Sống

Đứng trước mẹ dịu dàng vĩ đại, ai cũng muốn trở nên bé nhỏ

May 10, 2020 | By Stephanie Nguyen

Con dù lớn vẫn là con của Mẹ

Đi hết đời, lòng Mẹ vẫn theo con.

Chế Lan Viên

Mẹ và Con Gái. Ảnh: Attila Nagy | Saatchi Art.

Mẹ! Tiếng gọi đầu tiên và có lẽ là thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người. Chuyện kể rằng, khi Thượng Đế tạo ra mẹ, người đã phải mất đến 6 ngày 6 đêm làm việc cật lực. Vì mẹ là tạo vật đặc biệt nhất trong quá trình sáng tạo của Thượng Đế, với một cơ thể dẻo dai và sức mạnh vô biên, hầu như không có điều gì mà Mẹ không thể hoàn thành hoặc không chịu đựng nổi. Mẹ cũng là tạo vật gần gũi nhất với trái tim của Thượng Đế, do đó Mẹ có khả năng yêu thương vô điều kiện tất cả những đứa con của bà.

Trong suốt cuộc đời, có ai lớn lên mà không nhờ vào tình yêu thương của Mẹ. Tình yêu có thể không ngọt ngào hay hoàn hảo, nhưng chúng ta mãi mãi không thể phủ nhận, Mẹ chính là cánh cửa đầu tiên dẫn ta đến với thế giới, và cũng là nơi đầu tiên cho ta cảm nhận về nguồn cội của mình.

Dù dòng đời đổi thay, vũ trụ xoay vần thì tình yêu của mẹ vẫn bất biến, và những đứa con của mẹ dù cho đầu đã hai thứ tóc, vẫn là những sinh vật bé bỏng mà mẹ luôn muốn bảo bọc, vỗ về. Mẹ có khả năng yêu thương và ôm ấp tất cả, kể cả những đứa con không do mẹ rứt ruột sinh ra. Mẹ cũng có khả năng tha thứ và chữa lành tất cả, biến đống tro tàn thành nơi nảy mầm tình yêu.

Mẹ chính là cánh cửa đầu tiên dẫn ta đến với thế giới, và cũng là nơi đầu tiên cho ta cảm nhận về nguồn cội.

Hôm nay, nhân dịp Ngày của Mẹ, Luxuo.vn mời bạn lắng nghe câu chuyện của một người mẹ đã sống trọn vẹn với vai trò mà Thượng Đế ban tặng khi sinh ra, và trở thành nguồn cảm hứng từ chính sự chân thành và giản dị của mình.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy. Ảnh: NVCC.

Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy bước ra từ chương trình Vietnam Masterchef 2016 và nhanh chóng nổi tiếng với chuỗi nhà hàng Bếp Nhà Xứ Quảng, Bếp Nhà Lục Tỉnh mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Quán xuyến nhiều công việc, đảm đương nhiều vai trò cùng lúc, chị vẫn không quên sứ mệnh quan trọng nhất là làm mẹ, là trái tim dịu dàng và vòng tay ấm áp cho những đứa con thơ.

Vững vàng một ý chí

Năm 30 tuổi, chị, một người phụ nữ miền Tây lam lũ quyết định ly hôn và đưa con gái lên Sài Gòn sinh sống. Với chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng làm vốn lận lưng, nghệ nhân Thu Thủy quyết tâm bằng mọi cách nuôi dạy con nên người, không để con thiếu thốn. Căn nhà đầu tiên nằm trong con hẻm đường Lạc Long Quân, Quận 11 mở ra vô số cuộc hành trình chuyển nhà của hai mẹ con sau này. Trước khi con gái vào lớp 1, chị ngày đêm nghiên cứu rồi mới quyết định trường tốt nhất cho con. Khi nhìn thấy những đứa trẻ khác được cha mẹ đưa đón bằng xe hơi, trong khi con gái mình chỉ được đi xe máy, chị Thủy đã tự hứa sẽ bằng mọi cách mua xe hơi để chở con đi học, mua nhà gần trường để con tiện đi lại.

Nghệ nhân Thu Thủy và con gái Vương Anh. Ảnh: NVCC.

Nghệ nhân Thu Thủy vốn là người có hoài bão lớn từ thời con gái, nhưng phải tạm gác lại ước mơ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thế rồi duyên phận lỡ làng, cuộc hôn nhân đổ vỡ đã khiến chị bừng tỉnh, làm sống dậy những đam mê tưởng chừng đã ngủ yên. Mặc dù cơ hội trở thành nhà ngoại giao như mong ước thời trẻ đã không còn, nhưng thông qua công việc kinh doanh, chị Thủy vẫn được dịp sống với đam mê bước ra thế giới, thể hiện tài tháo vát và khéo xoay sở của mình.

Cơ nghiệp được gầy dựng lên từ những viên gạch nhỏ bé và kết thành thành trì vững chắc với bao mồ hôi, nước mắt. Đã từng có khoảng thời gian, hai mẹ con chị liên tục rong ruổi cùng nhau trên những nẻo đường, sáng mẹ đi làm, con đi học, tối mẹ đi học, con lủi thủi chờ. Bù cho những năm tháng phải hy sinh mơ ước để lo cho gia đình, chị Thủy lúc bấy giờ ra sức học với niềm khao khát kiến thức mãnh liệt, từ học quản lý, thương lượng đàm phán, kỹ năng điều hành, lãnh đạo đến kỹ năng mềm. Trong khi đó, con gái ngoan ngoãn lúc nào cũng kiên nhẫn đợi mẹ đến hơn 9 giờ tối.

Giờ đây, khi đã thành đạt với nhà cửa, xe cộ tiện nghi, nghệ nhân Thu Thủy vẫn dạy các con bài học về sự tự nỗ lực và không dựa dẫm vào ai. Ảnh: NVCC.

Những ngày tháng vất vả với bữa cơm ăn vội, ngày kết thúc muộn và đường về nhà lẻ loi có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của Vương Anh, một Youtuber kiêm đầu bếp trẻ đầy tài năng và phong cách. Giờ đây, khi đã thành đạt với nhà cửa, xe cộ tiện nghi cùng nhiều công ty, doanh nghiệp trong tay, nghệ nhân Thu Thủy vẫn dạy các con bài học về sự tự nỗ lực phấn đấu, không dựa dẫm vào ai, cũng không để giá trị ảo làm mất đi bản chất thật của mình.

“Mẹ vui vì thấy con biết tiết kiệm chi tiêu, biết giá trị bản thân con không phải được đánh giá qua chiếc túi hay manh áo tấm quần”, là lời chia sẻ dịu dàng, thấm đượm bài học cùng sự tự hào của người mẹ khi thấy con gái sớm biết suy nghĩ tiết kiệm.

Dịu dàng một tình yêu

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được lòng mẹ bao la và sâu thẳm đến nhường nào, cũng sẽ không hiểu mẹ lấy đâu ra sức mạnh để có thể hy sinh vì con nhiều đến thế. Chỉ biết mẹ sẽ luôn dành tặng ta tình yêu vô điều kiện, như thể đó đã trở thành một phần lý do tồn tại, cũng là động lực để mẹ kiên cường đứng vững trước sóng gió cuộc đời.

Dù có yêu công việc đến mấy, con cái vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của nghệ nhân Thu Thủy. Ảnh: NVCC.

Đằng sau sự quyết liệt trong công việc và liều lĩnh trong kinh doanh, nghệ nhân Thu Thủy trước hết vẫn là một người phụ nữ yêu thích và trân trọng cái đẹp từ những điều bình dị, như cắm một bình hoa, may một chiếc áo hay nấu một bữa ăn ngon. Chỉ cần đọc những điều chị viết là đã đủ để thấy được tình yêu và niềm đam mê ẩm thực của chị lớn đến thế nào: “Nghĩ tới phải bày biện làm sao, chén dĩa thế nào, cái ca nhôm uống nước của dân thương hồ, nước chấm đựng trong cái cối đá… nghĩ thôi đã thấy đã.”

Nhưng dù có yêu công việc đến mấy, con cái vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chị. Chị sẵn sàng gói ghém công việc để dành thời gian bên con trong những sự kiện lớn nhỏ, từ bữa tổng kết năm bình thường đến buổi diễn văn nghệ đáng nhớ. Chị không muốn dùng từ “tranh thủ” khi ở với con, mà luôn trân trọng mỗi giây phút được hiện diện cùng con. Đó có thể là bữa sáng chị ân cần chuẩn bị cho con trước giờ lên lớp, hay bài hát chị ngân nga cùng con trên quãng đường đến trường.

Nghệ nhân Thu Thủy cùng con trai trong chuyến du lịch Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Triết lý nuôi dạy con của chị rất đặc biệt, vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Theo chị, “một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ, không quen lao động, không biết cha mẹ mình đã khổ cực thế nào để kiếm tiền thì chắc chắn xem việc được nuôi nấng, bảo bọc là chuyện đương nhiên, không cần phải biết ơn dưỡng dục.”

Vương Anh trên chiếc xe gắn máy rong ruổi khắp Việt Nam, với ước mơ giới thiệu và quảng bá văn hóa ẩm thực Việt cho bạn bè quốc tế. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, chị cũng không ủng hộ phương pháp “thương cho roi cho vọt”. Vì đối với chị, sự tự tin là món quà quý giá nhất mỗi đứa trẻ có thể nhận được để con dám sống trọn vẹn cuộc đời và trở thành “thiên tài” theo cách con muốn. “Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi người cha người mẹ hãy trao cho con mình sự tự tin bằng những lời động viên dù con mình có giỏi hay dở. Một đứa trẻ dù có dở thế nào thì lời động viên, khích lệ cũng sẽ làm cho con cố gắng hơn, làm tốt hơn.” Ít ai biết cô đầu bếp Vương Anh đầy tự tin, giỏi giang và xinh đẹp của hiện tại đã từng một thời là đứa trẻ nhút nhát trước đám đông. Nhưng nhờ sự động viên, cổ vũ đầy kiên nhẫn của mẹ, Vương Anh dũng cảm đi theo tiếng gọi trái tim, để giờ đây đứng vững và tỏa sáng theo cách của mình.

Bí quyết hạnh phúc của Nghệ nhân ẩm thực, mẹ đơn thân Đoàn Thu Thủy: Liều lĩnh sống trọn vẹn từng phút giây - Ảnh 5.

Cuối cùng, nghệ nhân quan niệm con cái là của trời cho, nhiệm vụ của chị chỉ là chăm sóc và đồng hành, cho con mọi yêu thương mà chị có, sau đó dũng cảm buông tay để con tự sống cuộc đời của mình. Chị viết: “Mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Lúc con còn nhỏ thì được chơi cùng con, được nựng nịu ôm ấp là hạnh phúc ngập tràn. Lúc con lớn lên, thấy buông tay được, không cần phải lo lắng cho con thì hạnh phúc vì biết con đã trưởng thành. Làm cha mẹ hạnh phúc nhất là nhìn thấy con mình lớn lên mỗi ngày, trưởng thành mỗi năm mạnh mẽ vững bước vào đời.”

Chân thật là giá trị vững bền

“Hãy thật sự là mình. Tại sao phải biến mình thành người này hay người kia khi ta có tính cách riêng, có những điểm khác biệt?”

Nghệ nhân Thu Thủy.

Nhìn những việc chị làm, đọc những điều chị viết, nghe những lời chị chia sẻ, đều có thể thấy toát lên từ con người chị hai chữ “chân thật”. Có lẽ do lớn lên ở miền Tây dân dã, nên cái chân chất thật thà của chị thể hiện tự nhiên như đã ngấm vào máu.

“Miền tây vốn tính thật thà

Con người chất phác đậm đà tình thương.”

Có lẽ, nhờ thế mà từ chỗ một thân một mình nuôi con với hai bàn tay trắng, chị Thủy đã trở thành doanh nhân thành đạt ngoài xã hội và người mẹ lý tưởng trong gia đình với hai đứa con ngoan. Chị tâm niệm: “Mỗi người trong chúng ta đều có một khả năng tiềm tàng, một thế mạnh nào đó mà chỉ chúng ta mới biết. Quan trọng là chúng ta nhận ra và sống thật với mình. Đừng ảo tưởng bản thân, đừng đánh lừa thiên hạ, bởi dưới bầu trời này, chẳng có gì che giấu được sự thật.”

Image may contain: 1 person, smiling, sitting and food

Như câu chuyện về Debra Daveport, người phụ nữ ly dị chồng với ba đứa con vào độ tuổi 42 trong cuốn sách “ Người dám cho đi”, nghệ nhân Thu Thủy đã và luôn sống đúng với những điều chị chia sẻ. Theo chị, thành công là nhờ sống thật, không cần phải áp dụng các chiêu trò để bán hàng mà bản thân mỗi người chính là giá trị thêm vào lớn nhất. Khi cảm nhận được sự chân thành và đáng tin cậy, khách hàng sẽ tự động tìm đến với sản phẩm của mình.

“Hãy thật sự là mình. Tại sao phải biến mình thành người này hay người kia khi ta có tính cách riêng, có những điểm khác biệt? Khi bạn vẫn còn đang cố gắng trở thành một người nào đó, cố gắng đóng vai hoặc sao chép hành động của người khác hoặc được dạy từ người khác, bạn sẽ không có cơ hội nào để thực sự chạm vào trái tim của ai cả”, nghệ nhân Thu Thủy.

“Hầu hết những điều xinh đẹp trên đời đều có hai, ba, hàng chục hay hàng trăm bản thể – những bông hoa hồng, những buổi hoàng hôn, những chiếc cầu vồng, anh chị em họ, cô dì chú bác,… Nhưng cả thế giới chỉ có một mẹ mà thôi.”

Douglas Wiggin.

Những ngày này, nghệ nhân Thu Thủy đang bận rộn chuẩn bị khai trương lại nhà hàng sau những ngày đóng cửa vì cách ly xã hội. Nhìn cách chị sáng tạo món ăn, say mê lên thực đơn, vui vẻ chia sẻ công thức mà liên tưởng đến niềm vui và hạnh phúc vô bờ vào ngày chị đón vị khách đầu tiên bước vào nhà hàng. Bởi, như chị nói, ẩm thực không chỉ là niềm đam mê, đó còn là cách để chị nâng niu bản sắc văn hóa và lưu giữ hồn quê hương cho con, cho cháu của mình.

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.


 
Back to top