Phong cách

Piktina và giấc mơ về một sân chơi thời trang bền vững

Mar 08, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Ở thời điểm thời trang bền vững đang dần gây được sự chú ý của nhiều người trong ngành và cả những người trẻ yêu mến thời trang, thực tế vẫn có rất nhiều việc phải làm để giúp “bền vững” trở thành một phong cách và lối sống phổ biến tại Việt Nam. Piktina, một nền tảng resale online vừa ra mắt vào đầu tháng 10 năm nay, đã chọn chủ động mang đến giải pháp để giúp thời trang bền vững đến gần với nhiều người hơn.

Chị Phương Nguyễn – CEO của nền tảng resale online, Piktina

CEO Piktina, chị Phương Nguyễn, chia sẻ về tầm nhìn của thương hiệu: “Giấc mơ của tất cả những người làm bền vững trên thế giới là một ngày thức dậy và nhìn thấy mọi thứ trong căn phòng của mình đều được làm từ những nguyên liệu tái tạo. Giấc mơ của riêng tôi cho Piktina là mọi người có thể dùng thời trang để thể hiện con người thật của mình một cách tự tin và dễ dàng”.

Cảm hứng để bắt đầu

Là người học và làm về thời trang trong nhiều năm, chị Phương Nguyễn không tránh khỏi lăn tăn khi nhìn thấy mặt trái của ngành – những con số mà rất nhiều người không biết về thời trang. Chị yêu cỏ cây và thiên nhiên đến mức có tiền là sẽ để dành đi du lịch hoặc mua cây về nhà chăm sóc. Chị chia sẻ: “Tôi rất thích quan sát cách tự nhiên vận hành, cách một cái cây lớn lên, rụng lá, ra quả,… Tôi nghiệm ra: không gì tự nhiên sinh ra hay mất đi. Tất cả đều là một phần của chuỗi tuần hoàn”.

Nhưng không có vế tương tự cho thời trang. “Chúng ta chỉ khai thác để sản xuất rồi bỏ! Câu hỏi là đến khi nào thì ta không thể làm điều đó được nữa? Ý nghĩ về một ngày nào đó thiên nhiên sẽ không còn gì cho ta lấy đi khiến tôi phát hoảng”. Đó là nỗi sợ vừa cá nhân vừa mang tính xã hội. Chị sợ cho một tương lai con người sẽ trở nên thiếu thốn. Nhưng chị cũng sợ viễn cảnh ngày mai, con chị sẽ lớn lên mà không biết rừng hay cây xanh là gì…

Đó là động lực chính để chị Phương đi tìm câu trả lời. Giữa muôn trùng những vấn về và thách thức đang đặt ra cho thời trang nói riêng và cuộc sống con người nói chung, thay vì chọn ngồi yên và chờ đợi sự thay đổi, chị chọn trở thành một phần của giải pháp. “Rất dễ để nói việc này là trách nhiệm của chính phủ và xã hội. Nhưng để nói mình muốn trở thành một phần của giải pháp nghĩa là nói: tôi muốn thay đổi và tin vào một tương lai tốt đẹp hơn”.

“Loài người đủ thông minh để có thể tạo ra thay đổi. Chúng ta có nền kinh tế và công nghệ hiện đại, chỉ cần ta muốn mà thôi” – Phương Nguyễn, CEO Piktina

Piktina và ước mơ Saigon Fashion Week

Cuộc nói chuyện dẫn chúng tôi đi sâu hơn để tìm hiểu về mô hình của Piktina và những cách mà nền tảng này đang cố gắng đóng góp cho nền thời trang bền vững ở Việt Nam.

Piktina làm thế nào để phù hợp với thị trường Việt Nam?

Tôi quan tâm đến 3 điều: thứ nhất là phân khúc, thứ hai là cách truyền thông và thứ ba là cách phát triển cộng đồng.

Nói về phân khúc. Ở các thị trường khác, resale xa xỉ có thể rất thịnh nhưng ở Việt Nam, mặc dù giá trị của ngành thời trang đã đạt 5 tỉ đô, nhưng chỉ 3% đến từ hàng xa xỉ. Cho nên, chúng tôi xác định không chỉ tập trung vào đó mà sẽ là nhiều món hàng, thậm chí vài trăm ngàn cũng có, để khách hàng luôn tìm được sản phẩm họ cần, từ cao cấp, đến tầm trung và bình dân.

Thứ hai, khác với các thị trường châu Âu và châu Mỹ, nơi thời trang nhanh đã bão hòa từ cách đây 10 năm và khách hàng rất đề cao tính bảo vệ môi trường, lượng khách hàng trẻ của Việt Nam chưa thể tiếp cận với vấn đề theo cách như vậy. Cho nên, chúng tôi phải tìm ra những giá trị khác để thu hút họ tham gia resale.

Cuối cùng, điều tôi học hỏi được ở những nền tảng resale phát triển cực mạnh ở các thị trường châu Á là cách họ phát triển cộng đồng và tạo uy tín cho thời trang nước họ. Chẳng hạn, cách đây 10 năm, không ai biết Hàn Quốc là xứ sở của thời trang và mỹ phẩm. Nhưng nhờ các chính sách thống nhất trong nước về việc phát triển điện ảnh, làm đẹp và thời trang mà bây giờ, cả thế giới đều phải công nhận những fashionista lớn đến từ Hàn Quốc, cũng như ngành thời trang và làm đẹp nước này đang mang lại nguồn doanh thu rất khủng. Street style của những người tham dự Tuần lễ thời trang Seoul thậm chí còn sáng tạo và “dữ dội” hơn cả Tuần lễ Milan, New York hay Paris,… Tôi cũng muốn đem điều này về Việt Nam bằng cách tạo nên các trào lưu mà người trẻ muốn được là một phần của nó.

“Đó là lý do giới trẻ rất thích tìm mua đồ si vì họ có thể tìm được những món đồ rất độc, lạ và có thể bắt chước thần tượng với mức chi phí phải chăng” – CEO Phương Nguyễn

Làm thời trang là đi bán giấc mơ, cũng giống như các trang tạp chí vẫn luôn là giấc mơ hào nhoáng của các tín đồ yêu thời trang. Nhưng khi làm thời trang resale, giấc mơ của chị là gì?

Tôi mong muốn mọi người có thể thông qua thời trang để hiểu được họ là ai và tự tin thể hiện con người thật của mình. Có những insights rất thú vị khi chúng tôi nghiên cứu thị trường cho Piktina. Thứ nhất, khi tiếp xúc với người trẻ, tôi thấy họ thường mắc phải sự tự ti rất lớn. Từ góc độ cá nhân, tôi muốn mình có thể dùng ngôn ngữ của thời trang để giúp các bạn hiểu rằng họ hoàn toàn có thể trở nên tự tin nếu biết cách làm đẹp riêng.

Thứ hai, những người thuộc thế hệ Millennial thường khá tự ti về tủ đồ của họ. “Tôi không biết đồ của tôi có đủ đẹp? Tôi bán quần áo thì mọi người có cười không?…” Piktina đang cố gắng xóa bỏ định kiến đó và muốn càng nhiều người có thể tham gia cộng đồng càng tốt. Vì sứ mệnh của chúng tôi không phải là bán những món đồ xinh đẹp, mà là kéo dài vòng đời của những sản phẩm đã tồn tại. Không có món đồ nào xấu, chỉ là bạn có biết cách phối hay không.

Nói ngắn gọn, Piktina muốn tạo ra sân chơi cho người trẻ, các nhà thiết kế và người bán có thể lan tỏa thời trang của họ ra thế giới. Bao lâu nay người ta chỉ biết đến Việt Nam như một nơi tiêu dùng chứ chưa phải là nơi tạo ra thời trang. Tại sao không nghĩ đến một ngày nào đó, chúng ta cũng có thể tổ chức một Saigon Fashion Week và được thế giới đổ xô đến tham dự?

Khi đặt sản phẩm high-end cạnh những món đồ khác, liệu khách hàng của Piktina có cảm thấy không được đối xử đúng với mức giá họ bỏ ra?

Nếu như vậy thì đó không phải là đối tượng khách hàng mà chúng tôi muốn hướng đến, bởi vì họ đang tự đưa mình vào những cái hộp và dán nhãn mình bằng mức giá.

Chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng tiêu dùng thời trang bền vững. Dù đó là những sản phẩm từng có giá trị rất cao hay thấp hơn, thì quan trọng vẫn là người tiêu dùng chọn được món hàng phù hợp cho mình. Giá trị của thời trang là khi một người chọn được món đồ khiến họ tự tin. Tôi cũng không nghĩ giá tiền quyết định cách một người tiêu dùng được đối xử thế nào. Đến cuối cùng thì mục đích của thời trang nên là cây cầu gắn kết con người với nhau, chứ không nên là những cái nhãn dán đưa họ vào những chiếc hộp khác nhau.

Piktina hiện đang liên kết với người bán như thế nào? Tôi thấy có khá nhiều gian hàng của một vài fashion influencer và những gian hàng theo chủ đề…

Có ba đối tượng chủ shop: những người bán lẻ thông thường, những chủ shop đồ si và các bạn micro/nano influencer.

Việt Nam hiện đang có rất nhiều người trẻ bán đồ si vì đam mê nhưng chưa tìm được nguồn khách lớn. Việc liên kết với Piktina giúp họ mở rộng đối tượng mua hàng, đặc biệt là những khách hàng ở xa. Khoảng 70% giao dịch mà các cửa hàng đồ si thực hiện thông qua Piktina đến từ các đơn hàng liên tỉnh. Tôi tin ứng dụng công nghệ đang giúp mọi người xóa dần ranh giới kinh doanh resale.

Còn các bạn micro và nano influencer thì vì tính chất công việc nên sẽ có rất nhiều quần áo, nhưng không phải lúc nào cũng có thời gian hoặc biết cách bán chúng đi. Khi tham gia vào Piktina, chúng tôi sẽ giúp họ bán đồ, đồng thời tăng tương tác với fan và follower. Tôi rất vui khi thấy một món đồ si tưởng bình thường lại có thể trở thành sợi dây gắn kết giữa KOL và người mua của họ.

Thị trường đồ si ở Việt Nam vẫn còn rất sơ khai nên nếu chúng ta muốn tạo và giữ được trào lưu này, thì phải giúp sự tiếp cận của người mua đến các mặt hàng đồ si dễ dàng hơn và các mô hình resale phải được nhân rộng lên rất nhiều lần nữa.

“Giá trị của thời trang là khi một người chọn được món đồ khiến họ tự tin”

Piktina trong tương lai

Năm đầu tiên ra mắt, Piktina muốn giới thiệu cho khách hàng một giải pháp: một kênh mua đi bán lại để mọi người làm mới tủ đồ và phong cách, thông qua nền tảng online tiện lợi, các liên kết với người bán đa dạng, các workshop thời trang và những chương trình trao đổi đồ vật được thường xuyên tổ chức tại các trường học hoặc văn phòng công ty. Mục đích là giúp mọi người cảm thấy vui vẻ và dễ dàng với thói quen kéo dài vòng đời sản phẩm thay vì vứt chúng đi khi không dùng nữa.

Chị Phương chia sẻ: “Với tôi, việc thay đổi nhận thức của mọi người thậm chí còn quan trọng hơn việc kêu gọi họ phải tải app của chúng tôi”.

Bên cạnh đó, thông qua nhiều công nghệ mới trong tương lai gần, Piktina muốn giúp người trẻ hiểu và thực hành thời trang bền vững một cách thiết thực hơn. “Tôi rất hy vọng mọi thứ không chỉ dừng lại ở thời trang. Giấc mơ của tất cả những người làm bền vững trên thế giới là một ngày thức dậy được nhìn thấy mọi thứ trong căn phòng của mình đều được làm từ những nguyên liệu tái tạo. Lần đầu ra mắt, Piktina không tránh khỏi thiếu sót, nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức”, chị Phương chia sẻ.

Ảnh: RabHuu Studio
Location: Piktina Studio
Theo: L’OFFICIEL


 
Back to top