CITY GUIDE

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78

Oct 27, 2020 | By Stephanie Nguyen

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee, người đã có công rất lớn trong việc chuyển đổi một công ty sản xuất nhỏ lẻ của Hàn Quốc trở thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 78 vào hôm Chủ nhật, 25/10, theo thông báo từ phía tập đoàn.

Từ tháng 5 năm 2014, ông Lee đã phải nhập viện vì bị đau tim. Ảnh: EPA

Ông Lee Kun Hee là Chủ tịch tập đoàn Samsung, người đã đưa Samsung từ một nhà sản xuất tivi nhỏ lẻ thành nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới với tổng doanh thu hiện tại bằng 1/5 GDP Hàn Quốc.

Ông Lee vốn nổi tiếng với lối sống ẩn dật. Sau căn bệnh tim bất ngờ vào năm 2014, tin tức về ông ngày càng kín kẽ hơn. Hầu như không ai biết về tình trạng bệnh của ông cho đến những ngày cuối cùng. Tuy nhiên, hôm 25/10 vừa rồi, phía công ty đã thông báo tin buồn: 

“Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin ông Lee Kun-hee, Chủ tịch của Samsung Electronics đã qua đời vào ngày 25 tháng 10 bên cạnh gia đình và những người thân, bao gồm Phó Chủ tịch Jay Y. Lee.”

Công ty cũng cho biết thêm: “Chủ tịch Lee là một người có tầm nhìn xa trông rộng, người đã biến Samsung thành nhà đổi mới và đế chế công nghiệp hàng đầu thế giới từ một doanh nghiệp địa phương. Di sản của ông ấy sẽ mãi trường tồn.”

Lee Jae-yong, con trai Lee Kun-hee kiêm Phó Chủ tịch Samsung. Ảnh: Reuters

Ông Lee sinh ngày 09/01/1942 tại thành phố Đông Nam Daegu trong thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Cha của ông, Lee Byung-chull, đã thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu vào năm 1938 và sau chiến tranh Triều Tiên 1950-53, cha ông xây dựng lại công ty thành một nhà sản xuất điện tử và thiết bị gia dụng thương mại lớn đầu tiên của đất nước.

Lee Byung-chull thường được nhớ đến với vai trò một trong những người tiên phong cho nền công nghiệp hiện đại ở Hàn Quốc. Lee Kun-hee là con trai thứ ba trong gia đình, do đó việc ông thừa kế các công việc kinh doanh từ cha đã đi ngược lại với truyền thống và khiến một trong những người anh ruột đâm đơn kiện Lee Kun-hee, nhưng thất bại.

Năm 1967, Lee Kun-hee kết hôn với Hong Ra-hee và có với nhau các người con: con trai cả Jay Y., con gái Boo-jin và Lee Seo-hyun. Ngoài ra, họ còn một cô con gái là Lee Yoon-hyung qua đời vào năm 2005.

Lee Kun-hee tham quan Triển lãm Điện tử Tiêu dùng Quốc tế 2010 cùng vợ Hong Ra-hee (trái) và con gái Lee Seo-hyun ở Las Vegas, Nevada. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, Samsung là tập đoàn lớn nhất trong số các công ty gia đình hay còn được biết đến là chaebols tại Hàn Quốc. Họ đã giúp đất nước Hàn Quốc chuyển đổi mạnh mẽ sau chiến tranh, từ đống tro tàn vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. 

Khi ông Lee thừa kế vị trí Chủ tịch tập đoàn Samsung từ cha mình vào năm 1987, đây đã là tập đoàn hùng mạnh nhất đất nước trải rộng khắp các lĩnh vực từ điện tử tiêu dùng đến xây dựng và giúp Lee trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. Ông Lee đã tập trung phát triển và đưa Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu nhưng ông rất ít khi xuất hiện bên ngoài, kể cả với việc đến thăm công ty. Điều này khiến ông được mệnh danh là “vua ẩn sĩ”.

Năm 2014, ông Lee lên đau tim nghiêm trọng và phải nhập viện. Lúc bấy giờ Samsung đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ lớn nhất thế giới, bên cạnh kinh doanh phát đạt về chất bán dẫn và màn hình LCD toàn cầu. Con trai của ông là Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics hiện tại, bắt đầu điều hành công ty kể từ thời điểm đó.

Lee Kun-hee, phải, và cha ông, người sáng lập Samsung Lee Byung-chul.

Lee Kun-hee là một nhà lãnh đạo nghiêm khắc, người chỉ tập trung vào các chiến lược mang tầm nhìn bao quát. Tất cả các công việc và chi tiết còn lại ông đều giao cho các giám đốc điều hành. Lee nắm trong tay quyền lực gần như tuyệt đối, cho phép ông đưa ra những quyết định táo bạo giúp công ty thích ứng nhanh với các thay đổi liên tục của ngành công nghệ, chẳng hạn như chi hàng tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất chip và màn hình mới ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những động thái mạo hiểm đó đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Samsung. 

Tuy nhiên, không phải nước đi nào của ông cũng thành công. Một thất bại đáng chú ý là sự mở rộng sang lĩnh vực ô tô của tập đoàn vào những năm 1990. Samsung sau đó đã bán đi công ty sắp phá sản – Samsung Motor – cho Renault. 

Ông Lee cũng được biết đến với nhiều vụ bê bối trong suốt quá trình tại nhiệm tại vị trí Chủ tịch Samsung. Năm 1996, ông bị kết tội hối lộ cựu tổng thống Roh Tae-woo vào năm 1996. Sau đó một năm, ông được Chủ tịch Kim Young-sam ân xá. Năm 2007, một cựu luật sư của công ty đã buộc tội Samsung về hành vi sai trái trong một cuốn sách của mình, và Lee Kun-hee sau đó bị truy tố về tội trốn thuế cùng nhiều tội danh khác như hối lộ cựu tổng thống Park Geun-hye với 5 năm tù giam. Năm 2009, ông được tổng thống ân xá và trở lại quản lý Samsung vào năm 2010.


 
Back to top