Nagoya Nhật Bản: Thiên đường “mới” của ngành đồng hồ xa xỉ
Những chiếc đồng hồ cao cấp bằng vàng và thậm chí là đính kim cương có giá vài triệu Yên đang ngày càng phổ biến ở Nagoya. Một cuộc chiến giành khách hàng đang diễn ra giữa các trung tâm thương mại. Tại sao người tiêu dùng ở Nagoya lại bị mê hoặc bởi những chiếc đồng hồ hàng hiệu?
Theo thông tin từ những người liên quan đến ngành phân phối hàng tiêu dùng, đồng hồ hàng hiệu sang trọng ngày càng bán chạy ở Nagoya. Các trung tâm thương mại ở thành phố này đang lần lượt nâng cao số lượng “quầy đồng hồ” của họ.
Mùa hè năm 2021, “JR Nagoya Takashimaya” đã chuyển địa điểm đến một tòa nhà gần ga Nagoya và mở khu bán đồng hồ. Trong bầu không khí sang trọng, các cửa hàng đồng hồ thương hiệu cao cấp nổi tiếng như Patek Philippe, Audemars Piguet và Omega xếp hàng dài như khu miễn thuế tại sân bay. Diện tích sàn bán hàng là 1.200m² – lớn nhất Nhật Bản. Trong số những chiếc đồng hồ được trưng bày, có vài mẫu có giá lên đến “vài triệu yên” (1 triệu yên tương đương khoảng 165 triệu VNĐ).
Nếu bạn phân vân không biết sản phẩm này có thực sự được đón nhận không, thì người phụ trách ở Takashimaya tiết lộ rằng doanh số bán hàng của họ đã tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mức giá mà mỗi khách hàng chi trả cũng tăng khoảng 150.000 Yên/ chiếc đồng hồ.
Lần đầu tiên sau 14 năm, trung tâm thương mại Matsuzakaya Nagoya đã cải tạo khu bán đồng hồ ở tầng 5. Vào tháng 7 năm nay khu này đã mở cửa trở lại và đang có kế hoạch mở rộng gấp đôi diện tích vào mùa thu. Tất nhiên, lý do mở rộng là vì tình hình kinh doanh khả quan. Theo trung tâm thương mại Matsuzakaya Nagoya, trong số 10 trung tâm thương mại của Tập đoàn Daimaru Matsuzakaya trên toàn quốc, Nagoya là nơi đứng đầu về doanh số bán đồng hồ trong 3 năm liên tiếp. Họ cũng đang hướng tới một lượng khách hàng mới, chẳng hạn như thế hệ trẻ – những người đã không ghé thăm khu vực bán hàng từ rất lâu với những dịch vụ như đeo thử trực tuyến, đặt lịch trực tuyến, mở tài khoản SNS…
Dịch vụ đeo thử trực tuyến cho phép bạn kiểm tra hình ảnh của khoảng 2.000 mẫu đồng hồ khi đeo trên tay bằng chức năng camera của điện thoại thông minh. Ngoài ra còn có dịch vụ cho phép khách hàng đặt trước lịch đến cửa hàng. Đồng thời còn mở tài khoản Instagram, cho nhân viên trẻ có kiến thức chuyên môn giới thiệu thông tin về sản phẩm tới giới trẻ. Bên cạnh đó họ còn bắt đầu dịch vụ thực hiện đại tu, bảo dưỡng trực tuyến – điều không thể thiếu đối với đồng hồ cơ sang trọng.
Khách hàng chỉ cần đặt đồng hồ vào bộ đóng gói đặc biệt và gửi đến sàn bán hàng, sau khi bảo dưỡng xong đồng hồ sẽ được gửi trả lại địa chỉ của khách hàng sau khoảng 6 đến 7 tuần. Việc thanh toán có thể thực hiện bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản ngân hàng mà không cần phải đến trực tiếp cửa hàng. Các chiến lược này dường như đã có hiệu quả ngay lập tức, hiện tại có khá nhiều khách hàng trẻ đến xem đồng hồ tại trung tâm thương mại.
Theo các chuyên gia, “tiền” vẫn đang tràn ngập thị trường do sự nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn. Người tiêu dùng hướng đến các mặt hàng xa xỉ một phần do tác động của đại dịch. Vốn dĩ tiền được sử dụng để đi du lịch, nghỉ ngơi, ăn uống… nhưng vì không có nơi nào để đi nên mọi người có xu hướng sử dụng tiền để mua sắm cho sở thích cá nhân như đồng hồ. Cũng giống như vàng, tiền đang chảy vào đồng hồ đeo tay hàng hiệu như một tài sản giá trị ổn định. Tuy nhiên, đây là xu hướng trên toàn quốc và có rất ít thuyết phục về việc tại sao những chiếc đồng hồ đặc biệt đắt tiền lại được bán chạy ở Nagoya.
Người phụ trách sàn bán hàng đồng hồ của Takashimaya – ông Akahori Ken giải thích dễ hiểu rằng, thứ nhất vì tỉnh Aichi có đặc điểm là nơi tập trung nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp ô tô – những người quen thuộc với máy móc. Thứ hai, khách hàng tại tỉnh Aichi tỏ ra rất quan tâm đến các sản phẩm có logo thương hiệu nổi bật. Xu hướng này có thể phát hiện qua trang phục, và hiện giờ cũng đúng với đồng hồ, nhiều khách hàng hướng đến ấn tượng mạnh mẽ về hàng hiệu. Thứ ba, đồng hồ đeo tay hàng hiệu phù hợp với tính cách của người dân Nagoya.
Quản lý cấp cao Mitsuhiro Hayashida của Mitsubishi UFJ Research & Consulting thì giải thích rằng Nagoya là nơi bắt nguồn văn hóa thủ công, vì vậy người dân có xu hướng đánh giá cao giá trị của những thứ đáng tin cậy. Bản chất của người dân Nagoya là mong muốn làm cho mọi người hạnh phúc bằng cách tặng những món quà giá trị. Ngoài ra do đồng hồ hàng hiệu không bị mất giá trong trường hợp khẩn cấp nên lại càng phù hợp với lí tưởng của người dân Nagoya.
Mặc dù Nagoya là 1 trong 3 khu vực đô thị lớn nhưng bản chất của địa phương vẫn là bảo vệ và lưu giữ ngôi nhà của tổ tiên qua nhiều thế hệ. Ý tưởng sống như một gia đình cũng đã ăn sâu vào nguồn gốc nên có thể dễ dàng dự đoán sự hình thành tài sản trong tương lai ở một mức độ nào đó. Việc thừa kế nhiều thứ khác nhau sẽ mang lại cho họ nhiều sự thoải mái hơn về tài chính, vì vậy họ sẽ nảy ra ý tưởng biến tài sản tài chính của họ thành thứ có giá trị trong thời điểm hiện tại.