Mối gắn kết giữa Goossens và Chanel: Từ cuộc gặp gỡ định mệnh
Có lẽ đó là câu chuyện hợp tác hay nhất, Chanel và nhà kim hoàn Goossens, mối quan hệ lâu dài với xuất phát điểm là một cuộc gặp gỡ định mệnh.
Tiếp xúc với các món đồ kim loại từ khi còn nhỏ tại xưởng làm việc của cha mình ở Marais, Paris, người sáng lập Robert Goossens đã gặp Coco Chanel vào năm 1953 khi bà đến đặt hàng một món trang sức, đó là ba năm sau khi ông thành lập công ty cùng tên. Nữ thiết kế danh tiếng đã rất ngưỡng mộ công việc của ông – cả trang sức và các đồ vật trang trí có ảnh hưởng rõ rệt từ Ai Cập, các cổ vật Ba Tư – và kể từ đó, Chanel và Goosens đã không ngừng hợp tác với nhau.
Mặc dù Chanel không phải là người bảo trợ duy nhất của Goossens – còn có Balenciaga, Yves Saint Laurent và Schiaparelli cũng đã bị chinh phục bởi các tác phẩm cổ điển nổi bật của Goossens – nhưng người ta nói rằng chính sự hỗ trợ của Chanel đã đưa Goossens lên vị trí thợ kim hoàn danh giá của ngành thời trang giữa thế kỷ 20. Vào năm 2005, nhà kim hoàn này – hiện đang được con trai của Robert, Patrick điều hành, được giới thiệu vào một công ty con Paraffection của Chanel như một cách để lưu giữ sự ổn định nguồn cung cho các tác phẩm thêu thủ công, giày dép, mũ và tất nhiên, đồ trang sức trong bộ sưu tập trường tồn.
Trong show diễn Metier d’Art gần đây nhất của Chanel, họ đã đến New York, thành phố nơi Coco lần đầu tiên tìm thấy thành công bên kia bờ Đại Tây Dương – chỉ để trình diễn tại triển lãm Temple of Dendur tại The Met. Với cảm hứng từ Ai Cập cổ đại, đây không chỉ có các đám rước của người mẫu mà phục trang từ đầu đến chân cũng mang tinh thần này, cả giày và túi xách.
Và lấp lánh trên cổ tay, tai và cổ của người mẫu là những món đồ trang sức của Goossens – nổi bật với mô típ bọ hung được thực hiện bởi chính Robert, người rất yêu thích nền văn hóa Ai Cập. Những món trang sức kỳ công này một lần nữa tượng trưng cho sự hợp tác không bị ràng buộc bởi thời gian và mãi mãi gắn kết Goossens với Chanel.