Họa sĩ Nguyễn Thu Hương: “Khoảng trống luôn là sự cân bằng hài hòa của ngôn ngữ trong tranh”
Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương không chỉ mang đến nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn, mà ở đó, người xem có cơ hội vượt thoát khỏi định kiến rằng lụa mỏng manh để chạm vào nét đẹp mềm mại mà dẻo dai của nó. Cách tiếp cận này của nữ họa sĩ góp phần tạo ra những trải nghiệm xúc cảm sinh động và chân thực nhất trong lòng người thưởng thức.
Nhân duyên đến với vẽ tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương diễn ra như thế nào?
Trong gia đình, bố tôi là họa sĩ. Từ nhỏ, tôi có cơ hội chứng kiến và quan sát các cô chú và bố vẽ, nói chuyện về tranh, tất cả thẩm thấu vào tiềm thức, nên tôi không thực sự rõ bản thân đã thích hội họa từ lúc nào. Cả thời niên thiếu, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi vẽ và đạt nhiều giải thưởng.
Năm 2005, tôi làm bài tốt nghiệp đại học, và sau đó 7 năm là làm bài tốt nghiệp cao học, tôi luôn chọn chất liệu lụa để thể hiện. Cũng năm 2012 này, tôi quyết định chọn lụa làm chất liệu sáng tác chính, đơn giản vì ít người vẽ lụa, và quan trọng hơn, bản thân cảm thấy hạnh phúc khi vẽ trên thớ lụa tưởng chừng mỏng manh nhưng vô cùng dẻo dai và chắc chắn.
Lịch sử tranh lụa Việt Nam đã ảnh hưởng đến cách tiếp cận tranh lụa của chị ra sao?
Nghệ thuật tranh lụa Việt Nam còn rất trẻ, mới chỉ được phát triển từ những năm 30 của thế kỷ 20, cùng với việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Thời kỳ ấy, chỉ có một số ít họa sĩ nghiên cứu vẽ lụa, xu hướng thời kỳ này thiên về tìm tòi những mảng màu đơn giản, tìm phối sắc trong mảng hình, thường dùng màu nâu, đen, và màu sáng là màu của lụa. Bố cục chặt chẽ, nhân vật lớn, nền ít.
Sau cách mạng tháng 8/1945, cuối giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, tranh lụa đã có thêm nhiều yếu tố mới. Các họa sĩ đi sâu vào nhiều đề tài của cuộc kháng chiến, tìm tòi tạo hình không chỉ là mảng nữa mà sử dụng đậm nhạt vượt khỏi ranh giới các mảng hình. Gam sắc sử dụng rộng rãi hơn, nét kết hợp với mảng.
Cho đến nay đã có nhiều họa sĩ vẽ lụa, mang nhiều vẻ riêng và phong phú như: đơn giản cô đọng, hòa sắc mạnh mẽ, hoặc hòa sắc êm dịu.
Chính trường năng lượng phóng khoáng ấy cũng hướng tôi đến cách tiếp cận cởi mở hơn với tranh lụa.
Thực hành sáng tác của Hương luôn là trên chất liệu lụa tơ tằm, hẳn lựa chọn này phải mang đến hiệu ứng thẩm mỹ khác biệt!
Tôi vẽ trên chất liệu lụa 100% tơ tằm của miền Bắc Việt Nam, được dệt thủ công bởi bàn tay khéo léo của những người thợ lâu năm.
Xin chia sẻ qua một chút về lụa tơ tằm: trong con kén, lớp ngoài cùng gọi là sồi, lớp giữa là tơ nõn (là chẩn lụa dệt để vẽ), lớp trong cùng là áo em rút to như sợi sồi để dệt đũi.
Lụa vàng từ tơ con kén vàng, chỉ có thể chăn nuôi vào mùa hè. Trong triển lãm “Hương lụa” lần này, tôi có thêm một bức vẽ trên lụa vàng.
Lụa Việt Nam có khổ ngang 90 cm, và dài vô tận.
Vẽ chất liệu tơ tằm có một đặc điểm là thấm màu nhanh, và thắm. Nhưng bởi tôi đã quen một chất liệu nên việc nhận xét hiệu ứng khác biệt dành cho người xem sẽ khách quan hơn.
Liệu chị có sáng tác trên chất liệu lụa khác, như lụa tơ sen chẳng hạn?
Trước đây, tôi có dự một hội thảo về tơ sen Việt Nam và có ý định vẽ thử nhưng chưa quyết định cụ thể sẽ thử nghiệm nghiêm túc, bởi giá thành của tơ sen đắt gấp vài lần tơ tằm.
Bên cạnh đó, chị còn có những thử nghiệm nào với tranh lụa nói riêng và hội họa nói chung?
Tôi vẫn tiếp tục bền bỉ với tranh lụa và tìm tòi nhiều hơn nữa. Kỹ thuật suy cho cùng chỉ là phương tiện, họa sĩ không thể chỉ trông đợi ở kỹ thuật mà thay thế cho cảm xúc và gu thẩm mỹ.
Bên cạnh những bức tranh treo trên tường hoặc để trên giá, tôi muốn phá bỏ thói quen. Ví dụ, với bức “Hương lụa 2”, tôi không trưng bày trong khung kính hay mica, mà vẫn để nguyên như khi vẽ là căng trên satxi gỗ. Đây là bức duy nhất người xem có thể tương tác, nổi bật với một khoảng dệt mà người thợ đã bỏ sợi ngang, chỉ còn sợi dọc, nên dễ dàng chạm, kéo, giật sợi lụa…
Tôi cũng muốn người xem được cảm nhận trực tiếp, tác động vào tranh tôi như chạm, cầm sợi lụa trên bề mặt tranh, kéo, giật,… để không còn mặc cảm rằng lụa thật mỏng manh nữa, mà thực chất, nó cực kỳ dẻo dai và chắc chắn.
Còn về bộ tranh ghép mang tên “Dịch” (với suy nghĩ chuyển động hiện tại hình ảnh thật và chuyển động suy nghĩ…), tôi đã bồi biểu một bức lụa vào một trục tròn, bên dưới có động cơ xoay chậm, người xem đi xung quanh ngắm 4 bức bên ngoài thì bức bên trong đó sẽ tương tác về mặt thị giác, cả tranh và người cùng chuyển động, gây cảm giác thích thú.
Đây là những thử nghiệm của tôi với tranh lụa bằng ngôn ngữ hội họa.
Chủ đề cùng hình ảnh lặp đi lặp lại trong tranh lụa của Hương là gì?
Chủ đề về con người, những hình ảnh đẹp, hạnh phúc, tích cực nhất của họ.
Chẳng hạn như bức “Tôi đang nghĩ” và “Muốn thoát ra khỏi cái bóng ấy”, tôi không biết họ là ai, cái bóng ở đây là gì, nhưng ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp tiềm tàng.
Tạo hình và họa tiết trang trí lặp đi lặp lại nhưng tôi quan sát và thực hành kỹ để tránh việc gây cảm giác nhàm chán; cùng màu sắc – sắc độ là những ngôn ngữ của tranh.
Gắn bó với lụa, chất liệu này đã thay đổi cảm xúc nói riêng và nhân sinh quan của chị ra sao?
Với họa sĩ vẽ lụa, cảm xúc và thể hiện sự vật không bằng bề mặt phiến diện của nó, mà muốn đi sâu để khám phá sự thực bản chất của sự vật, để nhặt được đúng vẻ đẹp điển hình.
Lụa giúp tôi tĩnh tâm và điều chỉnh cảm xúc thật tốt đẹp khi vẽ, nhờ đó mà khắc họa được những suy nghĩ tích cực và những ưu điểm của nhân vật trong tranh.
Quan sát các bức tranh lụa của Hương, yếu tố khoảng trống đóng một vai trò khá thú vị. Yếu tố khoảng trống đó có ý nghĩa gì?
Khoảng trống luôn là sự cân bằng hài hòa của ngôn ngữ trong tranh, đôi khi khoảng trống cũng là chủ ý sáng tác của tôi.
Khi xây dựng hình trong tranh lụa, tôi luôn chú trọng về không gian giản dị, tế nhị, mà vẫn tràn đầy sức sống, có thần dù nhân vật ngồi yên lặng đi chăng nữa.
Chúng ta gặp khoảng trống ở những bố cục tranh Việt Nam xưa như tranh dân gian, tranh thờ, phù điêu cổ,… mà ngày nay, nhiều họa sĩ nước ta đã khai thác và phát triển trong nhu cầu muốn cô đọng và tập trung vào chủ đề đang hướng đến.
Với chị, như thế nào là một bức tranh lụa thành công?
Trong suy nghĩ của tôi, một bức tranh lụa thành công khi đủ ý tưởng và ngôn ngữ tạo hình. Sự sinh động trong tạo hình của tranh lụa là yêu cầu vô cùng quan trọng.
Ngoài hình còn cần để tâm đến cấu tạo của nét. Nét cấu tạo trong sự vật có nhịp điệu, và nét cũng cần chọn lọc để thống nhất với mình.
Trải nghiệm quan trọng nhất với người vẽ tranh lụa như tôi là cảm nhận trọn vẹn những gì đang diễn ra xung quanh và khi vẽ giống như ghi chép lại nhật ký bằng tranh, riêng tư và chân thật.