STYLE

Sự ám ảnh về vẻ đẹp hoàn hảo đã thay đổi khái niệm nam tính ở Châu Á như thế nào?

Jun 07, 2020 | By Hai Yen

Dù qua bao thời đại, bao thế hệ, bao tư tưởng đổi thay, con người vẫn ngưỡng vọng vẻ đẹp hoàn hảo bằng tất cả sự chấp nhất hằn sâu trong tiềm thức, mà dù có cố gắng phủ nhận, nó vẫn trỗi dậy mạnh mẽ như một bản năng.

Mặc kệ trong lòng vẫn mang ý kiến trái chiều (mà đôi lúc còn có phần cực đoan) của một bộ phận phản đối việc trang điểm ở đàn ông tại các quốc gia Châu Á, ngay cả bản thân họ cũng không thể cưỡng lại việc liếc nhìn “thêm một chút nữa” hình ảnh của các nam thần với vẻ đẹp hoàn hảo gần như siêu thực sau khi được điểm trang kỹ càng. Thế mới thấy, “bản năng hướng mỹ” của con người vẫn luôn không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực tồn tại nào, và đây cũng là nền tảng tôi lựa chọn làm cơ sở cho những lý giải của mình về một trong những hiện tượng đáng quan tâm nhất của ngành công nghiệp làm đẹp nửa đầu thế kỷ 21: “Khái niệm nam tính tại các quốc gia Châu Á được định nghĩa lại bởi chính cánh mày râu”, và những biến biến xung quanh nó.

Từ khi nào “nam tính” không còn là thước đo chuẩn mực về vẻ đẹp của đấng trượng phu? 

Trước khi bắt đầu, tôi muốn khoanh vùng quan điểm của mình trong khu vực địa lý đặc thù của các nước Đồng Văn là Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản vì đây là các quốc gia mà dấu ấn của tư tưởng Khổng – Nho ăn sâu bám rễ đến từng nếp nhà trong xã hội, và cũng chính bởi thế mà hiện tượng “Nam giới điểm trang” này mới càng đáng nói, đáng bàn. Sở dĩ tôi nói là “đáng bàn” vì những gì mà chúng ta đang chứng kiến đã tạo ra một sự xung đột trực tiếp đến phân tầng “Nam cường nữ nhược” tồn tại rất lâu trong lịch sử, nhưng bất ngờ thay chúng lại được xã hội hiện đại tạo cho một không gian phát triển đáng kinh ngạc. Nếu đổi thành một triều đại cổ xưa nào đó thì chắc chắn tư tưởng này đã bị dập tắt từ trong trứng nước, chứ đừng mong có thể bùng nổ thành cao trào.

Câu chuyện bắt đầu từ thập niên 80s, khi đời sống tại các quốc gia ở khu vực Đông Á, nhất là Trung Quốc trở nên cởi mở hơn sau những biến động và hỗn loạn chính trị của thập kỷ trước để dễ dàng đón nhận những làn gió mới của văn hóa pop từ các quốc gia Phương Tây. Những bộ phim Hollywood, MV ca nhạc, tư tưởng tự do đã âm thầm gieo vào lòng những người con Châu Á niềm háo hức trong việc thử thách bản thân ở những giá trị thẩm mỹ mới phần nào được định hình và bị chi phối bởi nền công nghiệp giải trí đang lên.

Kim Jaejoong (cựu thành viên nhóm nhạc DBSK) – Nam thần đại diện cho trường phái  “vẻ đẹp phi giới tính” của Kpop đời đầu và cũng là tượng đài khó có thể lật đổ trong lòng người hâm mộ nhiều thế hệ

T.O.P và G-Dragon của BigBang – 2 “tắc kè hoa” nổi tiếng của làng giải trí Hàn và cũng là người có tầm ảnh hưởng mạnh trong việc định hình phong cách của nam giới nước này vượt ra khỏi mô phạm thông thường

Lịch sử Kpop ghi nhận hình ảnh của các nhóm nhạc idol nam trong khoảng thập niên 90s đã bắt đầu làm quen với việc trang điểm trước giờ biểu diễn. Và đến khi làn sóng Hallyu thực sự bùng nổ trong giai đoạn 2008, hình ảnh các thành viên của DBSK, Super Junior hay Bigbang ma mị trong lớp trang điểm đậm, thực hiện các concept lạ lẫm, gây ấn tượng với các kiểu đầu cầu kỳ đã trở thành biểu tượng mới về cái đẹp được đón nhận nồng nhiệt tại những nơi mà làn sóng văn hóa này đi qua.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự chuyển biến rõ ràng nhất trong thái độ của nam giới nước này về chuẩn mực vẻ đẹp của phái mạnh bị lung lay bởi sự xuất hiện của danh xưng mới “tiểu thịt tươi” – cụm từ để chỉ các chàng trai trẻ trung, ngoại hình thanh tú, làn da không tì vết, ăn nói nhỏ nhẹ và tỏ ra vô hại. Những “tiểu thịt tươi” sở hữu con số người hâm mộ đông đảo lên đến hàng vạn, thậm chí hàng triệu như trường hợp của Lộc Hàm (cựu thành viên nhóm nhạc EXO) hay TFBoys đã dần tạo ra sức nặng mới, giúp hiện tượng “Nam giới điểm trang” có thêm phân lượng đáng kể trên bàn cân chuẩn mực tại các nước Châu Á.

Dịch Dương Thiên Tỉ – TFBoys

Điều đáng nói là trong số những người ủng hộ vẻ đẹp mới này còn có cả đàn ông – những người đến với việc trang điểm nói riêng và làm đẹp nói chung với mục đích tìm kiếm một giải pháp để cải thiện ngoại hình một cách chân thành nhất. Thậm chí, sự phát triển này còn mạnh mẽ đến mức tạo ra một “nghịch lý” thú vị tại Trung Quốc, khi có rất nhiều beauty blogger nổi tiếng tại quốc gia này thuộc phái nam, còn các cô gái lắm lúc phải nghiêng mình ngả mũ trước sự thông thạo của bạn trai mình về trang điểm lẫn làm đẹp. Với một quốc gia vẫn luôn khắt khe với quan niệm nam tính đến độ chỉ cần vẻ bề ngoài có chút thanh tú thôi đã bị trêu là “ẻo lả” như Trung Quốc, chuyển biến này diễn ra mới diệu kỳ làm sao! Nó thôi thúc người ta đi tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao?” cứ khơi gợi sự tò mò trong tâm trí.

Động lực thúc đẩy sự thay đổi và các con số không thể phủ nhận

Trong giai đoạn hiện tại, việc đưa lời giải chi tiết về những nguyên nhân của chuyển biến tâm lý mới này thì dường như không mấy thỏa đáng khi chúng ta vẫn chưa chạm tới được đỉnh cao của xu hướng này để có đủ tầm nhìn cần thiết. Vì thế, tôi sẽ chỉ nêu ra 2 động lực chính giúp bài viết này có thể phần nào cơ bản bao quát những bàn tay vô hình đang điều khiển tâm trí phái mạnh Châu Á.

Đầu tiên phải kể đến áp lực to lớn từ sự cạnh tranh trong xã hội mới. Nền kinh tế thị trường đã đẩy sự cạnh tranh giữa các cá nhân trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Và khi các ứng cử viên nhận ra vẻ bề ngoài cũng có thể trở thành ưu điểm quan trọng hay nhược điểm chí mạng trên con đường chạm đến thành công, thì cái đẹp đã nghiễm nhiên trở thành một nỗi ám ảnh của con người trong thời đại mới. Xã hội Hàn Quốc chính là ví dụ tốt nhất trong trường hợp này khi người người nhà nhà theo đuổi cái đẹp, bình thường hóa việc làm đẹp ở mọi giới, mọi lứa tuổi đến nỗi biến đó trở thành động lực để phát triển một ngành công nghiệp thẩm mỹ vượt ra ngoài mong đợi.

Sẽ rất thường tình nếu bạn nghe được câu chuyện rằng quà tặng tốt nghiệp trung học phổ thông từ các bậc phụ huynh Hàn Quốc dành cho con cái của họ chính là phẫu thuật mắt hai mí hay nâng mũi. Vì họ biết rằng có rất nhiều công ty ở Hàn Quốc thường xuyên yêu cầu các thí sinh tiềm năng gửi ảnh chân dung kèm theo hồ sơ phỏng vấn, và nếu sở hữu ngoại hình đẹp, tỉ lệ được tuyển chọn của bản thân sẽ cao hơn. Chính vì vậy mà ở Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ là nhu cầu chung, không phân biệt nam nữ và không phải chịu bất kỳ một sự kì thị nào về mặt giới tính.

Hình ảnh các nam idol trong lớp trang điểm đậm không những không trở nên kệch cỡm trong mắt người hâm mộ mà ngược lại còn mở ra một khái niệm “Những chàng trai đẹp hơn hoa” mới cho làng giải trí Châu Á những năm sau 2010

Nếu tình hình xã hội tạo ra nhu cầu thì chính sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí mà đứng đầu là Kbiz, Cbiz và một chút ít từ Jbiz lại tạo ra lý do để nam giới Châu Á quan tâm hơn đến chuyện làm đẹp. Vì một lẽ đơn giản thế thời đã khác. Điều định nghĩa cho vẻ đẹp của cả hai giới không còn là các tư tưởng Khổng – Nho mà chính là thị hiếu thẩm mỹ của con người sống trong thời điểm đó. Bên cạnh việc ngưỡng mộ hình ảnh mạnh mẽ “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” của đấng mày râu truyền thống, các cô gái còn yêu thích loại hình mềm mại, thanh nhã dễ tạo thiện cảm hơn. Và thế là cả ngành giải trí lập tức nắm bắt được xu hướng ấy để có thể chinh phục trái tim của các fan hâm mộ.

Ngành giải trí bao giờ cũng giống như là miếng bánh nhỏ mà người ăn lại đông. Nếu áp lực từ sự cạnh tranh ngoài đời thực là một, thì trong ngành giải trí lại càng gia tăng gấp nhiều lần dẫn đến việc các diễn viên, ca sĩ và công ty chủ quản điên cuồng cải tạo bản thân đến phiên bản hoàn mỹ nhất. Ban đầu, việc trang điểm được sử dụng với mục đích giúp các nam minh tinh có thể “sống sót” trong mọi khung hình, nhưng dần dà nó lại chính là món vũ khí giúp họ đạt được địa vị và danh vọng mà bất kỳ ai cũng phải khao khát. Điều đó như là một tiếng chuông lạ thức tỉnh tâm trí của phái mạnh ở Châu Á, khi họ nhận thấy được lợi ích to lớn của lớp trang điểm trong việc giúp bản thân trở nên tự tin hơn và dễ dàng đạt được thành công hơn trong thời cuộc mà “xinh đẹp cũng là một dạng tài năng” này.

Khi xã hội đã cho động lực, ngành giải trí đã cho hình mẫu thì chuyện nam giới trang điểm nghiễm nhiên “thuận lý thành chương”. Giờ đây, nam giới không còn cảm thấy việc trang điểm là mối nguy hại đến sự nam tính của họ mà ngược lại, chính trang điểm mới là cách giúp họ thể hiện sức quyến rũ của mình thông qua việc cải thiện giá trị thẩm mỹ của bản thân. Theo Mintel vào năm 2017, người Hàn Quốc tiêu thụ 13 tỷ USD cho mỹ phẩm, trong đó, phái mạnh nước này dẫn đầu trong các quốc gia Châu Á về lượng tiêu thụ tính trên đầu người. Hay một báo cáo năm 2018 của nền tảng thương mại điện tử VIPS có trụ sở tại Quảng Châu đã ước tính rằng thị trường sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới ở Trung Quốc đã đạt 10 tỷ nhân dân tệ, và sẽ đạt 15,4 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019. Đây chính là những con số biết nói không ai có thể phủ nhận cho thấy sức hấp dẫn của thị trường mỹ phẩm dành cho đối tượng khách hàng nam. Đã có cầu ắt có cung, năm 2019 cũng là năm chứng kiến sự chuyển hướng thị trường của các công ty mỹ phẩm lớn như CHANEL, Estee Lauder hay L’Oreal trong việc thâm nhập vào phân khúc mới mẻ này.

Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sự thật về sức phát triển của xu hướng “Nam giới điểm trang” đã và đang nhận được ủng hộ nhiệt thành của cả hai giới, đủ để thay đổi nền công nghiệp làm đẹp trong thời gian tới.

p.oly


 
Back to top