Sống

Cái chết: Nếu không thể tránh, sao không cởi mở

May 28, 2023 | By Pham Thu Phuong

Không có điều gì chắc chắn bằng việc một ngày nào đó, chúng ta đều sẽ biến mất khỏi thế gian. Bản năng con người e ngại những điều không chắc chắn. Bằng một cách nào đó, thứ hiểu biết tuyệt đối đúng kia vẫn thật khó chấp nhận. Mọi người tránh nhắc đến nó, nhưng Ben May đã làm ngược lại.

Hình minh họa bởi Anthony Eslick

Khi một người thân yêu ra đi, bạn nhìn lên bầu trời, tin chắc đêm đó có thêm một vì sao sáng tuyệt đẹp. Sẽ ra sao nếu mọi người có thể cởi mở bàn về cái chết một cách bình yên như vậy, khi nó vốn là một phần của cuộc sống và nhắc nhở bạn sống hết mình hơn? Lấy đó làm động lực, Ben May đã thành lập một cộng đồng phi lợi nhuận mang tên The New Normal – nơi mọi người bàn về chủ đề này cũng như cùng nhau vượt qua sự ra đi của người thân. Đến nay, hội đã hoạt động khắp châu Âu, Mỹ và Hong Kong. Khi được hỏi về cách giúp mọi người nhìn nhận cái chết một cách lành mạnh và tích cực hơn, May chia sẻ một số gợi ý sau đây.

1. Nói ra không phải cách duy nhất

Nhắc lại khoảng thời gian khi cha mới ra đi vào năm 2016, May chia sẻ: “Tôi và chị gái không nhất thiết phải nói về cha. Thay vào đó, chị thường mang hoa đến nghĩa trang. Tôi thì thấy kết nối với cha khi xem bóng đá và nghe nhạc. Điểm chung là chúng tôi đều tìm đến âm nhạc như một cách thể hiện tâm tư của mình, và đọc vị cảm xúc của người kia.” Rất nhiều lúc, nói không phải cách tốt nhất bởi ngôn từ có hạn chế của nó. Thay vào đó, hãy tìm cách khác để giải phóng cảm xúc của mình, như qua âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh,…

2. Chìa khóa là sự kiên trì 

Đối với những vấn đề khó giãi bày, sự kiên trì của người nghe là yếu tố then chốt để một người có thể chia sẻ bản thân họ. Vậy nên, đừng ngần ngại hỏi thêm lần hai, thậm chí lần ba, rằng “Mọi việc sẽ ổn thôi. Cậu có thể nói cho mình biết cảm xúc và suy nghĩ của cậu cho nhẹ lòng nhé.” Khi đã cảm nhận được sự quan tâm chân thành của bạn, người kia sẽ sẵn sàng mở lòng hơn.

3. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần

Nếu ngần ngại hỏi, phải chăng chính bạn chưa sẵn sàng để trao đổi cởi mở? Bạn có đang lo lắng phần nào tâm tư và cảm xúc bên trong mình sẽ bị người kia cảm nhận được qua cuộc nói chuyện? Hãy tự hỏi bản thân liệu đã sẵn sàng để mở lòng hay chưa. Không khó để cảm nhận được sự e ngại chia sẻ ở đối phương. Lúc này, đôi bên sẽ cùng giữ thái độ trung lập và cuộc trò chuyện không thể trở nên sâu sắc.

4. Luôn sẵn sàng

Chúng ta có xu hướng không muốn làm phiền ai đó khi thấy họ đang bận. Vậy nên, nếu người kia nhất định không chịu chia sẻ, bạn có thể nói: “Không sao. Mình vẫn luôn ở đây nếu cậu muốn chia sẻ hoặc hỏi bất kỳ điều gì.” Sau một thời gian, khi người ấy đã sẵn sàng, đây là cách bạn giúp họ cảm thấy an tâm và tin chắc rằng bạn sẽ luôn ở bên.

5. Dịu dàng như “sao Kim”

Theo cuốn “Đàn ông sao Hỏa, Đàn bà sao Kim”, phái mạnh có xu hướng tìm cách giải quyết khi đối mặt với vấn đề. Và đa phần chúng ta, khi nghe người khác chia sẻ về khó khăn của họ, cũng có khuynh hướng tương tự. Dường như, nỗi sợ không được chấp nhận nếu bản thân làm sai hoặc phơi bày những phần mong manh hơn trong mình khiến chúng ta luôn tìm cách để sửa chữa mọi thứ. Vậy nhưng, cho người khác mượn bờ vai hay sự lắng nghe có thể đã đủ để xoa dịu nỗi bất an trong họ. Trước khi đến giải pháp, hãy dịu dàng lắng nghe và thấu hiểu như “sao Kim” nhé.

6. Thoải mái trước, cởi mở sau

Khi sự mất mát đã qua đi một thời gian, những câu hỏi xoay quanh người cũ như tính cách, sở thích, mối quan hệ gắn bó từng có,… không những không gây cảm giác tiêu cực mà có thể khiến đối phương cảm nhận được sự quan tâm, cùng lúc nhớ lại kỷ niệm đẹp một cách đầy tự hào. Qua đây, cuộc trò chuyện trở nên cởi mở và thân mật hơn hơn.

Theo Mr Porter


 
Back to top