Huyền thoại sống Adrian Zecha – Một mình một sân
Với vai trò sáng tạo, phát triển và định vị thương hiệu cho Regent International Hotels vào thập niên 70, Adrian Zecha đã đưa Regent nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu phân khúc khách sạn hạng sang tại châu Á và mở rộng sang cả châu Âu và Hoa Kỳ vào những năm sau đó.
“Tôi không chạy theo xu hướng. Nếu có, tôi đã không thành lập Aman,”
“Tôi không chạy theo xu hướng. Nếu có, tôi đã không thành lập Aman,” là lời khẳng định của Adrian Zecha – cựu nhà báo kiêm nhà sáng lập chuỗi nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới Aman Resorts, và mới đây là thương hiệu khách sạn Azerai Hotels.
Hơn 45 hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Adrian Zecha đã cắt băng khánh thành vô số khách sạn và thành lập nhiều công ty quản lý khách sạn từ Regent International Hotels, Rafael Hotels, Beaufort Hotels cho đến General Hotel Management. Với vai trò sáng tạo, phát triển và định vị thương hiệu cho Regent International Hotels vào thập niên 70, Adrian Zecha đã đưa Regent nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu phân khúc khách sạn hạng sang tại châu Á và mở rộng sang cả châu Âu và Hoa Kỳ vào những năm sau đó.
Với vai trò sáng tạo, phát triển và định vị thương hiệu cho Regent International Hotels vào thập niên 70, Adrian Zecha đã đưa Regent nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu phân khúc khách sạn hạng sang tại châu Á và mở rộng sang cả châu Âu và Hoa Kỳ vào những năm sau đó.
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm giải thưởng thành tựu trọn đời Lifetime Achievement Award tại Diễn đàn Đầu tư Quốc tế International Investment Forum lần thứ 21 diễn ra ở Berlin, Đức vào tháng 3 năm 2018.
Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng ông chính là một huyền thoại sống, một cây đại thụ trong ngành công nghiệp không khói bởi tầm nhìn tiên phong, cách tiếp cận không khoan nhượng và trực giác vô cùng nhạy bén của một người luôn biết rõ những gì mình đang làm.
Aman và khái niệm “AmanJunkie”
Bắt đầu từ khu nghỉ dưỡng đầu tiên Amanpuri tại Phuket, Thái Lan vào năm 1987, Aman Resorts, dưới sự điều hành của Adrian Zecha cho đến năm 2014, đã có 30 khu nghỉ dưỡng tại 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới 33 và Aman vẫn là một chuẩn nghỉ dưỡng xa hoa đẳng cấp quốc tế khó có thương hiệu nào sánh kịp.
Aman hấp dẫn tầng lớp thượng lưu và khách hàng sành sỏi không phải bởi sự phô trương hay những danh xưng huyễn hoặc, cũng không phải bởi vẻ lộng lẫy kiêu sa của những chùm đèn pha lê hay các chi tiết trang trí hào nhoáng, mà ở phong cách đơn giản đến tối giản đi cùng chất lượng dịch vụ vô song. Không có thủ tục nhận phòng hay ký tên phiền phức trong suốt thời gian bạn lưu trú tại Aman. Sự chuyên nghiệp, linh hoạt và khả năng chú ý đến từng chi tiết của đội ngũ nhân viên Aman sẽ khiến bạn bất ngờ, và họ gần như đoán được những gì bạn muốn ngay cả trước khi bạn lên tiếng.
Một điều đặc biệt nữa là thương hiệu nghỉ dưỡng siêu sang chảnh này hiếm khi quảng cáo, không hợp tác với các KOL hay travel blogger và gần như chưa bao giờ giảm giá phòng. Bạn không thể tìm thấy các khu nghỉ dưỡng của Aman trên Agoda, Tripadvisor hay bất kỳ trang đăng ký trực tuyến nào ngoài chính trang web của thương hiệu hoặc thông qua các hãng lữ hành cao cấp được ủy thác riêng. Các chiến lược tiếp thị, nếu có, luôn hướng tới đối tượng cụ thể và rõ ràng.
Là chuẩn mực được tạo ra trên một sân chơi riêng, tự thân mỗi khu nghỉ dưỡng Aman đã là một điểm đến bởi vị trí biệt lập giữa những quần thể thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, chẳng hạn như Amangiri nằm giữa sa mạc ở Utah; Amanemu “một mình một cõi” tại thiên đường suối nước nóng ở vịnh Ago, Nhật Bản trong khi Amankora biệt lập giữa thung lũng xanh ngát ở xứ sở hạnh phúc Bhutan và được bao quanh bởi những đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, hay như khu nghỉ dưỡng Amanơi ẩn sâu trong rừng giữa vườn quốc gia Núi Chúa, Việt Nam.
Ngay từ đầu, Aman vốn đã là một ý tưởng “bất thường” đối với một không gian nghỉ dưỡng xa xỉ khi nhà sáng lập người Indonesia muốn xây một căn biệt thự ở vị trí khó tiếp cận trên hòn đảo Phuket. Ông yêu cầu loại bỏ hết mọi chi tiết, từ kiểu kiến trúc cầu kỳ, phong cách trang trí rườm rà cho đến những món đồ nội thất lấp lánh, thay vào đó là một không gian đơn giản, tĩnh tại khiến bạn cảm giác như đang làm chủ nơi này mà chỉ cần với tay ra là có thể chạm vào thiên nhiên, cây cỏ xung quanh.
Có thể nói, Aman giống như thứ trái cấm mà một khi đã lỡ nếm thử, bạn sẽ khó lòng từ bỏ hay tìm thấy thứ nào khác có thể thay thế được. Và cũng bởi vì lẽ đó mới xuất hiện cụm từ Amanjunkies – tên gọi dành cho các tín đồ hay những người hâm mộ của Aman. Đây là những khách hàng thường xuyên chọn Aman cho các kỳ nghỉ dưỡng của họ và được cho là chiếm khoảng 50% doanh số của thương hiệu này. Trong tiếng Anh, junkie có nghĩa là người nghiện ma túy, kẻ nghiện ngập. Hiếm có thương hiệu khách sạn nào trên thế giới có được thứ “quyền năng siêu hạng” khiến khách hàng tự gọi mình bằng một tên gọi lạ lùng như thế trong khi vẫn cảm thấy rất đỗi tự hào. Về khía cạnh này, đến nay, chỉ có Aman mới đủ tự tin làm được!
Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng ông chính là một huyền thoại sống, một cây đại thụ trong ngành công nghiệp không khói bởi tầm nhìn tiên phong, cách tiếp cận không khoan nhượng và trực giác vô cùng nhạy bén của một người luôn biết rõ những gì mình đang làm.
Hậu Aman và hành trình mới mang tên Azerai
Đó là câu chuyện về Aman, về một chuẩn nghỉ dưỡng xa hoa đã làm nên tên tuổi lừng lẫy của Adrian Zecha. Vào năm 2007, ông bán toàn bộ cổ phần của mình ở Aman Resorts cho DLF, tập đoàn bất động sản lớn nhất Ấn Độ, nhưng vẫn đảm trách vị trí chủ tịch kiêm CEO cho thương hiệu này nhiều năm sau đó. Giờ đây, tất cả đã ở lại phía sau, và ở tuổi 85, ông lại bắt đầu với Azerai Hotels – một thương hiệu khách sạn hoàn toàn mới với tiêu chí “affordable luxury” hay còn gọi là du lịch hạng sang với giá phải chăng.
Azerai không phải là một ý tưởng mới mà đã được Adrian ấp ủ từ khoảng thập niên 90. Vào thời điểm đó, trong khi số lượng Amanjunkies vẫn âm thầm gia tăng thì Adrian lại nhìn thấy một nhu cầu tiềm ẩn khác rất lớn tại thị trường Đông Nam Á. Khi đó, ông tự hỏi liệu có thể tạo ra một khách sạn mang “hồn” Aman nhưng với mức giá “dễ chịu” hơn cho nhu cầu du lịch nơi đây. Để thử nghiệm ý tưởng này, vào năm 1992, ông đã ra mắt thành công khách sạn Serai tại Bali. Azerai chính là tên bắt nguồn từ chữ Serai (caravanserai) nhưng đã được thay chữ S bằng AZ – chữ viết tắt của Adrian Zecha.
Năm 2017 đánh dấu sự xuất hiện của khách sạn Azerai đầu tiên, nép mình bên dòng Mê-kông hiền hòa tại cố đô Luang Prabang của Lào. Tiếp nối thành công tại xứ sở triệu voi, vào đầu năm 2018, khách sạn thứ hai của Azerai Hotels chính thức được ra mắt tại Cần Thơ, thủ phủ miền Tây và là thành phố cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê-kông. “Với tôi, Cần Thơ là điểm đến thú vị đầu tiên tại Việt Nam bởi nó là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh thành thuộc vùng châu thổ sông Mê-kông rộng lớn, trong khi đó điểm dừng chân của Azerai lại là một nơi hoàn toàn nguyên sơ và đậm nét văn hóa bản địa,” Adrian cho biết.
Mang đặc trưng vùng sông nước, Azerai Cần Thơ nằm ở vị trí hoàn toàn biệt lập trên một cồn đất có tên gọi Cồn Ấu, cách bến Ninh Kiều chưa đầy 10 phút đi ca-nô. Sáu mươi phòng được thiết kế theo phong cách tối giản với lối kiến trúc mở và ban công riêng hướng vườn, hồ sen và nhìn ra sông Hậu thơ mộng. Bên cạnh các tiện nghi hiện đại như spa, bể bơi, phòng tập gym, phòng tập yoga, sân tennis và cả khu vui chơi cho trẻ em, Azerai Cần Thơ còn sở hữu một bãi đỗ trực thăng riêng, khẳng định đẳng cấp của một thương hiệu khách sạn do bậc thầy Adrian Zecha sáng lập.
Khi được hỏi về tiêu chí “affordable luxury” của thương hiệu khách sạn mới, nhà sáng lập cho biết dù cơ sở vật chất có quy mô nhỏ hơn so với Aman Resorts nhưng chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Azerai Hotels vẫn luôn đảm bảo và không có gì khác biệt. Thế nhưng, “quy mô nhỏ” có lẽ là cách nói khiêm tốn của một người chỉ muốn âm thầm làm tốt những gì mình đang làm. Nếu đã từng trải nghiệm bất kỳ không gian nghỉ dưỡng nào của Aman, bạn sẽ bất ngờ khi bước chân vào Azerai Cần Thơ bởi có thể cảm nhận trọn vẹn cái hồn của Aman từ việc lựa chọn vị trí cho đến phong cách kiến trúc. Bên trong mỗi phòng là không gian mở với trần cao, nội thất toàn bằng chất liệu gỗ với tông màu ấm áp cùng cách bài trí đương đại. Mặc dù phòng nghỉ của Azerai có kích cỡ nhỏ hơn so với Aman nên sẽ không có bồn tắm riêng trong phòng, nhưng Azerai lại không hề thua kém Aman xét về mức độ tinh tế trong từng đường nét và các chi tiết thiết kế.
Bất kể mục tiêu ban đầu là phát triển cho thị trường Đông Nam Á nhưng Adrian cho biết ông sẽ không giới hạn hoạt động ở khu vực này mà có thể sẽ mở rộng ra một số điểm đến khác, chẳng hạn như Nam Mỹ hoặc châu Mỹ Latinh bởi nền văn hóa đặc sắc của hai khu vực này luôn hấp dẫn ông. Nhưng cho dù tọa lạc ở vị trí nào thì phương châm của Azerai Hotels luôn hướng tới những điểm đến mang đậm nét di sản và văn hóa bản địa, và Azerai La Residence Hue – khách sạn Azerai thứ hai tại Việt Nam của nhà sáng lập tài ba này – cũng vừa được chính thức ra mắt tại cố đô Huế vào tháng Hai vừa qua.