Phong cách

NTK Đỗ Mạnh Cường: “Tôi nghĩ tôi không có đối thủ”

Jul 12, 2022 | By Ton Binh

Giữa năm 2020, giới thời trang ngỡ ngàng lẫn vui mừng chào đón khi biết được thông tin NTK Đỗ Mạnh Cường sẽ mở ra thương hiệu tầm trung SIXDO. Những tưởng đó là cú bắt tay với một tập đoàn bán lẻ lớn, hay một hình thức kinh doanh trực tuyến song song với thương hiệu cao cấp DO MANH CUONG (DMC), nhưng đến nay, SIXDO lại cho thấy thương hiệu đang có một sân chơi lớn hơn.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, NTK Đỗ Mạnh Cường đã chia sẻ nhiều điều về quyết định chuyển hướng từ thương hiệu thiết kế cao cấp DMC sang chuỗi cửa hàng bán lẻ SIXDO, cùng nhiều thông tin thú vị về show diễn sắp tới. 

Anh vừa tổ chức một show diễn được đầu tư lớn tại Amanoi Resort, Ninh Thuận. Có vẻ như đã khá lâu rồi, anh mới trở lại với sàn diễn nhỉ?

Sau khi SIXDO được ra mắt, tôi đã thực hiện show diễn đầu tiên vào năm 2020. Nhưng ngay sau đó, mọi thứ bị chững lại vì dịch. Sau khi dịch kết thúc, tôi thực hiện tiếp một show diễn nữa nhưng trên nền tảng trực tuyến. Và giờ đây, tôi mới chính thức trở lại với một show diễn lớn cho SIXDO. 

Từ đâu anh lại nhìn thấy tiềm năng từ thương hiệu SIXDO này, trong khi trước đó, anh đã rất thành công về mặt thương mại với DMC?

Nếu nói về mặt thương mại, có thể nói SIXDO có doanh thu gấp 10 lần so với DMC trước đây. Một ngày SIXDO bán có thể bằng một tháng DMC bán được. Vậy bên nào tiềm năng hơn? Tôi nghĩ rằng tất cả những ai trong lĩnh vực bán lẻ đều hiểu rằng thành công sẽ vượt trội hơn nhiều nếu bán được cho số đông. Không phải ngẫu nhiên mà Tadashi Yanai (nhà sáng lập Uniqlo) là một trong những người giàu nhất Nhật Bản, hay Zara được xem như “ông trùm” trong thế giới thời trang.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, gần như không có nhà thiết kế nào bước chân vào mảng bán lẻ dành cho số đông. Những thương hiệu đại chúng như Zara, H&M, Topshop đều gần như đi lên không phải từ danh tiếng của một nhà thiết kế. Do đó, có thể nói việc tôi bước chân vào lĩnh vực thời trang đại chúng là điều gần như nằm ngoài tưởng tượng của nhiều người.

SIXDO Fashion Show 2021

Vậy sự khác biệt của thương hiệu SIXDO so với DMC là gì?

Với SIXDO, tôi vẫn giữ phong cách của DMC trước đây, thậm chí còn làm được nhiều thứ mà DMC trước đây không thể. Lấy ví dụ điển hình là chất liệu, tôi nghĩ đây là vấn đề của hầu hết nhà thiết kế tại Việt Nam – khan hiếm nguồn chất liệu. Nhưng với SIXDO, tôi có thể đặt vải riêng với số lượng lớn. Bên cạnh đó, những kỹ thuật thủ công, đính kết cầu kỳ của DMC cũng được giữ lại trong sản xuất công nghiệp theo dây chuyền. Có thể nói, khách hàng hiện tại của SIXDO đang được hưởng những thứ rất tốt từ chất liệu, kiểu dáng cho đến giá cả.

Điều đặc biệt của DMC là có những khách hàng mua chỉ một mẫu nhưng với rất nhiều màu sắc khác nhau, có khi lên tới cả trăm màu. Nhưng với SIXDO, khách hàng lại thích mua nhiều kiểu dáng, đa dạng hơn. Do đó, với DMC ngày xưa, mỗi năm tôi chỉ cần ra mắt một bộ sưu tập. Nhưng với SIXDO, tôi phải ra mắt tầm 2 bộ sưu tập mới mỗi tháng, dù nhỏ thôi nhưng vẫn phải đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng.

So với DMC, tiềm năng ở SIXDO quá lớn. Những khách hàng của DMC sẽ chỉ gói gọn trong từng ấy người, rất khó để mở rộng. Mặc dù mức giá tôi bán ở DMC là khá cao, và lượng khách hàng khi ấy cũng rất lớn, nhưng nếu so với SIXDO vẫn không là gì cả. Nếu nhìn vào doanh thu của SIXDO trong thời điểm dịch, mọi người sẽ hiểu. Trong khi tất cả thương hiệu khác đều đóng băng, SIXDO đã phát triển với hơn 60 showroom trên khắp cả nước. Tôi nghĩ tôi không có đối thủ trong dòng hàng này.

Anh có đánh mất nhiều khách hàng của DMC sau khi thành lập SIXDO không, vì nếu so với các thị trường châu Âu hay Mỹ, khách hàng châu Á vẫn có tâm lý chuộng đồ hiệu và đắt tiền hơn. Tâm lý “đắt tiền đồng nghĩa với chất lượng” là điều đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người, và rất khó để thay đổi điều đó.

Đương nhiên là có ảnh hưởng. Nhiều khách hàng của DMC nhất quyết không mua đồ của SIXDO, nhưng vì đó là đồ có giá thấp hơn và được nhiều người mặc, chứ không phải vì nó có chất lượng thấp. Với những khách hàng cao cấp, điều họ ngại nhất chính là sự “đụng hàng”. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều khách hàng lựa chọn tiếp tục gắn bó cùng SIXDO, vì họ nhận thấy những gì tôi làm vẫn phù hợp với họ.

Những thay đổi này là điều tôi phải chấp nhận, mình không thể luôn luôn có hết điều mình mong muốn được. Ngày xưa, để chinh phục tệp khách hàng cao cấp rất khó. Với SIXDO, để chinh phục 1 triệu, 2 triệu, vài triệu người còn khó hơn nữa, nhưng nó đang là mục tiêu của tôi. Tôi nghĩ tôi phải có mơ ước lớn hơn, và để đạt được ước mơ đó, phải hy sinh cái khác. Nếu như sau này có thời gian, tôi vẫn sẽ trở về với DMC, nhưng là với một tâm thế khác, không quan tâm đến lợi nhuận hay doanh thu nữa, mà chỉ để “chơi” thôi. 

Tôi cũng là một người dùng khá nhiều đồ hiệu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi bác bỏ những sản phẩm bình dân. Trong tủ đồ của tôi, có những thứ hàng hiệu, giá rất cao, nhưng cũng có những thứ có giá hoàn toàn hợp lý. Hoạt động trong lĩnh vực thời trang cao cấp, chúng ta đều đồng ý là đồ hiệu giá cao sẽ không thể bán được nhiều.

Đôi khi tôi bước tới một cửa hàng, trong đó chỉ có một vài mẫu, mỗi mẫu chỉ có mỗi một size hoặc một màu. Nếu muốn mua mẫu đó nhưng size khác, nhân viên cửa hàng bắt buộc phải chuyển đồ từ cửa hàng khác sang. Với SIXDO, chúng tôi có sẵn rất nhiều mẫu với đủ màu và kích cỡ trong mỗi cửa hàng, trừ một vài thiết kế đặc biệt chỉ có trong vài cửa hàng nhất định. Điều này sẽ đáp ứng được tâm lý muốn thử, mua và sở hữu ngay của khách hàng.

Vậy áp lực của anh tăng hay giảm khi từ DMC đến với SIXDO?

Một cửa hàng của SIXDO

Khi làm DMC, đôi khi tôi nhận may theo số đo riêng của từng khách hàng. Mỗi lần như thế, tôi đều cần tính toán lại, đốc thúc đội ngũ thực hiện xong hết sản phẩm cho người này rồi mới đến người khác, đảm bảo theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Còn với SIXDO, tôi khá “khỏe” vì chỉ cần sản xuất hàng loạt, nhưng lại có một áp lực khác là đảm bảo sản xuất đủ để cung cấp cho 60, và sắp tới là 100 cửa hàng. Xưởng may lớn với hàng ngàn nhân viên, SIXDO giờ đây có quy mô mà trước đây tôi chưa từng hình dung.

Mạc Đĩnh Chi khi đối đáp với vua Nguyên từng nói rằng trên đời có hai người, một người sống vì danh và một người sống vì lợi. Vậy tôi có thể xem như anh là người thứ hai không?

Tôi nghĩ tôi là cả hai loại người trên chứ. Tôi có được cả hai, cả danh và cả lợi. Khi làm thương hiệu DMC, tôi gần như đã đứng trên đỉnh cao của một nhà thiết kế, với đầy đủ sức ảnh hưởng đến thị trường thời trang Việt Nam. Tôi làm ra những show diễn lớn, thu hút lượng khách hàng đông đảo, thành công cả về mặt thương mại lẫn danh tiếng. Với SIXDO, tôi đưa sức ảnh hưởng của mình lên một vị thế khác – ảnh hưởng đến số đông. Nếu đã từng mặc đồ DMC trước đó, bất cứ ai mặc SIXDO cũng đều nhận ra những dấu ấn của tôi. Chúng tôi tạo nên những xu hướng lớn để người tiêu dùng đi theo và những nhà thiết kế khác học hỏi. Với tôi, danh tiếng như vậy là đã đủ.

Tôi có được cả hai, cả danh và cả lợi.

Tôi nhớ, cách đây đúng 5 năm, tôi từng phỏng vấn anh trước thềm show diễn kỷ niệm 10 năm làm nghề. Trong đó, tôi từng hỏi anh về ý định tạo nên một dòng sản phẩm thời trang có giá phải chăng hơn để dành cho đại chúng, và anh trả lời rằng đó cũng chính là khao khát của anh từ rất lâu. Phải chăng SIXDO đã được ấp ủ từ trước thời điểm đó?

Lúc đó, nói thật là tôi chưa có ý định tạo nên SIXDO, mà việc mở một dòng thời trang đại chúng mới chỉ là mong muốn thôi. Mãi cho đến thời điểm dịch năm 2020, có một khoảng thời gian tôi muốn đẩy doanh số nên thử ra mắt một mẫu đầm chỉ có giá 4,5 triệu. Sau một đêm, tôi bán được số lượng vô cùng lớn, ngoài sức tưởng tượng. Từ đó, tôi nhận ra tiềm năng quá lớn từ một phân khúc mình đã bỏ lỡ từ lâu, bên cạnh việc kinh doanh online. Ngày trước, tôi không thích kinh doanh online, vì nghĩ rằng tệp khách hàng cao cấp sẽ không quan tâm đến hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, chiếc đầm đó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Thế là tôi quyết tâm làm SIXDO.

Cái tên SIXDO tôi cũng nghĩ ra trong tích tắc. Tôi nghĩ đó là một cái duyên, vì SIXDO là một cái tên quá hay cho thương hiệu của tôi. Lúc đó, tôi chỉ có 6 bé và nghĩ rằng mình cũng chỉ dừng lại ở đó, nhưng cơ duyên đến và hiện tôi có đến 9 bé. Nếu con số lúc ấy không phải là 6, tôi nghĩ tôi đã không có được một cái tên dễ đọc, dễ hiểu và mang tính quốc tế như vậy.

Tôi chưa từng hình dung rằng mình có thể làm SIXDO, nhưng giờ đây, tôi thấy việc tạo nên SIXDO là một điều may mắn. SIXDO là một thương hiệu của gia đình, để sau này, dẫu tôi có không còn, các con tôi vẫn có thể phát triển được thương hiệu. Còn với DMC, nếu không còn tôi nữa, chắc chắn thương hiệu cũng không thể tiếp tục. Thế nên, với tôi, SIXDO chính là một cái duyên, và cái duyên đó đến rất nhanh. Nếu nói chính xác, tôi chuẩn bị 60 showroom đầu tiên cho SIXDO chỉ trong vòng 4 tháng, từ khi lên ý tưởng vào tháng 2 cho đến khi khai trương cửa hàng vào tháng 6.  

Những thương hiệu lớn thường tự định vị mình với những DNA rõ ràng. Qua thời gian, những DNA đó nếu vẫn giữ vững giá trị và được nhiều người khác tiếp nối sẽ trở thành di sản. Với SIXDO, anh có muốn để lại di sản nào không, vì như tôi thấy, dường như anh đã manh nha ý định đó khi muốn biến nó thành thương hiệu gia đình và được các con tiếp nối.

Điều tôi mong muốn để lại nhất vẫn là việc các con tôi có thể giúp được nhiều người hơn nữa, vì tôi chỉ làm thương hiệu này vì các con. Còn về thời trang, tôi không nghĩ đến một di sản lớn lao như bạn nói, nhất là với dòng thời trang ứng dụng dành cho số đông. Đối với tôi, những nhà thiết kế lớn đã để lại quá nhiều di sản, họ thực sự đã phát minh ra những giá trị bất hủ trong thời trang, khiến tất cả những nhà thiết kế khác học hỏi, và tôi cũng nằm trong số đó.  

Bản thân là một nhà thiết kế nhưng đang phải vận hành một hệ thống quá lớn các cửa hàng trên khắp cả nước, hẳn anh có sự đồng hành và giúp sức của rất nhiều người, đặc biệt là anh Huy Cận, người đã gắn bó với anh từ thương hiệu DMC, có đúng thế không?

Nhìn chung, để có được SIXDO ngày hôm nay không chỉ là câu chuyện của riêng tôi và anh Huy Cận. Trước đây, với DMC, tôi và anh Huy có thể làm rất nhiều thứ. Nhưng với SIXDO, tôi có nhiều team về gia công, nhân viên cửa hàng, nhân viên kinh doanh, marketing, ê kíp thực hiện các bộ ảnh… lên đến cả ngàn người. Chúng tôi không thể theo sát hết, mà đóng vai trò là những người điều hành. Anh Huy luôn là người có cái nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết, thế nên từ xưa đến nay, anh Huy kiêm nhiệm mảng ngoại giao, với những mối quan hệ đủ lớn để giúp SIXDO ngày càng lớn mạnh.   

Khi nói ra ý tưởng về SIXDO, anh Huy đồng ý với tôi ngay. SIXDO chỉ cần được thống nhất qua một cuộc họp trước khi bắt tay vào thực hiện. Chúng tôi làm việc với tinh thần tin tưởng lẫn nhau, không bàn bạc hay họp hành gì nhiều. Nói chung, đó là cách làm việc của tôi từ trước đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì là người cầu toàn nên ngoài việc sáng tạo, tôi còn kiêm nhiệm thêm rất nhiều công đoạn khác. Với show diễn sắp tới, tôi cũng làm tất cả những việc đằng sau mà không ai thấy được, từ chọn nhạc, sắp xếp phòng, sắp xếp chỗ ngồi, cho đến chọn đồ cho người mẫu và phân bổ người mẫu trên sàn catwalk…

Cũng nhân việc anh vừa đề cập đến show diễn, tôi muốn biết kỳ vọng của anh đối với sự kiện lần này là gì?

Nói thật là bây giờ khi làm show, tôi thoải mái lắm vì biết rằng mình làm show nào cũng thành công. Chẳng qua, tôi làm show để thỏa mãn tính nghệ sĩ bên trong mình. Tôi nghĩ, nhà thiết kế nào cũng thích như vậy cả.

Được biết, với show diễn lần này, anh chi trả toàn bộ chi phí từ vé máy bay đến ăn ở tại resort trong 3 ngày 2 đêm cho toàn bộ khách mời. Anh chi nhiều tiền đến thế chỉ để thỏa mãn cái tôi thôi sao?

Tôi là người luôn biết mình làm gì. Làm show ở Amanoi sẽ đưa SIXDO lên một vị trí khác với những thương hiệu khác, vì đây không phải một nơi ai cũng có thể đến. Amanoi là nơi không cần PR mà vẫn có thể thu hút được rất nhiều tỷ phú và ngôi sao lớn trên thế giới. Tôi cũng không nghĩ là bên ấy chấp nhận để SIXDO làm show, nhưng hóa ra mọi chuyện rất suôn sẻ.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất tôi muốn làm ở show diễn này chính là để khách hàng cảm thấy tự hào mỗi khi khoác lên người mỗi bộ trang phục của SIXDO. Từ trước đến nay, chỉ có những thương hiệu lớn như CHANEL, Dior mới làm những show diễn lớn ở resort cho khách hàng, thì SIXDO cũng làm được điều đó. Đỗ Mạnh Cường vẫn luôn là người dám làm những điều mà người khác không dám nghĩ đến!

Với quy mô show diễn của lần này, tôi rất tò mò về show diễn tiếp theo của SIXDO, nhưng thôi, tôi sẽ dành câu chuyện đó cho lần phỏng vấn tiếp theo vậy.

Tôi có thể tiết lộ trước luôn là sau show diễn này, SIXDO sẽ có một show diễn ở Mỹ. Đó là kế hoạch của tôi để đưa SIXDO ra thị trường nước ngoài.

Nếu vậy thì tôi sẽ rất trông chờ một hình ảnh mới của SIXDO tại nước Mỹ. Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này và chúc show diễn sắp tới của anh thành công rực rỡ!


 
Back to top