STYLE

Đi tìm lời giải cho trọng lượng lý tưởng của một chiếc đồng hồ

Oct 14, 2021 | By Ton Binh

Có hay không trọng lượng lý tưởng cho một chiếc đồng hồ? Trong lúc có một cuộc đua thú vị cho ngôi vị chiếc đồng hồ nhẹ nhất, vẫn còn đó những vấn đề quan trọng cần phải cân nhắc. Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời từ các nhà sản xuất hàng đầu và chuyên gia trong ngành qua bài viết sau.

Jean-Paul Suchel, giám đốc kỹ thuật của Bell & Ross, đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu cách mọi người lựa chọn đồng hồ. Và điều khiến ông ấy chú ý là cách khách hàng thường cầm chiếc đồng hồ trong lòng bàn tay. “Họ đứng đó trong cửa hàng và họ cầm chiếc đồng hồ trên tay. Họ muốn cảm nhận về nó”, ông nói.

“Có một thực tế rằng đồng hồ là một phần của thế giới phụ kiện trang sức, và luôn có một mối tương quan trực tiếp giữa trọng lượng và giá trị vì sử dụng kim loại quý cho trang sức đã là một lịch sử lâu đời. Điều này nhằm củng cố thêm mối liên hệ giữa trọng lượng và chất lượng. Một chiếc đồng hồ thực sự có thể chỉ là một khối kim loại nhỏ, nhưng giá trị lại khá cao, vì vậy mọi người vô thức cảm thấy rằng nếu nó không đủ nặng thì nó không có giá trị”.

Nhưng đó lại là một câu hỏi hóc búa cho thế giới đồng hồ, đặc biệt là khi các vật liệu có trọng lượng nhẹ như titan, gốm và sau đó có các vật liệu tiên tiến hơn như silicon nitride và vật liệu tổng hợp carbon được ngành công nghiệp đồng hồ chấp nhận vì khả năng như chống xước tốt và độ bền cao.

Panerai có Carbotech, IWC sử dụng cacbua boron một loại vật liệu cực kỳ nhẹ và một loại gốm-titan, Roger Dubuis và những nhà sản xuất khác đã khám phá các loại vỏ bằng silicon. Bạn có thể nhớ rằng silicon đã được sử dụng rộng rãi trong khâu chế tác lò xo cân bằng, hay còn được gọi là dây tóc. Silicon có trọng lượng rất thấp, chỉ bằng một nửa titan.

Cũng giống như nhôm đã trở thành xu hướng chủ đạo trong thiết kế khung xe trong ngành công nghiệp ô tô nhờ sự tiên phong của Jaguar và Audi, thì giờ đây, titan có vẻ đang trên đà trở thành xu hướng chủ đạo tiếp theo trong ngành sản xuất đồng hồ cao cấp, đặc biệt là khi giá thành hiện nay chỉ đắt hơn thép 15%, nhưng lại sở hữu nhiều ưu điểm hơn hẳn.

Vị trí của thép

Vẫn còn có nhiều đồng hồ bằng thép trên thị trường. Nhu cầu về trọng lượng – cảm giác về chiếc đồng hồ hiện diện trên cổ tay nhưng không quá nặng – là lý do tại sao thép vẫn là vật liệu được ưa chuộng nhất trong ngành. Đó là điều mà Romain Marietta – Giám đốc phát triển sản phẩm của Zenith đã nhận thấy, ngoài thực tế là thép rất dễ gia công và có độ phản chiếu ánh sáng tốt. Thêm vào đó, việc loại bỏ đi phần thép dư thừa là khả thi nhưng giá thành cao, vì thế không có gì ngạc nhiên khi nhiều chiếc đồng hồ, thậm chí có thể là hầu hết chúng đều nặng hơn mức cần thiết.

“Thực tế là những gì trên cổ tay của bạn gắn liền với cảm giác, sự nhạy cảm với trọng lượng của nó, vì vậy trọng lượng rất quan trọng”, anh nói. “Có một điều cần phải đề cập là việc nhà sản xuất luôn muốn giảm trọng lượng, nhưng nếu một chiếc đồng hồ quá nhẹ thì nó có vẻ hơi rẻ tiền. Điều đó có nghĩa là bạn phải giáo dục lại khách hàng vượt qua khỏi ý nghĩ đó – và điều đó không dễ dàng”.

Điều đó đã không ngăn cản ngành công nghiệp đồng hồ tiếp tục nỗ lực. Những chiếc đồng hồ quá khổ ngày càng thịnh hành nên gần đây họ đã cố gắng giảm một vài gam, như Marietta chia sẻ.

“Đôi khi nó chỉ là một minh chứng về sự đổi mới, năng lực kỹ thuật cho thương hiệu nói chung”. Đó là lý do tại sao đối với những nhà sản xuất như Richard Mille – sở hữu chiếc đồng hồ nhẹ nhất thế giới cho đến nay, chiếc RM 50-03, được làm bằng chất liệu graphene và có tổng trọng lượng chỉ 40g – hoặc đối với những tên tuổi như Roger Dubuis, một chiếc đồng hồ nhẹ hơn sẽ chứng mình rằng họ không chỉ là một nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ mà còn là một công ty công nghệ.

Gregory Bruttin – Giám đốc chiến lược của Roger Dubuis, cho biết: “Trọng lượng nhẹ hơn phù hợp với chúng tôi, nhưng nó sẽ không phù hợp với một thương hiệu gắn liền với các loại đồng hồ bằng vàng, vì mọi người luôn muốn chúng nặng hơn. Tuy nhiên bạn phải sử dụng vật liệu công nghệ tiên tiến để đạt được sự nhẹ nhàng đó trong thế giới đồng hồ cao cấp, bởi vì chúng là những vật liệu được cho là phù hợp. Bạn có thể làm một chiếc đồng hồ cơ rất nhẹ bằng nhựa, nhưng điều đó sẽ không đúng về mặt hình ảnh”.

Thách thức của sức nặng

Việc đạt được trọng lượng nhẹ hơn luôn mang đến những thách thức. Với trọng lượng chỉ là một yếu tố trong các thuộc tính công thái học của một chiếc đồng hồ, cùng với sự vừa vặn, kích thước, chức năng v.v… luôn cần có một sự cân bằng tổng thể. Ngay cả với sức bền của titan, vẫn có một mối quan hệ tương tác quan trọng, chẳng hạn như giữa khả năng bảo vệ của trọng lượng tuyệt đối – một chiếc đồng hồ bằng thép vẫn rất thành công trong việc hấp thụ các cú sốc có thể làm hỏng bộ máy cơ và sự thoải mái khi đeo trên tay. Sức nặng, dù thừa hoặc thiếu, đều phức tạp hơn bất kỳ bản thân một loại vật liệu nào, bất kể nó được cho là sáng tạo như thế nào.

Đôi khi sự cân bằng đó là theo nghĩa đen. Nghiên cứu của Zenith hiện đang hướng tới các bộ phận có trọng lượng nhẹ hơn cho bộ máy cơ vì lợi ích bổ sung là giúp bảo toàn năng lượng, tuy rằng roto trong bộ máy tự động phải đạt trọng lượng nhất định mới có thể hoạt động. Chắc chắn việc tạo khung xương cho một bộ máy với các chi tiết bằng thép và đồng thau trông rất ấn tượng, nhưng sẽ không thể tối ưu về mặt trọng lượng, có thể là 15g, Suchel cho biết.

Trên thực tế, cách tốt nhất để giảm trọng lượng của một bộ máy là biến nó thành một bộ máy lên dây cót thủ công, anh ấy chỉ ra, “nhưng bây giờ thị trường nói chung không muốn điều”. Vì vậy, các bộ phận khác của đồng hồ như vỏ và dây đeo chắc chắn là trọng tâm cho việc giảm trọng lượng. Và chúng ta có thể đoán rằng việc giảm trọng lượng của dây đeo là động lực cho xu hướng dây đeo NATO. Và đó cũng là lý do mà mẫu đồng hồ Bell & Ross BRX1 có dây đeo được làm từ hỗn hợp titan, gốm và cao su, để có được sự cân bằng tốt nhất về trọng lượng và độ bền. Và tại sao vừa qua Zenith giới thiệu dây đeo chế tác hoàn toàn bằng carbon của mình.

Tuy nhiên, dù bạn có sử dụng tỷ lệ và chất liệu như thế nào đi nữa, thì vai trò cảm nhận của khách hàng là không thể thay thế.

“Bạn thậm chí không thể xem nhẹ ấn tượng về trọng lượng của đồng hồ so với trọng lượng thực tế của nó”. Suchel nhấn mạnh. “Nếu một chiếc đồng hồ được thiết kế tốt, dây đeo linh hoạt, các vấu được đặt đúng vị trí v.v… nó sẽ không cho cảm giác nặng như một chiếc đồng hồ được thiết kế kém hơn tuy đặt trên bàn cân là thực sự nhẹ hơn. Chúng ta đang nói về sự kết hợp giữa tính khách quan và chủ quan ở đây. Cuối cùng thì điều này gần như nằm ngoài công nghệ và thiết kế. Đó là vấn đề tâm lý học”.

Các nhà tâm lý học đã tham gia vào lĩnh vực này, các nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng từ lâu đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa trọng lượng và chất lượng như thế nào. Từ cánh cửa xe hơi nặng nề ngụ ý về chất lượng cho đến những chai rượu whisky sang trọng để có được sự pha trộn tinh tế nhất, liên tưởng luôn tạo nên sự khác biệt. Trong tiếng Anh, từ “lightweight” (nhẹ) là để chỉ sự thiếu chính trực, giá trị hoặc nhân cách, ngược lại “heavyweight” (nặng) gợi ý điều gì đó có tính quan trọng và nghiêm túc. Có lẽ nhà sản xuất đồng hồ Grieb & Benzinger đã đúng khi ra mắt mẫu Blue Sensation vào năm 2012 và tự hào tuyên bố đây là chiếc đồng hồ bạch kim nặng nhất thế giới.

Cân đo chất lượng

Rốt cuộc, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong nhiều lĩnh vực mua bán, trọng lượng có ảnh hưởng nhỏ nhưng mang tính thống kê đến cảm nhận của người tiêu dùng về giá trị và chất lượng. Một nghiên cứu rộng rãi vào năm 2007 của Đại học Bangor, Anh Quốc, với các đánh giá rất tinh vi nhưng không kém phần thực tế chỉ ra rằng: giảm 15% khối lượng bao bì thì người tiêu dùng vẫn đánh giá chất lượng của sản phẩm bên trong tương đương với trọng lượng ban đầu. Tuy nhiên, khi giảm 30% khối lượng bao bì thì đột nhiên khách hàng sẽ muốn chi trả ít hơn. Với sự lựa chọn giữa một bao bì nhẹ và một bao bì rất nhẹ, tất nhiên người tiêu dùng sẽ chọn cái nặng hơn.

Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là thực tế về sự kỳ vọng: cảm nhận của người tiêu dùng về giá trị sản phẩm được định hình bởi sự phù hợp với kỳ vọng của họ về khối lượng của nó. Nếu kỳ vọng càng bị phá vỡ, cảm nhận về giá trị của họ càng bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu khác – dựa trên cảm nhận về những chai rượu – đã chỉ ra rằng người tiêu dùng mong đợi những chai rượu nặng hơn sẽ đắt hơn (và cũng theo tâm lý người tiêu dùng, nó sẽ có chất lượng tốt hơn).

Đáng chú ý, cách đây vài năm, một kỹ sư khi tháo rời tai nghe Beats của mình đã phát hiện ra rằng chúng chứa các khối kim loại nhỏ không có chức năng rõ ràng nào ngoài việc đóng góp khoảng 30% tổng trọng lượng của tai nghe.

Anh chia sẻ: “Trọng lượng làm cho sản phẩm có cảm giác chắc chắn, bền và có giá trị”. Điều đó có thể xảy ra với một chiếc đồng hồ không? Trong sự nghiệp của mình, Jean-Paul Suchel nhớ lại khi làm việc trên một chiếc đồng hồ titan cho một thương hiệu dấu tên, và nó được coi là quá nhẹ – vì vậy sau đó nó phải được thiết kế lại về trọng lượng.

Nếu cảm giác của chúng ta về trọng lượng thực sự đã ăn sâu vào tiềm thức, người ta có thể tưởng tượng rằng một thứ gì đó mang tính cá nhân sâu sắc như một chiếc đồng hồ sẽ luôn nên có xu hướng nặng hơn. Tuy nhiên, điều khó hiểu là nó không hoàn toàn đúng cho rất nhiều đối tượng khác, ở đó khối lượng nhẹ trong một vài trường hợp lại được tôn sùng và rõ ràng là một sự tiến bộ về công nghệ và đáp ứng yêu cầu chất lượng – vì nó khẳng định sản phẩm này thuộc về tương lai và không bị đè nặng bởi quá khứ. Từ điện thoại thông minh đến xe đạp và vợt tennis, giày thể thao đến đồ nội thất cho đến quần áo, tất cả đều nhẹ dần trong những thập kỷ qua.

Họ ca tụng điều đó mà không phải hy sinh các lợi ích vật chất khác. Một xu hướng lớn tiếp theo được báo trước là vật liệu bằng mạng vi kim loại – một loại lưới nhẹ đến mức có thể đặt trên một bông hoa bồ công anh mà không gây ra bất kỳ một tổn hại nào.

“Khi bạn thiết kế, trọng lượng sản phẩm là cực kỳ quan trọng – và không chỉ là trọng lượng của nó mà còn là cách phân bổ khối lượng đó”, Benoit Mintiens – người sáng lập và nhà thiết kế của Ressence, giải thích. Chiếc đồng hồ Type 2 của ông chỉ nặng 30g không bao gồm dây đeo và với tư cách là một nhà thiết kế công nghiệp, ông đã chuyển hướng sang các lĩnh vực khác với các sản phẩm nhạy cảm với trọng lượng như xe đẩy trẻ em và thậm chí cả súng ngắn.

Đâu là điểm cuối cùng?

Vậy nhận thức của chúng ta về trọng lượng của đồng hồ có thay đổi không? “Tôi nghĩ rằng mối liên hệ giữa trọng lượng và chất lượng đang dần thay đổi”. Vivian Stauffer – Giám đốc điều hành Hamilton khẳng định. Thương hiệu này mặc dù định hình phân khúc ở mức giá khá hợp lý, đã sử dụng titan và nhôm trong các thiết kế của mình và hiện đang làm việc trong một dự án với Smartflyer – một ý tưởng máy bay bằng điện mà từ đó thương hiệu đồng hồ hy vọng sẽ thu thập các dữ liệu chi tiết về việc sử dụng vật liệu siêu nhẹ làm từ carbon.

“Xu hướng đồng hồ kích thước nhỏ trong thập kỷ qua đã khiến mọi người quen với việc đeo đồng hồ nhẹ  hơn một chút, đơn giản vì nó có ít vật liệu hơn và các thử nghiệm từ các thương hiệu uy tín với vật liệu nhẹ cũng đã giúp hình thành lòng tin rằng nhẹ không có nghĩa là thiếu chất lượng”, ông nói thêm. “Và tôi nghĩ trọng lượng sẽ trở nên quan trọng hơn khi tính bền vững trở thành một phần của các chủ đề về đồng hồ – khi các vật liệu được đánh giá cao hơn vì độ thân thiện với môi trường của chúng. Hãy đợi một hoặc hai thế hệ tiếp theo, và có lẽ khi đó một chiếc đồng hồ nặng có thể được xem là rẻ tiền”.

Độ nặng, thường đi kèm với sức bền và sự tin cậy, nhưng đó là sự dư thừa không cần thiết, đi kèm với sự kém hiệu quả, lãng phí năng lượng và ô nhiễm, đặc biệt là đối với một khách hàng trẻ tuổi, những người đã trưởng thành với việc đeo đồng hồ với những ngoại lệ mà không phải các quy tắc.

Thật vậy, trong thế giới đồng hồ cao cấp vẫn mang nặng tính truyền thống, việc sử dụng những vật liệu công nghệ cao, trọng lượng nhẹ nhưng bền bỉ thực sự là một hiện tượng đáng chú ý.

Bruttin từ Roger Dubuis nói: “Bạn có thể nghĩ rằng tiến bộ trong ngành đồng hồ đã dừng lại ở đâu đó vào giữa thế kỷ 20, nhưng trong 20 năm qua, chúng tôi đã thấy nhiều nhà sản xuất tôn trọng tính truyền thống trong khi vẫn cố gắng cung cấp cho khách hàng nhiều tính năng bổ ích, chủ yếu thông qua việc sử dụng các vật liệu phi truyền thống. Một số mẫu đồng hồ đang tiến gần hơn đến việc trở thành một phần của thế giới nghệ thuật hoặc thời trang. Và cũng như trong lĩnh vực thời trang, những ý tưởng đó sẽ được chọn lọc theo thời gian”.

Thế giới vật liệu

Đó là lý do tại sao Adrian Bosshard – Giám đốc điều hành của Rado – một thương hiệu đã tạo nên tên tuổi của mình bằng cách sử dụng gốm công nghệ cao và nhẹ từ cách đây 35 năm, tin rằng cuối cùng thì những người hâm mộ đồng hồ sẽ đánh giá cao những lợi ích mà những vật liệu này mang lại, đó là sự nhẹ nhàng. Trên thực tế, như một kiểu đánh đổi, bất kỳ sự nghi ngờ nào về việc thiếu sức nặng sẽ được bù đắp bằng những lợi ích khác. Ông nói thêm: “Ngay bây giờ có thể chúng ta thường liên tưởng sức nặng và nam tính, nhưng điều này sẽ thay đổi, và tôi nghĩ đồng hồ cơ có trọng lượng nhẹ hơn cũng sẽ khiến nhiều phụ nữ quan tâm hơn”.

Các nhà sản xuất đồng hồ sở hữu sức hấp dẫn unisex và truyền thống về đồ trang sức cho phụ nữ, cũng đã thử nghiệm với trọng lượng trong nhiều thập kỷ.

Cụ thể, Bvlgari đã dùng nhôm và magiê từ rất lâu trước khi nó trở nên phổ biến. Giờ đây, nó là một xu hướng ổn định bao gồm cả Zenith và Hublot, có vẻ như sự thay đổi sang trọng lượng nhẹ là có thật, và là một cơ hội thực sự. Nhưng có một số người khác không chắc chắn như vậy. Họ sẽ không đi quá xa khi gọi đồng hồ có trọng lượng nhẹ là một xu hướng, nhưng Martin Frei – Nhà thiết kế của Urwerk cho rằng về cơ bản, đây chỉ là một sắc màu khác trên bảng màu phong phú của các nhà thiết kế đồng hồ, rằng sự khác biệt về trọng lượng giữa hai chiếc đồng hồ cơ có thể mang đến cho chủ nhân những cảm nhận rất khác nhau khi sử dụng, chỉ đơn giản là vậy.

“Đó là một thuộc tính mà một nhà thiết kế có thể sử dụng trong một chiếc đồng hồ và nó hiệu quả, nhưng có nhiều thứ khác mà bạn có thể dùng”, ông ấy nói và đưa ra ví dụ, sự khác biệt giữa mẫu 210, một trong những thiết kế yêu thích của ông và là một trong những chiếc đồng hồ nặng nhất của Urwerk, và phiên bản trọng lượng nhẹ 210 “Maltese Falcon” vừa ra mắt gần đây. “Bạn có thể nghĩ rằng có một đường thẳng tiến hóa từ chiếc xe đạp đầu tiên đến chiếc xe đạp leo núi ngày nay, rằng chiếc mới nhất là một cải tiến lớn so với chiếc trước đây. Nhưng có thể không hoàn toàn như thế, bởi vì bạn có rất nhiều điều bạn có thể làm với một chiếc xe đạp”.

Vì vậy, có lẽ câu hỏi về trọng lượng không chỉ là vấn đề tâm lý, mà còn là một câu hỏi triết học. “Về lý thuyết, cũng như những vật dụng khác, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi tương tự cho đồng hồ rằng chúng sẽ nhẹ đi, nhưng tôi không chắc lắm”, Rolf Studer – Giám đốc điều hành của Oris cho biết, công ty đã sử dụng carbon cho các bộ vỏ đồng hồ. “Đối với tôi, một bộ phận các nhà sản xuất đồng hồ đang ngày càng vượt qua các giới hạn – sử dụng các vật liệu tái chế, cho ra đời những sáng tạo nhỏ hơn, mỏng hơn hoặc nhẹ hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng hợp lý, bởi vì điều quan trọng thực sự về các thương hiệu là tạo ra một câu chuyện hay”.

“Theo tôi, vấn đề là một chiếc xe đạp nhẹ hơn lập tức sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng điều đó hoàn toàn không rõ ràng với một chiếc đồng hồ”, ông nói thêm. “Trọng lượng nhẹ trong thế giới đồng hồ dường như mang tính khái niệm hơn bất cứ điều gì”.

Bài: Ashok Soman – Chuyển ngữ: Vincent Pham


 
Back to top