ART & LIFE

Họa sĩ Trương Văn Ngọc: “Vừa học, vừa hành và vừa buông”

Jun 11, 2021 | By Trang Ps

Tranh màu nước của Trương Văn Ngọc dễ dẫn đưa người ta vào trạng thái trầm tư mặc tưởng trong một khoảng không gian tâm thức khó xác định. Hướng về tinh thần phương Đông tối giản trong gam sắc và tạo hình, thực hành nghệ thuật của nam họa sĩ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu tâm hồn mạnh mẽ.

Được biết, hành trình vẽ màu nước của Trương Văn Ngọc đã trải qua một quá trình từ có quy tắc, dính mắc quy tắc đến phá vỡ quy tắc. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tôi sinh ra vốn là cậu bé ít nói, thích quan sát và suy tư. Sống trong vùng quê bán sơn địa yên bình, tôi yêu thiên nhiên và sự tĩnh lặng. Mọi thứ ở đó thật đẹp và tôi đã cầm bút vẽ từ khi còn nhỏ.

Sau khi học song đại học, những sáng tác ban đầu của tôi là hiện thực về cảnh vật thiên nhiên để lột tả cái đẹp, nắm bắt hình thái và sự vận động của nó, song song đó là chủ đề chân dung vùng cao nhằm khắc họa nét hồn nhiên và khắc khổ trong đời sống vất vả của họ. Gần đây sau khi có nhiều thời gian làm việc và đối thoại với chính mình, sáng tác của tôi có biến chuyển mạnh mẽ. Tuy vẫn xoay quanh chủ đề thiên nhiên và hoa cỏ nhưng nội hàm sâu hơn, với xu hướng trừu tượng và biểu hiện trừu tượng. Tức, hình tượng được biểu hiện (nếu có) lúc này chỉ xuất hiện như sứ giả lan tỏa những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm.

Trước đây, tôi làm việc theo đúng quy trình đã học, nhưng lâu ngày luyện nhiều thành quen tay: bút pháp và kĩ thuật có thể giỏi nhưng không có chiều sâu, nhát bút có thể điêu luyện nhưng thiếu tình cảm vì sử dụng quá nhiều lí trí và cơ bắp.

Họa sĩ Trương Văn Ngọc.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tôi phá bỏ những quy tắc và cách làm việc theo quy trình cũ, vô tình lại tìm được nhiều phương pháp và kĩ thuật mới mà mình luyện mãi không đạt được. Tôi vẽ ít đi, đọc sách và chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi nghiên cứu tâm linh với góc nhìn của khoa học nhưng hầu hết xoay quanh vấn đề đời sống con người, như cách vận hành của tâm thức hay vấn đề nhân quả trong sự vận hành của vũ trụ.

Qua đó, tôi thấy rằng nghệ thuật và tâm linh tuy hai mà một nếu biết cách hòa quyện để cả hai cùng bổ trợ cho nhau. Tâm linh khai mở cho nghệ thuật và nghệ thuật khiến đời sống tâm linh trở nên tốt đẹp hơn.

Tại sao lại là màu nước? Làm chủ màu nước hẳn là một quá trình thực hành thú vị trước khi chạm đến được khả năng vẽ màu nước với tâm hồn tự do ?

Màu nước trong trẻo, nhẹ nhàng và loang chảy, đặc biệt có thể truyền tải được cảm xúc của người vẽ một cách nhanh nhất. Đây là chất liệu linh hoạt, trong khi vẽ có nhiều biến đổi giữa chất màu và nước. Vì thế, nếu biết tận dụng có thể tạo nhiều cảm giác bất ngờ về mặt thị giác. Tôi yêu màu nước cũng bởi tính nhẹ nhàng, phóng khoáng, tự do. Tuy nhiên,  ta vẫn có thể biểu đạt tính dữ dội bằng màu nước tùy theo khả năng và cảm nhận của người vẽ.

Màu nước khó kiểm soát và không dễ chiều, vì thế, để làm chủ được nó, ta phải mất rất nhiều năm. Thế nhưng, qua nhiều năm chinh phục, làm chủ và đạt được kĩ thuật cơ bản, ta lại dễ rơi vào trạng thái “bị quen tay”.

Hành trình tìm kiếm chính mình không mô phỏng những cái người khác đã làm, kĩ thuật họ đã sử dụng. Vì vậy, sau khoảng 10 năm vẽ màu nước, tôi bắt đầu coi nó đơn thuần là công cụ và không giới hạn vào một kĩ thuật nào.

Ngày xưa, khi mới bắt đầu học vẽ, thậm chí cả nhiều năm sáng tác sau này, tôi cố gắng chép và nắm bắt những thứ nhìn thấy bằng mắt. Còn bây giờ, tôi vẽ những thứ mình cảm thấy, tức là những thứ xuất phát từ bên trong.

Muốn bên trong phong phú thì phải quan sát, trải nghiệm, tu dưỡng trong đời sống. Vừa học nhưng cũng vừa hành và vừa buông: buông đi những cố chấp, buông đi những ràng buộc của sách vở. Muốn chạm đến trái tim người xem thì bản thân phải chân thành và cởi mở trước.

Như anh chia sẻ về mối quan hệ giữa tâm linh và nghệ thuật. Vậy, hẳn là anh có những “thao tác” nhất định với tâm trước khi đi vào vẽ?

Tranh và họa sĩ tuy hai là một. Nó là hơi thở và đời sống của người họa sĩ đó. Tôi chú trọng tâm thế của mình trước khi vẽ, không bị căng thẳng, áp lực hay bị đè nén bởi ý tưởng nào. Tôi dành nhiều thời gian để chơi với con mình, uống trà, nghe nhạc còn trong lúc vẽ ít khi tôi bật nhạc vì tôi muốn có sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Nghe anh chia sẻ, tôi có cảm nhận anh nghiêng về thực hành triết lý đạo Phật?

Đúng thế! Tôi may mắn và biết ơn được biết đến Đạo Phật như một duyên lành trong những lúc nguy nan của mình. Khoảng 7 năm trước vào thời điểm khó khăn, bế tắc cả về vật chất lẫn tinh thần thì Đạo Phật như một tia sáng, một phao cứu sinh đã nâng tôi dậy với lòng từ bi mầu nhiệm.

Đối với tôi, Đạo Phật là con đường sáng, là triết lí sống gắn liền với khoa học và thực tiễn không chỉ ở trong sách vở mà linh động ở trong tư duy, thái độ sống. Khoảng 7 năm trở lại đây, tôi cùng vợ có duy trì thực hành thiền và chánh niệm mỗi ngày. Chánh niệm giúp chúng tôi nhận diện những điều kiện hạnh phúc trong nội tâm mà mình không phải mất công tìm kiếm ở bên ngoài.

Có cá nhân nào ảnh hưởng đến tư tưởng sáng tác của anh?

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là người Thầy tâm linh lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và quá trình sáng tác của tôi. Những lời dạy của Thầy giúp tôi chuyển hóa nhiều bế tắc và năng lượng tiêu cực trong quá trình sáng tác cũng như nhiều vấn đề khác trong đời sống hàng ngày.

Trong giai đoạn gần đây, tranh của Trương Văn Ngọc thường tỏa ra một khoảng không gian vắng lặng, có lúc xa xăm, có lúc dường như vô tận… trong gam sắc đi về tinh thần tối giản.

Hiện tại, con người đang ở thời đại công nghệ và máy móc, mọi thứ đã quá phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống con người. Sự mất cân bằng về tự nhiên cũng dẫn đến nhiều thảm kịch vượt quá tầm kiểm soát và khả năng đối phó của chúng ta.

Tôi được sinh ra trong gia đình nghèo ở một vùng quê yên bình nên sống gần gũi với thiên nhiên. Cũng vì thế mà tôi được sống và chứng kiến sự thay đổi và phát triển của quê hương. Đến nay, hiện đại hóa đã kéo về các vùng quê khiến nông thôn cũng dần trở nên “thành thị”, nhà đất được thay bằng các dãy nhà bê tông lớn. Công nghệ vi tính hiện đại đem đến quá nhiều dữ liệu và thông tin khiến đầu óc con người trở nên quay cuồng, mất bình tĩnh. Sự tiện lợi của các dịch vụ khiến con người cũng tiêu thụ nhiều hơn, khó thỏa mãn hơn.

Trong hoàn cảnh này, tôi muốn các tác phẩm của mình có nhiều không gian thở, giúp bản thân và người xem dễ chịu hơn. Không những màu sắc mà tạo hình cũng dần được tôi tối giản và chọn lọc, mọi thứ như chìm dần vào bên trong bức tranh.

Có thể trong tương lai những sáng tác của tôi sẽ đi sâu về hướng đơn giản hơn nữa mà vẫn không đánh mất đi nguồn năng lượng mạnh mẽ. Một nếp sống giản đơn cũng ảnh hưởng đến tư duy sáng tác, vì tư duy nhẹ nhõm sẽ tạo nên tác phẩm nhẹ nhõm. Tôi tin rằng nghệ thuật có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu cho tâm hồn.

Anh có đặt nặng vấn đề tư tưởng trong sáng tác không? Hay đơn thuần phiêu theo xúc cảm bên trong mình?

Câu hỏi này rất hay! Nghệ thuật cần có tư tưởng nhưng tôi muốn giải phóng việc ý nghĩ là phải có tư tưởng. Những hiện tượng trong tâm thức nên được biểu hiện một cách tự do nhất. Tôi không muốn áp đặt cho bức tranh phải mang những nặng nề của lí trí. Ví như một hòn đá, một ngọn cỏ đâu cần phải có tư tưởng nó mới xuất hiện mà nó có mặt như một lẽ thường tình nhưng sâu bên trong đều hàm chứa một ý nghĩa nào đó của hiện tượng tự nhiên.

Gần đây, tôi vẽ nhiều những bức tranh trừu tượng. Vẽ trừu tượng không dễ, vẽ làm sao để thấy được mình, thấy được những suy nghĩ của mình thì càng không dễ.

“Trừu tượng” là làm biến dị những hình tượng cũ, khiến nó mất đi tính chất vật lí. Thực chất, khi vẽ tranh trừu tượng, tác giả đã giải phóng khỏi các quy luật mô phỏng hình tượng một cách thông thường. Mỗi họa sĩ vẽ tranh trừu tượng đã tự định nghĩa và tạo ra một phương thức mới để phù hợp với nhận thức và mong muốn của họ. Song đôi khi cái họ làm không dễ dàng được chấp nhận và cảm nhận.

Trừu tượng là những cảm nhận về biến động bên trong tâm trí mình mà thể hiện ra ngoài để người khác thấy. Nó mang theo nhiều biến cố trong cảm xúc của họa sĩ, có khi vô thức chạm đến những âm vang của cõi lòng từ vài chục năm trước hoặc lâu hơn.

Tần suất vẽ lẫn xúc cảm sau khi hoàn thành xong một tác phẩm của anh ra sao?

Tôi vẽ khá đều đặn hàng ngày, mỗi ngày đều có những nguồn cảm hứng riêng. Việc vẽ như nhu cầu ăn cơm hay uống nước. Tôi thấy đủ sau mỗi lần buông cọ.

Một bài học từ “thất bại” nhưng anh đã tìm được giải pháp mới cho bức tranh?

Trong quá trình vẽ, tôi không lặp đi lặp lại các phương pháp, mà muốn thay đổi cách thức làm việc và phương tiện không theo một trình tự nhất định. Với cách làm việc như vậy sẽ chạm trán với sự thất bại nhưng mang đến nhiều bài học quý giá.

Có khi vẽ xong một bức tranh những không hài lòng, tôi quyết phá hỏng một cách ngẫu nhiên, từ đó lại cho hiệu ứng bất ngờ. Hoặc ban đầu, tôi cố tình để màu và giấy tự làm việc ngẫu hứng, rồi từ những thứ không như ý mà nương theo để làm cục diện hài hoà và cân đối.

Anh kỵ điều gì nhất trong thực hành sáng tạo? 

Bảo thủ, sự vô trách nhiệm với tác phẩm của mình.

Là một người vẽ tranh màu nước còn khá trẻ, vậy những nhà sưu tập của anh là ai? 

Đa số họ đều là những nhà sưu tập tư nhân người Việt, có những người còn khá trẻ với tâm hồn phong phú.

Anh có thể chia sẻ về dự án sắp tới? 

Có thể trong một đến hai năm tới, tôi sẽ giới thiệu một series tranh mới mang tinh thần hoàn toàn khác. Nhưng tình hình dịch bệnh nên cũng tuỳ theo hoàn cảnh để ứng phó, còn trong hoàn cảnh nào thì người họa sĩ như tôi vẫn làm việc đều đặn như một nhu cầu thiết yếu.


 
Back to top