ART & LIFE

“Xúc cảnh” của họa sĩ Trần Quốc Giang: Thiên nhiên nên thơ vỗ về tâm thức người xem

Apr 27, 2021 | By Trang Ps

Trong không gian Hôtel des Arts Saigon – Mgallery sang trọng và trang nhã, tiếng đàn piano trầm bổng du dương, ly whisky Mortlach ấm nồng,… tất cả dẫn đưa quan khách bước vào cuộc thưởng lãm “Xúc cảnh” thật thăng hoa.

“Tôi đắm mình vào những cánh rừng bởi tôi muốn sống chậm và có chủ đích.  Trước sự thật thiết yếu này của cuộc sống, tôi muốn khám phá bản thân có thể lĩnh hội được điều gì, và trước khi chết, tôi mới biết liệu mình đã từng thực sự sống…”  Đó là chia sẻ của nhà văn, triết gia, nhà tự nhiên học Henry David Thoreau, cha đẻ của tác phẩm lừng danh “Một mình sống trong rừng”. Cuộc đời của Thoreau nhập một vào thiên nhiên và lấy thiên nhiên làm gốc cảm hứng trong những tư tưởng triết học và nghệ thuật.

Chiêm ngưỡng 25 bức tranh thuộc series “Xúc cảnh” của họa sĩ Trần Quốc Giang, ta chợt nhớ đến Thoreau, và cũng chợt được vỗ về và tưới tắm trong nguồn năng lượng tràn đầy sức sống và cũng thật nên thơ ấy của thiên nhiên.

Về đặc điểm địa lý, phong cảnh của Trần Quốc Giang lấy cảm hứng từ những không gian hết sức bình dị ở chốn Lái Thiêu và Gò Công (Tiền Giang) – nơi chôn rau cắt rốn của anh. Đó là con đường quê rợp bóng cây xanh, mặt trời soi chiếu khoảng không gian rộng lớn, dòng sông hiền hòa thơ mộng, hay một góc nhỏ tĩnh lặng của hồ ao bình dị,… Nhưng tất cả được biến hóa tài tình thông qua không gian tâm thức thơ mộng và nhẹ nhàng của người họa sĩ.

Tranh phong cảnh của Giang không thể hiện tính đột phá hay mới mẻ trong bút pháp, cũng không thể hiện một thẩm mỹ khác biệt trong dòng sáng tác quen thuộc này, nhưng nhờ tính ổn định và chăm chút, phần đông người xem dễ dàng có cảm tình và đồng điệu.

Trần Quốc Giang có cách đưa màu phiêu bổng, nhẹ nhàng và mượt mà. Cường độ đậm lặp đi lặp lại khá nhiều, khiến ta liên tưởng đến trường phái dã thú (fauvism hay les fauves). Chủ đề tươi sáng cùng phương cách dùng màu sắc sống động ấy đã khiến series dễ chạm vào tâm thức người xem.

Cũng chính đặc tính này mà “Xúc cảnh” giống như làn gió mát rượi thổi đưa điệu nhạc quen thuộc vỗ về và nuông chiều ta giữa khung cảnh quê hương thanh vắng và mộc mạc. Thật vậy, tranh Giang chẳng có hình bóng con người nhưng lại tràn đầy hình bóng cảm xúc, lúc dữ dội lúc bình yên, lúc hạnh phúc lúc cũng thật trầm buồn.

Như giám tuyển triển lãm, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ: “Xúc cảnh” làm ta liên tưởng đến bài thơ ‘Trại đầu xuân độ’ (Bến đò mùa xuân) của Nguyễn Trãi: Ðộ đầu xuân thảo lục như yên/ Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên/ Dã kính hoang lương hành khách thiểu/ Cô chu trấn nhật các sa miên. (Tạm hiểu: Cỏ xuân ở bến đò xanh biếc như khói. Lại thêm mưa xuân nước tiếp ngang trời. Ðường đồng vắng vẻ, ít người qua lại. Con đò cô độc gối bãi cát mà ngủ).”

Bếp trưởng điều hành Angela Brown của khách sạn Hôtel des Arts Saigon – MGallery đã chuẩn bị một thực đơn đặc biệt cho sự kiện dựa trên tinh thần bộ sưu tập. Bên cạnh những nguyên liệu ngoại nhập như nấm truffle, Angela còn sử dụng những nguyên liệu hữu cơ từ những nguồn cung cấp trong nước như cua đồng, gạo lứt, hạt cacao nghiền vụn…, cùng cách bày trí hữu ý tạo nên hình ảnh mây trời, sông núi, những dải đất phù sa, hay nền đất đá gập ghềnh đặc thù của vùng đất miền Tây.

Cuộc thưởng tranh càng thêm thăng hoa khi quan khách có dịp khám phá bộ sưu tập Special Releases 2020 RARE BY NATURE mang đến bởi thương hiệu Diageo Vietnam. Những chai rượu trong kiệt tác này đều đã trải qua quá trình pha chế của các bậc thầy whisky, phảng phất chất vị độc đáo của vùng rượu Scotland nổi tiếng.

Đồng điệu với tên gọi triển lãm “Xúc cảnh”, bộ sưu tập whisky mang tinh thần RARE BY NATURE (Tinh túy từ thiên nhiên), được tuyển chọn từ 8 nhà chưng cất lừng danh như Singleton, Mortlach, Dalwhinnie hay Pittyvaich là “ghost distillery”… với số lượng giới hạn trên toàn thế giới, chỉ xuất hiện một lần duy nhất và mang tính sưu tầm cao.


Triển lãm “Xúc cảnh” của Trần Quốc Giang kéo dài đến hết ngày 28/4 tại Hôtel des Arts Saigon – MGallery (76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3).


 
Back to top