Phong cách / Đồng hồ

Đồng hồ và người nghệ sĩ: Một cuộc tình trên cổ tay

Nov 13, 2023 | By Pham Thu Phuong

Khi công việc không yêu cầu giờ giấc chính xác thì việc đeo đồng hồ thuần túy trở thành một cách để thể hiện cái tôi. Mỗi chiếc đồng hồ đeo tay kể lại một câu chuyện độc đáo, mang đến cái nhìn thú vị về tâm hồn và phong cách của người nghệ sĩ. 

Nghệ sĩ thường hiếm khi bận tâm đến việc quản lý thời gian, bất kể công việc của họ có tốn thời gian hay không, họ hầu như đều hoạt động theo đồng hồ sáng tạo của riêng mình. Khi công việc không yêu cầu giờ giấc chính xác thì việc đeo đồng hồ thuần túy trở thành một cách để thể hiện cái tôi. Mỗi chiếc đồng hồ đeo tay kể lại một câu chuyện độc đáo, mang đến cái nhìn thú vị về tâm hồn và phong cách của người nghệ sĩ. Sau đây là lựa chọn của chúng tôi gồm tám nghệ sĩ từ thế kỷ 20 và 21, và lý do đằng sau sự lựa chọn đồng hồ của họ, cách những chiếc đồng hồ này phản ánh những cột mốc đáng nhớ trong cuộc sống hoặc với những cảm xúc cụ thể.

1. Francesco Clemente

Francesco Clemente, 2013. Ảnh: Neil Rasmus/BFA.com

Là người gốc Naples, Francesco Clemente chuyển đến Ấn Độ năm 19 tuổi, nơi ông phát hiện ra một màu sắc mà ông gọi là “màu hồng gây sốc”, sau đó ông đã ví von nó là “màu xanh hải quân của Ấn Độ”. Với tinh thần du mục và cảm nhận mạnh mẽ về màu sắc, Clemente đã sử dụng những cánh đồng màu hồng tuyệt đẹp trong tác phẩm của mình trong suốt sự nghiệp của mình, thường để ám chỉ đến đất nước Ấn Độ yêu dấu. Năm 1981, Clemente chuyển đến New York, sau đó 2 năm Swatch cách mạng hóa thế giới với những chiếc đồng hồ thạch anh bằng nhựa có màu sắc rực rỡ, một động thái mang tính thay đổi cuộc chơi cho chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cổ điển. Và Clemente cũng đã ghi dấu với chiếc Swatch màu hồng tươi có tên của mình trên trên đó.

2. Andy Warhol

Andy Warhol, 1984. Ảnh: Bridgeman Images

Khi Andy Warhol qua đời vào năm 1987, khoảng 300 chiếc đồng hồ đã được tìm thấy tại ngôi nhà ở ngoại ô thành phố New York của ông. Cuộc đấu giá của Sotheby’s đối với bộ sưu tập đồng hồ của nghệ sĩ – một kho tàng lớn bao gồm các thương hiệu xa xỉ từ Rolex, Patek Phillippe đến Cartier – đã đặt một cột mốc lịch sử trong các cuộc đấu giá các bộ sưu tập đồng hồ của một chủ sở hữu. Những chiếc đồng hồ của ông vẫn có giá trị sưu tầm cao, chẳng hạn như chiếc Rolex Chronograph ref 3525 quý hiếm được bán với giá sáu con số trong cuộc đấu giá vào năm 2019. Nhưng Warhol chủ yếu say mê tính thẩm mỹ, đặc biệt là những đường nét cổ điển của chiếc Cartier Tank yêu thích của mình, chiếc đồng hồ mà ông hiếm khi bận tâm đến việc lên dây cót. Ông từng nói: “Tôi không đeo đồng hồ Tank để xem giờ. Thực tế là tôi chưa bao giờ phải lên dây cót. Tôi đeo Tank vì đó là chiếc đồng hồ để đeo.”

3. David Hockney

David Hockney, 1980. Ảnh: Mr Clive Arrowsmith/Camera Press

Nhiếp ảnh gia Clive Arrowsmith đã từng đến thăm studio Kensington của ông David Hockney để chụp ảnh chân dung. Khi họa sĩ người Anh ra mở cửa, ông mặc một chiếc áo len cashmere màu hồng sơn và đeo một chiếc đồng hồ hình chuột Mickey. “Tôi thích chiếc đồng hồ chuột Mickey của ông,” Arrowsmith nói, và Hockney trả lời: “Tôi biết. Thật tuyệt vời phải không?” Đồng hồ chuột Mickey, hợp tác cùng Walt Disney, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1933 và hiện đã được nhiều thương hiệu sản xuất trong nhiều thập kỷ, bao gồm Seiko, Rolex và Omega. Bên cạnh Chuột Mickey và một chiếc Cartier Tank thanh lịch, người ta còn biết rất ít về bộ sưu tập đồng hồ của Hockney. Nhưng như chúng ta có thể thấy, sở thích của ông ấy rất đa dạng. Với đồng hộ chuột Mickey, chúng ta có đoán sẽ có những chiếc tương tự như Swatch day-date và – nếu bạn nhìn vào hình ảnh ở đầu bài viết, loại đồng hồ đeo tay siêu mỏng của những năm 1950 hoặc 1960 chắc chắn cũng sẽ góp mặt với Vacheron Constantin, Audemars Piguet hoặc Piaget .

4. Mark Bradford

Mark Bradford, 2016. Ảnh: Mr Donato Sardella/Getty Images for MOCA

Nghệ sĩ gốc Los Angeles, Mark Bradford đã có một hành trình độc đáo khi bước vào thế giới nghệ thuật. Cho đến năm 30 tuổi khi đăng ký vào trường nghệ thuật, Bradford đã dành cả ngày để làm tóc trong tiệm của mẹ mình. Nhiều năm sau, với số tiền kiếm được từ nghệ thuật, anh đã biến thẩm mỹ viện đó (và một số tòa nhà lân cận khác) thành trung tâm nghệ thuật cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận, chuyên giúp đỡ những thanh niên kém may mắn ở LA. Những bức tranh khổ lớn của anh, bán được hàng triệu USD, được làm từ các lớp giấy có kết cấu dày đặc, mảnh vụn và các vật liệu tìm thấy trên đường phố, đồng thời đi sâu vào các vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, di cư, kỳ thị người đồng tính, phân biệt giới tính và nghèo đói. Nhưng người ta hiếm khi thấy Bradford mặc bất cứ thứ gì khác ngoài áo phông trắng và quần trắng kiểu thợ sơn. Đồng hồ Timex Easy Reader của anh ấy (bán lẻ với giá khoảng £30) cũng là một sự lựa chọn có chủ ý.

5. Pablo Picasso

Pablo Picasso, 1966. Ảnh: Tony Vaccaro/Getty Images

Pablo Picasso thích được chụp ảnh đeo một hoặc nhiều chiếc đồng hồ cao cấp của mình: Jaeger-LeCoultre những năm 1940, Patek Philippe những năm 1950 hoặc Rolex GMT-Master. Thật trùng hợp, tên đầy đủ của Picasso dài 12 chữ cái. Vào năm 1960, ông đã có ý tưởng độc đáo khi sử dụng các chữ cái trong tên mình làm vạch chỉ giờ trên đồng hồ. Từ đó, chiếc đồng hồ đeo tay bằng thép không gỉ 32mm của Picasso đã ra đời, được sản xuất bởi thợ đồng hồ Thụy Sĩ, ông Michael Z Berger, và được gắn trên một chiếc vòng đeo tay vừa vặn, có thể mở rộng. Tác phẩm đó đã trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên có chữ ký của một nghệ sĩ, một minh chứng cho tầm nhìn và sức mạnh vươn ra công chúng của Picasso.

6. Julian Schnabel

Julian Schnabel, 1985. Ảnh: Jillian Edelstein/Camera Press

Julian Schnabel bùng nổ trong làng nghệ thuật New York vào những năm 1980 với tư cách là một phần của thế hệ họa sĩ được biết đến như những người theo chủ nghĩa biểu hiện mới. Đó là khi Schnabel trẻ tuổi và bảnh bao được chụp ảnh tại khách sạn của Claridge, đeo một chiếc Rolex, một phụ kiện được lựa chọn kỹ lưỡng để thể hiện sự thành công chớm nở. Đó là một bức ảnh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mà nhiều thập kỷ sau, một Schnabel bất chấp với cả thế giới thấy trong bức ảnh của Annie Leibovitz: ông nằm dài trên ghế sofa trong bộ đồ ngủ sọc, cởi cúc áo đến tận rốn và khoe tấm ngực đầy lông nhưng chẳng có chiếc đồng hồ nào. Sau khi xuất sắc ở hầu hết mọi lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc và trang trí nội thất cho đến một số bộ phim được giới phê bình đánh giá cao, trong đó có phim tiểu sử về nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat, ông không cần phải gây ấn tượng thêm nữa.

7. Henry Moore

Henry Moore, 1966. Ảnh: Ian Berry/Magnum Photos

Trong 40 năm đầu tiên của sự nghiệp, nhà điêu khắc người Anh, Henry Moore, đã sử dụng đá làm chất liệu ưa thích của mình. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng của ông gợi lên vẻ sang trọng vượt thời gian của các tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng, các hình dạng mà ông chạm khắc kết hợp sự độc đáo giữa phong cách trừu tượng và tượng hình. Là con trai của một kỹ sư khai thác mỏ, Moore trong mắt công chúng Anh, là biểu tượng của “người Anh bình dân” và “quý ông nghệ sĩ”. Là một người đàn ông rất ý thức về hình ảnh của chính mình, Moore thường đeo chiếc đồng hồ đeo tay siêu mỏng thanh lịch thời trang – một kiểu dáng phổ biến vào những năm 1950 và 1960 – ngay cả khi rất phi thực tế, chẳng hạn như khi tham quan một mỏ đá cẩm thạch.

8. Chris Ofili

Chris Ofili, 2023. Ảnh: David Levene/Guardian/eyevine

Một số người sẽ lập luận rằng “Đức Mẹ Maria” đã đưa Chris Ofili lên sân khấu thế giới. Nhưng việc sử dụng những cục phân voi để miêu tả Đức Mẹ là một bước đi quá xa đối với Rudy Giuliani, thị trưởng New York lúc bấy giờ. Vì vậy, chính trị gia khét tiếng đã cố gắng cấm bức tranh khỏi Sensation, một buổi triển lãm tiêu biểu năm 1999 của các Nghệ sĩ trẻ người Anh tại Bảo tàng Brooklyn. Đến năm 2018, bức tranh đầy tai tiếng của Ofili đã lọt vào bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Cùng năm đó, Ofili bước sang tuổi 50, cũng như chiếc Golden Ellipse của Patek Phillipe, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1968. Cho đến nay nó vẫn là món quà sinh nhật lần thứ 50 tuyệt vời cho bất cứ ai trong chúng ta.

Theo Mr Porter


 
Back to top