Rolls-Royce Black Badge: Kết tinh di sản thương hiệu
Khát khao thể hiện bản ngã cá nhân là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến các khách hàng bị thu hút bởi Rolls-Royce, nơi mang đến những cơ hội vô song để các cá nhân có thể vượt qua ranh giới, định nghĩa lại những giới hạn và thách thức các quy ước đương thời.
Dòng xe Rolls-Royce Black Badge, ra mắt vào năm 2016, là tuyên ngôn tuyệt đối cho tinh thần chủ nghĩa cá nhân, sự thể hiện bản thân, sức sáng tạo và mang tính biểu tượng. Và mặc dù các khách hàng có thể tuỳ biến lớp hoàn thiện ngoại thất hầu như không giới hạn, có một gam màu vẫn luôn tạo ra sức hút đặc biệt và sức quyến rũ mạnh mẽ hơn cả khi được phủ lên những chiếc xe động cơ của hãng trong suốt lịch sử lâu đời của thương hiệu – chính là Màu đen.
Từ lâu, màu đen đã gắn liền với quyền lực, sức mạnh và uy quyền. Nó mang sắc thái đầy dữ dội và mạnh mẽ, đồng thời cũng toát lên một khí chất sang trọng và tự tin.
Trong những thập kỷ qua, hãng đã giới thiệu nhiều mẫu xe động cơ Rolls-Royce Bespoke màu đen tiêu biểu. Tuy nhiên, các tác phẩm sau đây, mỗi chiếc đã lần lượt xuất hiện chỉ trong 3 thập kỷ, đều có một vị trí độc đáo trong lịch sử của thương hiệu, và là minh chứng cho thấy các vị chủ sở hữu đã vận dụng bảng màu đen theo phong cách độc đáo và đáng nhớ như thế nào.
1933 – Phantom II phiên bản Continental (94MY)
Vào năm 1930, dựa theo yêu cầu cá nhân của Henry Royce, nhà thiết kế Ivan Evernden đã phác hoạ nên chiếc Phantom II Continental bản thử nghiệm có tên là 26EX, được thiết kế dành riêng cho những chuyến du lịch đường dài trong lục địa. Chiếc xe sở hữu khung gầm ngắn và thân xe saloon bốn chỗ liền nhau, với hai bánh xe dự phòng được gắn theo chiều dọc ở phía sau khoang hành lý để phân bổ trọng lượng tối ưu. Phần thân xe được dựng bởi Barker & Co. và được đặt nằm phía trên một khung phụ, được thiết kế sao cho xe có thể vận hành êm ái ngay cả khi chạy ở tốc độ cao hay dưới lực phanh mạnh mẽ.
Trong chuyến đi du hành đầu tiên, Evernden và Don Carlos de Salamanca đã lái chiếc xe đến một sự kiện trình diễn concours d’elegance ở Biarritz, nơi nó đã giành được giải thưởng danh dự Grand Prix d’Honneur. Sau chiến thắng này, RollsRoyce đã quyết định tung ra một dòng “series” có cùng đặc điểm cơ học và kích thước tổng thể thân xe như chiếc 26EX, đồng thời vẫn cho phép người lái xe và chủ sở hữu khả năng tuỳ biến thiết kế cho phù hợp với sở thích của họ.
Chiếc xe đầu tiên của series này có tên là 94MY, được chế tạo vào năm 1933 cho ông Samuel Coxhill. Phần thân xe vốn là tác phẩm đặc trưng của nghệ nhân chế tác thân xe (coachbuilder) Gurney Nutting ở London và được biết đến với tên gọi là “Owen Fixed Head Coupé”. Chiếc xe sở hữu những chi tiết vô cùng khác biệt so với những mẫu xe cùng thời, như là hàng ghế ngồi phía trước có thể điều chỉnh, hệ thống cần gạt nước và rửa kính đôi, hay bộ đèn chỉ báo hướng được gắn ngang hàng ở phía sau các cửa sổ bên, nhằm mục đích làm cho chuyến du lịch đường dài xuyên lục địa trở nên thư thái hơn.
Vào thời điểm đó, phần lớn các chi tiết xe Rolls-Royce đều được hoàn thiện bằng màu đen, hay màu hạt dẻ hoặc xanh lam, tất cả đều là những gam màu tối đến mức gần như toàn bộ thân xe được khoác lớp áo màu đen. Chủ nhân chiếc xe 94MY đã lựa chọn thiết kế lớp sơn ngoại thất màu đen, kết hợp với “lớp da bọc nội thất màu nâu đặc biệt, đường ống thêu màu nâu nhạt, thảm và tấm lợp trần xe cùng tông, và tấm gỗ ốp veneers đánh bóng cao”.
Có thể nói rằng, chiếc xe là sự kết hợp giữa khả năng mang đến hiệu suất cao với không gian thoải mái bậc nhất và lớp hoàn thiện cá nhân hóa độc đáo. Nếu như có một chiếc Rolls-Royce từ những năm 1930 mà thể hiện chính xác tinh thần của dòng Black Badge ngày nay, thì đó hẳn là mẫu xe này.
1960 – Phantom V (5AT30)
Dòng xe Phantom V được ra mắt vào năm 1959 để thay thế cho chiếc Silver Wraith huyền thoại. Sở hữu kích cỡ lớn hơn nhiều so với dòng xe trước, Phantom V được thiết kế chủ yếu để sử dụng như một chiếc limousine, vì vậy hầu hết các chi tiết thân xe mang kiểu dáng tương tự dòng xe này. Phần lớn các bộ phận xe được phủ lớp hoàn thiện màu đen, và chiếc xe thường được sử dụng cho những dịp trang trọng, hoặc được dùng như phương tiện cá nhân bởi các chủ sở hữu thuộc tầng lớp thượng lưu.
Cũng thuộc dòng xe Phantom V, thế nhưng 5AT30 lại là một ngoại lệ đặc biệt. Chiếc xe được bàn giao vào tháng 9 năm 1960 và thuộc sở hữu của Công tước xứ Gloucester, con trai thứ ba của Vua George V và Nữ hoàng Mary, và là chú của Nữ hoàng Elizabeth II. Thân xe được thiết kế dựa trên mẫu PV15 của nghê nhân chế tác thân xe (coachbuilder) James Young. Cho đến ngày nay, phiên bản này vẫn được coi là một trong những thiết kế thanh lịch nhất của khung gầm Phantom V.
Mặc dù thiết kế vẫn tuân theo quy định Hoàng gia nhiều nhất có thể, rõ ràng là vị Hoàng tử hiểu rõ bản thân Ngài mong muốn những gì ở chiếc Phantom V của mình. Điều khác biệt nổi trội nhất giữa chiếc xe của Ngài so với các quy chuẩn thời đó là sự kết hợp lớp sơn màu đen nhám matt black cho các bề mặt nằm ngang và màu đen bóng trên các mặt phẳng thẳng đứng.
Các trang bị Bespoke khác bao gồm phần đèn hậu với kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với bản tiêu chuẩn, đèn sương mù cỡ lớn, bộ phận gương lái gắn trên cửa, cửa chớp trượt cho phần cửa sổ phía sau và cặp đèn xi-nhan Stephane Grebel. Phần đầu xe được trang bị đèn pha Lucas R100 thay cho đèn pha thông thường.
Biểu tượng linh vật Spirit of Ecstasy, vốn là một phần của phiên bản tiêu chuẩn, đã được thay thế bởi linh vật của chính Công tước là một con đại bàng giang cánh. Đồng thời, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử thương hiệu, tấm bảng gắn trên khung xe ghi rằng có cung cấp sẵn ‘chiếc ô để trong giá đỡ’ (an umbrella in holder) – một tính năng tiêu chuẩn trên những chiếc Rolls-Royce ngày nay.
1965 – Phantom V (5VD73)
Năm 1964 là khoảng thời gian The Beatles đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới với tác phẩm A Hard Day’s Night. Trước những thành tựu đó, John Lennon đã đặt hàng một chiếc Rolls-Royce Phantom V hoàn toàn mới từ R. S. Mead của Maidenhead như là một món quà cho chính mình vào tháng 12 năm ấy. Như dự đoán, kết quả là một chiếc xe với thông số kỹ thuật đậm chất cá nhân. Cụ thể, anh ấy đã thể hiện mong muốn về một chiếc xe không chỉ đơn giản là có màu đen, mà sắc đen đó phải được phủ lên khắp mọi nơi, từ khoang nội thất đến phần ngoại thất, bao gồm tất cả các các chi tiết kim loại đánh bóng, vốn thường được hoàn thiện bằng tấm crom hoặc thép không gỉ.
Chiếc xe được chế tạo bởi Mulliner Park Ward, toàn bộ thân xe được phủ lớp sơn màu đen bóng, bao gồm cả chi tiết đĩa bánh và thanh hoãn xung. Chỉ duy nhất phần lưới tản nhiệt Pantheon mang tính biểu tượng và biểu tượng Spirit of Ecstasy vẫn giữ nguyên lớp mạ crôm thông thường của chúng, do thương hiệu kiên quyết không đổi.
Đây cũng là một trong những chiếc xe đầu tiên ở Anh có phần cửa sổ màu đen, được làm từ kính phản chiếu Triplex Deeplight tối màu, có độ dày 3/16″ ở cửa sau và độ dày 3/4″ cho phần đèn hậu, tấm kính nhựa bakelite và kính phân ngăn. Lựa chọn thiết kế như vậy không phải vì mục đích bảo vệ đời tư như nhiều người suy đoán.
Khoang nội thất được thiết kế tấm phủ nhung kẻ Bedford màu đen và thảm nylon cùng màu ở khoang sau và lớp da bọc màu đen ở phía trước. Ngoài ra, xe còn được trang bị hệ thống ăng ten điện cho chiếc đài phát thanh và một máy thu hình Perdio Portarma, và thậm chí là một bộ rương hành lý màu đen gồm bảy món.
Có tin đồn rằng chiếc xe còn có máy ghi âm, điện thoại vô tuyến, tủ lạnh, bàn viết và đèn chiếu sáng màu đỏ: mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể cho thông tin này, nhưng những chi tiết đó có thể dễ dàng được bổ sung sau này; tương tự như vậy, cũng có nhiều tin tức cho rằng một chiếc ghế khoang phía sau có lẽ đã được chuyển đổi thành một chiếc giường có thể kéo ra dễ dàng.
Tất nhiên, những tuỳ chọn táo bạo, giàu trí tưởng tượng và độc đáo như vậy hoàn toàn phù hợp với vị thế của Lennon là một trong những nhà đổi mới văn hóa vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ngoài việc thay đổi bộ mặt của âm nhạc đại chúng mãi mãi, anh ấy còn được ghi nhận là một trong số những người đầu tiên đi giày thể thao như một món đồ thời trang bên ngoài sân thể thao dù không phải là vận động viên, giống như hiện tượng thời trang streetwear lan tràn khắp các sàn diễn và phòng họp vào thế kỷ 21. Trong một bức ảnh chụp Fab Four vào năm 1967, Lennon đang mang một đôi giày quần vợt Adidas Stan Smith – vẫn là một trong những thiết kế đáng mơ ước nhất của ‘thương hiệu ba sọc’ hơn nửa thế kỷ sau.
Về sau, chiếc xe đã hoàn toàn thay đổi diện mạo khi được phủ lớp sơn màu vàng như phát điện, mang lại ảo giác sống động, và được tô điểm các hoạ tiết hình bông hoa, trang trí cuộn Romany và các biểu tượng cung hoàng đạo. Đây là chiếc xe hoàn toàn độc nhất vô nhị, trở thành biểu tượng nhận dạng không thể thay thế cho chủ nhân của nó, và trong một số trường hợp nhất định, nó đã gây ra nhiều tranh cãi về thiết kế – có thể nói là tác phẩm ẩn chứa trọn vẹn tinh thần Black Badge.
Tinh thần bất diệt đó sẽ tiếp tục được thể hiện theo những cách mới mẻ và năng động khi gia đình Rolls-Royce Black Badge không ngừng phát triển trong tương lai.