HOUSE OF LUXE

Vật liệu bản địa, kỹ thuật thủ công và kiến trúc đương đại bên dãy Alps

May 29, 2025 | By LUXUO

Bên dãy Alps, từ những ô cửa vuông của Haus am Mühlbach, nhìn những tầng mây bay ngang đỉnh núi và phóng tầm mắt xa hơn, quan sát một nền kiến trúc đương đại ở Nam Tyrol.

Ngôi nhà bên dãy Alps mây phủ. Ảnh: Gustav Willeit

Từ khung cửa sổ tại Haus am Mühlbach, những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của dãy Alps hiện ra giữa mây trời mờ ảo tựa như tranh phong cảnh của Alexandre Calame. Được thiết kế bởi Pedevilla Architects, một văn phòng kiến trúc trẻ tại địa phương, ngôi nhà này là nơi vẻ đẹp đương đại đối thoại nhẹ nhàng với thiên nhiên miền cao nguyên nước Ý.

Ngôi nhà giản dị bên dãy Alps

Khi những viên đá đầu tiên được đặt xuống vào năm 2014, Haus am Mühlbach mang theo ước muốn của chủ nhân về một mái ấm giản dị, nhưng hàm chứa vẻ đẹp vượt thời gian. Từ đó, các kiến trúc sư đã khéo léo dựng nên một khối kiến trúc vừa đủ vững chãi, kín đáo, lại vừa thanh thoát bên dòng suối cuộn chảy.

Từ cái nhìn sơ khởi, Haus am Mühlbach hiện ra thuần khiết, tựa như khối đá trắng trang nhã đã thành hình sau một quá trình gọt giũa đầy dụng ý. Mang dáng dấp của một “ngọn núi nhỏ”, nguyên khối và vững chãi, ngôi nhà toát lên vẻ tĩnh tại, trầm mặc giữa khung cảnh thiên nhiên. Hình thái mái nhà dốc không phải là một quyết định ngẫu hứng, mà là kết quả của nghiền ngẫm, để mỗi đường nét đều hòa điệu với rặng núi Alps xung quanh, tạo nên một mối liên kết thị giác giữa nhà và cảnh. Lựa chọn này không đơn thuần vì thẩm mỹ, mà còn là cách khơi lại từ trong tiềm thức những đường nét kiến trúc đặc trưng của ngôi nhà truyền thống địa phương, một chốn nương náu đích thực trước những biến thiên của khí hậu vùng cao nguyên.

Hình dáng ngôi nhà được thiết kế tựa như dáng núi. Ảnh: Gustav Willeit

Lớp áo ngoại thất, được chế tác từ hợp chất cát, phấn và xi măng trắng, có bề mặt được tạo hình khá thô ráp. Hiệu ứng này đạt được bằng cách rửa bề mặt tường với bọt biển ướt, khiến mỗi tương tác của ánh sáng đều tạo nên những hiệu ứng thị giác có chiều sâu. Ánh sáng tự nhiên nhờ đó nhẹ nhàng phủ lên mặt tường, khi thì ngưng lại nơi những góc cạnh, khi lại lả lướt trên bề mặt trắng xóa, khiến diện mạo ngôi nhà biến đổi theo từng khoảnh khắc, từng mùa, như một sinh thể hòa mình vào nhịp điệu của đất và trời. Sự đồng nhất vật liệu từ tường, bệ cửa sổ, đến ô văng vươn ra trên lối vào chính, càng tôn lên nét thuần khiết của công trình. Ngôi nhà tựa một khối điêu khắc được chạm đẽo từ một chất liệu duy nhất, mang vẻ đẹp giản dị và bền vững với thời gian.

Bước qua ngưỡng cửa, một không gian nội thất ấm áp hiện ra như thể vạch một đường ranh cảm giác tương phản rõ ràng với vẻ ngoài có phần lạnh lùng trầm tĩnh. Đó là một chiến lược thiết kế nhằm khuếch đại trải nghiệm đi từ môi trường cao nguyên lạnh giá bên ngoài vào một không gian ấm cúng bên trong. Pedevilla Architects đã chọn lựa những vật liệu tự nhiên, phần lớn có nguồn gốc địa phương, để kiến tạo một không gian nội thất vừa mang dấu ấn riêng vừa gần gũi. Đá gneiss Passeirer, loại đá đặc trưng của vùng Nam Tyrol, phản chiếu vẻ đẹp cao nguyên Alps qua những hạt đá li ti lấp lánh, được sử dụng để ốp lát nội thất. Chúng hiện diện trên sàn ở khu vực sinh hoạt theo kiểu La Mã cổ điển, vững chãi nơi mặt bàn bếp với bề mặt được mài kỹ lưỡng, hay được ốp dạng tấm lớn cho sàn trong các phòng tắm, hoặc được chẻ thành từng viên nhỏ ốp tường quanh lò sưởi. Bề mặt của chúng, khi thì được đốt để nhuốm màu thời gian và mang lại cảm giác vững chãi dưới chân, khi lại mang những vết xước nhẹ nhàng gợi cảm giác tự nhiên nơi mặt bếp. Mỗi phương thức xử lý bề mặt đá đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp nguyên bản, giàu xúc cảm của vật liệu, một lời khẳng định về sự trường tồn và vẻ đẹp thô mộc của tạo hóa.

Không gian phòng ăn và bếp. Ảnh: Gustav Willeit

Phòng tắm với ô cửa nhìn ra cánh rừng đang thay lá trên dãy Alps. Ảnh: Gustav Willeit

Nét vững chãi của đá được dung hòa và cân bằng bởi sự ấm áp lan tỏa từ gỗ du, một loại gỗ địa phương được xử lý thủ công một cách tỉ mỉ. Loại gỗ này, qua bàn tay khéo léo và tâm huyết của những người thợ lành nghề, đã biến ô cửa sổ thành bộ khung tranh cắt cảnh. Gỗ du còn được dùng cho những cánh cửa phòng, bậc thang và các vật dụng nội thất được chế tác riêng, từ chiếc bàn ăn sum họp gia đình đến những chiếc ghế nhỏ duyên dáng. Kỹ thuật bào tay truyền thống, cùng lối ghép mộng và ghép nối thủ công không chỉ đảm bảo sự bền chắc vượt thời gian mà còn mang lại vẻ đẹp mộc mạc, nơi mỗi thớ gỗ kể câu chuyện của riêng mình, mời gọi chạm vào và cảm nhận.

Những chi tiết bằng đồng nguyên chất được rèn thủ công, như tay vịn lan can phòng khách, tay nắm cửa, chiếc đèn thả duyên dáng phía trên bàn ăn hay cây đèn đứng tinh xảo trên tầng áp mái, trông như những điểm nhấn ấm áp, phản chiếu ánh sáng tạo sự cân bằng và chiều sâu cho tổng thể của đá và gỗ, của cứng và mềm. Hoàn thiện bức tranh nội thất là lớp vữa trát tường được làm từ hỗn hợp phấn, cát và vụn đá chọn lọc, được thi công thành một lớp mỏng rồi làm mịn bề mặt, góp phần tạo nên một bầu không khí ấm cúng và thân thuộc, nơi mỗi chi tiết, dù nhỏ nhất, đều toát lên sự tỉ mỉ và lòng trân trọng đối với nghề thủ công truyền thống.

Chi tiết tủ bếp gỗ du với mặt đá gneiss Passeirer. Ảnh: Gustav Willeit

Phòng ăn ngập tràn trong ánh sáng vùng cao nguyên với chiếc đèn trần bằng đồng được chế tác thủ công, hiện ra nổi bật giữa những bề mặt thô mộc trong không gian nội thất. Ảnh: Gustav Willeit

Chi tiết tay nắm cửa bằng đồng và cánh cửa trong nhà bằng gỗ du. Ảnh: Gustav Willeit

Không gian bên trong Haus am Mühlbach được tổ chức theo trục dọc với các cao độ sàn lệch nhau nửa tầng. Từ gian bếp và phòng ăn ấm cúng ở tầng trệt, nơi khởi đầu của những sinh hoạt thường nhật, không gian dẫn lối qua các khu vực riêng tư hơn ẩn mình trong lõi công trình, rồi bất ngờ mở ra một phòng khách khoáng đạt, ngập tràn ánh sáng trên tầng áp mái, nơi tầm nhìn bao quát ra cảnh quan trở thành điểm nhấn chính. Giải pháp lệch tầng này không chỉ tối ưu hóa công năng sử dụng trong một diện tích khiêm tốn mà còn tạo nên những góc nhìn đa dạng, những liên kết thị giác bất ngờ giữa các không gian, mang lại cảm giác mỗi gian phòng được mở rộng và liên tục biến đổi, tránh đi sự đơn điệu.

Mặt cắt qua công trình. Ảnh: Pedevilla Architects

Những ô cửa sổ hình vuông, với kích thước khác nhau, được bố trí một cách có chủ ý, nơi mỗi ô cửa là một góc nhìn được chọn lọc kỹ càng hướng ra dãy Alps mây phủ. Ánh sáng tự nhiên theo đó len lỏi vào từng ngóc ngách, khi thì rực rỡ, khi lại dịu dàng, làm nổi bật kết cấu phong phú của vật liệu và thổi một luồng sinh khí trong lành cho ngôi nhà. Hình dáng vuông vức còn được tìm thấy trong thiết kế của các món đồ nội thất bằng gỗ du, tạo nên một sự nhất quán đầy chủ ý trong ngôn ngữ hình học của toàn bộ công trình. Ngồi bên trong, phóng tầm mắt ra xa, người ta có thể cảm nhận sâu sắc sự giao cảm giữa không gian kiến trúc được tạo tác bởi con người và thiên nhiên bao la, một trải nghiệm gói gọn cả cái tự do phóng khoáng và sự tĩnh tại.

Ngôi nhà hiện ra đồng chất và nguyên khối bên những tán rừng đang chuyển mùa trên dãy Alps. Ảnh: Gustav Willeit

Tầng áp mái với những ô cửa sổ như một bộ sưu tập tranh phong cảnh dãy Alps giữa trời và mây. Ảnh: Gustav Willeit

Theo đuổi sự tối giản thuần khiết

Linh hồn của Haus am Mühlbach và nhiều công trình khác của Pedevilla Architects, văn phòng do hai anh em Alexander và Armin Pedevilla sáng lập năm 2005 tại Bruneck, Nam Tyrol, khởi nguồn từ sự trân quý những giá trị bản nguyên. Sau thời gian học tập và làm việc tại Áo, họ trở về quê hương với một tâm niệm kiến tạo những công trình vừa mang dấu ấn đương đại, vừa gìn giữ hồn cốt của vùng đất bên dãy Alps.

Triết lý thiết kế của họ, đôi khi được xem như một dạng “chủ nghĩa tối giản vùng núi cao” (Alpine minimalism), không đơn thuần là việc giản lược chi tiết hay theo đuổi một hình thức bề ngoài. Đó dường như là một quá trình chắt lọc tinh túy, tìm về sự đơn giản cốt lõi và biểu đạt những gì thực sự giá trị. Họ kiếm tìm một “sự thuần khiết” trong kiến trúc, nơi hình khối, vật liệu và không gian đồng nhất, tạo nên một tổng thể hài hòa, ý nghĩa. Pedevilla Architects đặc biệt coi trọng những “vật liệu sống”, những vật liệu tự nhiên, có khả năng tự biến đổi và mang dấu ấn thời gian. Họ ưu tiên đá, gỗ địa phương và kỹ thuật xây dựng truyền thống, được làm mới bằng tư duy thiết kế đương đại. Với họ, kiến trúc không chỉ là tạo tác những công trình thẩm mỹ, mà còn phải bền vững về văn hóa và sinh thái, góp phần gìn giữ di sản của vùng một cách thầm lặng. Sự chọn lọc trong vật liệu, sự tôn trọng bối cảnh và cam kết với chất lượng thủ công đã giúp Pedevilla Architects tạo dựng một vị thế riêng và có những đóng góp đáng kể cho kiến trúc đương đại ở Nam Tyrol và xa hơn.

Trạm cứu hỏa của thị trấn Vierschach ở Nam Tyrol, Ý, do Pedevilla Architects thiết kế. Ảnh: Gustav Willeit

Nhà dịch vụ Kreuzbergpass, một thiết kế của Pedevilla Architects giữa vùng di sản thế giới Dolomites ở Ý. Ảnh: Gustav Willeit

Mái dốc của ngôi nhà như cùng hòa điệu với những mái nhà truyền thống trong làng. Ảnh: Gustav Willeit

Như một tiếng vọng từ những đỉnh núi cao, Haus am Mühlbach nhắc nhở chúng ta về vẻ đẹp của sự giản dị, giá trị của việc kết nối với thiên nhiên, với truyền thống. Công trình gợi mở một không gian để mỗi người có thể tìm về sự tĩnh tại bên trong mình, một cách tự nhiên. Pedevilla Architects không chỉ xây dựng một ngôi nhà, họ đã kiến tạo một không gian nơi con người có thể tìm thấy sự tự tại, sự thanh thản và nguồn cảm hứng bất tận từ vẻ đẹp hùng vĩ và thuần khiết của dãy Alps. Ngôi nhà hiện diện nơi đó, như một lời khẳng định lặng lẽ mà vững chãi, rằng giữa dòng đời biến đổi không ngừng, vẫn có những giá trị bền vững, những không gian có thể chứa đựng và nâng đỡ tâm hồn con người.

Daniel Bui


 
Back to top