LIFESTYLE / Du lịch

Wanderlust: Ladakh – Giấc mơ màu xanh

Sep 01, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Thuộc nửa Đông Jammu và Kashmir Ấn Độ, được bao bọc quanh bởi 2 dãy núi Himalaya vĩ đại và Karakoram trập trùng với nhiều hồ nước xanh như ngọc – Ladakh là một mảnh đất bình yên và thơ mộng như họa.

Hạ cánh sau 3 chuyến bay dài liên tiếp mệt mỏi, Leh đón tôi bằng một chút lạ lẫm, một chút thân thương gần gũi với tiếng chào Julley đầy năng lượng. Bầu trời xanh thẳm, mây trắng như bông, không khí trong lành, bốn bề là núi, xung quanh là những đặc trưng văn hoá Tây Tạng – Leh – thủ phủ của Ladakh được mệnh danh là một Tiểu Tây Tạng,  như khoác lên mình chiếc áo diệu kì của mùa thu.

Thiên nhiên diệu kì

Thị trấn Leh có độ cao 3500m, không khí loãng dễ khiến người ta gặp tình trạng thiếu oxi hoặc sốc độ cao – hiện tượng thường xảy ra khi bạn thay đổi đột ngột đến nơi có độ cao hơn mực nước biển khoảng 3000m trở lên, nên chúng tôi lưu lại Leh vài ngày để cơ thể thích nghi với môi trường.

Mấy ngày ở Leh thật bình yên, những chú chó, chú lừa có mặt khắp nơi trên phố, hiền lành và dễ mến. Leh nhỏ bé, bạn có thể đi bộ hết thị trấn chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, nhưng bạn cũng có thể lang thang khắp từng con ngõ nhỏ sầm xuất mà lại xinh xắn đó đến độ thuộc từng gương mặt, nhớ từng quán xá, bao nhiêu ngày cũng không chán.

Từ Leh, những khúc cua qua những con đèo đưa tôi lên cao dần, không khí loãng đi, nhiệt độ giảm xuống, những dãy núi hun hút kéo dài như dẫn lối vào một chân trời ảo mộng, nửa thực nửa mơ. Tim tôi như chững lại, không rõ cái cảm giác khó thở lúc này là do thiếu ô xi hay do những vệt nắng rẽ cụm mây trắng bồng bềnh chạy từ đỉnh núi xuống sườn, chạy từ trái qua phải, chạy lên chỗ này xuống chỗ kia theo con đèo uốn lượn, vờn cả mặt hồ tráng bạc, lấp lánh, lấp lánh. Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, một người hiếm bày tỏ cảm xúc như tôi, đã vô thức thốt lên với Jigmet – người dẫn đường: Ôi chúa ơi, tôi có thể chết ở đây!

Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, một người hiếm bày tỏ cảm xúc như tôi, đã vô thức thốt lên với Jigmet – người dẫn đường: Ôi chúa ơi, tôi có thể chết ở đây!

Một thế giới tách biệt

Tôi tới Kargil vào khoảng 8h tối, ngủ say như chết sau một ngày rong ruổi mệt nhoài. Kargil được xem là cửa ngõ bắt đầu vào những đoạn đường núi hiểm trở, nơi đây từng là chiến trường của cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Ấn Độ và Pakistan. 90% dân số Kargil là người hồi giáo Shia, còn lại là người Hồi giáo Sunni và Tây Tạng.

Chặng đường dài từ Kargil tới Zanskar nguyên sơ, hẻo lánh và rộng lớn đến choáng ngợp. Zanskar được ví như một lòng chảo ở độ cao 3600m, tụ hợp giữa 3 dòng sông Doda, Tsarap và Zanskar. Trời xanh, mây trắng, nắng lên trên những đỉnh núi tuyết, gió lồng lộng thổi tung những dải cờ Lungta phần phật. Bằng một cách nào đó, Zanskar tách biệt với bên ngoài, lặng lẽ xinh đẹp, lặng lẽ mến khách, lặng lẽ níu giữ trái tim tôi để lại nơi này. Ladakh là xứ của núi tuyết, cũng là xứ của những hồ nước xanh như như ngọc, dịu dàng mềm mại như lụa.

Tôi vốn không không phải là người thích sông hồ biển cả, nhưng tin tôi đi, dù một người lãnh cảm với chúng tới đâu, bạn vẫn phải rung lên những cảm xúc khó tả khi đứng trước mặt nước lĩnh lặng kia, nghe tiếng gió lả lướt qua thảm cỏ, đưa mắt đi mãi đi mãi vẫn chỉ thấy trước mặt là một màu xanh mát lạnh cả tâm hồn bao quanh rặng núi tuyết mà chân núi lại ấm màu ráng chiều đỏ gạch. Tôi đã nằm thật lâu ở bãi cỏ, nhắm mắt hát vu vơ mấy câu hát của Ngọt, tận hưởng cái tâm thái nhẹ tênh xưa nay chưa từng và ghi nhớ từng khung hình kì diệu đó.

Tôi dừng lại ở hồ Tso Moriri khá lâu, khoấy tay vào dòng nước lạnh tê người, nghe gợn sóng vỗ dập dìu róc rách. Vào tháng 11, chiếc hồ này sẽ hoàn toàn đóng băng. Có lẽ, tôi sẽ quay lại Ladakh một lần nữa, vào khoảng thời gian đó, để được ngắm nhìn một Tso Moriri trong diện mạo khác

Vào tháng 11, chiếc hồ này sẽ hoàn toàn đóng băng. Có lẽ, tôi sẽ quay lại Ladakh một lần nữa, vào khoảng thời gian đó, để được ngắm nhìn một Tso Moriri trong diện mạo khác

Hồ Tso Kiagar là một hồ muối nhỏ cách Tso Moriri khoảng 30km. Tôi không biết các bạn sẽ có cảm giác như thế nào khi đứng trước chiếc hồ nước xanh như ngọc, ngay kề đó là thảo nguyên xanh mướt, ngẩng đầu lên thấy núi thấy trời cũng xanh ngắt một màu. Từng tầng xanh nối lớp nhau khiến tôi không còn có thể thốt ra một lời nào nữa, cứ đứng lặng đi ngắm khung cảnh kì diệu này.

Con người dễ mến, nồng hậu

Với tôi, Ladakh là một Ấn Độ bình yên và thơ mộng, từ cảnh sắc tới con người. Tất cả những người mà tôi tiếp xúc ở đây đều thân thiện, đáng mến và chân thành; từ các gia đình chủ Guesthouse tôi lưu trú lại cho đến Monk trong các tu viện lẫn những người tôi gặp vu vơ trên đường đi.

Bất kể lúc nào, bạn đều sẽ nghe thấy tiếng chào Julley vang lên bên tai mình từ những người xa lạ. Julley như một câu thần chú trong ngôn ngữ của người Ladakh. Khi bạn muốn chào hỏi, bạn nói: Julley. Khi bạn muốn cảm ơn một ai đó, bạn nói: Julley và khi bạn muốn tạm biệt, bạn cũng nói: Julley! Nghe như âm thanh của một khúc ca nào vậy, thực sự rất vui tai. Và người Ladakh kết nối mọi trái tim thiện cảm bằng ngôn ngữ ma thuật đó.

Ở Ladakh, văn hoá Phật giáo rõ nét từng nơi tôi đặt chân đến. Trong lịch sử, vùng đất này không có người ở, người Tây Tạng đã chọn nơi đây làm nơi lánh nạn vì địa thế hiểm trở và cách biệt các thành phố khác của Ấn Độ. Có lẽ bởi vậy mà Ladakh được gọi là: Tiểu Tây Tạng.

Khi bạn muốn chào hỏi, bạn nói: Julley. Khi bạn muốn cảm ơn một ai đó, bạn nói: Julley và khi bạn muốn tạm biệt, bạn cũng nói: Julley! Nghe như âm thanh của một khúc ca nào vậy, thực sự rất vui tai.

So với Leh, các tu viện ở Zanskar biệt lập hơn và con người nơi đây cũng đơn giản, hồn nhiên và thuần hậu hơn. Ở Zanskar, lúc đi dạo quanh cánh đồng gần chỗ nghỉ. Tôi gặp một gia đình dễ thương đi nhặt phân bò. Họ nói tiếng Anh một chút, tôi nói tiếng Anh một chút, chúng tôi nói với nhau nhiều chút bằng ánh mắt, tiếng cười vang cánh đồng. Rồi tôi được họ mời về nhà chơi, đãi trà thơm và món Curd được làm từ sữa chú bò duy nhất họ nuôi. Lúc ra về, Lahmo – con gái họ chạy theo dúi tặng tôi một cây bút viết dở. Đó có lẽ là món quà quý nhất mà tôi nhận được trong chuyến đi. Bằng một cách nào đó, trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi đã cảm thấy như là rất thân nhau.

16 ngày rong ruổi trên những cung đường, có những lúc ngập tràn tiếng cười, cũng có những giây phút lặng mình nhỏ bé giữa thiên nhiên kỳ vĩ – để hai ngày cuối cùng quay lại Leh chuẩn bị bay về Việt Nam, lòng tôi hụt hẫng vô cùng, rồi lại tự nhủ lòng rằng mình sẽ quay lại đây như lời hứa với những người tôi gặp ở Ladakh. Không quay lại sao được, khi Ladakh đã đánh cắp trái tim tôi để lại nơi này!

 

 Bài & Ảnh: Hà Mai

 

 


 
Back to top