Trò chuyện Art Republik: Dickon Drury – “Nghệ sỹ sẽ là những nhà ảo thuật dở”
Dickon Drury năm nay 34 tuổi, đến từ Salisbury (Vương quốc Anh) và tốt nghiệp trường Slade School of Fine Art (London). Các tác phẩm của anh gần đây đã được triển lãm tại Rome, Stavanger, New York và London. Anh hiện sống ở South London với vợ và con trai. Khi không vẽ tranh, Drury thường ở trong khu vườn nhỏ của mình hoặc ghé thăm một trong những phòng trưng bày của London.
Các tác phẩm vui nhộn gần đây của Dickon Drury đã đem lại sức sống mới cho những đồ vật thường ngày như bút chì, bình cá và cây trồng – khi không có sự giám sát của con người, chúng trở thành những chủ nhân đích thực của các không gian nội thất. Với nét bút đầy khí lực và màu sắc rực rỡ, những bức tranh sinh động của anh mô tả hàng loạt hình ảnh quen thuộc lẫn kỳ lạ. Một số vật có hình dạng thon dài và hình thái sinh vật như thể đang biển đổi.
Các tác phẩm của Drury không chỉ thỏa mãn thị giác mà còn nhắc đến nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử mỹ thuật, công việc làm vườn, âm nhạc và khoa học. Trong khi ám chỉ chính nghệ thuật hội họa, các bức tranh này vượt ra khỏi memento mori[1] và làm mờ ranh giới giữa tự nhiên và đồ vật, thực và ảo, nghiêm túc và hài hước.
Các cảnh nội thất kỳ khôi trong tranh của Drury khơi gợi trí tò mò tựa như các trò chơi tìm đồ vật ẩn, truyền cảm hứng cho người xem giải đáp các bí ẩn và câu đố hư cấu. Trong khi các trò chơi tìm đồ vật ẩn thường hồi hộp ly kỳ, nghệ thuật của Dickon Drury lại mang đến trải nghiệm “làm thám tử” vui vẻ và hài hước. Trong bài phỏng vấn này, chàng họa sỹ trẻ sẽ đưa ra gợi ý cho những câu đố hóc búa mà ta có thể tìm thấy trong tranh của anh.
Chúng ta sẽ bắt đầu với câu trả lời cuối cùng của anh trong bài phỏng vấn trên Tạp chí Tank: “Nghệ sỹ sẽ là những nhà ảo thuật dở; họ luôn muốn chỉ cho bạn cách thực hiện trò ảo thuật.”[2] Nếu vậy, các trò ảo thuật của anh đã được thực hiện như thế nào?
Đây là một câu hỏi lớn. Với tôi, trích dẫn này nhắc đến việc tôi thường vẽ các dụng cụ được dùng để thực hiện tác phẩm, việc vẽ cây cọ vẽ đem đến cho tác phẩm một nhận thức hàm ẩn về chính sự hình thành của nó.
Về phương pháp làm việc nói chung, tôi thường vẽ rất nhiều trong sổ phác thảo. Tôi phác thảo hình họa của các vật hoặc bố cục mà sau này có thể xuất hiện trong tranh. Việc lên kế hoạch trên giấy sẽ tốt cho việc ghi nhớ các ý tưởng và cử chỉ. Về sau, khi bắt tay vào vẽ tranh, tôi cất những cuốn sổ đi và vẽ từ trí nhớ.
Tôi vẽ trên các loại vải thô với cọ vẽ cũ, điều này khiến tôi gặp khó khăn khi muốn tả quá nhiều chi tiết. Mấy năm gần đây, tranh của tôi vẫn khá chi tiết, nhưng tính vật chất của bề mặt mang lại sự ma sát mà tôi hy vọng sẽ khiến hình ảnh sống động khi nhìn gần.
Đôi khi trong hội họa, bạn phải tạo cản trở để ngăn mọi thứ diễn ra quá trơn tru.
Anh khởi đầu hành trình nghệ thuật của mình như thế nào? Anh bắt đầu vẽ từ khi nào?
Tôi vẫn luôn vẽ. Tôi đã từng chép lại các nhân vật từ truyện tranh yêu thích của mình, sau này khi lớn hơn một chút, tôi vẽ minh họa cho những cuốn sách không có hình. Ông tôi là giáo viên mỹ thuật và đã chuyển đến sống gần nhà chúng tôi khi tôi khoảng 11 tuổi. Kể từ đó, tôi đến nhà ông hàng tuần để làm bài tập mỹ thuật. Chúng tôi hoặc được giao bài chép lại các bức tranh Phục Hưng hoặc vẽ các đồ vật trong nhà như hòn đá hay chiếc lông vũ. Tôi nhớ mình đã vô cùng tự hào về bức vẽ một chiếc thìa trong cốc nước.
Anh nói rằng anh không còn có ý định vẽ các tác phẩm hài hước nữa và đang hướng tới một phong cách riêng. Phong cách hiện tại của anh đã được phát triển như thế nào và cá tính bản thân đã định hình thẩm mỹ của anh ra sao?
Lại một câu hỏi lớn khác! Bạn bè có lẽ sẽ mô tả tôi là một người hay đùa, nhưng với nghệ thuật, tôi cực kỳ nghiêm túc. Tôi nghĩ sự tương phản này bộc lộ rõ trong thẩm mỹ của tôi. Tranh tôi đã dần trở nên chân thật hơn. Khi trở nên tự tin hơn trong công việc, tôi có thể nhìn nhận nó một cách nghiêm túc hơn. Tôi không thấy mình cần dùng tính hài hước làm chỗ dựa như tôi có thể đã làm trong quá khứ.
Tuy nhiên, việc nói rằng tôi không có ý định vẽ bất kỳ bức tranh hài hước nào nữa là có chút cường điệu. Tôi luôn cố gắng có một khoảng thời gian vui vẻ khi làm việc và tôi chắc chắn vẫn vẽ tranh khôi hài. Chỉ là không nhất thiết phải bày chúng trong phòng tranh.
Tôi làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa và vẽ một số bức để mua vui cho cậu con trai nhỏ. Có một bức mà con tôi yêu thích tên là Chó nhà mơ thấy sofa là ô-tô. Tranh tả một nhóm những con chó lười biếng đang phóng xuống đường cao tốc trên chiếc ghế sofa có đèn pha và bánh xe.
Ngoài tranh tĩnh vật Hoàng Kim Hà Lan, tranh của anh làm tôi nhớ đến những “bộ sưu tập kỳ lạ” [3], cho thấy chủ nhân của chúng là những nhà sưu tầm có học thức với sở thích sành điệu và kỳ dị. Anh cũng sưu tầm đồ gốm studio, nghệ thuật và đĩa hát. Nghệ thuật sưu tầm có ảnh hưởng thế nào đến các tác phẩm của anh?
Tôi yêu các bộ sưu tập và nhà sưu tầm, họ thường kỳ quặc và bị ám ảnh. Bộ sưu tập thường bắt đầu một cách gọn gàng với ý tốt, nhưng sau đó lấy đà và vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi bạn là nhà sưu tầm và người sáng tạo, các đồ vật trong nhà bắt đầu như những thực thể riêng rẽ, chiếm giữ những không gian riêng biệt. Dần dần, theo thời gian, chúng bắt đầu sáp vào nhau và cuối cùng hợp nhất. Các đồ vật chuyển từ không gian thực của nhà bạn sang không gian ảo của một bức tranh hay hình vẽ.
Vợ tôi khẳng định rằng tôi bắt đầu mua những quả chanh vàng trông giống như các phiên bản biếm họa trong tranh của tôi, vì vậy, việc đó đang diễn ra theo hai chiều. Tôi thấy giống như những gì Oscar Wilde từng nói, “Cuộc sống mô phỏng Nghệ thuật nhiều hơn hẳn so với Nghệ thuật mô phỏng Cuộc sống”.
Cũng như tranh tĩnh vật Hà Lan, những chủ đề bí ẩn trong các tác phẩm của anh mời gọi người xem giải mã các ẩn ý; ví dụ, cây bonsai tượng trưng cho sự trường thọ. Thiên nga là một trong những hình ảnh bí ẩn nhất. Nó có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Con thiên nga chết chắc chắn là một trong những mô-típ rùng rợn hơn những gì tôi vẫn dùng. Đó là hình ảnh chính trong một triển lãm mà tôi thực hiện với Galleri Opdahl vào năm 2018. Tôi sử dụng nó để thể hiện một tổn thương đang hình thành của nghệ sỹ hư cấu ở tâm điểm câu chuyện của cuộc triển lãm.
Ngoài việc là một con vật đẹp để vẽ, thiên nga còn có thêm một số ý nghĩa khác. Chim sống dưới nước làm thành mô-típ “tại ngưỡng”[4] hay khi chúng giao thoa giữa ba cõi khác nhau của đất, trời và nước. Bản chất siêu trần này được phản ánh trong thần thoại Hy Lạp và câu chuyện về Leda và Thiên Nga được nhắc đến trong một bức tranh khác trong triển lãm.
Ở Anh, phần lớn thiên nga thuộc sở hữu của Nữ hoàng và cho đến gần đây, giết hoặc ăn thịt thiên nga bị coi là phản quốc. Ý tưởng về sự tổn hại xảy ra với sinh vật thuộc cõi khác, được hoàng gia bảo vệ này dường như trở nên đặc biệt tàn bạo và hy vọng kích thích cảm xúc về sự phản bội hoặc sự ngây thơ bị đánh mất.
Một mô-típ quan trọng khác là những chiếc chìa khóa, chúng thường được đặt ở tiền cảnh. Tôi phát hiện ra một chiếc trong Làm Chiếc Chìa (2019). Anh có thể giải thích về bức tranh này?
Tôi thường liên hệ tranh tôi với chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo và những chiếc chìa khóa phù hợp với thể loại này một cách tuyệt vời. Chúng mở khóa các loại cổng và cho phép người cầm khóa di chuyển giữa các ngưỡng. Trong tiếng Anh, từ “key” được dùng theo nhiều nghĩa. Từ này diễn tả một “giải pháp”, “đầu mối” hoặc “lời giải”. Từ này còn đồng nghĩa với “trọng yếu” hay “quan trọng” và có thể biểu thị “độ cao thấp” trong âm nhạc hay “sắc thái” màu sắc. Tôi cũng thích những chiếc chìa khóa như những đồ vật, thực tế rằng chúng là vật cầm tay và nhân tạo ám chỉ sự hiện diện trong quá khứ và tương lai của con người.
Bức tranh Là Chiếc Chìa là tác phẩm tiêu đề trong triển lãm cùng tên mà tôi thực hiện năm ngoái. Triển lãm nói về chủ đề trông nhà hộ và chỉ ra sự thay đổi trong mối quan hệ mà ta có thể có với một ngôi nhà không phải của mình. Ban đầu thì yên lặng và rụt rè, trước khi trở nên quá thoải mái. Bức tranh miêu tả một chiếc đại dương cầm được dùng làm bàn trong hoặc sau bữa tiệc.
Cùng với chìa khóa nhà, có nhiều đồ vật khác trên chiếc dương cầm bao gồm đồ uống, thức ăn thừa và các bản nhạc. Tiêu đề của bản nhạc là Là Chiếc Chìa (Trong Ổ Khóa Của Bạn). Bản nhạc trên các trang giấy hoàn toàn là hư cấu, nhưng tôi nghĩ có thể chơi được.
Góc nhìn tấm thảm ở hậu cảnh chếch hẳn lên và các tua của nó bắt đầu có công dụng như chiếc khung được vẽ. Vẽ nhanh bằng các que sơn dầu, tôi muốn họa tiết thảm thể hiện một tính nhạc hoang dại. Con trai tôi được sinh ra trong quá trình vẽ bức này và tên con tôi xuất hiện tại vị trí tên thương hiệu đàn.
Các không gian trong nhà vui tươi và mộng mơ trong tranh của anh dường như là nơi lý tưởng để tự cách ly trong đại dịch. Nếu có chiếc chìa khóa phép thuật để mở cánh cửa vào một trong những bức tranh của anh, tôi sẽ rất vui được ở trong Hoàng Hôn Studio (2018). Thế còn anh?
Vâng, hẳn phải là một trong những bức vẽ studio. Studio Vườn 1 có lẽ mô tả khung cảnh lý tưởng với tôi vào lúc này, nhưng tôi nghĩ mình sẽ chọn một bức năm 2017 về studio thật của tôi ở Brixton. Bức này không giống các tác phẩm khác ở chỗ nó miêu tả một nơi có thật. Chỉ với các tông màu đỏ, hồng và trắng, bức tranh tả bàn làm việc của tôi với bức tường và kệ phía sau. Ngoài các dụng cụ, laptop và sổ vẽ phác thảo của tôi, còn có một poster trên tường vẽ Studio của Philip Guston. Toàn bộ bức tranh thật sự là để tưởng nhớ ông ấy. Tôi chưa từng trưng bày tác phẩm này và đây là một trong số ít tác phẩm tôi giữ cho riêng mình. Sau khi cách ly và cố vẽ các bức tranh nhỏ trong bếp, tôi rất muốn được ở trong bức tranh đó.
Nếu có cơ hội tái hiện một tác phẩm nghệ thuật tại nhà trong đại dịch, anh sẽ làm gì?
Vợ chồng tôi có thể tái hiện một trong những bức chân dung đôi của Hockney chăng? Các nhân vật đều ở trong nhà và cách khá xa nhau nên có vẻ phù hợp. Thật thích thú khi làm một bức hấp dẫn như Ông bà Clark và Percy – tôi có thể vẽ hậu cảnh. Con trai tôi có thể là con mèo.
Cuối cùng, anh có thể chia sẻ về các tác phẩm mới nhất hoặc dự án sắp tới của mình?
Trước khi nước Anh bị phong tỏa, tôi đã vẽ một số bức lớn về xe đẩy hàng bằng tre được dự kiến trưng bày cùng Galleri Opdahl tại Art Cologne vào tháng trước. Những chiếc xe đẩy là sự kết hợp giữa các xe đẩy đồ uống kiểu cũ và chiếc xe đẩy đựng màu, cọ vẽ, bảng pha màu trong studio của tôi. Ở bức thứ hai trong số hai bức tranh, xe đẩy đã phát triển thành một cấu trúc khá kỳ ảo, như một “Lâu Đài Di Động của Howl” chứa các đồ vật trong gia đình. Cụm từ “bữa tiệc di động” đã chiếm giữ tâm trí tôi khi tôi vẽ chúng và giờ thì Art Cologne bị hoãn đến tháng 11, đây có lẽ là một sự đồng bộ. Tôi cũng dự định thực hiện một triển lãm cá nhân với Koppe Astner vào tháng 11 và đang thực hiện một dự án đầy hào hứng với một nhà mốt Pháp.
Trần Đan Vy
[1] Memento mori là cụm từ La-tinh có nghĩa là “hãy nhớ (ngươi sẽ phải) chết”. Một tác phẩm nghệ thuật “memento mori” thường mô tả các vật như đầu lâu, đồng hồ cát và ngọn nến bị tắt để nhắc người xem về sự ngắn ngủi của cuộc sống.
[2] Dickon Drury, CONVERSATION | Dickon Drury, phỏng vấn bởi Laura Henderson-Child, https://tankmagazine.com/tank/2020/01/dickon-drury/.
[3] Những bộ sưu tập kỳ lạ hay căn phòng kỳ diệu là những bộ sưu tập nhiều thứ ngoại lai và gây ấn tượng. Chúng xuất hiện vào giữa thế kỷ 16 ở châu Âu và được coi là tiền thân của bảo tàng.
[4] Nguyên văn: “liminal”, tính từ có nghĩa là nằm ở một ranh giới hoặc điểm chuyến tiếp giữa hai trạng thái, giai đoạn trong một quá trình, cách sống,…