Thăng Long – Kẻ Chợ và làng nghề: Khởi điểm của một thị trường thời trang
Nằm ở phía đông của Hoàng Thành Thăng Long và mở rộng đến sát bờ sông Hồng, phố cổ Hà Nội tự ngày xưa đã đóng vai trò như một khu đô thị tiểu thủ công nghiệp và giao thương sầm uất, nơi lập nên những phường nghề phố nghệ tha hương được gọi thành tên.
Từ khi Thăng Long – Kẻ Chợ trở thành thủ phủ Bắc Thành vào đầu thế kỷ XIX, sau đó trở thành thủ đô của Liên Bang Đông Dương vào đầu thế kỷ XX, khu dân cư phía đông thành đã từng bước thiết lập hình thái của một nền kinh doanh thương mại. Tại khởi điểm đó, kỹ nghệ tằm tơ dệt lụa thủ công làng xã đã đón nhận sự du nhập ồ ạt của công nghệ dệt may tiên tiến và văn hoá phương tây, làm động lực thúc đẩy sự ra đời của thị trường thời trang nội địa như chúng ta biết đến ngày nay.
Từ làng nghề ra phố nghệ
Hàng Đào là một đường trục kéo dài của phố cổ Hà Nội, nằm ở bắc Hồ Gươm, nơi tập trung nhiều cửa hiệu và nhà may nổi tiếng, buôn bán đủ các loại tơ lụa truyền thống đến các mặt hàng vải, y phục, đồ dùng phương tây kim thời nhất trong thế kỷ XX.
Phố Hàng Đào vào thời Hậu Lê thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Từ thời nhà Trần (XIII – XIV) hay đến thời Lê (XV – XVIII), phường Đại Lợi đã là một phường nghề nhuộm tơ lụa nổi tiếng, nơi cư ngụ của những người dân xa xứ, chủ yếu đến từ làng Đan Loan (hay còn gọi là làng Đọc) – một làng nghề nhuộm tơ lụa lâu đời ở huyện Bình Giang, Hải Dương.
Người làng Đan Loan xưa kia không chỉ nhuộm tại làng mà còn quẩy gánh đi đến các làng quê lân cận để nhuộm thuê quần áo, vải lụa cho mọi nhà. Đến khi tích tụ được vốn liếng, nhiều người tập trung về phố Thợ Nhuộm mở cửa hiệu, quần tụ cùng với dân làng Liêu Xá, Liêu Xuyên ở Hưng Yên, hay làng Vân Canh ở Hà Tây. Ở phố Thợ Nhuộm kiếm sống tốt hơn nhờ vào việc nhuộm vải cho các bà các cô tầng lớp thị dân và các cửa hiệu tơ lụa ở Thăng Long – Kẻ Chợ.
Cố đô Thăng Long vào thời Lý có 61 phường, và không có phường nào có tên gắn với chữ “Hàng”. Đến thời Lê gộp lại còn 36 phường, chỉ có một phường mang tên “Hàng Đào”. Nhưng dưới thời Hồng Đức Thịnh Thế (thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, 1442 – 1497), phường Hàng Đào đổi tên thành phường Thái Cực – theo tên gọi của hồ Thái Cực, trước đây thông với hồ Hoàn Kiếm bằng một con lạch nhỏ cắt qua quãng phố Cầu Gỗ ngày nay. Hồ Thái Cực vẫn còn tồn tại đến cuối thế kỷ XIX, cư dân lấp dần lại và khoảng 1920 thì biến mất, hình thành nên con phố Hàng Đào nối liền trục đường Đào – Ngang – Đường – Xuân từ Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục kéo dài đến chợ Đồng Xuân.
Hồ Thái Cực nhìn từ bờ bắc hồ Hoàn Kiếm, một trong những tranh minh hoạ cho triển lãm Kẻ Chợ > Phố Cổ (tháng 4/2015), thực hiện bởi hoạ sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả bộ truyện “Long Thần Tướng”), cộng tác cùng họa sĩ (KTS) Romain Orfeuvre. Nguồn: Behance/PhongNguyenThanh. Đề tìm hiểu thêm về hồ Thái Cực và nhiều tranh minh hoạ liên quan đến Kẻ Chợ, xem tại Behance/PhongNguyenThanh
Bản đồ khu vực trung tâm Hà Nội do người Pháp thực hiện vào năm 1873, khi phố Hàng Đào chưa định hình thành một đường trục nối liền với Hàng Ngang. Nguồn: kienthuc.net
Ở thời Lê, các hộ thợ nhuộm người làng Đan Loan di chuyển ra trung tâm, rồi lập nên phường nhuộm Hàng Đào. Khu vực này không chỉ nhuộm vải màu điều (màu đào) mà còn nhiều màu vải khác, không chỉ kinh doanh tơ lụa gấm vóc mà về sau, khoảng những năm 1930 còn phát triển thêm nghề may âu phục, buôn bán tạp hoá các loại màu nhuộm tổng hợp và đồ dùng phương tây như nước hoa, mỹ phẩm, mũ dạ…
Quảng cáo may âu phục của hiệu Đông Thuỵ ở số 28 phố Hàng Đào (trái); và hiệu Phan Đông Giang (số 8 phố Quảng Đông, Hàng Ngang ngày nay) chuyên bán các loại vải để may quần áo tây (phải), đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 626, 5 tháng chín 1929. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Hiệu Vạn Lợi của “chị em ta” ở số 113 Hàng Đào có đủ các loại hàng hoá tân thời, giá rẻ, hàng tốt – Hà Thành Ngọ Báo, số 959, 18 tháng mười 1930. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Trên: Dịch vụ hậu mãi, hấp lại mũ không lấy tiền của hiệu Trịnh Văn Sửu, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1305, 19 tháng mười hai, năm 1931. Dưới: Quảng cáo bán Tết và chương trình tặng vé trúng thưởng xe máy (giới hạn 600 vé) của hiệu Trịnh Văn Sửu, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1910, 14 tháng một 1931. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo của hiệu may An Vinh và Lạc Dương, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1093, 4 tháng tư 1931. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Phường Hàng Đào đã từng có chợ hàng tơ (hay chợ nhuộm Hoa Lộc) họp 6 phiên mỗi tháng, mang đến cho thị dân Kẻ Chợ muôn loại mặt hàng dệt, nhuộm bằng tơ tằm như the, lĩnh, lụa, lượt, là, cấp, nái, kỳ cầu, nhiễu, gấm, vóc, sa, xuyến, đũi.. đến từ khắp các làng nghề danh tiếng như La Khê, La Cả, Vạn Phúc ở tỉnh Cầu Đơ – Hà Đông, hay làng Mỗ, làng Xuân La, các làng Kẻ Bưởi ở tỉnh Hà Nội…Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp quy hoạch lại các khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Đào được gọi tên thành Rue de la Soie (Phố Tơ Lụa).
Phố Hàng Đào (Rue de la Soie) – Hanoi 1940. Phía bên phải, phía trên của hiệu An-Thanh là hiệu Trịnh Văn Sửu, chuyên bán khăn và mũ ở số 45 Hàng Đào. Photo by Harrison Forman/Otofun.net
Phố Hàng Đào (Rue de la Soie) – Hanoi 1940. Có thể đọc được biển hiệu của nhà may Thanh Lương ở số 39 Hàng Đào. Photo by Harrison Forman/Otofun.net
Phố Hàng Đào (Rue de la Soie) – Hanoi 1940. Trung tâm bức ảnh có bảng hiệu “Bata” của thương hiệu giày Bata, một trong những thương hiệu giày dép lâu đời trên thế giới, được thành lập bởi Thomas Bata vào năm 1894, hiện nay có trụ sở chính đặt tại Lausanne, Thuỵ Sĩ. Photo by Harrison Forman/Otofun.net
Góc phố Hàng Đào & Cầu Gỗ. Ở trung tâm bức ảnh có thể đọc được biển hiệu “nhà máy ruộm Tô Châu”. Photo by Harrison Forman
Ngày nay, ở số 90A phố Hàng Đào vẫn còn giữ gìn tấm bia di tích có tuổi từ năm 1706 của đền thờ Hoa Lộc, nơi thờ phụng đôi vợ chồng Thành Hoàng Làng đồng thời là tổ sư nghề nhuộm – quan Triệu Xương và công chúa Phương Dung, do người dân làng Đan Loan lập nên. Khoảng sau thập niên 20, số nhà 90 từng là hiệu âu phục Đức Hoà. Khoảng thập niên 40, ngôi nhà rộng 200m2 và cao 3 tầng này thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943), cũng là một gia đình buôn vải giàu có nức tiếng ở phố cổ, xuất hàng đi các nước Lào, Thái, Ấn…Đến nay đã gần một thế kỷ, số nhà 90 phố Hàng Đào vẫn giữ nguyên vị trí, tầng trệt chia tách thành 3 cửa hiệu riêng biệt 90A, 90B và 90C nhưng vẫn giữ được điện thờ và kiến trúc tổng thể ở tầng trên.
Vị trí của ngôi nhà ở số 90 Hàng Đào từng là cửa hiệu Đức Hoà chuyên bán quần áo và mũ nón. Photo by Firmin-André Salles. Nguồn: manhhai/Flickr
Thời nhà Nguyễn, phố Hàng Vải nằm ở đất thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long cũ. Phố Hàng Vải ngày nay thuộc phường Hàng Bồ, hợp lại từ hai đoạn phố, Hàng Vải (Nhuộm) và phố Hàng Cuốc. Thời Pháp thuộc, phố Hàng Vải gọi là Rue des Étoffes, còn gọi là Hàng Vải Thâm hay Hàng Vải Nâu để phân biệt với phố Hàng Vải ở chợ Cửa Đông, vốn chuyên bán những tấm vải mộc khổ nhỏ, chưa nhuộm (về sau chợ Cửa Đông chuyển về Đồng Xuân, Hàng Vải nhập vào phố Thuốc Bắc).
Các phố Hàng Vải ban đầu chỉ bán các loại vải khổ nhỏ, vải lĩnh dệt trơn bằng khung cửi cổ truyền của làng nghề Trích Sài, vùng Kẻ Bưởi. Từ cuối thế kỷ XIX, Hàng Vải Thâm (Rue des Étoffes) bán thêm các mặt hàng nhập cảng từ tàu phương tây. Trước thập niên 40, lĩnh Kẻ Bưởi vang danh đến tận miền Nam, các thương nhân trong nước mua lĩnh mộc mang đến Huế – có làng nhuộm Lạc Nô nổi tiếng, để nhuộm màu tía rồi đưa thứ lĩnh tía (hay còn gọi là lãnh nhồi tía) xa xỉ dệt nên từ ‘vạn dặm đường xa’ này về bán tại Sài Gòn, Hà Nội. Đến cuối thế kỷ XX, cả phố chuyển sang bán tre và không còn nhà nào bán vải nữa. Ngày nay, di tích Đình Tân Khai vẫn còn ở số 44 Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm. Nghề dệt lĩnh trứ danh ở làng Trích Sài thì nằm yên trong quá khứ, chỉ còn lại miếu Bà chúa dệt lĩnh ở làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Quảng cáo “nhận nhuộm các mầu vẫn lấy có nửa tiền” và nhuộm lĩnh tía “cam đoan như nhồi tía SAIGON” của hiệu Phúc Thịnh (35 Hàng Đậu) và hiệu Lê Quang Long (50 Hàng Cót), đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, các số trong năm 1932 – 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Đầu thế kỷ XX, không náo nhiệt bằng phố Hàng Đào nhưng việc bán buôn trên các con phố Hàng Bông khá phong phú, tấp nập khách đến mua hài, nón, vải bông, chăn bông, gối, đệm hay đặt hàng bật bông, nhuộm vải. Từ cuối phố Hàng Gai nối dài đến tận đầu phố Cửa Nam, Hàng Bông được người dân địa phương chia thành các đoạn theo tên gọi đặc trưng hàng hóa, hay theo ngõ phố, đền miếu của khu vực đấy như Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Ruộm (trong sách báo cũ, ruộm/duộm có nghĩa là nhuộm). Khi quy hoạch lại, người Pháp cũng gọi tên các con phố Hàng Bông theo đặc trưng sản phẩm ở đó như Rue du Coton (Hàng Bông), Rue des Teinturiers (Hàng Bông Thợ Ruộm) và Rue Jean Soler (đặt theo tên của một nhà triết học Pháp)
Quảng cáo của hiệu tạp hoá Cơ Quang, có nhiều chi nhánh tại số 124, 138 và 188 Hàng Bông, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 626, 5 tháng chín 1929 (Trái) và báo Đông Phương, số 21, 26 tháng mười hai 1929 (Phải). Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Thập niên 30 ở thế kỷ trước, hiệu dệt Cự Chung phát triển được kỹ nghệ dệt len và dệt kim, áo thun pull’over may sẵn bắt đầu phổ biến, thích hợp để mặc trong mùa rét. Quảng cáo trên hướng đến các khách hàng đi xem Hội-chợ cuối năm, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2194, 28 tháng mười hai 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Năm 1936, mục quảng cáo của hiệu Cự Chung đăng trên báo Ngày Nay, số 21, 16 tháng tám 1936, đặc biệt quảng bá “công nghệ Annam”, có sẵn nhiều kiểu chemisette bằng lụa, fil và coton. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Dân cư phố Hàng Bông đến từ nhiều làng nghề khác nhau, như Hàng Bông Thợ Nhuộm có gốc ở làng Huê Cầu (hay Xuân Cầu) và Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), chuyên nghề nhuộm nâu và nhuộm thâm các loại vải mộc, vải lụa. Ở Hàng Bông Đệm có những nhà làm nghề bật bông thủ công, có thể xem là một nghề cổ gần như thất truyền ở miền Bắc Việt Nam.
Những người thợ bật bông ở miền Bắc, Việt Nam (1914 – 1917). Photo by Léon Busy. Nguồn: Ngao5/flickr
Có làng Trát Cầu ở Ven sông Nhuệ (huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa kia chuyên làm nghề bật bông, làm chăn bông, gối bông…có lịch sử hàng thế kỷ. Vào đầu thế kỷ XIX, người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông thủ công, rày đây mai đó. Cứ hai thợ cắp theo dụng cụ đi làm bông thuê, bật lại chăn bông cũ và làm chăn mới cho các nhà, các làng. Nghề bật bông hay còn gọi là “nghề một dây”, thực ra là nghề làm chăn bông, gối đệm. Bật bông chỉ là công đoạn đánh tơi bông (với dụng cụ bắt buộc là cung bật bông, hay còn gọi là cần bật bông) trong một chuỗi các công đoạn, từ thu hoạch bông cho đến khi tạo ra một tấm vải bông mộc, hay thành phẩm chăn bông, áo bông được nhuộm màu, chần chỉ, thêu thùa tinh xảo.
Những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, làng Đông Quang ở tỉnh Thái Bình cũng là một vùng hành nghề bật bông, làm chăn bông truyền thống. Đồng bào dân tộc ở Tây Bắc, và một số tỉnh thành ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ xưa kia cũng có những làng theo nghề này.
Để dễ hình dung về kỹ nghệ bật bông từng tồn tại ở Hàng Bông Đệm và mường tượng về những người thợ bật bông rảo khắp Thăng Long – Kẻ Chợ xưa kia, có thể tìm hiểu các công việc thủ công (trong đó có công đoạn bật bông) để tạo ra trang phục truyền thống của người La Chí ở bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nguồn: Tinh Hoa Nghề Việt – VTV4
Phố buôn tơ lụa gấm nhung
Hàng Ngang – một con phố mặc dù không có tên gọi gắn liền với nghề tằm tơ dệt nhuộm, nhưng cũng nổi danh các hiệu tơ lụa lớn bậc nhất Kẻ Chợ. Phố Hàng Ngang hay Rue des Cantonnais (Phố Quảng Đông) xưa kia thuộc phường Diên Hưng và phường Đường Nhân cổ (trong số 36 phường ở thời Hồng Đức). Ý nghĩa của tên Quảng Đông bắt nguồn từ những người Minh Hương (người Hoa dưới triều đại nhà Minh, Trung Quốc) di cư đến vào thời Lê. Phố Hàng Ngang [*1] tập trung đa số là người Hoa gốc Quảng Đông, là những Hoa kiều hay thương nhân người Hoa ở phố Hiến chuyển về, lập nên con phố kinh doanh hàng tơ lụa Trung Hoa có danh tiếng ở Thăng Long – Kẻ Chợ.
Quảng cáo của hiệu len giạ Jui Seng ở số 13 Hàng Ngang, đăng trên báo Đông Phương, số 18, 23 tháng mười một 1929. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Một hiệu tơ lụa lớn của người Hoa, tên “Thuong – hai thuong – diem” (Tạm dịch: Hiệu buôn Thuong Hai, trong đó thương điếm có nghĩa là hiệu bán buôn), đăng trên Dân Luận, Số 11, 5 tháng chín 1938. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
*Hiệu Thương-hai thuong-diem ở số 48 Hàng Ngang sau này thuộc sở hữu của hiệu Phúc Lợi, và ngày nay là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (công nhận từ năm 1979)
Nếu như phố Hàng Đào hầu như chỉ buôn bán nhỏ lẻ các loại tơ lụa bản địa, phố Hàng Ngang là phố thương buôn với các đơn hàng lớn đi khắp Bắc, Trung, Nam, Cam, Lào. Trên phố có nhiều cửa hiệu của dòng họ Phan, như hiệu Phan Đức Thành, Phan Thái Thành, Phan Hưng Thành, Phan Vạn Thành, Phan Dụ Thành, Phan Hoà Thành…Dù được xem là con phố “của người Quảng Đông”, nhưng nổi tiếng ở Hàng Ngang là các hiệu buôn tơ lụa rất lớn do các doanh nhân người Việt lập ra như Phúc Lợi ở số 7 và Lợi Quyền ở số 27.
Một quảng cáo của hiệu Trịnh Phúc Lợi, “Contre-remboursement” (tức Cash on Delivery – COD), dịch vụ thanh toán tiền mặt khi giao hàng dành cho các kiện hàng bán buôn, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2063, 23 tháng bảy năm 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Ông chủ của hiệu Trịnh Phúc Lợi – Trịnh Văn Đường là một doanh nhân trí thức và có tầm nhìn xa trông rộng, con trai cả của ông là một trong những người Việt hiếm hoi theo học trường cao đẳng Nghiên Cứu Thương Mại Cao Cấp (Hautes Études Commerciales – HEC) của Pháp vào đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người đào tạo ra các ‘nhà sáng lập’ của nhiều hiệu buôn hoặc doanh nghiệp thành công trong thập niên 30 – 40 như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Toạ (hiệu Lợi Hoà ở Sài Gòn)…
Người kế nghiệp của hiệu Trịnh Phúc Lợi là con trai thứ hai tên Trịnh Văn Bô. Sau khi lập gia đình vào năm 1932, ông Trịnh Văn Bô tiếp quản gia nghiệp và đổi tên ngắn gọn thành Phúc Lợi. Thời cực thịnh, hiệu tơ lụa Phúc Lợi do ông Trịnh Văn Bô và vợ là Hoàng Thị Minh Hồ làm chủ đã xuất hàng bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan, và được các thương nhân trong và ngoài nước (như Anh, Pháp, Ấn, Nhật…) tìm đến tận nơi để đặt mua. Khoảng thập niên 40, Phúc Lợi dời cửa hiệu từ số 7 về số 48 Hàng Ngang (trước đó là Thuong-hai Thuong-diem), nơi mà sau này trở thành một di tích quan trọng của đất nước Việt Nam suốt thời chiến tranh và hòa bình. Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã ở tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang và viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập (2/9/1945).
Trái: Hiệu Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang, quảng cáo len đan áo trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2599, 12 tháng năm 1936. Và chi nhánh Phúc Lợi – nhãn Balty, ở số 1 đại lộ Paul Doumer, Hải Phòng, đăng trên tuần báo Ngày Nay, số 37, 27 tháng mười hai 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Hiệu tơ lụa Lợi Quyền ở số 27 Hàng Ngang ra đời từ tháng 8/1935, theo hình thức cổ phần bởi một nhóm doanh nhân gồm các ông Nguyễn Như Mậu, Mai Bá Lân và Vương Xuân Tọa. Lịch sử thành lập và hoạt động, câu chuyện kinh doanh và quảng bá của cửa hiệu Lợi Quyền được ông Mai Thế Trạch kể lại cặn kẽ trên blog Lợi Quyền. Ngoài chuyện gia nghiệp, ông Trạch cũng đề cập đến nhiều cửa hiệu kinh doanh ở phố Hàng Ngang trong nửa đầu thế kỷ XX nói riêng, và bối cảnh thương mại trong lĩnh vực dệt nhuộm, tơ lụa ở Hà Nội giai đoạn này.
Ảnh chụp cửa hiệu Lợi Quyền (Trái) và dấu triện [*2] của hiệu tơ lụa Lợi Quyền. Hình ảnh thuộc sở hữu của gia đình Lợi Quyền. Nguồn: giaovn.blogspot
Khi mới thành lập, để lôi cuốn sự chú ý của khách hàng, các ông chủ của Lợi Quyền đã cho in những tờ rơi quảng cáo, đặc biệt nhấn mạnh chiến thuật ‘content marketing’ như nêu bật các ưu điểm và độ tín nhiệm cần có của một hiệu buôn, với nội dung “buôn bán lành nghề, chuyên về tơ lụa vải”, “buôn tận gốc, bán rất hạ và thật thà”. Chưa kể, “thương hiệu” Lợi Quyền được nhắc đi nhắc lại trong tờ rơi quảng cáo để in sâu vào trí nhớ của khách hàng (theo blog Lợi Quyền, trích thư gửi ông Mai Thiệu Thuật, ngày 14/7/1935).
Với kinh nghiệm thu hái được khi còn làm việc ở Phúc Lợi và tài ngoại giao sẵn có, hiệu Lợi Quyền của ông Mai Bá Lân trở thành đối tác của các hãng buôn Châu Âu lớn ở Đông Dương như Denis Frères, Optorg, Diethelm, Ogliastro. Ngoài ra, theo blog của ông Mai Thế Trạch kể, hiệu Lợi Quyền còn giao dịch với các đối tác trên thị trường lúc bấy giờ như Đức Nguyên (Tak Yune), Chí Xương (Tzi Cheong) của người Hoa; hay hiệu Muthurama ở Hàng Đào, hiệu ông Sàm của thương nhân người Ấn ở phố Hàng Ngang.
Các mục quảng cáo của hiệu buôn tơ lụa Việt-Hoá, hiệu Lợi Quyền và hiệu nhuộm Văn Quỳnh, đăng cùng một trang trên báo Tiếng Gọi Phụ Nữ, số 15, 22 tháng một 1946. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Lợi Quyền là một trong những cửa hiệu ra đời và kinh doanh phát đạt sau khi Đông Dương bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Thứ ba đen tối – sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall, 29 tháng 10 năm 1929) trong thập niên 30 của thế kỷ XX. Đây cũng là thời kỳ cạnh tranh thương mại sôi nổi – sau khi được mở đường bởi các nhà kinh doanh đời đầu như ông Trịnh Văn Đường của hiệu Phúc Lợi. Từ nửa cuối thập niên 30, tư tưởng “kim tiền thời đại” coi việc thương mại là tối trọng phổ biến từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Bắc chí Nam, trên toàn xứ Đông Dương cũng như trên thế giới, như một quy luật tất yếu để sớm bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế.
Hiệu Lợi Quyền nhanh chóng trở thành một hiệu buôn lớn và có uy tín cao. Hàng của Lợi Quyền vận chuyển khắp Bắc Trung Nam và đến tận các tỉnh vùng núi như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu. Các tỉnh Tây Bắc nhập vải nhuộm chàm công nghiệp (và các loại vải khác) của hiệu Lợi Quyền để thay thế vải nhuộm chàm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc buôn hàng đi các bản xa và có mặt ở những phiên chợ giáp biên giới.
Theo lời của ông Mai Thế Trạch, “Hàng đặc sản thì có vải nhung (nhung thường, nhung the), vải len may quần áo tây (Dortmeuil?) chính hiệu nhập từ châu Âu, lụa bombay (Ấn độ hay Pakixtan) lụa tơ tằm Hà Đông may áo dài phụ nữ, lĩnh (lãnh) đen của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long, đũi tơ tằm An đông. Nhưng hình như các đặc sản không phải là thế mạnh của Lợi Quyền mà các loại vải chúc bâu trắng (calicot), vải mộc, vải nhuộm nâu, nhuộm chàm, nhuộm đen mới là mặt hàng chính”.
Đồng bào dân tộc bán vải ở chợ phiên Nguyên Bình hay chợ Nà Bao, thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng – Tonkin 1902. Photo by Roger Viollet
Dân tộc Man-Tien (còn gọi là người Dao Đỏ, hay người Mán) bán vải (hoặc giấy) ở chợ phiên Nguyên Bình hay chợ Nà Bao, thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tonkin – Năm 1902. Photo by LL/Roger Viollet via Getty Images: Man-Tien women at the market of Nguyen-Binh. Upper-Tonkin (current Vietnam).
Tân cựu giao thời
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thuốc nhuộm tổng hợp [*3] rốt cuộc tràn đến Việt Nam, khiến nghề nhuộm thủ công từ nguyên liệu tự nhiên mai một dần, những người làm nghề ở Hàng Đào, Thợ Nhuộm phải theo đà thế sự, chuyển sang nhuộm và bán các loại thuốc nhuộm tổng hợp.
Từ nửa cuối những năm 1920, các loại vải tây rất được người dân thành thị yêu thích và dần lấn át các chất liệu thủ công bản địa. Tại các hiệu tơ lụa, nhà may và cả cửa hàng tạp hoá, tên các loại vải, nguyên phụ liệu có nguồn gốc Pháp, Ấn được ca ngợi hết lời và mua bán nườm nượp. Các con phố Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Trống…vơi dần khách nhuộm vải và mua tơ lụa truyền thống.
Một quảng cáo của một hiệu tơ lụa lâu năm trên phố Ngõ-Trạm, do một madam người Pháp lập ra, đăng liên tiếp trên Trung Hòa Nhật Báo, số 74, 31 tháng năm, năm 1924 và số 75, 7 tháng sáu 1924. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Từ cuối thập niên 20, hiệu tơ lụa Đông Thuỵ ở số 28 Hàng Đào chuyên nhập về các loại gấm tây, nhiễu tây, satin…,thường đăng quảng cáo giới thiệu hàng “Mới sang” (Hàng mới về) trên Hà Thành Ngọ Báo, các số trong năm 1927. Đến thập niên 30, chi nhánh Đông Thuỵ ở số 78 Hàng Nón chuyên may các loại âu phục, y phục kiểu mới và bán các mặt hàng len, dạ kim thời.
Các quảng cáo của hiệu Đông Thuỵ trên Hà Thành Ngọ Báo, số 116, 20 tháng chín, năm 1927 (Trái) và số 2134, 15 tháng mười 1934 (Phải). Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Sự cạnh tranh vải tây lấn át vải ta, âu phục được coi là sang trọng hơn áo dài truyền thống, khiến cho việc kinh doanh khó khăn, cửa hiệu Lê-Thuận-Khoát ở số 42 Hàng Đào đã đăng một quảng cáo với nội dung đánh vào tâm lý người Annam ưu tiên dùng hàng Annam rằng:
Hiệu Lê Thuận Phát cũng giới thiệu chi điếm (có nghĩa là chi nhánh) ở số 17 Phố Khách, Hải Phòng. Mục quảng cáo đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 144, 22 tháng mười, 1927. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo các loại vải truyền thống the, xuyến, lụa, là của hiệu Lê Ninh, cho biết hàng vải lụa thâm đã qua tuyển chọn tơ, chọn thợ dệt rất kỹ. Hàng nhuộm thâm ta (để phân biệt với vải nhuộm màu kiểu tây) chỉ trong 15 ngày là có. Người ở xa “lĩnh hoá giao ngân” có nghĩa thanh toán khi giao hàng (cash on delivery – COD). Đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1314, 31 tháng mười hai 1931. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Kể từ những năm 1930, nhiều cửa hiệu của người Việt Kẻ Chợ bán thêm các món đồ tây phương để phục vụ nhu cầu của khách như giày tây, mũ dạ, đồng hồ, nước hoa, trang sức, mỹ phẩm, khăn tay…Lúc này, các cửa hiệu nhuộm phải phải cập nhật trên các kỹ thuật và dịch vụ tân thời để đáp ứng nhu cầu của thị trường thời bấy giờ.
‘Content marketing’ có nhắc đến ‘KOL’ tài tử Cải-lương tán dương sản phẩm “giày kiểu mới” của hiệu An Thành (số 37 phố Hàng Đào), quảng cáo đăng trên báo Đông Phương, số 18, 23 tháng mười Mmt 1929. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Hà Thành Ngọ Báo, số 742, 25 tháng một, năm 1930. Hiệu Nguyễn Ngọc-Linh ở số 104 Rue du Chanvre (nay là phố Hàng Gai), chuyên bán mũ nón, khăn xếp, giày tây, bít tất và cũng bán cả pháo. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo của cửa hàng Hai-Chinh ở số 74 – 76, phố Cầu Gỗ, Hanoi – Hà Thành Ngọ Báo, số 742, 25 tháng một 1930. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo giày kim thời năm 1934 và giày kiểu mới mùa bức 1936 của hiệu Vạn-Toàn, lần lượt, trên báo Phong Hóa, 19 tháng một 1934 và báo Ngày Nay, số 21, 16 tháng tám, năm 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Năm 1933, hiệu Tô Châu ở số 100 Quai Clemenceau (phố Bờ Sông) chỉ quảng cáo đơn giản các dịch vụ nhuộm, chải tuyết thông thường. Đến năm 1934 đã phát triển thành một nhà máy nhuộm, nội dung quảng cáo đăng trên báo cũng mô tả kỹ hơn để khách hàng biết đến dịch vụ.
Quảng cáo dịch vụ nhuộm, tẩy, chải tuyết đăng trên báo Phong Hóa, 29 tháng mười hai, 1933 và quảng cáo của nhà máy nhuộm Tô Châu đăng trên báo Phong Hóa, 19 tháng một, 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Ở Hà Nội lúc bấy giờ còn có một hiệu nhuộm mới khá tên tuổi, chủ hiệu tên Phạm Tá, là một người đã “tốt nghiệp trường hoá học chuyên môn về nghề ruộm ở Paris”. Đến năm 1931, hiệu Phạm Tá đã mở được 3 chi nhánh ở 22 Francis Garnier (phố Lê Thái Tổ ngày nay) ở Hà Nội, số 51 phố Mỹ Hội ở Sơn Tây và số 2 Francis Garnier ở Hải Phòng.
Năm 1933, nhân sự kiện Quan Toàn Quyền và quan Thống sứ vào Hà Đông dự lễ khánh thành xưởng Chấn hưng mỹ nghệ – được coi là một ngày “làm vẻ vang cho các nhà kỹ nghệ tỉnh Hà Đông” và là “một dịp cho các nhà nghề “ra mắt” công chúng”, một chi nhánh của hiệu nhuộm Phạm Tá ở Hà Đông đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để quảng bá cho mình. Phóng viên viết “Ngay đầu tỉnh, một tấm vải xanh căng dài làm quảng cáo như đập vào mắt khách qua đường…Qua thể môn nhìn lên, chúng tôi thấy tấm vải lớn quảng cáo cho nhà ruộm Phạm Tá căng ngay cạnh dan (gian) nhà trưng bày các đồ hàng…”
Quảng cáo chi nhánh mới của hiệu nhuộm Phạm Tá, đăng trên Hà Thành ngọ báo, số 1161, 28 tháng sáu 1931; và bài báo viết về lễ khánh thành xưởng Chấn-hưng mỹ-nghệ trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1705, 9 tháng năm 1933. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Trong khi các cửa hiệu tơ lụa, vải nhuộm bị “âu hoá” ngày một nhiều hơn ở Kẻ Chợ. Nhiều con phố, nhiều cửa hàng cũng sớm gia nhập phong trào “bách hoá”, các tiểu thương bán mọi thứ có thể nhập từ hải cảng về cửa hàng của họ. Hiệu làm giày bán thêm xà bông, nước hoa, rượu tây. Hàng bán khăn xếp không chỉ bán nón nỉ, mà còn phục vụ thêm dịch vụ hấp nón. Việc kinh doanh trở nên náo nhiệt, tân cựu giao thời, văn hoá Á-Âu cạnh tranh nhau trên khắp các con phố và trong tư tưởng của một thế hệ. Các cửa hiệu tân thời hăng hái chào mời trên nhiều mặt báo như Hà Thành Ngọ Báo, Phong Hoá, Ngày Nay, Trung Hoà Nhật Báo…
Cửa hiệu Toàn Thịnh ở số 84 Hàng Gạo giới thiệu dịch vụ hấp mũ dạ và quảng bá máy hấp Hoa Kỳ to nhất, độc nhất Hà Thành lúc bấy giờ. Lại thêm được thưởng Bội Tinh đồng tại Hội Chợ Hà Nội 1932, được Hoàng Thượng ân ban Kim Tiền vào năm 1933, và được thưởng Bội Tinh vàng tại Hội Chợ Hà Nội 1934. Đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2227, 1 tháng hai 1935. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo của hiệu Cự Lập (55 Hàng Đào) đăng trên tờ Loa, số 89, 31 tháng mười năm 1935. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Trái: Quảng cáo của hiệu nhuộm Phúc Hải trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2134, 15 tháng mười 1934. Phải: Quảng cáo đa dạng hàng hoá tơ lụa ta, hàng tây và hàng tàu của hiệu Mai Đệ đăng trên tuần báo Ngày Nay, số 36, 6 tháng mười hai 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo của hiệu nhuộm Kim Quy (31 Hàng Gai), thông báo giám giá 20% nhân dịp Tết Nguyên Đán, đăng trên báo Loa, số 100, 16 tháng một 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Các số báo từ ngày 12 – 17/5/1936, Hà Thành Ngọ Báo đăng một ô tin tức về việc đại danh hài – nhà làm phim Charlie Chaplin (Charlot – Sarlo) và người vợ thứ ba – nữ diễn viên Paulette Goddard có đến hiệu ruộm Tây-Hồ nhân dịp ghé thăm Đông Dương vào tháng 4/1936 (trong chuyến du ngoạn khắp Châu Á – Thái Bình Dương). Trên ảnh là một ô tin tức nhỏ (hoặc quảng cáo) đăng ở số 2604, 17 tháng năm 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Cách đây hơn 150 năm, sự ra đời và phổ biến của thuốc nhuộm tổng hợp là một hành trình khoa học vĩ đại. Khi chứng kiến sự du nhập của thành tựu công nghiệp này vào nước ta, các tờ báo tri thức chính thống cũng không đứng ngoài thời cuộc. Tuần báo Khoa Học đã xây dựng chuyên mục “Mách bảo công nghệ” để cung cấp thông tin về các kỹ nghệ mới cho công chúng, như nghề thuộc da, làm nước hoa, nghề nhuộm (hay ruộm/duộm theo cách gọi của báo chí lúc bấy giờ). Chuyên mục “Mách bảo công nghệ – Nghề ruộm” – thực hiện bởi tác giả Phi Công Tuất, đặc biệt được chú trọng hơn cả, kéo dài đến 15 số báo, từ số 124 ngày 1 tháng sáu năm 1936 đến số 138 ngày 21 tháng mười năm 1936 (từ tháng 7, báo ra 3 số/tháng)
Các bài “mách bảo” về nghề nhuộm cung cấp thông tin kiến thức khá chi tiết, từ “cách dặt (giặt giũ) và đánh trắng vải bông”, vải laine, tơ nhân tạo…đến trả lời độc giả; từ phân tích “tính chất các phẩm nhuộm” cho đến thông tin chi tiết về công thức, bí quyết, tên các loại phẩm màu nhuộm và thuốc cầm màu…Mỗi bài báo/số báo kéo dài trọn một trang, cung cấp một lượng kiến thức lớn cho những độc giả quan tâm đến công nghệ nhuộm hiện đại, đề cập đến tính khoa học trong ngành nhuộm và cập nhật thông tin bổ ích cho giới thợ nhuộm (những người đã có tay nghề nhuộm màu tự nhiên thủ công và đang chuyển dần sang thuốc nhuộm công nghiệp tổng hợp).
Chuyên mục “Mách bảo công nghệ – Nghề ruộm” trên báo Khoa Học, số 131, 11 tháng tám 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Chuyên mục “Mách bảo công nghệ – Nghề ruộm” trên báo Khoa Học, số 133, 1 tháng chín 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Chú thích
[*1] Nguồn gốc của tên gọi “Hàng Ngang”, trong đó từ “Ngang” không phải một món hàng hoá, đến nay chưa có sự chứng thực đủ thuyết phục. Tuy nhiên, con phố này còn có một tên gọi khác là phố Việt Đông, do những người Hoa ở đây có gốc Quảng Đông, mà xa xưa vùng lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) là vùng đất của dân tộc Bách Việt.
[*2] Một điều để biết thêm về hiệu Lợi Quyền là biểu tượng (triện) có hình chiếc thuyền buồm, với hai cánh buồm chứa hai hán tự “Lợi Quyền”. Biểu tượng này có liên quan đến biểu tượng của thành phố Paris, cũng là một chiếc thuyền buồm, kèm theo dòng chữ “Flvctvat Nec Mergitvr” (hay Fluctuat Nec Mergitur) bằng tiếng Latin, tạm dịch là “dù bị sóng vùi dập nhưng không chìm”. Với các truyền nhân của nhà Lợi Quyền, điều này có lẽ mang ý nghĩa rằng dòng họ Mai sẽ luôn vượt qua bao sóng gió thời cuộc với một tinh thần quật cường như thế.
[*3] Từ thời cổ đại cho đến đầu thế kỷ XIX, con người chỉ dùng các nguyên liệu động thực vật trong tự nhiên để làm thuốc nhuộm. Đến năm 1857, sau rất nhiều nỗ lực của các nhà khoa học, người ta chế tạo được thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên – thuộc nhuộm tím anilin, sau đó mới đến thuốc nhuộm màu chàm (indigo)
Ảnh bìa
Lễ Tết tháng 2/1929 – Các gian hàng trên đường phố – Phụ nữ Bắc Việt bán những mảnh vải lanh vụn, bít tất và đồ cũ. Nguồn: manhhai/flickr
Thực hiện bài viết: Xu