Bất động sản

Hướng đi nào cho nhà đầu tư quốc tế nhảy vào thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021

Jan 01, 2021 | By Ton Binh

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thị trường bất động sản ở Việt Nam đã là mảnh đất màu mỡ với nhiều nhà đầu tư uy tín trên thế giới.

Có thể nói, không chỉ các nhà đầu tư lâu năm, ngay cả những nhà đầu tư mới nổi cũng để mắt đến thị trường Việt Nam. Và Covid-19 đến như một gáo nước lạnh lên mọi nỗ lực của giới đầu tư. Cho đến nay, tác động khủng khiếp của nó là điều không cần phải nói quá nhiều.

Và thật may mắn, nhờ xử lý thận trọng và quyết đoán, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt đại dịch, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa giữ cho nền kinh tế trong nước tiếp tục hoạt động và phát triển. Và đó chính là tiền đề để nhiều người tin rằng, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt, ngay cả khi hiệu quả của vắc-xin chưa được kiểm chứng rộng rãi.

Để thêm chất xúc tác vào việc phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, chính phủ đã có những quyết sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cho năm 2021. Và chắc chắn rằng, năm 2021 các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục coi thị trường bất động sản Việt Nam là mảnh đất màu mỡ. Từ các dữ liệu kinh tế vĩ mô đến tốc độ tăng trường GDP đều cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đang là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, đơn cử là việc nhà máy sản xuất của Apple đã dịch chuyển sang Việt Nam.

Bên cạnh các chính sách kích thích đầu tư của chính phủ, Việt Nam còn đang được hưởng lợi bởi chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung. Để tránh cuộc chiến này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang để mắt đến phân khúc bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, chuẩn bị cho kế hoạch dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang.

Hướng phát triển trong năm 2021

Trước đại dịch, Việt Nam đã nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư hướng nội. Các nhà đầu tư đang trông chờ lệnh hạn chế di chuyển được dỡ bỏ để có thể nhanh chóng thực hiện các bước khảo sát đầu tiên.

Triển vọng cho năm 2021 và những năm tương lai vẫn còn rất lớn đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Một điểm khó khăn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn nhảy vào thị trường Việt Nam chính là thủ tục rườm ra cùng các chi phí thường bị đội lên trong suốt quá trình xây dựng. Vì lý do này, hầu hết các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những dự án đã được cấp phép, hoàn thiện quy hoạch, hay nói cách khác là dự án đã sẵn sàng đi vào khai thác. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư quốc tế thường tìm kiếm các đối tác địa phương đủ khả năng. Những đối tác này đang cần thêm sự hỗ trợ về chuyên môn hoặc tài chính, và đó là cơ hội để nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận thị trường bất động sản tại Việt Nam hơn.

Cơ hội cho các công ty trong nước đang phát triển tìm được các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia là rất khả quan. Tuy nhiên, các công ty trong nước vẫn cần phải chuẩn bị hồ sơ chứng minh năng lực tốt để nhận được sự chấp thuận hợp tác từ giới lãnh đạo của các công ty quốc tế.

Điều kiện cần và đủ

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, các công ty trong nước có cơ hội bắt tay với đối tác quốc tế thường đã có trong tay các dự án đã hoàn thiện. Tiếp đó, các công ty này cần có quỹ đất dồi dào và hồ sơ pháp lý vững chắc. Bên cạnh đó, tính minh bạch và kinh nghiệm làm việc với các đối tác quốc tế cũng được xem xét. Và cuối cùng, cả hai bên đều phải biết lắng nghe và có chung định hướng phát triển. Thật không may, nhiều công ty Việt Nam xem nhà đầu tư nước ngoài chỉ đơn giản là một nguồn tài trợ có thể được sử dụng theo cách thông thường trong quá trình kinh doanh của họ mà không cần phải thích ứng với một bộ quy tắc và quản trị công ty khác.

Nhà phát triển Việt Nam có các dự án ở nhiều giai đoạn khác nhau sẽ có cơ hội lớn nhất để thu hút các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài. Họ phải có các dự án giai đoạn 1 đã sẵn sàng để triển khai; các dự án giai đoạn 2 đang được cấp phép và các hồ sơ quy hoạch đang được chuẩn bị sẵn sàng cho các giai đoạn cuối của việc phê duyệt trước khi xây dựng.

Nhà phát triển Việt Nam cũng phải yêu cầu đối tác tiềm năng nước ngoài có thành tích tốt, có thể là ở nước ngoài, khả năng tài chính mạnh, khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế bổ sung, năng lực thiết kế xuất sắc, cùng các yếu tố khác. Sự kết hợp giữa các đối tác này sẽ nhanh chóng tạo ra một thương hiệu đáng tin cậy trên thị trường và cạnh tranh với tất cả các công ty phát triển lâu đời khác.


 
Back to top