Ý thức tập thể không phải là giải pháp trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu

Aug 09, 2024 | By Luxuo Vietnam

Trong thời điểm có nhiều bất ổn xã hội, những phong trào nhỏ bé cũng có thể tạo ra những thay đổi lớn lao. Khi được kết nối và lan tỏa, chúng sẽ trở thành một nguồn động lực mạnh mẽ, thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước, góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Người biểu tình tuần hành vì Gaza tại Freedom Plaza ở Washington

Các cuộc biểu tình trên toàn cầu đang phản ánh một sự thức tỉnh của xã hội trước những bất công. Đứng trước những vấn đề nhức nhối như bạo hành động vật, khai thác kim cương máu và phong trào giải phóng người Palestine. Một câu hỏi đặt ra rằng, liệu những cuộc biểu tình đang diễn ra này có gây ra sự thay đổi thực sự hay chúng chỉ đơn thuần là những phong trào nhỏ mang tính tự phát? 

Những hệ thống đã tồn tại hàng thập kỷ, được xây dựng trên nền tảng lợi nhuận mà không quan tâm đến quyền lợi của con người và động vật, đang kêu gọi một cuộc cách mạng sâu rộng. Sự thay đổi này thường bắt nguồn từ ý thức chung của cộng đồng, được khơi dậy qua các cuộc biểu tình và sự phản đối mạnh mẽ. Chỉ khi người dân cùng nhau đứng lên, chúng ta mới có thể tạo ra những tác động thực sự và thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Điển hình như cuộc đấu tranh không ngừng của người dân Nam Phi đã chấm dứt chế độ Apartheid tàn bạo, vấn đề phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát tại Hoa Kỳ đang đặt ra những câu hỏi cấp bách về công lý và bình đẳng. Nhìn vào bốn vấn đề xã hội lớn của năm 2024, chúng ta hãy cùng phân tích sâu hơn và dự đoán những biến chuyển có thể xảy ra trong tương lai. Liệu lịch sử có lặp lại, và những phong trào đấu tranh hiện tại có thể mang đến những thay đổi căn bản nào?

PETA và “Cuộc thập tự chinh” chống lại sự tàn ác cho động vật

PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật hàng đầu thế giới, đang không ngừng lên tiếng chống lại sự tàn ác đối với động vật, đặc biệt trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. PETA thường bị coi là kẻ gây rối dưới hình thức biểu tình công khai như làm gián đoạn các buổi trình diễn thời trang để phản đối việc sử dụng lông thú và da động vật. PETA đã trở thành biểu tượng của những chiến dịch bảo vệ động vật táo bạo và gây tranh cãi. Bằng cách sử dụng hình ảnh gây sốc với thông điệp khiêu khích, PETA đã thành công trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về cách đối xử với động vật trong ngành thời trang. Các chiến dịch của họ đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông, làm dấy lên các thảo luận về sự tàn ác với động vật và khiến người tiêu dùng xem xét lại thói quen mua sắm của mình.

PETA ủng hộ tiến hành các cuộc điều tra về hoạt động của các công ty trong ngành thời trang, vạch trần các thủ đoạn tàn ác và bóc lột động vật. Tổ chức đã thành công phơi bày sự thật tàn khốc đằng sau ngành công nghiệp thời trang và khơi dậy sự phẫn nộ của công chúng. Buộc các thương hiệu phải cải thiện các tiêu chuẩn phúc lợi cho động vật nếu không sẽ phải đối mặt với thiệt hại về danh tiếng. PETA đã không ngừng vận động các thương hiệu thời trang cao cấp, kêu gọi họ chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững và nhân đạo hơn. Bằng cách gửi kiến nghị, thư từ và tổ chức các cuộc biểu tình, PETA đã tạo áp lực lên các công ty, thúc đẩy họ từ bỏ việc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật như lông thú, da động vật quý hiếm và các vật liệu có nguồn gốc động vật khác trong sản phẩm của họ. Ngày càng nhiều thương hiệu thực hiện các chính sách thân thiện với động vật hoặc ngừng hoàn toàn việc sử dụng một số vật liệu nhất định.

Mặc dù các tổ chức như PETA đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức. Nhưng cuối cùng, chính ý thức mua sắm có đạo đức của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định buộc các công ty phải thay đổi chính sách. Sức mạnh của PETA đã được chứng minh qua những thành tựu, như việc buộc các thương hiệu thời trang cao cấp như Marc Jacobs và Tory Burch phải từ bỏ việc sử dụng da động vật quý hiếm, giải cứu những chú voi khỏi cuộc sống đau khổ tại Rạp xiếc Hadi, các công ty lớn như SeaWorld và một nhà bán lẻ trực tuyến toàn cầu phải chấm dứt các hoạt động gây hại cho động vật.

Thử nghiệm động vật trong các sản phẩm làm đẹp

Cuộc đấu tranh chống lại sự tàn nhẫn đối với động vật trong ngành làm đẹp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Ngành công nghiệp làm đẹp thường tiến hành thử nghiệm trên động vật để kiểm tra tính “an toàn” của các thành phần mới, nhằm đảm bảo rằng các công thức sản phẩm không gây hại cho người sử dụng. Theo PETA, các công ty thực hiện thử nghiệm trên động vật nhằm “thu thập dữ liệu để bảo vệ chính mình trong các vụ kiện từ người tiêu dùng”. Các tổ chức như Cruelty-Free International và PETA’s Beauty Without Bunnies cung cấp chứng nhận và logo giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện các sản phẩm không thử nghiệm trên động vật. Công ty Lush đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc chống lại thử nghiệm trên động vật, cam kết không thực hiện thử nghiệm trên động vật cho các sản phẩm và chỉ hợp tác với các nhà cung cấp không thử nghiệm trên động vật. Chính sách này cũng sắp được củng cố bởi luật pháp, khi vào tháng 3 năm 2024, Washington sẽ trở thành tiểu bang thứ 12 ở Hoa Kỳ thông qua quy định cấm bán mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật.

Các nền tảng truyền thông xã hội đang trở thành công cụ mạnh mẽ giúp người tiêu dùng đấu tranh chống lại sự tàn ác với động vật và yêu cầu các thương hiệu chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Những người nổi tiếng và các tổ chức bảo vệ động vật thường sử dụng sức ảnh hưởng của mình để nâng cao nhận thức về các sản phẩm làm đẹp không tàn ác và khuyến khích người theo dõi ủng hộ các thương hiệu có đạo đức. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy sự phát triển tiếp theo của các phương pháp thay thế thử nghiệm trên động vật, bao gồm hình ảnh chẩn đoán không xâm lấn, nghiên cứu tế bào gốc và nuôi cấy mô 3D để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các thành phần mỹ phẩm.

Kim cương máu

“Kim cương máu” là thuật ngữ ám chỉ những viên kim cương được khai thác trong các khu vực xung đột, trở thành nguồn tài chính nuôi dưỡng các hoạt động vũ trang chống lại chính phủ. Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, các cuộc nội chiến tàn khốc ở các quốc gia châu Phi như Sierra Leone, Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo một phần được thúc đẩy bởi việc buôn bán kim cương thô, điều này đã bộc lộ rõ ràng mối liên hệ giữa kim cương và các cuộc xung đột vũ trang. Những viên kim cương này trở thành nguồn cung ứng cho ngành công nghiệp xa xỉ để bán cho những người tiêu dùng trên khắp thế giới. Điều này đặt ngành công nghiệp kim cương vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa lợi nhuận kinh tế và trách nhiệm xã hội. Buộc họ phải đối mặt với câu hỏi về nguồn gốc đạo đức của sản phẩm và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng kim cương. 

Ngành công nghiệp kim cương đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết vấn đề “kim cương máu” thông qua các sáng kiến như Kimberley Process. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm có đạo đức, ngành công nghiệp này đang không ngừng tìm kiếm những giải pháp toàn diện hơn. Sự ra đời của các chương trình chứng nhận kim cương “có đạo đức” là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này, nhằm đảm bảo rằng mỗi viên kim cương đều có một câu chuyện nguồn gốc minh bạch và không góp phần vào việc vi phạm hoặc xung đột nhân quyền.

Một số ý kiến cho rằng việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác “kim cương máu” sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của người lao động thuộc tầng lớp thấp, nhưng cũng không nên lấy điều này làm cái cớ ủng hộ cho các thể chế vô nhân đạo. Ngành khai thác kim cương cần tìm ra những hướng đi mới để ngăn cản các chế độ độc tài đưa người dân vào tình trạng lao động cưỡng bức. Hơn ai hết, trẻ em là những nạn nhân lớn nhất của ngành khai thác kim cương máu, những đứa trẻ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, đối mặt với lao động cưỡng bức và bị đối xử tàn tệ khi không đạt được chỉ tiêu. Việc truy xuất nguồn gốc kim cương và đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng là điều vô cùng cần thiết để loại bỏ hoàn toàn kim cương máu. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại buôn lậu kim cương và bảo vệ quyền lợi của những người dân vô tội, đặc biệt là trẻ em.

Hành động diệt chủng tại Gaza và giải phóng người Palestine

Israel đã quyết định phóng một loạt tên lửa vào Rafah, gần một nửa dân số Palestine được yêu cầu sơ tán. Việc Israel tiếp tục bắn phá Gaza và mở rộng các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây đã đã kích thích một phong trào tẩy chay mạnh mẽ nhắm vào các công ty đang mở rộng hoạt động tại những khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây của Palestine. Từ McDonald’s đến Zara, phong trào tẩy chay đã mở rộng đến các ngôi sao nổi tiếng qua cái gọi là “Blockout Movement” (tẩy chay toàn diện). Nhằm gây áp lực lên những người nổi tiếng không lên tiếng ủng hộ nạn diệt chủng đang diễn ra ở Gaza. “Blockout Movement” xuất hiện khi người dùng mạng xã hội cảm thấy những sự kiện hào nhoáng như Met Gala 2024 không thể so sánh với thảm kịch đang xảy ra tại Palestine. Đồng thời, phong trào cũng nhắm đến việc làm suy giảm doanh thu mà những người nổi tiếng kiếm được từ quan hệ đối tác thương hiệu trên.

Phong trào “Blockout Movement” cũng bùng phát sau khi người có ảnh hưởng TikTok Haley Kalil đăng tải một video sử dụng âm thanh hát nhép với dòng chữ “let them eat cake” – câu nói ám chỉ rằng influencer này không quan tâm đến những vấn đề xã hội đang diễn ra và chỉ quan tâm đến việc thể hiện bản thân một cách xa hoa, phù phiếm. Câu trích dẫn thường được cho là từ Marie Antoinette và phản ánh sự xa rời của bà đối với người dân Pháp, đã dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Theo Al Jazeera, video của Kalil đã làm dấy lên sự phẫn nộ do bối cảnh của cuộc khủng hoảng nạn đói đang diễn ra ở Gaza, nơi tình trạng thiếu lương thực ngày càng nghiêm trọng trong bảy tháng chiến tranh. 

Các cuộc biểu tình và đóng cửa hàng loạt đã bắt đầu xảy ra trong khuôn viên các trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Sinh viên tham gia các cuộc biểu tình này yêu cầu các trường đại học phải thoái vốn tài trợ cho Israel và yêu cầu trích một phần học phí của họ để xây dựng lại các trường đại học đã bị quân đội Israel ném bom.

Ý thức tập thể không phải là giải pháp toàn diện cho các vấn đề toàn cầu, nhưng đó là bước đầu tiên để phá vỡ các hệ thống đã được thiết lập dùng phục vụ cho lợi ích của nhóm người giàu có, quyền lực, thường gây ra tác động tiêu cực đến các cộng đồng yếu thế, nhất là những người thiếu tiếng nói để tự bảo vệ mình. Liên quan đến Palestine, việc Hoa Kỳ chưa kêu gọi ngừng bắn chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Israel. Israel được xem là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông, giúp củng cố quan hệ với các quốc gia Ả Rập láng giềng như Jordan, Lebanon và Ai Cập. Ngược lại, trong bối cảnh chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, các chính phủ quốc tế ít quan tâm đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc ngừng thương mại vì họ không có lợi ích lớn trong khu vực này. Họ không có động lực mạnh mẽ để ủng hộ việc chiếm đóng Nam Phi như cách họ ủng hộ việc Israel chiếm đóng Palestine.

Việc lên tiếng tẩy chay hàng hóa và thậm chí phong sát một người nổi tiếng với hàng triệu người theo dõi có thể không chấm dứt được nạn diệt chủng, nhưng nó sẽ truyền tải một thông điệp mạnh mẽ. Hành động nhỏ vẫn có giá trị hơn là không hành động. Tuy nhiên, ý thức tập thể đôi khi có thể bị đơn giản hóa quá mức. Mặc dù phản đối cái xấu và yêu cầu minh bạch là cần thiết, sự thay đổi thực sự sẽ chỉ đến khi người tiêu dùng quyết định chi tiền của mình một cách chiến lược để làm tổn hại đến lợi ích tài chính của các tập đoàn lớn.

Bài dịch: Trường Duy | Ảnh: tổng hợp 
Nguồn: Theo Thương Gia & Thị Trường 


 
Back to top