giới đầy ẩn dụ. Đó là một thế giới tâm thức, nên không thể nói là rộng hay hẹp. Người xem thỏa mãn được sự khám phá thuộc về bản năng, người vẽ có lẽ lại thỏa mãn được bản năng thể hiện, sáng tạo, và hơn tất cả là sự giải phóng. Nếu chia sẻ về tranh Trần Hải Minh, tôi lại thích dùng ý nghĩa giải phóng này.
Dạo qua 4 khán phòng trưng bày tranh của ông ở Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM, sự phá cách và lập dị của một tâm hồn được thể hiện trọn vẹn lên tranh. Ở đó có sự kiêu hãnh của những nét cọ thẳng dứt khoát hướng lên trên, có sự phá cách ở việc chấm phá màu không theo một trật tự cố định nào, và những dồn nén nội tâm, một lần nữa, được giải phóng qua những gam sắc tương phản, có khi u tối, có khi sáng rực lên một cách đầy khó hiểu.
Nếu thoáng nhìn qua, ta thấy thế giới ấy đầy hỗn loạn. Nếu đặt mình ở các góc khác nhau của căn phòng, và không bó tâm thức mình vào một quan niệm, ta lại thấy biệt tài của Trần Hải Minh nằm ở chỗ tạo ra một thế giới trật tự qua cái hỗn loạn. Đó là lý do vì sao tôi dùng từ ‘giải phóng’ để nói về tâm thức thú vị này. Đó không chỉ là giải phóng về ngòi bút, mà phải xuất phát từ nội tâm đang biết giải phóng.
Tôi có cơ hội trò chuyện với Trần Hải Minh một vài phút trước triển lãm, thấy ông dễ gần, và có lẽ vì người đối diện không đưa ông vào một kết luận nào đó từ trước nên mới cảm thấy thế. Và cũng vì không tạo ra kết luận cho con người này lẫn hội họa của họ từ trước, nên khi bước đến các sáng tác của họ, tôi quan sát một cách trong sáng hơn. Tôi yêu thích những bức tranh dùng một màu với các cấp độ sáng tối khác nhau để tạo ra chiều sâu lẫn chiều rộng, khoảng cách xa và gần. Ấy là một không gian tâm hồn khá lý thú và sâu sắc, nếu không muốn nhấn mạnh rằng đây cũng là gu thẩm mỹ mà tôi đồng điệu.