HOUSE OF LUXE / Bất động sản

Sáp nhập địa giới hành chính – Động lực cho bất động sản công nghiệp?

May 27, 2025 | By Hải Âu

Việc sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh được kỳ vọng mang lại động lực tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội và cả thách thức.

Việc điều chỉnh, sáp nhập địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được xem là một chủ trương mang tính chiến lược, hứa hẹn tạo ra những chuyển biến đáng kể cho bức tranh kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả, đây không chỉ là “cú hích” mà còn là đòn bẩy tái định hình, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Mở rộng không gian, tinh gọn quản lý – Lợi ích kép

Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt ranh giới địa lý. Mục tiêu sâu xa hơn là nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, giảm sự phân mảnh trong công tác quy hoạch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của các địa phương và cả quốc gia.

Theo ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghiệp Savills Hà Nội, việc sáp nhập nếu được thực hiện bài bản sẽ là tiền đề cho sự hình thành các hệ sinh thái đô thị – công nghiệp quy mô lớn, tích hợp và đồng bộ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng có xu hướng chọn lọc kỹ lưỡng điểm đến, ưu tiên những khu vực có quy hoạch ổn định và tiềm năng phát triển bền vững.

Ông Thomas Rooney

Một lợi ích hữu hình là việc mở rộng địa giới sẽ giúp các tỉnh có thêm quỹ đất để quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) mới với diện tích lớn hơn, đa dạng hóa nguồn cung cho doanh nghiệp. Thực trạng khan hiếm đất công nghiệp tại một số địa phương “nóng” sẽ được giải tỏa phần nào, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng tìm kiếm vị trí đặt nhà máy.

Hơn thế nữa, các tỉnh sau sáp nhập, với quy mô lớn hơn, sẽ có điều kiện thuận lợi để phân vùng phát triển một cách rõ ràng, hình thành các KCN chuyên biệt hoặc tổ hợp công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất chủ lực như ô tô, điện tử, bán dẫn. “Các địa phương vốn đã là điểm sáng về thu hút đầu tư, khi được sáp nhập và phối hợp chặt chẽ hơn về quy hoạch, sẽ bổ trợ lẫn nhau về cơ sở hạ tầng, lao động và định hướng phát triển,” ông Thomas phân tích. Quy mô lớn hơn cũng đồng nghĩa với việc dễ dàng đạt các tiêu chuẩn cao hơn về hạ tầng và quản lý, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh: CreateTravel.tv

Sáp nhập địa giới hành chính – Thách thức và tầm nhìn dài hạn

Bất kỳ sự thay đổi lớn nào cũng đi kèm những thách thức nhất định. Việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ tác động đến hàng loạt yếu tố, từ quy hoạch sử dụng đất, quy trình cấp phép đầu tư, đến các thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường, xây dựng. Ông Thomas Rooney nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể đối mặt với một số khó khăn do sự thay đổi đầu mối quản lý và chính sách chưa kịp đồng bộ hoàn toàn giữa các đơn vị sáp nhập.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, đây chính là cơ hội vàng để tái cấu trúc, xây dựng một khung pháp lý minh bạch, thống nhất và hiệu quả hơn. “Đối với bất động sản công nghiệp, nơi sự ổn định và rõ ràng trong quy hoạch là yếu tố sống còn, việc thống nhất thủ tục và chính sách sẽ mở đường cho các khu công nghiệp quy mô lớn, tích hợp hạ tầng logistics, đô thị vệ tinh và giao thông kết nối liên vùng”, ông Rooney nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng khác là tác động đến lực lượng lao động. Sự thay đổi địa giới có thể ảnh hưởng đến kế hoạch cư trú, đăng ký hành chính và việc di chuyển của người lao động. Đây có thể là rào cản nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để quy hoạch lại mạng lưới cung ứng lao động theo hướng vùng, liên tỉnh, hiệu quả hơn.

Ảnh: Markus Winkler

Đồng bộ hạ tầng và sự chủ động cần thiết

Để “cú hích” từ sáp nhập địa giới phát huy tối đa hiệu quả, việc đầu tư đồng bộ vào hạ tầng là yếu tố then chốt. Đặc biệt là hạ tầng giao thông (đường vành đai, cao tốc), cảng biển, sân bay và hạ tầng số. Khi đó, các KCN sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính cũ, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lao động dồi dào từ nhiều địa phương, tối ưu hóa chi phí vận hành. Sự phát triển hạ tầng liên vùng cũng sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi các thị trường công nghiệp truyền thống, vốn đang đối mặt với hạn chế về nguồn cung và chi phí gia tăng, tạo cơ hội cho các địa phương mới nổi với quỹ đất rộng và chi phí cạnh tranh hơn.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến kéo dài từ hai đến ba năm, sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Rooney khuyến nghị doanh nghiệp cần tích cực nắm bắt thông tin, thiết lập quan hệ với chính quyền địa phương mới và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp.

Ảnh: CreateTravel.tv

Về phía cơ quan quản lý, việc truyền thông rõ ràng, minh bạch về lộ trình chuyển đổi, chủ động đối thoại và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ quyết định sự thành công của quá trình này, giảm thiểu xáo trộn và duy trì đà tăng trưởng vốn đầu tư.

Sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh là một cải cách quan trọng, mang tính bước ngoặt, có khả năng tác động sâu rộng đến không gian phát triển của Việt Nam. “Nếu được thực hiện với tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đồng bộ, đây có thể trở thành cú hích mới, giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam bứt phá, đóng vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thomas Rooney kết luận. Quá trình này đòi hỏi sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các bên liên quan để biến tiềm năng thành hiện thực, hướng tới một môi trường đầu tư nhất quán, công bằng và hiệu quả hơn.


Xem thêm:

Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam Q1/2025

Vì sao bất động sản Việt Nam mang tiềm năng lớn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế?


 
Back to top