LIFESTYLE

Người Việt và lòng tốt bất thành văn

Sep 12, 2024 | By Hong Dang

Những cây cầu, góc cổ thụ trăm năm, tòa nhà cao tầng, xe cộ, đã lay chuyển và hư hại, nhưng có một thứ không thể lay chuyển, đó là lòng tốt của đồng bào Việt. 

Hơn 10 giờ đêm ngày 10/9/2024, khi màn đêm đã phủ kín khắp đất nước, một dòng trạng thái nền đỏ rực xuất hiện trên trang Facebook của tôi, với thông điệp đầy xúc động: “Đã tiếp nhận hơn 407 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. TÔI YÊU VIỆT NAM.”

Câu chữ không chỉ là những con số hay thông tin, mà còn là một thông điệp khiến trái tim tôi ấm lại giữa những thiệt hại mà cơn bão tồi tệ gây ra.

Không biết bao nhiêu lần tôi đã nghẹn ngào, lòng phập phồng nén cảm giác khó thở trước những câu chuyện của người dân Việt Nam trong cơn đại nạn đang gánh phải. 

Những gì cho đi với trái tim, làm ấm lòng hơn ngàn phần quà

Là người miền Nam, nơi mà tin tức về cơn bão chỉ xuất hiện như những mẩu tin sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí cả giữa đêm, tôi cảm nhận rõ sự may mắn của mình khi miền Bắc đang phải chống chọi với bão lũ hoành hành. Lòng tôi nặng trĩu khi liên tục nhìn thấy hình ảnh về sự đổ nát, những ngôi nhà bị cuốn trôi, và cả gia tài của nhiều gia đình ngập chìm trong biển nước.

Những chú chó, đàn lợn hay mèo được cứu, tưởng như nhỏ bé nhưng lại chứa đựng cả một thế giới. Đó chính là nguồn sống tinh thần, là nơi an ủi mỗi ngày – mất đi chúng, như mất đi một phần hồn.

Đàn lợn được giải cứu mà mọi người nhìn thấy không khỏi bật cười, lại là sinh kế của cả gia đình, là học phí của những đứa trẻ với bao ước mơ mà một tổ ấm sẽ phải bật khóc, nếu mất đi. 

Một chiến sĩ không may rơi vào dòng nước cuốn khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng thật may, cuối cùng đã được những đồng đội và người dân hiệp lực giải cứu. Nhưng cũng thật không may, đã có những người phải ra đi mãi mãi vì phụng sự cho đất nước.

15 nghìn cây xanh của Hà Nội bị đổ xuống sau cơn bão, có một cây đa đặc biệt – cây đa mà người ông đã trồng cách đây 52 năm ở đầu nhà. Khi cơn bão hoành hành, người bà đã gọi điện báo tin buồn: cây đa của ông đã đổ xuống. Khi bão tan, ông bà ra để tạm biệt cây đa, và ông mới kể rằng cây đa được trồng đúng vào ngày sinh nhật của bà năm 1972.

“Qua bao nhiêu năm cây đa đứng vậy, ông bà có con rồi có cháu, loanh quanh chạy chơi cũng chỉ nhìn cây đa từ dưới gốc lên, lần này cây đa nằm rạp ngang đường, mới nhìn được rõ tán cây cao rộng như nào.”

Một nỗi buồn rất Hà Nội. Một nỗi buồn nên thơ về cây cối, và đó cũng là điều đáng trân trọng.

 

Những hình ảnh đầy cảm động tràn ngập trên news feed, mang theo thông điệp về sự cho đi và lòng nhân ái, không thể không chạm đến trái tim mỗi người về lòng nhân ái từ những người xa lạ nhưng sẵn sàng giúp đỡ. Nhìn thấy những đôi tay trao nhau từng thực phẩm hút chân không, từng bộ quần áo cũ, tôi chợt nhận ra rằng sự cho đi, nào chỉ đến từ vật chất. 

Cái vỗ vai nhẹ nhàng, một câu động viên trong thời điểm khó khăn, hay hình ảnh chiếc xuồng len lỏi vào khu vực sâu nhất để hỏi “Có ai ở đó không?”. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người được cứu (kể cả người xem qua màn hình), hay nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ khi nhận được món quà nhỏ bé (cả tiếng thở phào sau ánh sáng xanh của điện thoại smartphone), đều là minh chứng cho lòng nhân ái tuyệt vời.

 

Sự kiên cường của con người vượt xa những gì tôi từng tưởng tượng. Ai có thể ngờ rằng, giữa những khó khăn, tình người lại tỏa sáng rực rỡ đến vậy?

Một ví dụ điển hình cho sự tỏa sáng của lòng nhân ái là câu chuyện về một giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. Người đàn ông dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu, đã bất ngờ xuất hiện tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ với cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 tỉ đồng. Đây là số tiền tích cóp từ tiền hưu trí, tiền từ công việc giảng dạy, và cả những khoản thu nhập từ việc viết sách của ông suốt nhiều năm qua. Sự cống hiến không chỉ đơn thuần là sự tài trợ, mà là cả một phần cuộc sống, một phần công sức, và một phần trái tim của ông. Đối với nhiều người, 1 tỉ đồng có thể là một con số lớn, nhưng với vị giáo sư tóc hoa râm, đó không chỉ là tài sản mà còn là cả một cuộc đời được tích lũy, là những tháng ngày chăm chỉ và tâm huyết.

Cuốn sổ này là tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách của giáo sư suốt nhiều năm qua. Ông không ngần ngại dành phần lớn tài sản của mình để hỗ trợ những người mà ông chưa bao giờ gặp mặt, điều đó khiến tôi nhận ra, sự cho đi không chỉ là vấn đề của vật chất, mà còn là sự chia sẻ yêu thương và tinh thần đồng cảm. 

Và cả những đội cứu hộ, tình nguyện viên và cộng đồng đã làm việc không biết mệt mỏi để đưa ra những giải pháp kịp thời và hiệu quả. Những chuyến xe chở hàng cứu trợ, các đội cứu nạn làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cá nhân và tổ chức đã thể hiện sự đoàn kết và tinh thần cộng đồng mạnh mẽ.

Người Việt Nam chúng ta – không kiêu sa như hoa mẫu đơn, không thanh lịch như hoa tulip, nhưng là một bông lúa, khiêm nhường nhưng không cúi đầu trước nghịch cảnh. 

 

Cho đi không phải để nhận lại, mà để thấy thế giới đáng sống hơn

Có một câu nói thế này, chúng ta không giúp đỡ vì để nhận lại, mà vì đó là điều đúng đắn để làm. Những hành động của những đồng bào Việt chính là bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Sự cho đi dường như đã trở thành một phần tự nhiên và dễ dàng hơn nhờ tinh thần dân tộc luôn chảy trong dòng máu người Việt. Tôi cảm nhận rõ điều này khi nhìn vào sự đoàn kết giữa mọi người. Không cần suy nghĩ quá nhiều, ai cũng sẵn sàng mở rộng tấm lòng, không chỉ bởi lòng trắc ẩn mà còn bởi niềm tin rằng chúng ta cùng chung một nguồn cội. Tôi hiểu, trong từng hành động nhỏ, sự giúp đỡ ấy không chỉ dành cho những người chịu thiệt hại, mà còn là một phần của chính mình.

Trước thảm họa, chúng ta là một. 

Trước những thử thách khắc nghiệt, mọi sự phân biệt, những khác biệt cá nhân, và những ranh giới xã hội, dường như đều biến mất. 

Người Việt Nam chúng ta – không kiêu sa như hoa mẫu đơn, không thanh lịch như hoa tulip, nhưng một bông lúa, sẽ không cúi đầu trước mưa gió. Thảm họa có thể làm chúng ta đau đớn và kiệt sức, nhưng nó lại có thể đưa chúng ta lại gần nhau hơn. 

Đó là hình ảnh những chiếc xe máy nhỏ bé, bị quật ngã nhưng lại được che chở bởi những chiếc ô tô, đã lan tỏa khắp thế giới như một biểu tượng; đó là biệt đội nữ siêu anh hùng Đò chùa Hương xuất quân về Thái Nguyên với kinh nghiệm hàng chục năm chở khách, hàng ngàn chuyến đò an toàn để hỗ trợ bà con vùng lũ; đó là bà con Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang hay những anh em miền Trung với mục tiêu gói hàng ngàn chiếc bánh chưng gửi cho đồng bào miền Bắc; đó là Quảng Ninh, nơi bị thiệt hại về tài sản nặng nề nhất từ siêu bão Yagi nhưng cấp ngược ngân sách để hỗ trợ các tỉnh phía Bắc trong tâm lũ cần cứu trợ và khắc phục hậu quả bão số 3; đó là 49 nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, 16 nhân viên Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cùng các thiết bị cầm tay như cưa máy, dây leo… và xe ô tô đã lên đường đến Hà Nội và Hải Phòng để hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 với khẩu hiệu “khi nào đường thông thoáng mới về”; đó là Hải Phòng – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 3 gây ra đã nhận quyết định từ chối nhận khoản hỗ trợ ngân sách trợ cấp để nhường phần cho những đồng bào khác; đó là 1000 chiếc áo phao của Làng Chài và nhu yếu phẩm khác của người dân Quy Nhơn chung tay hướng về miền Bắc,…

Tôi không sao kể hết, nhưng tất cả đều đang dốc lực vì miền Bắc. 

Trước những thử thách khắc nghiệt, mọi sự phân biệt, khác biệt cá nhân, ranh giới xã hội, dường như đều biến mất. 

Lúc khó khăn, luôn có những anh hùng bình dị, âm thầm đứng lên. Từ họ tỏa ra vẻ đẹp chân thành, giản dị nhưng rực rỡ, với sức mạnh bền bỉ và sự kiên trì không ngừng. Họ khiến chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống, nhân phẩm và đạo đức cao cả, làm cho thế giới này trở nên đáng sống hơn bao giờ hết, theo cách chẳng hề phô trương.

Khi tất cả có vẻ như không thể, mọi người vẫn có thể dựa vào nhau, cống hiến cho nhau và tạo nên một ánh sáng dẫn đường bằng những hành động không bao giờ cần tiếng kèn vang dội.

Hôm nay và lặp đi lặp lại vào những ngày tiếp theo.

Đất nước nơi tôi sống, vừa bị tàn phá bởi một trận bão kinh hoàng. Những khung cảnh xinh đẹp của miền Bắc tôi từng có dịp ghé qua, đã sụp đổ. Khi mọi thứ trở lại bình thường, những câu chuyện về lòng tốt sẽ mãi là những ký ức đẹp đẽ và khung cảnh ấy, lại trở thành một hồi ức mà người nhận được xem là báu vật vô giá.

Hàng trăm người và hơn thế nữa vẫn đang trong tình trạng mắc kẹt. Khi bạn đọc những dòng này, có thể lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để cứu sống người, những người “không phận sự”, vẫn đang miệt mài ngày đêm tiếp tế cho những thành phố, bản làng đang gặp nguy trên khắp đất nước tôi.

 

Bạn bè, đồng nghiệp và cả người thân của tôi, đang ra sức cho đi theo cách của mình. 

Trước bão tố, gió mưa, lòng tốt người Việt của chúng tôi vững như bầu trời. Chúng tôi không cần phải là người vĩ đại để làm điều vĩ đại. Chúng tôi chỉ là những người bình thường, với trái tim rộng mở.

Hãy tặng người khác một bông hồng, để khi họ nếm được hương thơm, chúng ta cũng cảm nhận được một loại hạnh phúc trong hương thơm thoang thoảng còn đọng lại.

Khi mọi thứ trở lại bình thường, những câu chuyện về lòng tốt sẽ mãi là những ký ức đẹp đẽ.

Hôm nay, người Việt đoàn kết. Làm việc không ngừng nghỉ, cho đi đầy vô tư. 

Bài: Hong Dang

Ảnh: Xlan, An Thư Đồng, Trang Lam Anh, Trịnh Hoàng Vân, Tổng hợp

Theo Thị trường & Thương gia 


 
Back to top