CITY GUIDE

Smart Luxury: Cách chọn mua chuyên cơ tư nhân

Jun 08, 2021 | By Hai Yen

Mua chuyên cơ tư nhân là khoản đầu tư lớn cho một tổ chức hoặc cá nhân có lượng tài sản cao. Tuy nhiên, việc mua máy bay sẽ chỉ hiệu quả về chi phí nếu bạn cần bay hơn 400 giờ mỗi năm – trung bình khoảng 8 giờ mỗi tuần.

Nếu dưới 400 giờ, có thể sẽ tốt hơn nếu xem xét đến việc thuê máy bay dài hạn từ dịch vụ của các hãng hàng đầu như Netjets, hoặc thuê theo giờ. Nếu ít hơn nữa, thuê theo chuyến là sự lựa chọn hợp lý.

Việc mua chuyên cơ riêng hoàn toàn dành cho những người muốn giữ quyền kiểm soát nó. Các tập đoàn đa quốc gia thường mua máy bay phản lực của riêng họ, nhưng cũng sẽ sử dụng máy bay phản lực bổ sung cho nhu cầu trong trường hợp cần thiết.

Theo Air Travel Genius, có một số yếu tố cần xem xét khi nghĩ về việc mua máy bay riêng:

1. Loại máy bay

Bạn cần loại máy bay nào? Điều này sẽ phụ thuộc vào số lượng ghế bạn yêu cầu và khoảng cách bạn muốn di chuyển. Máy bay phản lực tư nhân có thể được chia thành các phân khúc sau:

  • Phản lực siêu nhẹ – có cabin nhỏ gọn với 4-6 chỗ ngồi và có thể bay các chuyến ngắn dưới 2 giờ 30 phút với khoảng cách chừng 1.200 dặm. Chúng là loại máy bay phản lực có giá phải chăng nhất với giá niêm yết tầm 5 triệu USD. Ví dụ như Cessna Cites Mustang, Embraer Phenom 100 và Honda HA-420 HondaJet.
  • Phản lực hạng nhẹ – nhẹ và linh hoạt, chúng có thể mang 6-8 hành khách di chuyển quãng đường 2.000 dặm. Giá niêm yết dao động từ 6 triệu đến 12 triệu USD.
  • Phản lực hạng trung – midsize và máy bay siêu phản lực hạng trung có thể chuyên chở tới 9 hành khách trên các chuyến bay xuyên lục địa với khoảng cách 3.500 dặm. Chúng có thể có giá lên tới 22 triệu USD.
  • Phản lực hạng nặng – những máy bay phản lực tầm xa này có khả năng bay liên lục địa. Chúng có thể chở tới 19 hành khách một cách thoải mái và có giá lên tới 70 triệu USD. Những ví dụ điển hình bao gồm Gulfstream G550 / G650, Dassault Falcon 7X và Bombardier Global 6000.
  • Máy bay VIP dành cho doanh nghiệp – Những chiếc máy bay thân rộng của Boeing và Airbus có giá lên tới 80 triệu USD hoặc nhiều hơn đáng kể.

Ví dụ điển hình: Lewis Hamilton

Tay đua Lewis Hamilton

Hamilton là một tay đua xe đua Công thức 1 vô địch thế giới cho Mercedes với thu nhập hàng năm khoảng 50 triệu USD. Sống ở Monaco, Hamilton có nhu cầu bay liên tục đến 20 cuộc đua F1 trên khắp thế giới cộng với các cuộc họp và kỳ nghỉ.

Vào năm 2013, Hamilton đã mua một chiếc máy bay phản lực Bombardier Challenger 605 trị giá 30 triệu USD màu đỏ và đen với số đăng ký G-LCDH. Các máy bay phản lực hạng nặng có tầm bay 4.000 dặm và có thể mang theo 9 hành khách cùng 2 phi hành đoàn.

Máy bay phản lực tư nhân thường được sử dụng bởi những vận động viên thể thao cấp cao nhất – đặc biệt là trong các môn thể thao quốc tế được trả lương rất cao như F1, tennis và golf. Chúng mang đến sự riêng tư, thoải mái và thuận tiện để tránh các chuyến bay thương mại và sân bay.

Tiger Wood bên máy bay tư nhân

Tay golf Tiger Woods sở hữu một máy bay tầm xa Gulfstream G550 – có thể chuyên chở 14-19 người và bay 6.750 dặm. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi sao thể thao sử dụng máy bay riêng có xu hướng thuê hoặc sử dụng dịch vụ theo giờ hoặc theo gói.

Nếu bạn mua một chiếc máy bay mới trực tiếp từ nhà sản xuất, bạn có thể thương lượng giảm trên giá niêm yết. Đây là một lợi thế so với các chương trình trả góp, khi bạn vẫn phải trả mức giá đầy đủ cho máy bay.

Mua máy bay riêng cũng có nghĩa là bạn có thể tùy chỉnh nội thất theo sở thích của riêng bạn – không có giới hạn về chi phí!

Ngoài việc mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, còn có các đại lý và nhà môi giới bán máy bay mới hay đã qua sử dụng – và bạn cần tìm hiểu thật kỹ về bất kỳ công ty nào bạn giao dịch.

Mua một chiếc máy bay đã qua sử dụng có thể rẻ hơn mua mới, nhưng chi phí phục vụ sẽ lớn hơn để máy bay tuân thủ đầy đủ các quy định hàng không. Động cơ máy bay cũ cũng có nghĩa là sử dụng nhiên liệu không hiệu quả bằng, và bạn có thể cần phải nâng cấp hệ thống điện tử cho máy bay.

Hãy luôn đảm bảo bạn có được sự kiểm định chuyên nghiệp đối với bất kỳ máy bay nào bạn đang cân nhắc mua và bay thử.

Ví dụ khác: Shell

Modern interior of private jet

Shell là công ty dầu khí đa quốc gia với cổ phiếu niêm yết ở Anh và Hà Lan. Công ty có trụ sở tại London và The Hague. Shell có các hoạt động hoạt động ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Phi, Úc và Bắc Cực.

Công ty có một đội bay gồm 4 máy bay tầm xa có trụ sở tại sân bay Rotterdam-The Hague và sử dụng phi hành đoàn cùng đội bảo trì riêng.

Đội tàu bay gồm 3 chiếc Dassault Falcon 7X và 1 chiếc Dassault Falcon 900EX. Chiếc máy bay phản lực 7X có giá 53 triệu USD và có thể chở tối đa 19 hành khách, có phạm vi hoạt động 6.000 dặm.

Shell hoạt động ở nhiều nơi xa xôi trên thế giới, khiến máy bay phản lực trở thành một công cụ thiết yếu để quản lý di chuyển giữa các văn phòng với nhau.

  1. Quản lý tài chính

Máy bay càng lớn, chi phí càng cao

Bạn sẽ cần lên chi phí cho máy bay và tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia kế toán, công ty dịch vụ tài chính và chuyên gia hàng không để tìm giải pháp tối ưu cho thời gian sở hữu. Hoặc phân bổ tài chính khác nhau giữa các quốc gia.

Một khía cạnh rất quan trọng để xem xét là khấu hao của máy bay. Một chiếc máy bay mới sẽ mất một lượng giá trị đáng kể từ giá niêm yết sau 5 năm, tùy thuộc vào loại máy bay và số giờ nó bay. Bằng cách đảm bảo thỏa thuận mua ban đầu tốt, bạn có thể giảm nhẹ tác động của khấu hao.

Cuối cùng, hãy lưu ý rằng bất kỳ suy thoái tài chính tiềm năng trong tương lai nào cũng sẽ làm giảm đáng kể giá máy bay từ việc vội vàng thanh lý tài sản!

3. Quản lý và chi phí vận hành máy bay

Hãy xem xét chi phí vận hành tương đối cho một máy bay phản lực hạng trung mới. Hầu hết các chủ sở hữu máy bay sẽ thuê dịch vụ quản lý máy bay từ một nhà khai thác máy bay được cấp phép.

Chi phí quản lý hàng năm của máy bay sẽ vào khoảng 400.000 – 500.000 USD. Điều này bao gồm các chi phí cố định như bảo trì theo lịch trình, bảo hiểm, phi công và phi hành đoàn, đào tạo, nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, dự báo thời tiết, phí nhà đỗ máy bay. Thêm 100.000 USD cho bất kỳ lần bảo trì bất ngờ và các bộ phận máy bay đắt tiền nào đó.

Hãy nhớ rằng trong suốt một năm, một chiếc máy bay sẽ dành khoảng 1 tháng để bảo trì theo lịch trình – cộng với khoảng thời gian chết để sửa chữa khẩn cấp.

Bạn cần xem xét yếu tố này khi lập kế hoạch thời gian biểu du lịch. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần sử dụng máy bay thuê khi máy bay của bạn không có sẵn. Công ty quản lý của bạn có thể cung cấp một dịch vụ như vậy.

Khấu hao sẽ phải được hạch toán – con số có thể là 1,5 triệu USD hàng năm.

Máy bay riêng là lựa chọn tối ưu để mang đến trải nghiệm riêng tư. Nhưng bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua chúng.

Trên hết, bạn sẽ có các khoản phí biến đổi phụ thuộc vào số giờ bạn bay và nơi bạn đến. Trong 400 giờ bay, dự kiến ​​sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu USD – chủ yếu cho nhiên liệu, phí hạ cánh, thuế sân bay và phí chờ. Rõ ràng mức tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc vào kích thước của máy bay.

Vì vậy, chi phí vận hành cho một máy bay hạng trung như vậy có thể nằm ở khoảng 3 triệu USD mỗi năm.

Bạn cũng có thể quyết định cho thuê máy bay cho bên thứ ba khi không sử dụng – mặc dù điều này mang lại nguồndoanh thu bổ sung, nhưng cũng sẽ cộng thêm nhiều giờ sử dụng cho máy bay, đồng nghĩa với việc rút ngắn tuổi thọ và khấu hao nhanh hơn.

Tóm lại, để mua máy bay riêng, bạn nên chọn lựa một cách cẩn thận, tham khảo ý kiến ​​các chuyên gia hàng không và tài chính, cộng thêm việc xem xét chi phí quản lý và điều hành hàng năm.

Vincent Pham 


 
Back to top