Bất động sản

Viva Land: “Ông lớn” mới trong bất động sản hàng hiệu

Sep 05, 2022 | By Ton Binh

Sau khi hồi sinh dự án “Saigon One Tower” từ nhà phát triển CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C và hàng loạt dự án tầm cỡ khác, Viva Land vụt sáng trở thành “tay đua” mới trong lĩnh vực bất động sản sang trọng tại Việt Nam. 

Trong những năm gần đây, Materise gần như thâu tóm thị trường bất động sản tại Việt Nam với hàng loạt các dự án đình đám như Grand Marina, Global City, Grand Ritz Carton Hàng Bài. Tuy nhiên, Viva Land – doanh nghiệp bất động sản mới nổi đã có những cú chuyển mình mạnh mẽ – được dự đoán trở thành đơn vị cạnh tranh hàng đầu trong phân khúc này. 

Loạt dự án triệu đô đưa Viva Land thành “ông lớn” bất động sản hàng hiệu 

Dự án One Central Saigon 

 

Gần đây nhất là cuộc chuyển giao ngoạn mục, hồi sinh dự án One Central HCM sau khi bị “đắp chiếu” trong thời gian dài. Cụ thể, giai đoạn 2012 – 2013, dự án được hoàn thiện phần hầm và bị tạm hoãn thi công do thiếu vốn. Năm 2020, nhà thầu Masterise Group tiếp tục triển khai thêm phần khối đế, song cũng tiếp tục ngừng thi công từ đầu năm 2022. Đến nay Viva Land chính thức thay Masterise Homes trở thành nhà phát triển và quản lý dự án One Central HCM, với tên gọi mới PEARL.

Dự án Saigon One Tower – IFC One Saigon

Saigon One Tower do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ trở thành tòa nhà cao thứ 3 TP HCM, đứng sau Bitexco Financial Tower và The One.

Tuy nhiên, do thiếu vốn, dự án khởi công xây dựng từ năm 2007 đến năm 2011 thì tạm ngưng. Công trình chỉ được hoàn thiện phần thô và suốt gần 10 năm trở thành đống bê tông trơ trọi nằm bên sông Sài Gòn. 

Đến tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án Sài Gòn One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2020, thị trường rộ thông tin CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND thành phố đầu tư dự án này song chỉ nằm trên kế hoạch. 

Cho đến cuối tháng 11/2021, Saigon One Tower được Viva Land giới thiệu với vai trò nhà phát triển dự án, tên gọi mới là IFC One Saigon cung cấp các loại hình căn hộ dịch vụ, căn hộ thương mại, bán lẻ… Hiện nay, công trường đang được thi công, bắt đầu lắp được một phần kính 11 tầng toà nhà. Dự kiến khi lắp đặt xong toàn bộ sẽ có 2 lớp kính lớp bên trong như hình bên trái và 1 lớp kính bên ngoài kiểu ‘vảy rồng’ như phối cảnh. 

Dự án Đảo Tuần Châu – Hạ Long 

Trước dự án PEARL, Viva Land cũng gây bất ngờ khi bổ sung siêu dự án Đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) vào danh mục các dự án bất động sản do mình quản lý. Dự án có diện tích 618 ha, dự kiến cung cấp các loại hình bất động sản như villa, resort, shophouse, khách sạn, bán lẻ… Đảo Tuần Châu là dự án của Tuần Châu Group – một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh theo hướng quy mô được chia thành nhiều thành phần. Chủ đầu tư dự án này gắn liền với doanh nhân Đào Hồng Tuyển, được thực hiện từ năm 1997.

Vào cuối năm 2019, dự án Đảo Tuần Châu được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý mở rộng khu du lịch giải trí thêm hơn 1.000ha, quy mô dân số khoảng 70.000 người, chia làm 7 tiểu khu. Ngoài phát triển trên cơ sở khu dân cư hiện hữu, công trình bổ sung các dịch vụ hỗn hợp, khách sạn, căn hộ cao cấp, nhà hát Opera…Tuy nhiên, dự án ngày càng bị cạnh tranh nhiều dự án trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và mất dần chỗ đứng. 

Trước khi được bán cho Viva Land, Tập đoàn Tuần Châu cũng nhiều lần thua lỗ, sụt giảm doanh thu và vướng vào các khoản nợ lớn. 

Dự án Capital Place 

Theo thông tin trên trang chủ Capitaland.com, CapitaLand Development (CLD) – chi nhánh phát triển của tập đoàn CapitaLand thông báo thoái vốn của Capital Place với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD) cho một bên thứ ba không liên quan. Đến ngày 24/1, CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land chính thức công bố sở hữu tòa nhà Capital Place. 

Tòa Capital Place gồm hai tòa tháp văn phòng cao 37 tầng cung cấp 93.000m2 diện tích thuê theo tiêu chuẩn văn phòng hạng A quốc tế cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là tòa văn phòng đầu tiên được nhận chứng chỉ LEED, chứng chỉ về tiêu chuẩn xanh cho thiết kế và hoạt động của tòa nhà và môi trường.

Viva Land cũng khẳng định tiềm lực khi chi hàng trăm triệu USD để mua lại khách sạn SO/Singapore, tòa nhà văn phòng Robinson Point Tower ở Singapore.

Bên cạnh đó, Viva Land cũng trở thành nhà phát triển dự án trên khu đất vàng rộng 13.000 m2 tại số 4 đường Trần Phú, Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Chủ nhân của Viva Land 

Được thành lập vào tháng 5/2019, Viva Land ban đầu có tên gọi là Công ty Cirius Power có vốn điều lệ đăng ký 2.000 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là cá nhân đăng ký góp 75% vốn gồm bà: Nguyễn Thị Kim Khánh (sở hữu 30% vốn điều lệ), Nguyễn Thị Ngọc Mai (25%) và Dương Thị Hạnh (20%). Đến tháng 2/2020, Cirius Power đổi tên thành Công ty Đầu tư và Phát triển Viva Land.

Ngoài ra, một pháp nhân khác mang tên Công ty Quản lý và phát triển Viva Land (VN) được thành lập cuối năm 2020, gồm 3 cổ đông là ông Tạ Công Trí (nắm giữ 49% cổ phần), bà Lê Thị Diệu (30%) và bà Dương Hoàng Mỹ Linh (21%). Trong đó, Bà Lê Thị Diệu giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho công ty. 

Mới đây, vị trí của bà Diệu được thay thế bởi ông Lim Boon Hwee (Eddie Lim) người Singapore, đồng thời 49% cổ phần của công ty được chuyển nhượng cho Công ty Viva Land Management Group (Singapore) nắm giữ.

Trong khi các cổ đông đều là những cá nhân ít được biết đến trên thị trường, các lãnh đạo của Viva Land hiện là những nhân vật kỳ cựu tại CapitaLand. Chủ tịch HĐQT Viva Land hiện là ông Chen Lian Pang, cựu Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam, còn ông Eddie Lim, CEO của công ty từng có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand.

Ngoài ra, sự hội nhập văn hoá cũng chính là yếu tố khiến Viva Land được đón nhận trong thiết kế hai dự án mới đây đều lấy cảm hứng từ văn hoá phương Đông. Trong đó Pearl và IFC One Saigon được thiết kế lấy cảm hứng từ con rồng. Đây cũng là điểm khác biệt mấu chốt với Masterise Group khi đa số dự án của doanh nghiệp này đều mang phong cách Âu hoá hơn do đội ngũ quản lý là người nước ngoài. 

Thu Thảo – tổng hợp 


 
Back to top