BUSINESS OF LUXURY

Biểu tình tại Hồng Kông: Điều gì sẽ xảy ra với thị trường xa xỉ?

Aug 28, 2019 | By Trang Ps

Tình trạng bất ổn đang diễn ra căng thẳng ở Hồng Kông làm “bốc hơi” 15 tỷ USD của top 10 người giàu nhất của đặc khu hành chính này, từ đó gióng lên hồi chuông báo động cho thị trường bất động sản và ngành hàng xa xỉ.

Theo báo cáo của Financial Times, kể từ thời điểm xảy ra bất ổn dân sự vào tháng 7, ước tính khoảng 15 tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi giá trị tài sản ròng của 10 người giàu nhất Hồng Kông. Cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ đang bước vào tuần thứ 12, tình trạng bất ổn này đã khiến đại gia giàu có nhất như Lý Gia Thành (Li Ka-Shing) hay ông trùm bất động sản Ngô Quang Chính (Peter Woo) đã phá vỡ sự im lặng của họ, bắt đầu bình tĩnh suy niệm về những căng thẳng tăng cao trong giai đoạn biến động thị trường nghiêm trọng.

Biểu tình tại Hong Kong: Điều gì sẽ xảy ra với thị trường xa xỉ chiếm 5% doanh thu toàn cầu

Vào năm 2017,  báo cáo Wealth Report của Knight Frank đã phân tích các chỉ số kinh tế và tiêu dùng chính, phân đoạn dữ liệu theo các yếu tố như sự hiện diện của các cửa hàng xa xỉ hay tăng trưởng tài sản và số lượng cá nhân có giá trị ròng cực cao (trên 30 triệu USD) ở mỗi quốc gia. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu thế giới, bỏ lại Singapore và New York phía sau.

Điều bất ngờ là, Hồng Kông chiếm đến 5% doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng dân sự bất ổn đang diễn ra ở đặc khu hành chính (SAR) đã chấm dứt tạm thời (hy vọng) đóng góp của thành phố vào doanh thu xa xỉ tham vọng này.

Từ lâu đã được mệnh danh là “cửa ngõ kinh tế đại lục”, Hồng Kông nhanh chóng trở thành pháo đài dân chủ, pháp trị minh bạch và hiệu quả. Nhưng, dự luật dẫn độ của Carrie Lam đang khiến hàng triệu người biểu tình ở đây lo ngại Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân phải chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp lý khác.

Thị trường đồng hồ xa xỉ – Phong vũ biểu của nền kinh tế?

LUXUO đã có cuộc nói chuyện với một người giấu tên từ The Hour Glass Hong Kong, người nắm rõ hoạt động của cửa hàng Patek Philippe Landmark và được biết, dù cơn sóng biểu tình diễn ra căng thẳng buộc cửa hàng phải đóng cửa thì những khách hàng đã đặt hàng trước vẫn đến mua như thường lệ khi có sản phẩm mới về.

Nhân viên của The Hour Glass chia sẻ thêm: “Dù có sự sụt giảm khách du lịch ghé thăm Hồng Kông, nhưng đối với thị trường đồng hồ cao cấp, người tiêu dùng có xu hướng trở lại và trở thành nhà sưu tập trung thành thay vì là những người mua sắm hiếu kỳ”.

Một số nhà bình luận ví phong trào biểu tình của Hồng Kông giống phong trào áo khoác vàng tại thủ đô Paris vào năm 2018. Những người biểu tình Hồng Kông không nhắm vào những nhà bán lẻ cao cấp hay những người giàu có, mà thay vào đó, là những nhà cầm quyền tại Bắc Kinh.

Finacial Times cho biết một số người biểu tình bày tỏ họ đang chống lại sự mạnh tay “độc ác” của đại lục trong việc điều hành khu vực được cho là tự trị đến năm 2047. Trong khi đó, Trung Quốc tập trận ở bên kia biên giới giữa lúc đặc khu hành chính đang gồng mình chống lại dự luật dẫn độ.

logo richemont

Tập đoàn xa xỉ Richemont là đơn vị đầu tiên báo cáo tình trạng bất ổn của doanh nghiệp bị gây ra bởi những cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp trong suốt 2 tháng qua. Một tuyên bố đi kèm thu nhập hàng quý của Richemont đã thể hiện đồ thị xuống dốc bất ngờ, với doanh thu giảm 2% so với tổng doanh thu quý trước cũng như giá cổ phiếu giảm 3,9%. Bù đắp cho tổn thất là nhu cầu mạnh mẽ ở đại lục, với mức tăng 9% doanh thu trong quý (tính đến 30/06).

Tuy nhiên, hiệu ứng này không rõ rệt với đối thủ của nó là Swatch và Hermès. Các nhà phân tích cho rằng, Richemont chịu rủi ro lớn hơn tại Hồng Kông với ước tính 11% doanh thu đến từ khu vực, trong khi Swatch chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu ở đặc khu hành chính này.

Bernard Arnault LVMH

Trong khi đó, đế chế xa xỉ LVMH là tập toàn duy nhất đạt tăng trưởng hai chữ số nhờ việc thúc đẩy nhu cầu ở thị trường châu Á. Tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành LVMH phát biểu: “Chúng tôi đang bước vào nửa cuối năm 2019 với sự tự tin vào năng lực và niềm đam mê của đội ngũ và có kế hoạch để dẫn đầu thế gới trong ngành hàng cao cấp”.

LVMH ghi nhận doanh thu 25,1 tỷ euro trong nửa đầu năm 2019, tăng 15%. Tăng trưởng doanh số hữu cơ đạt 12% so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động kinh doanh đồng hồ và trang sức của LVMH ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 4%, được thúc đẩy bởi việc tái định vị TAG Heuer hiệu quả. Trong khi đó, Bvlgari phát triển tốt cũng khiến lợi nhuận tăng 5%. Tương tự, tập đoàn Swatch vừa công bố kết quả tích cực mặc dù có đề cập đến việc bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Doanh số bán hàng của Hermès vô cùng khả quan ở tất cả khu vực trong nửa đầu năm 2019. Sự tăng trưởng này phản ảnh động lực sáng tạo của thương hiệu, bí kíp đến từ việc xây dựng mô hình chế tác thủ công có sự hội nhập với địa phương. Theo báo cáo thu nhập của Hermès, báo cáo doanh thu hợp nhất lên tới 3,284 triệu euro trong nửa đầu năm 2019, tăng 12% theo tỷ giá hối đoái cố định và 15% theo tỷ giá hiện tại, trước mức tăng trưởng doanh thu 11,6% được ghi nhận trong quý đầu tiên.

Bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi

Trong 11 tuần biểu tình, giá bất động sản nói chung chỉ giảm 1% kể từ khi chỉ số bất động sản chính của Centaline đạt kỷ lục mới vào hồi tháng 6. Các nhà phân tích tài sản cũng không thể tìm thấy bất cứ tiềm năng sụp đổ nào được gây ra do cuộc biểu tình căng thẳng. Nhà phân tích của Bloomberg nhận định rủi ro dài hạn cuối cùng đối với thị trường bất động sản Hồng Kông là khiến nó mất đi vị thế trung tâm tài chính quốc tế quan trọng.

Điều đó cũng không có nghĩa rằng ngành công nghiệp bất động sản ở Hồng Kông hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Peachpattha Pakakan, Phó chủ tịch tiếp thị của The Residences tại Mandarin Oriental ở Bangkok, một chung cư cao cấp 52 tầng đã hoàn thành vào tuần trước, chia sẻ với South China Morning Post rằng họ đã quyết định trì hoãn việc ra mắt các căn hộ siêu sang trọng.

Khu dân cư Mandarin Oriental ở Bangkok.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Hoa đã tìm đến các chung cư cao cấp ở Bangkok vì sự khan hiếm ngày càng diễn ra tại đây. Kiểm soát vốn nghiêm ngặt tại Bắc Kinh đã khiến Hồng Kông trở thành bệ phóng quan trọng cho các cá nhân có giá trị ròng cực cao ở Trung Quốc. Họ tìm cách chuyển tiền ra khỏi đại lục để đầu tư quốc tế.

Tỷ phú Hồng Kông phản ứng ra sao trước việc tài sản “không cánh mà bay”

Tỷ phú Hồng Kông Peter Woo.

Khi những lời hùng biện của Bắc Kinh cất lên, nhiều ông trùm địa ốc ở hương cảng cũng hùa theo để thể hiện lòng trung thành với chính quyền trung ương. Ngày 16-8 vừa qua, tỷ phú Lý Gia Thành đăng một quảng cáo trên trang nhất của tờ South China Morning Post nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực để mọi người yêu mến Trung Quốc và Hồng Kông.

Tương tự, ông trùm bất động sản Ngô Quang Chính (Peter Woo) cũng lên tiếng chống lại những người biểu tình ở Hồng Kông, sau khi hơn 1 tỷ USD của ông bị “bốc hơi” trên thị trường chứng khoán kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu. Các công ty của nhà tài phiệt như Merlin Swire và gia đình Kwok cũng đưa ra các tuyên bố lên án cuộc biểu tình.

Người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành (phải).

Khép lại phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu của Cathay Pacific Airways giảm xuống còn 9,8 HKD (tương đương 12,5 USD), mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, sau khi Sân bay quốc tế Hong Kong hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc do trình trạng biểu tình.


 
Back to top