BUSINESS OF LUXURY

Độc quyền: Trò chuyện cùng huyền thoại ngành đồng hồ Jean-Claude Biver

Apr 24, 2021 | By admin

Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nền công nghiệp đồng hồ, chiến lược gia Jean-Claude Biver mới đây đã chia sẻ về tầm nhìn cá nhân để lèo lái đế chế đồng hồ trị giá hàng tỷ đô. 

Chân dung Jean-Claude Biver

Jean Claude Biver – Thế giới hữu hạn, đồng hồ vô hạn

Sinh trưởng tại Luxembourg, Jean Claude Biver lại mang trong mình trái tim của một người Thụy Sĩ đích thực. Chuyển đến sinh sống tại thủ phủ đồng hồ của thế giới vào năm 10 tuổi, chàng trai Jean Claude Biver nhận ra rằng mình thuộc về nơi đây trong những năm tháng theo học tại trường Đại học Lausanne. Điều trớ trêu là huyền thoại sống trong thế giới đồng hồ lại không hề mơ ước về một tương lai tươi sáng trong nền công nghiệp này, thay vào đó lại là một cuộc sống nông trang đơn giản.

Sau 4 năm làm việc tại Audemars Piguet, nhà điều hành trẻ tuổi tiếp tục được ông Golay giữ lại để tiếp quản Omega vượt qua giai đoạn khủng hoảng đồng hồ quartz. Phối hợp cùng Jacques Piguet, cháu trai nhà sáng lập xưởng sản xuất bộ máy Frédéric Piguet, Biver và Piguet đã trở thành một trong những bộ đôi ăn ý nhất trong lịch sử đồng hồ, khi Piguet tiếp quản xưởng sản xuất, còn Biver chăm lo quảng bá và bán hàng.

Cùng nhau, trong trang trại khiêm tốn Le Brassus, họ đã tạo nên những cỗ máy thời gian độc quyền, thu về những nụ cười mỉa mai trong nội giới đồng hồ. Song đến năm 1992, cục diện đã hoàn toàn thay đổi nhờ cú gõ cửa của ông Hayek (và tập đoàn SMH), để đặt cược vào cuộc chơi có tỷ lệ hoàn vốn lên đến 3000%. Nội giới đồng hồ không còn cười được nữa, và câu chuyện đã chính thức bắt đầu.

“Tôi yêu thiên nhiên. Tôi đã từng mơ về một nông trại tại Vallée và thực sự đã có được điều ấy. Nhưng cùng năm đó, tôi lại gặp Georges Golay.

Ông Jean Claude Biver thời còn trẻ

Mọi người thường nói rằng ông học hỏi từ thất bại nhiều hơn là thành công. Vậy có sự cố nào mà sau đó khiến ông ước lẽ ra mình nên có quyết định khác không?

Không hẳn là vậy, vì dù tôi có quyết định thế nào, mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp. Anh biết đấy, tôi biết cách nắm bắt những điều như vậy – biến một quyết định tồi thành tốt, hay nói cách khác là chuyển hóa thất bại thành thành công.

Liệu đây là thứ ông học được, hay tài năng thiên bẩm?

Tôi cho là tài năng, vì trong mọi thất bại, tôi đều nhanh chóng vực dậy được; cũng giống như việc tìm được năng lượng tích cực trong thành công vậy. Tận dụng nguồn năng lượng đó từ thất bại, có thể xoay ngược tình thế là một tài năng, để sau đó đem lại lợi ích cho chính mình.

Trong gần 10 năm qua, tôi thấy hối tiếc với quyết định của mình vì không làm được điều gì đó hứng khởi như với Blancpain.

Khi bán đi Blancpain, tôi từng có cảm giác đó là một sai lầm. Nhưng thay vì cảm thấy lầm lỗi và khóc than cho nó, tôi quyết định trở lại với thương hiệu. Bán đi thương hiệu, tôi trở lại với tư cách là nhân viên. Đây là điều không hề dễ dàng gì, vì đột nhiên bạn không còn là sếp nữa, chỉ là nhân viên thôi.

Trong gần 10 năm qua, tôi thấy hối tiếc với quyết định của mình vì không làm được điều gì đó hứng khởi như với Blancpain. Tôi gọi cho ông Hayek và xin được làm việc. Ông ấy hỏi tại sao tôi không nghỉ ngơi và tận hưởng đống tiền hàng triệu đô kia đi, tôi đáp rằng nếu thế chắc tôi phát điên mất.

Ông ấy khẳng định rằng nếu muốn quay trở lại, tôi phải đảm đương thêm Omega bên cạnh Blancpain. Và tôi đã đồng ý. Tôi cố gắng biến thất bại này thành trải nghiệm 12 năm làm việc với ông Hayek trong tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới, và trong quãng thời gian dẫn dắt Omega, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều.

Thành công của ông có được là nhờ đâu?

Đầu tiên, phải kể đến đội ngũ của tôi. Họ vẫn giữ nguyên như thế trong suốt bao năm. Người đầu tiên đến vào năm 1979, và người gần đây nhất là vào năm 1995. Đội ngũ ấy đã hỗ trợ tôi từ thương hiệu này cho đến thương hiệu khác. Đây chính là lý do khi đi khỏi thương hiệu, tôi không bao giờ phải đi một mình, mà luôn đồng hành cùng những người này. Tôi chưa bao giờ phải tuyển mộ giám đốc marketing tại Hublot, TAG hay Zenith vì người đó chưa bao giờ bỏ tôi. Tôi cũng có một người tương tự làm trong mảng thiết kế sản phẩm.

Khi làm việc với cùng một đội ngũ cho cả 5 thương hiệu khác nhau, bạn phải thừa nhận rằng đội ngũ ấy chính là điều cốt lõi. Chiến lược của tôi là thế này, bạn phải lựa chọn ai đó giỏi hơn bạn, vì nếu tìm một người biết ít hơn cả bạn, vậy sao phải tuyển người đó? Nếu làm việc với những người giỏi hơn bạn, bạn có thể lèo lái họ như dàn giao hưởng vậy. Người nhạc trưởng lúc ấy không phải là tay chơi piano giỏi nhất, cũng không phải là tay violin cự phách, nhưng lại điều khiển được cả hai, bởi vì ông ấy biết cách giúp họ phối hợp đồng điệu với nhau, và dẫn dắt họ.

Bạn phải tôn trọng thương hiệu vì thương hiệu sẽ sống lâu hơn bạn.

Yếu tố thứ hai chính là sự tôn trọng. Tôi tôn trọng các thương hiệu, chứ không tạo dựng thương hiệu mới. Tôi tạo dựng thương hiệu dựa trên DNA, triết lý và thông điệp của nó. Bạn phải tôn trọng thương hiệu vì thương hiệu sẽ sống lâu hơn bạn. Bạn chỉ là một người phụng sự cho thương hiệu, không thể đưa dấu ấn cá nhân vào trong đó. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi với các Giám đốc Điều hành khác, vì họ luôn dẫn dắt thương hiệu theo phong cách cá nhân. Tôi thậm chí còn cố gắng tàng hình đi.

Tôi có thể xuất hiện để quảng bá sản phẩm, nhưng cuối cùng thì thương hiệu mới chính là ông chủ và kết nối mọi thứ. Tôi sẽ phục vụ cho thương hiệu đến khi chết hoặc thật sự biến mất. Thời gian của tôi là hữu hạn, nhưng thương hiệu thì vô hạn. Nếu làm được điều này, bạn sẽ nhanh chóng thành công vì đang tận dụng nguồn sức mạnh cốt lõi của thương hiệu. Nếu như bỏ qua điều cốt lõi và cố gắng phát triển thương hiệu theo một hướng khác đi, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn gấp bội, và bạn lại trở về tay trắng. Tôi cho rằng đây chính là điều đã giúp mình thành công.

Để có được đội ngũ đồng hành trong cả 5 thương hiệu xuyên suốt nhiều thập kỷ, hẳn ông phải có những bí quyết nào đó…

Đó chính là triết lý trong cả đời sống cá nhân và công việc của tôi. Đầu tiên, tôi chia sẻ mọi điều mà mình có, ngoại trừ thất bại. Tôi phải là người gánh chịu các thất bại, vì đó chỉ là trách nhiệm của một mình tôi thôi, tôi phải bảo vệ những người đồng hành cùng với mình. Tôi đủ mạnh mẽ, và vai tôi đủ lớn để gánh được tất cả. Khi các cộng sự biết điều này, họ sẽ dốc hết sức mình. Tôi có thể chia sẻ niềm trăn trở, ý tưởng, quan điểm và thắng lợi của mình, nhưng sẽ không bao giờ san sẻ thất bại. Tôi sẽ chia sẻ thất bại của cá nhân tôi vì họ có thể học hỏi được vài điều từ đó, nhưng thất bại của cả đội lại là trách nhiệm của riêng tôi.

Tôi chia sẻ mọi điều mà mình có, ngoại trừ thất bại.

Thứ hai, tôi cho qua lỗi lầm. Nếu có thể bỏ qua các sai sót, đội ngũ làm việc cùng bạn sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, để đứng lên đương đầu với khó khăn, có thể lần nữa mắc sai lầm, nhưng cũng rất có thể sẽ thu về quả ngọt. Nếu bỏ qua được những thiếu sót của họ, bạn sẽ tiếp thêm dũng khí cho cả đội. Cuối cùng, tôi trân trọng mọi người. Tôi trân trọng việc họ cũng có gia đình riêng, cần thời gian ngơi nghỉ, và tôi cũng tôn trọng việc họ không thể làm việc liên tục nhiều giờ như tôi. Nếu bạn có khả năng chia sẻ, tha thứ và tôn trọng, không ai còn có ý định muốn đi cả.

Theo các nghiên cứu, giới trẻ ngày nay không biết cách sử dụng đồng hồ truyền thống. Làm cách nào để ông có thể thu hút sự chú của lớp người tiêu dùng tiếp theo?

Nếu giới trẻ không còn muốn đeo đồng hồ nữa sẽ là cả một vấn đề nghiêm trọng. Một khi chúng không muốn đeo đồng hồ khi còn trẻ, bạn sẽ khó thuyết phục chúng đeo khi trưởng thành. Một đứa trẻ từng đeo chiếc Swatch trên cổ tay từ thuở lên 8 tuổi thường thay đổi đồng hồ theo phong cách và tâm trạng, khiến chúng dễ trở thành một tay chơi sành sỏi trong tương lai. Nếu chưa từng đeo đồng hồ, chúng gần như không bao giờ muốn sở hữu chiếc nào khi tốt nghiệp hay để ăn mừng một cột mốc trọng đại nào đó.

Thế hệ này nên được dạy dỗ rằng đồng hồ có thể trở thành biểu tượng của vị thế, một tạo vật đẹp đẽ, một công trình nghệ thuật và thậm chí là một vật tượng trưng cho cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Đồng hồ thông minh của Apple không phổ biến với giới trẻ dù họ có doanh số hàng triệu chiếc. Trong khi đó, lớp millennial ngày nay lại có những biểu tượng thể hiện đẳng cấp khác như Yeezys, Supreme hay Off-White, nơi mà đồng hồ không chen chân vào được.

Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề này?

Thật sự mà nói là tôi cũng không biết. Vẫn còn quá sớm. Thế hệ này giờ đây đã bước sang tuổi 18, và chúng dường như vẫn chưa tỏ ra hứng thú gì với đồng hồ. Anh có thể cảm nhận được điều tương tự trong vòng 10 năm tới hay lâu hơn thế nữa, khi chúng vẫn không chịu mua đồng hồ dù đã bước qua tuổi 30. Cả nền công nghiệp này phải nỗ lực nhắm đến chúng, trừ khi nghĩ ra được một cách thức nào khác, nhưng thật sự rất khó vì giờ đây mọi người đều có tiếng nói chung. Ở thời điểm hiện tại. Hublot đang làm rất tốt.

Giờ đây, ông có thể được xem là đang “ngồi ghế sau” trong ngành công nghiệp đồng hồ. Ông có nghĩ là mình sẽ bị vuột mất nguồn năng lượng dồi dào từ thế giới ấy?

Hy vọng là không. Nếu vuột mất, tôi sẽ phải tìm cách để chuyển hóa năng lượng ấy. Tôi sẽ phải đáp lại và biến nó thành điều gì đó tích cực hơn. Có thể tôi sẽ phải chuyển hóa năng lượng ấy thành việc đảm bảo rằng mọi trẻ em trên thế giới đều có nước sạch, vì cứ mỗi 3 giây qua đi lại có một đứa trẻ phải chết vì nguồn nước ô nhiễm hay thiếu nước tại châu Phi. Khi nhận ra điều này, bạn sẽ phải tự vấn bản thân lý do tại sao, và trong những năm cuối cùng còn tồn tại trên đời, tôi sẽ làm điều gì đó để khắc phục.

Tôi nhận được quá nhiều, điều này thậm chí trở thành một vấn đề với tôi – vậy thì tôi nên cho đi điều gì đây, và bằng cách nào?

Trong suốt nhiều thập kỷ, bao nhiêu phần sự nghiệp mà ông tự kiểm soát, và bao nhiêu phần là do số phận hay định mệnh?

(Thở mạnh) Phải nói rằng toàn bộ cuộc đời tôi là một chuỗi may mắn. Tôi đã được Chúa chọn để trở nên may mắn, gặp nhiều điều tích cực và đạt được hạnh phúc. Song, bạn phải có đức tin. Tôi thật sự là gã đàn ông may mắn trọn đời. Tôi được may mắn bủa vây. Có lẽ đó chính là tính cách của tôi, vì tôi rất lạc quan và có khả năng điêu luyện trong việc chuyển hóa điều tiêu cực thành tích cực.

Tôi thật sự có rất nhiều đặc ân, với vợ tôi, những đứa con của tôi, gia đình, bạn bè và công việc của tôi, tôi còn mong muốn điều gì nữa? Tôi nhận được quá nhiều, và điều này thậm chí trở thành một vấn đề với tôi – vậy thì tôi nên cho đi điều gì đây, và bằng cách nào? Liệu tôi có nên đền đáp bằng cách tham gia vào Lang Lang để cứu lấy loài voi? Tôi có nên giải quyết vấn đề về nước sạch cho đám trẻ? Tôi không biết nữa. Tôi phải tìm ra một giải pháp nào đó sau khi đã rút khỏi thế giới đồng hồ.

Ông có thể thấy gì từ tương lai của nền công nghiệp đồng hồ?

Tôi nhìn thấy tiềm năng vô tận trong đồng hồ. Nghệ thuật là vô biên. Đồng hồ được tạo dựng trên nền tảng đó vì nó đã đến từ hàng thế kỷ trước và vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tôi đã trông thấy những bộ sưu tập và kiệt tác đồng hồ từ những năm 1800 mà vẫn có thể hoạt động được, đó chính là sự vĩnh cửu, giống như thông điệp mà Patek Philippe truyền đi vậy. Chúng ta cần được kết nối với sự vĩnh cửu ấy, vì giờ đây mọi thứ thật ngắn ngủi.

Trước đây, chúng ta còn chụp ảnh và đưa vào album. Giờ đây, chúng ta chụp hàng triệu bức ảnh nhưng lại không đưa vào album, chúng ta chia sẻ những điều nhỏ nhặt trên mạng xã hội, song lại quên mất những điều hệ trọng nhất. Chúng ta chụp thật nhiều ảnh nhưng không nhìn lại. Khi tôi mất, chiếc điện thoại có khóa bằng mật mã của tôi có lẽ cũng sẽ mất đi, mà tôi và mọi người sẽ không còn có thể nhìn lại.

Trong một thế giới ngắn ngủi mà mọi thứ dễ trở nên lỗi thời, mọi thứ dễ dàng mất đi, chúng ta cần thứ gì đó vĩnh cửu, và vì thế thuật chế tác đồng hồ vẫn còn cả tương lai phía trước.

BÀI: JONATHAN HO | CHUYỂN NGỮ: LINH TÚ


 
Back to top