The Business Of Luxury Report: “Đức vua” đã trở lại?
Có một sự thật khá thú vị trong ngành đồng hồ rằng, đó là luôn có thể trở thành xu hướng lớn tiếp theo. Nhưng đáng tiếc thay, chất liệu này lại chưa bao giờ là một xu hướng. Nguyên nhân của điều này là gì?
Khi kế nhiệm Hans Wilsdorf vào năm 1963, Andrew Heiniger – ông chủ mới của Rolex biết rằng mình nên làm điều gì đó thật độc đáo, một thiết kế thật thú vị, không giống bất cứ sáng tạo nào mà Rolex đã thực hiện trước đây và ông đã tìm đến huyền thoại thiết kế đồng hồ Gerald Genta. Đó là lúc mẫu King Midas ra mắt.
King Midas là một chiếc đồng hồ hai kim đơn giản nhưng tinh tế, thể hiện qua bộ vỏ ngũ giác chạm khắc theo motif bất đối xứng, với núm vặn hình mặt trời cách điệu song hành cùng dây đeo tối giản. Dĩ nhiên, đây là một chiếc đồng hồ bằng vàng kim, và nói một cách tổng quát: King Midas là chiếc đồng hồ đắt nhất của Rolex lúc bấy giờ, cũng là chiếc đồng hồ vàng nặng nhất được bán trên thị trường, đồng thời là chiếc đồng hồ đầu tiên sử dụng kính sapphire tổng hợp.
Chiếc đồng hồ này đã nhanh chóng chinh phục một số người hâm mộ như chàng trai nam tính John Wayne, và còn được Christopher Lee đeo khi đóng vai Francesco Scaramanga – nhân vật phản diện của bộ phim James Bond: “The Man With the Golden Gun”. Nhưng gương mặt đáng nhớ nhất từng sở hữu King Midas là ai? Đó nhất định phải là một vị vua, đúng vậy chính là ông hoàng Elvis Presley, tuy nhiên ông ấy đã làm hỏng chiếc đồng hồ đầu tiên của mình khi đeo nó vào bồn tắm.
Có lẽ đó là thời đỉnh cao, khi vàng chuyển từ một chất liệu cao quý vốn dành cho những chiếc đồng hồ đeo tay cổ điển đến ứng dụng để chế tạo bất kỳ chiếc đồng hồ đẹp mắt nào, rồi trở thành một vật phẩm hào nhoáng, một loại bảo hiểm có thể đeo được. Chúng tôi đang muốn nói đến chiếc Patek Philippe Art Deco bằng vàng, mà Michael Douglas với chiếc túi trống rỗng nhưng đã kiếm được rất nhiều tiền trong “The Game (1997)”, sau đó trở về Hoa Kỳ từ Mexico. Người ta nói: “Một người đàn ông sở hữu chiếc đồng hồ như thế sẽ không gặp phải vấn đề gì về thị thực”.
Edouard Meylan – Giám đốc điều hành của H. Moser & Cie, chia sẻ: “Chiếc đồng hồ vàng đã xác định sự thành công của Rolex trong nhiều năm. Đó là một mặt hàng mà bạn có thể mang theo đến bất cứ nơi đâu để đổi lấy tiền mặt”. Ông cũng nói rằng chiếc đồng hồ ông đeo nhiều nhất trong năm 2023 là mẫu H. Moser & Cie Streamliner bằng vàng có mặt số đen. “Trước đây, tôi cảm thấy không thoải mái khi đeo một chiếc đồng hồ vàng, vì vậy tôi không chắc liệu các định kiến trong tôi đã thay đổi, hay đồng hồ vàng đã thay đổi. Nhưng tôi có cảm giác rằng đồng hồ vàng đã bình thường hóa trở lại”.
Có lẽ là vậy, như Nicholas Bowman-Scargill – nhà sáng lập thương hiệu Farer Watches từng nói: “Vàng là loại vật liệu hoàn hảo cho những thời điểm bất ổn của chúng ta, như trong đại dịch, chiến tranh, khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay cả khi chúng ta cố gắng duy trì sự an toàn cho ngân sách cá nhân”.
Tôi không chắc vàng có còn hợp thời trang đến mức đáng tin cậy hay không, nhưng ý nghĩ đầu tiên khi nhìn thấy một chiếc đồng hồ lớn bằng vàng là “biểu tượng của sự giàu có và xa xỉ”, ví dụ như chiếc đồng hồ vàng của Genta, giờ đây đã trở thành biểu tượng. Đó là một phép ẩn dụ được thừa nhận nhiều lần trong điện ảnh. Một lần nữa, chính Douglas đã đeo chiếc Cartier Santos vàng trong vai Gordon Gekko của phim “Phố Wall (1987)”. Chiếc đồng hồ vàng thậm chí còn là vật tượng trưng cho sự giàu có ngày càng tăng của nhà chứng khoán Jordan Belfort, do Leonardo DiCaprio thủ vai trong “The Wolf of Wall Street (2013)”: từ Seiko Solar thép đến TAG Heuer Series 1000 mạ vàng rồi TAG Heuer Series 2000 bằng vàng nguyên khối.
Đồng hồ vàng cũng là phụ kiện yêu thích của những siêu sao nhạc rap hoặc ông trùm trong ngành giải trí. Chính sự giàu có của các thị trường mới nổi đã đảm bảo cho một giai đoạn sẽ có nhiều thương hiệu sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dành cho đồng hồ vàng cỡ lớn. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc đồng hồ vàng là biểu tượng của sự xa xỉ, và thế giới đồng hồ đã lần nữa quay lại sân chơi này.
Không chỉ là vàng đỏ, vàng trắng hay vàng hồng vốn ít phô trương hơn, mà xu hướng hiện nay là những thứ lấp lánh và sặc sỡ hơn: vàng cổ điển. Có thể kể đến Vacheron Constantin Overseas Tourbillon, Waldor & Co. Avant 39 EZE, Chopard Mille Miglia, Longines Master GMT…. Ngay cả một số thương hiệu thường gắn liền với chủ nghĩa tối giản hoặc chức năng thực dụng cũng tham gia cuộc chơi ấy, như Nomos Glashutte với Lux Hermelin, cùng một số thương hiệu độc lập có giá phải chăng như Baltic cũng đã “vàng hóa” mẫu HMS 002. George Bamford của Bamford Watches lần nữa nói về màn hợp tác của Breitling cùng Victoria Beckham trên chiếc Chronomat 36 bằng vàng kim và sự kiện Piaget hồi sinh thiết kế Polo 79 kinh điển.
Trong nhiều năm gần đây, nhằm mục đích vượt lên trên vàng “tiêu chuẩn”, các thương hiệu đã phát triển hợp kim vàng riêng, nhằm tối ưu cả về hiệu quả lẫn chức năng. Ví dụ, Hublot có King Gold – loại hợp kim vàng được bổ sung thêm đồng và bạch kim để ổn định màu sắc, nhưng cũng để trung hòa quá trình oxy hóa và Magic Gold – sự pha trộn giữa vàng và ceramic được maison tuyên bố là có khả năng chống xước cao. Rolex hiện sở hữu một xưởng đúc vàng riêng và đã gây được tiếng vang lớn với vàng Everose độc quyền, phát triển theo công thức bí mật nhằm chống lại hiện tượng phai màu do thời gian, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước có clo hoặc nước biển.
Swatch Group cũng có một xưởng đúc vàng chịu trách nhiệm phát triển vàng Sedna – một hợp kim gồm vàng, đồng và palladium cho Omega, hay Moonshine Gold – một loại vàng có ánh sắc huyền ảo tựa như ánh trăng. A Lange & Söhne lại nổi danh với Honeygold có màu vàng óng hệt như mật ong và độ cứng gấp đôi vàng tiêu chuẩn. Ngay cả màu vàng cũng có sức hút: Rado – nhà sản xuất nổi tiếng với các sản phẩm từ ceramic đã phát triển lớp phủ PVD màu vàng và vàng hồng, hay Ceramos vàng – một composite được phát triển chính xác để giữ lại đặc tính vốn có của ceramic nhưng không làm mất đi độ bóng của hợp kim kim loại.
Các mẫu Golden Ceramos Dia-Star và Captain Cook là loạt sáng tạo tiêu biểu nhất. Những loại “vàng công nghệ” này đã được tăng cường nhiều thuộc tính và ưu điểm. Nhưng có lẽ vàng truyền thống vẫn sở hữu một “chức năng riêng”. Bowman-Scargill gợi ý: “Vàng cũng giống như nghệ thuật vì chỉ phục vụ cho mục đích tâm lý mà không hề có chức năng gì. Nếu vàng có chức năng thì đó là cách khiến bạn cảm thấy như thế nào”.
Liệu một thương hiệu đồng hồ có thể chỉ hành động dựa trên cảm xúc? Đối với một số tên tuổi khác, vàng là một bước đi quá xa không chỉ vì lý do hình ảnh mà vì giá thành. Rốt cuộc, vàng biểu thị sự giàu có chính xác là vì có giá đắt đỏ. Như Edouard Meylan nhấn mạnh, đối với hầu hết nhà sản xuất khi cam kết chế tác một chiếc đồng hồ bằng vàng, điều đó đồng nghĩa nó đòi hỏi nhiều thứ hơn thế chứ không đơn thuần chỉ là đưa kim loại này vào khâu sản xuất. “Việc tạo ra một phiên bản đồng hồ vàng không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề tài chính, bạn cần có tiền trả trước – hàng triệu USD, bạn cần một khoản tiền lớn cho lượng vàng cần có để chế tác, đó là rào cản của nhiều thương hiệu. Thực sự, cần phải có các quy trình đặc biệt để xử lý vàng một cách chính xác nhằm giảm thiểu tối đa sự lãng phí. Bạn đang đặt cược không chỉ vào sự thành công của thiết kế bằng vàng đang tạo ra, mà còn bởi giá trị tương lai của chính số vàng đó”.
Trong những năm tới, họ sẽ không bận tâm nữa. Có lẽ lúc đó chiếc đồng hồ vàng sẽ mất đi khả năng thể hiện vị trí xã hội như trước đây. Meylan lập luận rằng: “Xét về khả năng phô trương tuyệt đối, vàng – từng được coi là hào nhoáng, sẽ không còn là một thứ hấp dẫn”, ông cho rằng giờ đây vàng đã bị đánh bại không phải bởi palladium, iridium hay rhodium, cũng như bởi các kim loại quý có giá trị hơn vàng mà bằng vật liệu kỹ thuật cao. “Sợi carbon đã trở thành “vàng mới”. Nếu muốn một chiếc đồng hồ thực sự sặc sỡ, bạn không nên đeo vàng mà hãy chọn một chiếc đồng hồ của Richard Mille chẳng hạn”.
Theo logic đó, không lâu nữa nhiều loại vật liệu tiên tiến như polyme sinh học, graphene hay hợp kim như CrCoNi sẽ trở nên có giá trị hơn vàng. Nhưng rồi vẫn còn một chút yếu tố mang tính cảm xúc, khiến người ta dễ mềm lòng. Giống như vàng, con người luôn có một điểm yếu đối với những thứ như vậy từ xưa đến nay.