ART & CULTURE

The Gen Z Issue (Kỳ 9): Lãnh Thanh – Gã “Country Boy” gai góc của màn ảnh Việt

Jul 07, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Sinh năm 1993, chàng trai gốc Thái Bình bước ra từ một gia đình làm nông ôm mộng trở thành tài tử Điện ảnh nổi tiếng. Khởi đầu rất thuận lợi bằng hai dự án điện ảnh ra mắt năm 2019 cùng loạt sự kiện văn hóa nổi bật, nhiều người khó hiểu khi Lãnh Thanh bỗng dưng “biến mất”…

Bước vào tầng thượng nơi chúng tôi có buổi hẹn phỏng vấn, Lãnh Thanh vẫn liến thoắng và hồ hởi như cách đây bốn năm chúng tôi có dịp làm việc cùng nhau. Sau nhiều năm không “nhìn” thấy Lãnh Thanh ở cả ngoài đời lẫn trên màn ảnh, chàng trai này vẫn giữ được sức hút đến từ nụ cười chân chất và cá tính riêng không giấu được của một dân chơi Hip-hop một thời…

Tham gia phim điện ảnh đầu tiên từ 2017-2018 với một vài vai diễn nhỏ, và chỉ sau “Thưa Mẹ Con Đi” – một trong những phim LGBTQ+ “made in Việt Nam” thành công nhất hiện nay, cái tên Lãnh Thanh mới nổi bật và được chú ý. Từ hình tượng chàng mẫu ảnh điển trai, nam tính, trong phút chốc trở thành gương mặt triển vọng của màn ảnh Việt bấy giờ đang rất cần chất nam tính, thô ráp và có phần lạnh lùng của Thanh. Điều thú vị nhất là dù được coi như hình mẫu diễn viên “đàn ông” nhất, Lãnh Thanh không ngại thử các dạng vai từ đồng giới đến đại gia bệnh hoạn… như ngầm khẳng định sự đa dạng về diễn xuất, như thế giới riêng của Văn, của Huy, của Bách… những diễn để lại dấu ấn ít nhiều trong cộng đồng người yêu phim Việt.

“TÔI TỪNG… BỚT TIN ĐỒNG ĐỘI!”

Sau một năm 2019 bùng nổ với hai phim điện ảnh, một phim chiếu trên Netflix, một MV ca nhạc hàng triệu views, có vẻ như Thanh đang chững lại để tìm kiếm một điều gì đó? Hay vì nổi tiếng nhanh chóng khiến bạn mất công chắt lọc trước các dự án mới? 

– Lúc đó, tôi cần thời gian suy nghĩ bước tiếp thế nào, nhiều dự án mời cùng lúc cũng khiến tôi đắn đo vì liệu mình có bỏ lỡ điều gì hay không. Rồi hai năm dịch bệnh, tôi từng bị chấn thương nên buộc phải mổ chân vào cuối 2019, mất mấy tháng trời… Tâm trạng tôi cũng không tốt khi nhận ra mình chưa kịp thành ngôi sao đã bị xuyên tạc, đồn thổi tôi bị thế này thế kia. Tôi cũng thấy rằng có nhiều mối quan hệ tưởng là thân thiết nhưng họ còn chẳng hỏi thăm mình khi ốm đau, thì cũng đành chịu. Thời gian đó, tôi áp lực và buồn bã về nhiều thứ.

Nhưng chẳng lẽ bạn lại dễ dàng bỏ qua các dự án phim trong khi bản thân đang rất cần nó để hâm nóng tên tuổi? 

– Quả thật, từ cuối 2018, tôi đã có công ty quản lý nhưng đấy là một câu chuyện dài. Tôi bắt đầu lên kế hoạch phát triển định hướng bản thân từ trước, và tìm những người phù hợp với mình về tuổi tác, kinh nghiệm… vì nghĩ rằng nó sẽ giúp chúng tôi dễ dàng ngồi lại, nói chuyện. Thời điểm đó tôi có đến 3, 4 đơn vị cá nhân và tổ chức ngỏ lời mời nhưng mình non nớt để hiểu đâu là làm ăn, đâu là bạn hữu. Người ta đơn giản đến với bạn vì họ đánh giá bạn có thể trở thành ngôi sao, thành cái lọ cái chai (cười) và họ quản lý bạn thôi. Không phải ai cũng đáng tin, không phải ai cũng sẵn sàng giúp bạn trên con đường đi mà đơn giản họ chỉ đang khai thác bạn để kiếm tiền.

Sau khi “Chị chị em em” ra mắt và thành công, nó đưa tôi đến một nấc thang mới mà kể cả tôi hay các đồng đội mình khi đó cũng không nhìn ra được hướng đi, khiến cho mọi thứ xung quanh tôi bị “stuck” (kẹt) lại, chưa thông được. Việc không thể xây dựng hình ảnh một người diễn viên đúng đắn, dẫn tới lý do vì sao tôi bỏ mất nhiều cơ hội từ lần này qua lần khác. Tôi bắt đầu bớt tin tưởng, càng làm cho công việc của mình đình trệ. Tôi có suy nghĩ về thời gian “ở ẩn” của mình, và thấy rằng nhiều người họ đánh giá sai cá tính của mình, dẫn đến việc họ không thể hiểu mình. Và thế là, cơ hội tự đến và tự đi.

Bạn giải quyết các khúc mắc của mình và đồng đội thế nào? Kinh nghiệm cho bạn những gì ở hành trình hiện tại và tiếp theo?

– Khi tôi nhận ra giữa bản thân và đồng đội bắt đầu tư duy về cách làm điện ảnh khác nhau, thì tốt nhất là mình nên “tự lực cánh sinh”. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng mình sẽ không bao giờ thỏa hiệp với các nội dung giải trí kiểu như Tiktok, Youtube hay tham gia gameshow. Tôi hoàn toàn không có ác cảm với những kênh giải trí này, nhưng quả thật nó không phù hợp với cá tính và cái mà tôi theo đuổi. Trước đây tôi nghĩ mình có nên xô bồ, ồn ào hơn… nhưng mà càng thử thì càng thấy mình không thuộc về, thôi thì tốt nhất cứ làm cái mình tự tin nhất.

Trong ba năm tương đối vắng bóng trên màn ảnh, Thanh nhận ra mình đang ở đâu trong dòng chảy phát triển, các gương mặt mới dần xuất hiện, cơ hội ngày một bị thu hẹp?

– Tôi đang tập trung vào mọi cơ hội và tận dụng nó tối đa. Tôi cũng là một người lạc quan, thường tôi đặt ra hai góc nhìn về khách quan xã hội và chủ quan cá nhân. Với góc nhìn khách quan xã hội thì thành công là phải nổi tiếng, xuất hiện khắp nơi… nhưng với chủ quan cá nhân thì nếu tồn tại đủ lâu, từ “cổ vật” sẽ trở thành thứ giá trị theo năm tháng. Có thể trong thời điểm này mọi thứ của mình đang chững lại, nhưng nó chưa phải là không ai nhắc tới mình. Tôi có ý nghĩ táo bạo rằng mình càng chìm thật sâu, không ai nhắc tới mình vài năm, rồi mình bất ngờ trở lại chất lượng hơn. Quan trọng là cách làm nghề và suy nghĩ về con đường đi mà thôi.

Hãy kể một chút về quá trình bước ra từ “Autumn Meeting” (Gặp gỡ mùa Thu – Chương trình phát triển tài năng điện ảnh đa lĩnh vực được khởi dựng bởi Phan Đăng Di và ê-kíp, cùng sự tham gia cố vấn, giảng dạy của Đạo diễn nổi tiếng Thế giới gốc Việt – Trần Anh Hùng – PV) nhé, với bạn đó có phải là bước đệm đầu tiên để bạn tìm kiếm những network trong lĩnh vực điện ảnh sau này? 

– Tôi đến với “Autumn Meeting” một cách trong sáng và biết ơn nó vì đã đi khá xa từ 2017 đến nay, mặc dù sau này tôi cảm giác mình là “con ghẻ” vậy (Cười). Ở đây không đơn thuần là học và học, nó giống như môi trường, nuôi dưỡng tâm hồn, để cho bạn được cảm thụ Điện ảnh một cách gần gũi. Bạn có thể chẳng cần phải học, cả ngày chỉ ngồi quan sát mọi người, cũng có thể rút ra được nhiều cảm hứng cho mình.

Bạn nhận xét ra sao về các khóa học tương tự, bạn có nghĩ mình sẽ tham gia học với vai trò khác (ví dụ sản xuất) trong tương lai gần để tích lũy thêm kinh nghiệm?

– Mỗi khoác học hay lớp học hiện nay đều có “màu sắc” riêng, tôi chỉ có thể nói là bạn nên tìm hiểu kỹ xem bản thân muốn gì từ các lớp học này. Bạn muốn trầm tĩnh, cổ điển hay bạn muốn “bung xõa”, khám phá sự tưởng tượng và tính hài hước… hoặc chỉ đơn thuần bạn muốn một nơi có thể thả hồn dạo chơi cả ngày mà chẳng làm gì? Câu trả lời sẽ cho bạn đến nơi mà bạn cần. Về sản xuất phim, tôi chưa nghĩ đến.

Làm việc với những đạo diễn trẻ, phải gọi là có đầu óc cởi mở, tiệm cận thế giới… bản thân bạn học được gì từ hai lần làm việc này (với Trình Định Lê Minh và Kathy Uyên)?

– Trước đó, tôi đã đi học “Autumn Meeting”, và có một chút kiến thức về diễn xuất và làm phim. Với “Thưa mẹ con đi”, vai chính đầu tay, tôi không nghĩ được nhiều, tôi chỉ có nỗi sợ cá nhân về việc người ngoài đánh giá bản thân mình. Bản thân tôi đã biết điều mình muốn gì nhưng cụ thể nó là gì thì vẫn chưa. Việc của mình lúc đó là quan sát, theo dõi cách mà người ta nhìn nhận vật ra sao, có khác với mình hay không, và cách để nhập vai. Ở cả anh Minh và chị Kathy, tôi đều nhìn thấy được hướng mà họ nghĩ về nhân vật, từ đó đưa bản thân mình vào câu chuyện…

“TÔI MỞ LÒNG NHƯNG NHẬN LẠI SỰ TAN VỠ…”

Nhân “Pride Month”(tháng dành cho cộng đồng LGBTQ+), cho tôi hỏi là với đời sống “dài hơi” của “Thưa mẹ con đi”, là người trong cuộc với vai trò diễn viên của phim, bạn có đánh giá thế nào về thành công này?

– Có thể nói “Thưa mẹ con đi” là hiện tượng của dòng phim LGBTQ+ Việt nói chung vì khó có phim nào tồn tại lâu với khán giả như vậy. Phim được mời 1-2 lần thì là may mắn, nhưng nhiều lần thì đó là kỹ năng của ekip sản xuất phim, tất nhiên chất lượng phim cũng phải tốt thì mới duy trì được sự yêu thích. Nhưng đó là kỹ năng tôi luyện của những nhà làm phim, họ có cách kể chuyện tốt, họ có tâm hồn… Khán giả ở Đài, hay một vài quốc gia châu Á họ vẫn yêu thích và bầu chọn phim này trong danh mục các phim LGBTQ+ hàng năm, phim khi chiếu Netflix cũng lọt vào Top 10… Đấy là niềm vui của cả tập thể.

Bạn có phải một người mê xem Netflix không? Với tư duy của bạn, việc hợp thức hóa chiếu phim trên nền tảng trực tuyến (nhiều platform) thay thế dần cho rạp chiếu phim có là điều hợp lý? 

– Tôi có xem Netflix nhưng để nói so sánh và thay đổi thì không, bởi vì phim chiếu rạp không bao giờ là phim chiếu trên Netflix và ngược lại, hai định hướng khác nhau dù là sản phẩm nào thì cũng đầu tư chất xám và phục vụ khán giả. Ai thích phim Netflix, phim chiếu mạng thì họ xem còn ai thích phim chiếu rạp thì họ vẫn sẽ ra rạp để xem, cái gì tồn tại bao đời nay rõ ràng là có lý do của nó, không việc gì phải thay đổi cả. Cũng giống như chén nước và chiếc cốc to, không ai uống bia bằng chén nước mà cũng không ai uống rượu bằng cốc to.

Những lúc bất mãn, “mất lửa” với nghề, Thanh làm gì để lấy lại cảm hứng cho mình?

– Tôi đọc sách, quyển “Bố Già” mà tôi đọc đi đọc lại nó. Trong sách không chỉ đơn giản là câu chuyện về mafia, mà nó đang nói về khó khăn của một con người, sự chịu trách nhiệm trên con đường họ đi. Nếu bạn làm cho bố mẹ, cho gia đình lo lắng thì bạn thất bại rồi. Bạn phải nhìn lại, để xem bản thân đi tiếp như thế nào… Khi nào cần bổ sung năng lượng tinh thần, tôi sẽ đi phượt, gặp người mới, những điều mới để mình không lẩn quẩn trong suy nghĩ cũ.

“TÔI KHÔNG NGẠI GỐC GÁC CHÂN QUÊ CỦA MÌNH!”

Việc xây dựng hình tượng phong trần là chủ đích của bạn? Liệu có ảnh hưởng tới việc hóa thân các dạng vai khác nhau? Chẳng hạn như phản ứng trái chiều từ “Nơi giấc mơ tìm về” và nhân vật quý tử nhưng lại quá già dặn và bụi bặm?

– Thị trường giải trí trong nước có quá ít chất liệu nam tính, tôi cảm nhận được từ trên phim ảnh đến các chương trình giải trí, có quá ít sự nam tính. Mình muốn mang cái nam tính đó để tạo ra khác biệt, để cân bằng. Tôi cũng vạch định là nếu tham gia truyền hình và điện ảnh thì cách mình thể hiện ra sao, nhưng không phải lúc nào đạo diễn có thể nhìn ra tạo hình nhân vật. Họ chỉ quan tâm diễn viên điển trai, diễn tốt và họ cho vào vai… sự trùng lặp là điều dễ hiểu. Việc tạo hình nhân vật trong phim ảnh Việt hầu như chưa được coi trọng. Nhiều đạo diễn hay khuyên diễn viên trải đời hơn nhưng tôi cảm giác vòng tròn đời sống và trải nghiệm của họ thậm chí còn ít hơn cả diễn viên, như vậy thì không thể đổ lỗi cho mỗi diễn viên được!

Nhưng tính cách lạnh lùng, ít cởi mở có đôi khi khiến bạn bị đóng khung cả ngoài đời lẫn trong phim hay không?

– Trước đây thì có thể do bản thân mình quá cứng nhắc, tôi “giữ mình” đến mức khiến những người đối diện e ngại. Tới lúc mình mở lòng, thì các quan hệ tưởng chừng tốt đẹp trước đó lại không trọn vẹn nữa. Biết giãi bày, biết trách ai bây giờ (cười). Ai cũng vậy, sẽ có những phạm trù nhất định trong giao tiếp, tôi thì thường dễ kết nối với những người lao động, trầm tính, có sự từng trải và vươn lên vì mình có thể trò chuyện với họ được. Tôi cho rằng dù là người lao động chân tay hay trí óc thì cũng cần phải có khí chất. Đó là điều thu hút tôi.

Lần đầu tham gia phim truyền hình, lại là phim giờ vàng, bạn có kỳ vọng nào không ngoài việc chứng minh cho gia đình họ hàng về vai trò diễn viên của mình?

– Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn là tham gia bộ phim này để bà tôi, bố mẹ được nhìn thấy con cháu trên màn ảnh, để dòng họ bỏ khái niệm coi thường nghề nghiệp của mình, với tôi vậy là đủ! Có rất nhiều người tôi biết họ đóng phim truyện giờ vàng bao năm nhưng mãi sau này mới nổi tiếng, nên không thể kỳ vọng chỉ dựa vào một vài bộ phim, mà đó là nỗ lực, quá trình và cả may mắn.

Sau “Khi ta hai lăm” đáng quên, bạn kì vọng gì ở các dự án phim điện ảnh và truyền hình dự kiến ra mắt năm nay?

– Ngoài một phim điện ảnh đã đóng máy dự kiến chiếu cuối năm nay mà tôi chưa thể tiết lộ thêm, chỉ biết là vai diễn này… đáng thương cực kỳ (cười), thì còn một phim truyền hình dài 50 tập “Em ước mình cùng bay” của Phan Đăng Di sắp chiếu trên VieON và HTV7, đây cũng là dự án mà tôi yêu thích vì ở nhân vật này tôi được nói hộ tiếng lòng của mình mà ở ngoài đời cũng rất khó nói thành lời (cười). “Em ước mình cùng bay” là phim truyền hình đầu tay tôi quay từ 2021 đến tận 2022 mới hoàn thành.

Thanh nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình cho đến hiện tại là gì?

– Tôi nghĩ đó là giọng nói, nếu nghe quen thì không sao nhưng với người chưa quen thì nó lại là vấn đề. Nhưng quan trọng là trong phim ảnh thôi, kiểu cách thoại của tôi đã ổn hơn trước nên dần dần giọng nói không còn trở ngại nữa.

Thật ra công việc đồng áng của gia đình và nghiệp diễn xuất của bạn nó có liên quan chút xíu nào với nhau không? 

– Điểm chung chắc có lẽ là thu hoạch (cười), canh mưa canh nắng ngày này qua tháng nọ, chỉ mong bội thu. Công việc nào cũng cần kiên nhẫn, cần cù… thì mới hoàn thành tốt được, song mỗi công việc có tầng ý nghĩa riêng tùy theo tương quan mỗi người. Tôi đến từ đồng lúa nước, nên có cái nhìn về việc diễn xuất cũng không giống ai: tiến từng bước như cách người nông dân gieo trồng lúa, cũng có thời vụ, vun trồng nó, đôi khi “bắt sâu” như gỡ bỏ những yếu điểm có hại cho “ruộng lúa” của mình.

Đam mê diễn xuất đến từ tình yêu nghệ thuật trong sáng hơn là việc muốn từ bỏ ruộng nương để bước ra bên ngoài kia chứng tỏ bản thân? 

– Tôi luôn muốn bản thân mình phải tiến bộ lên, một người đàn ông thì cần phải có lý tưởng nếu không thì khó có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng bản thân mình có cơ hội trải nghiệm những góc nhìn mới mẻ, có những bài học những hành trình trước khi rời khỏi Trái đất. Tôi muốn được trả lời các câu hỏi mình là ai, mình sống để làm gì…

Thanh có ngại danh xưng “Country boy” của màn ảnh Việt?

– Có một câu hát thế này: “Em ơi giữ lấy chân quê”, đó là điều sâu sắc là khi mình giữ cái mà người khác không giữ được thì bản thân mình mới có giá trị. Học cái mới không khó, nhưng khó là giữ được gốc gác, nền tảng, cội nguồn bản thân.

Cảm ơn Lãnh Thanh, chúc cho nửa cuối 2023 của bạn thật rực rỡ và những dự án mới sẽ đến với bạn! 

Photo: Đức Noise I Theo: L’OFFICIEL Vietnam
Costume: Muji, Hungtubes


 
Back to top