BUSINESS OF LUXURY

Các thương hiệu thời trang đang gồng mình tồn tại trong cơn bão suy thoái

Sep 19, 2024 | By Luxuo Vietnam

Đối diện với suy thoái kinh tế do ảnh hưởng hậu Covid-19, việc mở các chuỗi cửa hàng thời trang rầm rộ đã không còn như trước đây. Trước bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển những người kinh doanh thời trang đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược trong thời gian tới. Nhiều thương hiệu quyết định tạm dừng hoạt động tại các cửa hàng để tập trung nguồn lực phát triển trên các nền tảng số. Bất kể là ở nền tảng nào, người kinh doanh thời trang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Chuỗi cửa hàng thời trang Catsa ngừng kinh doanh với hơn 13 năm.

Vừa qua, chuỗi cửa hàng thời trang Catsa với hơn 13 năm tuổi bất ngờ tuyên bố đóng cửa. Tương tự như Catsa, chuỗi thời trang nam Giian cũng đóng 9 cửa hàng. MIÊU, một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 vốn quen thuộc với giới trẻ Sài thành cũng đưa ra thông báo trên Fanpage về đóng cửa hàng và thanh lý sản phẩm. Kết hợp với việc gia tăng của nhiều mặt bằng trống chưa tìm được người thuê ở các con đường mua sắm sầm uất như đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Mạc Đĩnh Chi, Pasteur, Nguyễn Du, Lê Lợi, Lý Tự Trọng… cho thấy các thương hiệu thời trang cũng đang gặp nhiều khó khăn để duy trì doanh số bán hàng và phải tìm cách tối ưu chi phí, việc từ bỏ cửa hàng cũng đang là một trong những giải pháp để “sống còn”.

Theo thông tin từ bài viết của Kinh tế Sài Gòn Online, ba tháng đầu năm 2024 doanh số của thương hiệu thời trang IVY moda đã có những chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những con số như cùng kỳ 2023. Riêng năm 2023 doanh số bán ra của thương hiệu giảm 20-25% so với năm 2022, đạt khoảng 90% trước dịch. Chia sẻ trong bài viết, CEO Nguyễn Lê Vũ Linh cho hay với những mặt bằng kinh doanh không hiệu quả, IVY moda sẽ dừng hoạt động, tối ưu chi phí cố định, tìm vị trí trọng điểm, song song đẩy mạnh chuyển đổi số bán hàng đa kênh. Trong năm qua, các sàn thương mại điện tử, website của nhãn hàng cho doanh số ổn định chiếm 30% tổng doanh thu các kênh bán. Nhìn chung, tình hình kinh tế suy thoái đang khiến cho các chủ cửa hàng thời trang phải linh hoạt hơn và tìm ra những giải pháp để tồn tại và phát triển.

Ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình kinh tế, thị trường trở nên trầm lắng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: nguoiquansat.vn.

Thực tế, ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình kinh tế, thị trường trở nên trầm lắng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Từ năm ngoái đến nay, nhiều người thận trọng trong việc đầu tư kinh doanh trước sức mua thấp của thị trường. Mua sắm trực tuyến cũng lên ngôi, sức hút của việc mua sắm giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử khiến khách mua thấy hứng thú. Sau 5 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành hàng thời trang trên các sàn thương mại điện tử thống kê đạt 29.000 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng cho thấy không chỉ có người trẻ tuổi thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử mặt hàng thời trang, mà độ tuổi trung niên cũng đang dần có sự gia tăng 4% thị phần, so với năm 2023. 

MIÊU, một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 vốn quen thuộc với giới trẻ Sài thành cũng đưa ra thông báo trên Fanpage về đóng cửa hàng và thanh lý sản phẩm.

Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng chưa hẳn là cứu cánh cho các thương hiệu thời trang trong thời điểm hiện nay, bởi để cạnh tranh trên các sàn các thương hiệu phải vận dụng liên tục các chương trình ưu đãi, giảm giá. Nhiều thương hiệu nội địa phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu ngoại trong khi thị trường bão hoà. Theo khảo sát của Haravan, đầu năm 2023 đến nay nhận thấy sự tăng trưởng số lượng nhà kinh doanh mới trong ngành ít hơn 20% so với những năm trước.

Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%. Khi người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính, họ có xu hướng giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, như quần áo và phụ kiện. 

Theo khảo sát của Haravan, đầu năm 2023 đến nay nhận thấy sự tăng trưởng số lượng nhà kinh doanh mới trong ngành ít hơn 20% so với những năm trước.

Trước tình hình có nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều chủ cửa hàng thời trang phải xem xét lại mô hình kinh doanh của họ. Các giải pháp được chọn lựa nhiều hiện nay là cắt giảm chi phí cửa hàng, chi phí nhân sự. Trong năm qua, nhiều cửa hàng cũng đã rục rịch từ bỏ những mặt bằng lớn để thay bằng mặt bằng nhỏ hơn hay trong hẻm để tiết kiệm hơn chi phí. Chủ các thương hiệu cũng thay đổi chiến lược marketing như tăng cường quảng cáo online nhằm thu hút khách hàng hoặc tập trung vào các sản phẩm giá rẻ hơn song song đó ngoài cửa hàng họ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, tạo nên các chương trình khuyến mãi hay tham gia các hoạt động livestream rầm rộ nhằm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. 

Nguồn:  K. | Style-Republik 
Theo Thị trường & Thương Gia


 
Back to top