STYLE

Audemars Piguet ra mắt phiên bản Royal Oak RD#3 thứ hai với kích thước 37mm

Sep 23, 2022 | By Ton Binh

Audemars Piguet vừa ra mắt mẫu Royal Oak Flying Tourbillon Extra-thin (RD#3). Phiên bản kỉ niệm 37mm này là sự bổ sung cho mẫu “Jumbo” 39mm đã được giới thiệu đầu năm nay, tiếp tục khẳng định sự phát triển và đẩy cao giới hạn của thương hiệu lên một bước mới.

Đây là chiếc Royal Oak từ thép không gỉ đầu tiên ở kích thước 37mm sở hữu tính năng phức tạp selfwinding flying tourbillon

Đây cũng là thiết kế flying tourbillon đầu tiên xuất hiện trong bộ vỏ với kích thước nhỏ hơn, dễ dàng vừa vặn hơn nhờ bộ máy flying tourbillon tự động siêu mỏng, cỗ máy Calibre 2968 sở hữu độ dày chỉ khoảng 3.4mm được tô điểm bằng sự kết hợp của kỹ nghệ trang trí thủ công truyền thống và hiện đại.

Mặt số màu mận tím chưa từng có, cùng bộ thoát tân tiến (hệ thống chuyển đổi chuyển động tròn xoay thành xung lực) trên phiên bản Royal Oak mới lần này, chính là sự đan xen phức tạp về kỹ thuật với các chi tiết thẩm mỹ để thể hiện tối đa sự tinh tế, đồng thời tôn vinh di sản của thương hiệu dưới dáng dấp của những thiết kế đồng hồ phức tạp cỡ vừa và nhỏ.

Bước tiến mới của bộ máy Ultra-thin Flying Tourbillon

Flying tourbillon trước đó vẫn luôn xuất hiện cùng bộ vỏ Royal Oak kích cỡ 41mm. Điều đó khiến bộ chuyển động mới Calibre 2968 trở thành tiêu điểm của sự cách tân. Với hơn 5 năm nghiên cứu và phát triển, Audemars Piguet đã tạo nên một thành tưu mới với việc đưa bộ chuyển động flying tourbillon vào kích thước 37mm và 39mm nhỏ hơn. Thách thức ở đây là với một khung máy nhỏ hơn, hạn chế hơn về không gian nhưng bộ chuyển dộng Flying Tourbillon phải được giữ nguyên tỷ lệ nhưng phải giảm độ dày của máy đồng thời thay đổi hợp lý tỷ lệ một số thành phần nhất định.

Lồng tourbillon được chế tác bằng titanium, lần đầu tiên được trang bị một ổ đĩa ngoại vi, trở thành yếu tố góp phần vào chi tiết siêu mỏng của thiết kế lần này. Ổ đĩa ngoại vi cho phép giảm độ dày của lồng tourbillon và gia tăng độ phẳng, nhờ đó có thể lắp nó vào bộ vỏ “Jumbo” siêu mỏng. Giải pháp này cũng cải thiện việc truyền năng lượng vì khoảng cách góc nhỏ hơn giúp phân phối năng lượng ổn định hơn. Sự kết hợp của hai yếu tố kỹ thuật và chất liệu không chỉ gia tăng tính thẩm mỹ và sự trau chuốt trong thiết kế mà còn giúp cho việc phân phối năng lượng của tourbillon được trôi chảy hơn. Ngoài ra bộ chuyển đổi xung lực mới dựa trên chuyển động của con lắc dao động còn giúp gia tăng độ bền, khả năng phân phối năng lượng và độ chính xác.

Để cung cấp khả năng hiển thị tối ưu của cả tourbillon bay và chuyển động, các kỹ sư của Audemars Piguet đã thiết kế lại hoàn toàn kiến ​​trúc của cơ chế. Mặt sau của thiết kế cũng được làm mở (openworked), để lộ các chi tiết cầu nối và chuyển động bên trong bộ máy, đồng thời tinh chỉnh để đạt được thẩm mỹ hài hòa và cân xứng. Trên mặt số đồng hồ, hình dạng và vị trí của những nhánh thuộc bánh xe cân bằng (balance wheel) đã được sửa đổi để làm cho trái tim đang đập của tourbillon trở nên dễ ngắm nhìn hơn. Với kỹ thuật thiết kế lần này, trải nghiệm thị giác của bộ máy flying tourbillon đã được gia tăng đáng kể trên mặt số.

Các chi tiết trang trí thủ công trên bộ máy cũng được nhìn thấy một cách rõ nét thông qua lớp kính của mặt sau đồng hồ. Sự kết hợp giữa chi tiết V-angles (chi tiết bộ máy được sắp xếp tạo thành những góc hình chữ V) và kỹ thuật hoàn thiện traits tires – một kỹ thuật hoàn thiện xuất hiện trên cầu nối và tấm đỡ chính, thay thế cho Côtes de Genève đã tạo nên một tổng thể vừa chuyển động máy móc nhưng cũng cổ điển mềm mại. Với thiết kế mở openworked, chi tiết của những chiếc cầu nối tông rhodium mang lai một trải nghiệm ngắm nhìn bộ mở và rõ hơn cùng với sự tương phản giữa tone trắng và vàng hồng của các thành phần.

“Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là điều chỉnh bộ chuyển động flying tourbillon cho khớp chính xác kích thước của bộ vỏ “Jumbo” ban đầu. Sau đó chúng tôi thử thách bản thân hơn bằng cách đưa cùng một kích thước máy vào bộ vỏ 37 mm. Hạn chế kỹ thuật này yêu cầu chúng tôi phải suy nghĩ lại tổng thể của lồng tourbillon, đồng thời tạo nên một bộ thoát mới”. Lucas Raggi – Giám Đốc Phát Triển.

Thiết kế thẩm mỹ được lấy cảm hứng từ “Jumbo”

Mặc dù sở hữu đường kính nhỏ hơn, phiên bản RD#3 thứ hai vẫn thừa hưởng những chi tiết thẩm mỹ của mặt số Jumbo của phiên bản năm nay. Cũng như bản tương nhiệm 39mm ra mắt trước đó không lâu, thiết kế mới cũng sở hữu mặt số mang họa tiết Petite Tapisserie nhưng lại được phủ một lớp màu mận tím hoàn toàn mới, được chế tác bằng phương pháp lắng đọng hóa học CVD, lớp phủ mang lại hiệu ứng màu sắc sáng, và trải dài đồng đều trên mặt số.

Thiết kế được lấy cảm hứng từ nguyên bản năm 1972, với chi tiết cọc số được làm theo hình dáng bồn tắm và các kim được phủ phát quang giúp cải thiện tính năng đọc giờ trong điều kiện thiếu sáng. Logo “Audemars Piguet” cùng vòng hiển thị phút được in màu trắng trên nền mặt số Tapisserie. Ở vị trí 6 giờ, lồng tourbillon Titanium tạo tương phản trên nền mặt số màu tím mang đến vẻ đẹp đầy mê hoặc.

Ngoài những chi tiết thẩm mỹ của Jumbo, thì bộ vỏ và dây thép của thiết kế 37mm lần này cũng sở hữu những cải tiến trong thiết kế như những mẫu Royal Oak đã ra mắt trước đó trong năm. Phần vành của bộ vỏ được vát rộng hơn, chi tiết mắt dây cũng được giảm độ dày giúp tổng thể thanh mảnh hơn đồng thời củng cố tính năng công thái học của thiết kế.

Bánh lắc với chi tiết đánh dấu 50 năm kỷ niệm

Thiết kế Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Extra-Thin có phần bánh lắc được gắn vào ổ bi với hai bộ đảo chiều giúp đảm bảo chuyển động hai chiều của búa dao động được chuyển đổi thành một chuyển động đơn hướng dẫn năng lượng đến lò xo. Chiếc rô-to được chạm khắc ký tự “50-years” bằng vàng hồng 22 carat với phủ rhodium được thiết kế đặc biệt để kỷ niệm 50 năm của bộ sưu tập Royal Oak. Cùng với logo Audemars Piguet được chạm khắc trên bề mặt tạo nên một tổng thể đồng màu với chi tiết vỏ và dây đeo. Tất cả đều được đánh bóng thủ công và hoàn thiện và chải satin đặc trưng của thương hiệu.

Truyền thống cải tiến kỹ thuật chế tác

Năm 1986, Audemars Piguet cho ra mắt chiếc đồng hồ selfwinding tourbillon đầu tiên trên thế giới. Được sáng tạo bởi Jacqueline Dimier, thiết kế sở hữu tourbillon trên mặt số và bộ chuyển động Calibre 2870 được đặt trong bộ vỏ siêu mỏng chỉ dày 5,3mm. Cho đến nay, chiếc lồng Tourbillon của thiết kế này vẫn là một trong những chiếc lồng nhỏ nhất trên thế giới với đường kính 7,2 mm, đây cũng là một trong những chiếc lồng tourbillon nhẹ nhất với trọng lượng chỉ 0,123 gam.

Mẫu thiết kế này còn được gọi là Tourbillon Selfwinding Ra (thần mặt trời Ai Cập) cũng bởi vì thiết kế của nó với bộ phận điều tiết hình mặt trời, cùng với các dải sáng được trải dài trên mặt số. Trong số 401 mẫu thiết kế đã ra mắt trước đó cho đến năm 1992, chính thiết kế tourbillon phức tạp này, đã mở đường cho ngành chế tác đồng hồ phức tạp Haute Horlogerie với sự trở lại của những bộ máy thanh thế, hỗ trợ độ chính xác của đồng hồ, bao gồm cả tourbillon.

Ba mươi năm sau thiết kế của Jacqueline Dimier, Audeamrs Piguet nổi tiếng với khả năng đổi mới, và đưa ra một loạt các mẫu thiết kế trong chuỗi Nghiên cứu và Phát triển của mình. Năm 2015, thương hiệu cho ra mắt thiết kế RD#1: Royal Oak Concept Minute Repeater Supersonnerie tại SIHH sau 8 năm hợp tác nghiên cứu với EPFL, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne và một hội đồng gồm các chuyên gia bao gồm thợ đồng hồ, kỹ sư, nhạc sĩ và chuyên gia âm thanh.

Thiết kế đánh dấu một bước tiến đáng kể về hiệu suất âm thanh, khuếch đại âm thanh, cảm âm và âm sắc, với sự ra mắt của cơ chế Supersonnerie. Với ba bằng sáng chế độc quyền được đã được đệ trình, hệ thống bộ máy của Supersonnerie này đã kết hợp cơ chế đánh chuông mới trong một cấu trúc vỏ sáng tạo. Sau đó một năm, phiên bản thương mại của Royal Oak Concept Minute Repeater Supersonnerie đã giành được giải thưởng “Mechanical Exception Watch Prize” tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève năm 2016.

Vào năm 2019, Audemars Piguet tiếp tục có một bước cải tiến mới với mẫu đồng hồ Royal Oak Selfwinding Perpetual Calenar Ultra-Thin size 41mm, nguyên mẫu của thiết kế này đã được giới thiệu một năm trước đó tại SIHH với tên gọi RD#2. Thiết kế đồng hồ sở hữu bộ vỏ chỉ dày 6,3 mm, và bộ máy 2,89 mm, khiến nó trở thành chiếc đồng hồ cơ học có lịch mỏng nhất thế giới vào thời điểm đó. Để đạt được kỳ tích này, chức năng xem lịch của bộ máy thường được gắn trên ba nấc nhưng với thiết kế này, các chi tiết trong bộ máy chức năng đặc trưng đã được tập hợp lại với nhau trên cùng một mặt phẳng.

Các chuyên gia của AP cũng đã phát triển hai đổi mới được cấp bằng sáng chế liên quan đến việc tích hợp đĩa lệch tâm cuối tháng với bánh xe ngày và sự kết hợp của đĩa lệch tâm tháng với bánh xe tháng. Thiết kế này đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của ngành chế tác đồng hồ phức tạp. Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin đã mang về cho Audemars Piguet giải thưởng “Aiguille d’Or” tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève vào tháng 11 năm 2019.

Năm nay, Audemars Piguet đã có một bước tiến kỹ thuật mới với sự ra đời của Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Extra-Thin, hai mẫu thiết kế RD#3 chính là tiếp nối bước chân không ngừng sáng tạo của những thiết kế tân tiến trước đây. Với bộ chuyển động Calibre 2968 mới, bản thiết kế này chính là sự kết hợp của cải tiến kỹ thuật và tinh tế thẩm mỹ nhằm kỷ niệm 50 năm ra đời của bộ sưu tập Royal Oak.


 
Back to top