LIFE

Smart Luxury: May đo Bespoke tạI Việt Nam (Kỳ 1) – Cuộc trò chuyện với bậc thầy may đo Ý tại SIR Tailor

Apr 09, 2023 | By Hai Yen

Thế nào là phong cách quý ông? Một câu hỏi không dễ để trả lời, nhưng có lẽ không ai phủ nhận rằng suits chính là yếu tố không thể thiếu. Cổ điển, lịch duyệt, vượt thời gian, suits chính là món đồ mọi quý ông cần có. Và tại SIR Tailor, mọi đàn ông đều có thể tìm được một món đồ như vậy.

Bậc thầy may đo Victor Vermeulen trong buổi tư vấn cho khách hàng tại Sir Tailor

Thời trang vừa mang tính xu hướng, vừa là điều gì đó vượt ra khỏi xu hướng. Câu hỏi liệu thời trang như thế nào thì được gọi là hiện đại hay lỗi thời, vẫn là điều được nội giới tranh cãi. Nhưng có một sự thật khó ai có thể phủ nhận được: thời trang là thứ mang đậm tính thời đại – nó đại diện cho những gì mà chúng ta đang nghĩ và đang sống, là hình ảnh đại diện lý tưởng cho tư tưởng, lối sống của xã hội đương thời.

Và dù bao nhiêu năm trôi qua, hình ảnh lịch lãm của bộ suit may đo vẫn là điều không dễ dàng suy suyển. Dù là hàng chục năm trước đây hay ở thời hiện đại, khi mọi thứ đều trở nên hối hả, việc một người đàn ông bước chân vào cửa hiệu may đo, lấy số đo từ hàng chục vị trí trên cơ thể, điều chỉnh chi li đến từng milimet, và bước ra với một bộ cánh mới đĩnh đạc, vẫn là hình ảnh chuẩn mực của thời trang nam giới.

SIR Tailor cũng chính là một nơi như thế. Được bài trí giản đơn nhưng đậm tinh thần cổ điển với nội thất bằng gỗ phiến, chứa đựng những bộ suit được may đo chuẩn mực và hàng loạt món phụ kiện cổ điển cho quý ông, SIR Tailor khiến bất cứ ai bước vào đều phải cân nhắc, chỉn chu lại phục trang, để hòa hợp với không gian nghiêm cẩn của nghệ thuật cắt may truyền thống. Đến với SIR Tailor một buổi chiều thứ 6 nhân sự kiện “Made in Italy Show”, Luxuo.vn đã có dịp trò chuyện cùng hai bậc thầy may đo đến từ Ý là Kain Zwierink và Victor Vermeulen.

Hai bậc thầy may đo Kain Zwierink (phải) và Victor Vermeulen

Chào ông Kain và Victor. Rất hân hạnh được gặp hai ông tại đây, trong sự kiện của SIR Tailor. Tôi muốn hỏi rằng điều gì đã kết nối các ông với SIR Tailor, và đâu là vai trò của hai ông trong sự kiện này?

Kain Zwierink (KZ): Chúng tôi là những nhà cung cấp chất liệu cho việc may đo Made-To-Measure có trụ sở tại Ý. Khi nói đến chất liệu, nghĩa là mọi loại chất liệu tạo nên cấu trúc của một bộ suit chuẩn mực, từ giá thành phải chăng cho đến rất đắt đỏ như len, len cao cấp, cashmere… hầu như mọi khách hàng đều có thể tìm thấy ở chúng tôi. Và vì chúng tôi cũng là những nhà may đo tại Ý, nên trong những dịp đặc biệt như thế này tại SIR Tailor, chúng tôi sẽ trực tiếp thực hiện việc đo kích thước cơ thể cho khách hàng, nhận yêu cầu về kiểu dáng, chất liệu, bộ nút, sau đó chuyển lại các sản phẩm đã được đặt hàng đến cho họ trong khoảng 5 đến 6 tuần sau. SIR Tailor cũng là đối tác đầu tiên tại Đông Nam Á mà chúng tôi hợp tác và có dịch vụ như vậy.

Ông nghĩ gì về thị trường dành cho bespoke suit tại Việt Nam? Liệu nó có tiềm năng bùng nổ trong tương lai?

KZ: Vâng, rất nhiều là đằng khác. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng theo hướng rất tích cực, vì thế mọi người có điều kiện hơn để đầu tư vào những thứ chất lượng hỗ trợ cho cuộc sống của họ, như rượu, cigar, suit, xe hơi, đồng hồ… Chúng tôi nghĩ bespoke suit sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai.

Kain Zwierink: Chúng tôi nghĩ bespoke suit sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai.

Điều này làm tôi nghĩ đến ông ngoại của tôi, một người đàn ông thuộc thế hệ cũ và mặc suit may đo mỗi ngày. Vào thời điểm Việt Nam vừa trải qua chiến, không nhiều người có đủ khả năng chi trả cho quần áo may đo nữa. Nhưng giờ đây, mọi việc lại thay đổi, khi mọi người có cuộc sống ổn định hơn, có điều kiện hơn để chi trả cho trang phục. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đàn ông hiện đại có quá nhiều lựa chọn. Làm thế nào để ông tiếp cận đối tượng khách hàng mới tại Việt Nam?

KZ: Về việc kinh doanh suit, chúng tôi thấy có khá nhiều nhà sản xuất trong cũng như ngoài nước, với giá cả khá đa dạng từ thấp, trung đến cao. Thế nhưng, dòng suit chất lượng nhất vẫn đến từ châu Âu, với truyền thống lâu đời về suit may đo, với kỹ thuật may lót tạo nên hiệu ứng “không đường may” khi nhìn từ bên ngoài, hay kỹ thuật tạo cấu trúc cho suit giúp người mặc có cảm giác thoải mái tối đa. Những bộ suit do chúng tôi làm ra thường có lớp lót được làm từ các bề mặt vải dễ chịu như cotton, linen, chamois hay lông ngựa. Việc dùng lông ngựa để lót trong áo suit là kỹ thuật may đo rất truyền thống, có khả năng giúp lớp vải bên ngoài đứng phom và tạo dáng đẹp hơn.

Dòng suit chất lượng nhất vẫn đến từ châu Âu, với truyền thống lâu đời về suit may đo, với kỹ thuật may lót tạo nên hiệu ứng “không đường may” khi nhìn từ bên ngoài, hay kỹ thuật tạo cấu trúc cho suit giúp người mặc có cảm giác thoải mái tối đa.

Victor Vermeulen (VV): Cô có thể thử điều này bằng cách dùng tay miết lên tóc, sợi tóc sẽ luôn trở về nguyên trạng. Chính vì thế, việc dùng lông ngựa lót bên trong áo suit sẽ giúp bộ suit luôn trở về trạng thái ban đầu. Có thể nói, đây là loại chất liệu rất linh hoạt và có độ co dãn, giúp bộ suit định dáng vừa vặn với cơ thể, tạo cảm giác thoải mái và tăng độ bền cho suit, vì với lông ngựa, chúng ta không thể dùng keo dán như các loại suit giá rẻ khác. Loại vải này sẽ di chuyển khi cơ thể di chuyển, bạn có thể mặc kiểu suit rất ôm nhưng vẫn không cảm thấy khó chịu. Và với những đường may siêu nhỏ, sản phẩm tạo ra sẽ vô cùng linh hoạt, ôm vừa vặn cơ thể để tôn dáng tối đa.

Vậy liệu có tồn tại loại vải hoàn hảo cho một bộ suit hoàn hảo nào đó không?

VV: Điều này còn tuỳ thuộc vào việc chúng ta nhìn nhận thế nào là hoàn hảo: bạn sẽ mặc suit cho những dịp nào, gặp gỡ đối tác kinh doanh, tiệc tùng sự kiện, các buổi gặp riêng tư… đó là điều đầu tiên mà chúng ta cần biết. Tiếp đến, chúng ta cần nắm được là bạn sẽ mặc bộ suit đó trong điều kiện thời tiết ra sao, trong phòng máy lạnh hay ngoài trời. Những yếu tố này sẽ quyết định loại vải cần chọn là loại thông thoáng, dễ chịu hay chỉn chu, trịnh trọng.

Victor Vermeulen

Nó cũng phụ thuộc vào đặc thù công việc bạn đang làm, ví dụ một nhân viên ngân hàng sẽ mặc khác với người làm marketing. Marketing sẽ thiên về các yếu tố sáng tạo, năng động, trong khi đó làm ngân hàng yêu cầu bạn phải ăn mặc trịnh trọng hơn. Sau đó, đến lục bạn cần ra quyết định sẽ chi trả bao nhiêu cho bộ suit để chúng tôi chọn từ 600 mẫu vải sẵn có trong kho thứ phù hợp nhất với bạn.

Nếu so sánh bộ suit cách đây khoảng 100 năm và ngày nay, đâu là sự khác biệt?

KZ: Về cơ bản, cấu trúc của bộ suit không có nhiều thay đổi. Sự khác biệt phần lớn đến từ chất liệu và các kỹ thuật mới mà sự tiến bộ trong công nghệ đã cho phép áp dụng. Ví dụ như kỹ thuật cắt bằng laser sẽ chính xác hơn nhiều so với cắt bằng kéo như trước đây. Các máy móc hỗ trợ giờ đây cũng chính xác hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nên chúng ta có cơ hội tiếp cận với nguồn hàng rất đa dạng, có thể lấy loại chỉ tốt nhất từ Ý, nút từ Đông Nam Á, và gia công ở một nơi khác nữa – đó không còn là vấn đề quá lớn như trước đây. Về mặt chất liệu cũng có nhiều sự tiến triển. Giờ đây, chúng ta làm ra nhiều loại vải nhẹ nhàng hơn trước, có chất lượng tốt hơn, và tạo cảm giác sang trọng hơn.

Chúng tôi không khám phá bên trong, mà che đậy bên ngoài. Chúng tôi không thể khiến cơ thể của họ trông khác đi, mà chỉ làm cho nó trông đẹp hơn với suits.

Tôi nghĩ, khách hàng giờ đây muốn có thứ gì đó cổ điển nhưng vẫn phải độc đáo, một thứ có thể làm họ trở nên nổi bật giữa đám đông. Ông làm điều đó như thế nào?

VV: Nếu một người khách hàng muốn có thứ gì đó đặc biệt và đã có quan điểm hay hình ảnh cụ thể về chi tiết như độ dài tay áo, nghĩa là họ đã biết chính xác mình cần gì. Nếu như họ mang đến cho chúng tôi một tấm ảnh và nói “à, tôi muốn trông như thế này”, chúng tôi sẽ cố gắng làm theo ý họ, đương nhiên là vẫn sẽ cân nhắc để phù hợp với tạng người của họ. Chúng tôi không khám phá bên trong, mà che đậy bên ngoài. Chúng tôi không thể khiến cơ thể của họ trông khác đi, mà chỉ làm cho nó trông đẹp hơn với suits.

Có phải ông đang nói về khái niệm Bespoke? Tôi hơi nhầm lẫn một chút về các khái niệm Made-To-Measure, Custom-Made, Made-to-Order và Bespoke, ông có thể giải thích sự khác biệt giữa các khái niệm này được không?

VV: Bespoke là khái niệm được dùng cho trang phục được làm bằng tay hoàn toàn tại địa phương, kể cả kiểu mẫu cũng được làm riêng cho khách hàng. Kiểu mẫu này chính là điểm mấu chốt của việc cắt vải cho bộ suits. Khách hàng sẽ đến với chúng tôi ít nhất là 3 hay 4 lần để thử đồ và chỉnh sửa. Một bộ suits như vậy đòi hỏi 30 tới 40 giờ để thợ may may lại.

Made-To-Measure thì đơn giản hơn một chút, có thể hình dung nó như hình thức được công nghiệp hóa của Bespoke. Chúng tôi sẽ lấy cùng một cấu trúc suits như Bespoke, nhưng dùng kiểu mẫu có sẵn, và điều chỉnh nó cho khách hàng trên máy tính. Chúng tôi sẽ thực hiện đo đạc trên 75 điểm, nên chúng tôi có thể điều chỉnh 75 vị trí trên kiểu mẫu đó.

Custom-Made là thứ được làm cho bạn, nhưng dựa trên kiểu mẫu có sẵn. Vì không có điều chỉnh gì, nên nó sẽ khá giống với đồ may sẵn. Khách hàng đến đây, chọn vải và may dựa trên kiểu có sẵn.

Made-to-Order lại là thứ gì đó nằm ở giữa. Bạn đặt hàng thứ gì đó, và nó được làm ra cho bạn. Đó không phải là đồ may sẵn, mà là một bước cao hơn một chút để gần đạt đến Bespoke.

Đương nhiên, với tất cả khái niệm này, bạn đều có thể sở hữu các phiên bản có giá cao, trung bình hoặc thấp, và các công đoạn được thực hiện từ đó cũng khác nhau.

Mỗi năm trôi qua lại có những trào lưu và phong cách suit khác nhau, như slim suits hay slacks. Là bậc thầy may đo, ông nghĩ gì về điều này?

VV: Ở châu Âu, chúng tôi (thợ may Ý) có ảnh hưởng lớn hơn một chút, nhưng nếu xét về khía cạnh may đo truyền thống, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng từ các nước Bắc Âu như Thụy Điển. Về khía cạnh thời trang, các show diễn từ các thương hiệu xa xỉ chính là những nguồn cảm hứng lớn lao. Nhưng với phần đông mọi người, chúng khá là xa lạ và khó mặc, ví dụ như không phải ai cũng có thể (và dám) mặc chiếc áo suit màu vàng chẳng hạn. Nhưng bạn vẫn có thể tham khảo kiểu cách đó, để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Giờ đây, chúng tôi phải bắt đầu quan sát các bộ sưu tập Xuân Hè 2021 để tìm hiểu chất liệu, và không phải đợi đến năm sau, mà ngay thời điểm này chúng tôi đã phải gấp rút thu thập chất liệu cho năm 2021. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn phải cập nhật xu hướng: màu xanh dương, xám, xanh lục, trơn màu hay họa tiết, vải có pha hay không… Giờ đây, chúng ta có thể thấy là có nhiều loại vải pha hơn, không chỉ là len thuần hay cotton thuần nữa, và chúng được trộn lẫn với nhau, để phù hợp với nhiều người và nhiều loại thời tiết khác nhau.

Nhưng tôi nghĩ là tác động của xu hướng đến việc may suits không quá lớn như các món đồ thời trang khác, có đúng như vậy không?

VV: Đúng vậy. Tác động của xu hướng đến suits diễn ra khá chậm. Các bộ suits đang dần chuyển sang phom rộng hơn và có lưng cao. Phụ nữ luôn đi trước đàn ông một bước. Phụ nữ làm gì đó, và 2 năm sau, đàn ông mới theo kịp. Tất nhiên là đồ lưng cao không dễ chịu lắm với đàn ông, vì chúng tôi có phần bụng tương đối lớn, nhưng nhìn chung mọi người đang thích quần áo có phom dáng rộng hơn, ve áo lớn hơn, và điều đó dẫn đến cấu trúc áo cũng khác.

Phụ nữ luôn đi trước đàn ông một bước. Phụ nữ làm gì đó, và 2 năm sau, đàn ông mới theo kịp.

Tỷ lệ cơ thể của đàn ông châu Á khá khác với đàn ông châu Âu. Vì suits bắt nguồn từ châu Âu, nên ông có phải điều chỉnh lại cách may hay tỷ lệ để phù hợp với thị trường này không?

Vâng, nhìn tôi cô cũng thấy, chúng tôi cần thứ gì đó dài hơn. Với đàn ông châu Á, chúng tôi phải điều chỉnh độ dài cho ngắn một chút. Nhưng về cấu trúc cơ thể thì không khác mấy như mọi người vẫn tưởng. Thế nên, chúng tôi chỉ cần điều chỉnh đôi chút ở số đo là bộ suits có thể vừa vặn hoàn hảo với đàn ông châu Á.

Cuối cùng, với tư cách là một người may đo chuyên nghiệp, ông nghĩ thời trang nam giới sẽ đi theo hướng nào trong vòng 5 hay 10 năm tới?

Đây là khoảng thời gian khá dài, nên có lẽ mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Đôi khi, một vài khách hàng nói với tôi là có nhiều thời điểm, họ có thể mặc lại thứ đã may từ 10 năm trước. Tất nhiên, việc mặc lại như thế rất thú vị, cũng giống như việc bạn chơi đồ vintage từ các thương hiệu xa xỉ vậy. Nhưng nếu nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, chúng không hẳn là luôn luôn giống nhau. Phom dáng, tuy có trở lại nhưng đã khác. Nếu tôi mặc một bộ suit theo phong cách của 4 năm trước đây, hẳn nhiều người sẽ không thấy khác biệt lắm với bộ suits khi đó, nhưng với tôi thì không phải như vậy, vì tôi đang mặc món có cỡ ve áo khác, kiểu túi khác, và dáng áo cũng khác.

Tuy nhiên, may đo cổ điển thì vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Sẽ không có sự thay đổi quá lớn nào dù là 5 hay 10 năm nữa.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top