ART & LIFE

20 cuộc trò chuyện nghệ thuật nổi bật của LUXUO: Người nghệ sĩ đã suy tư sáng tác ra sao?

Jan 25, 2022 | By Trang Ps

Dù 2021 là một năm đầy biến động nhưng đội ngũ biên tập mảng nghệ thuật của LUXUO và Art Republik vẫn đều đặn giới thiệu đến độc giả những bài viết chân dung sâu sắc về những nghệ sĩ luôn kiên trì thể hiện sự tài ba độc đáo trong thực hành nghệ thuật. Dưới đây, chúng tôi tập hợp 20 cuộc phỏng vấn hàng đầu với những suy tư sáng tác mang cá tính riêng của mỗi người. 

1/ Sự lặng lẽ của Tăng Huy

Với Tăng Huy, không có một trải nghiệm nào là uổng phí! Nghệ thuật chính là tấm gương soi chiếu nội tâm của người nghệ sĩ, chẳng thể nào có thể khiên cưỡng gượng ép, chẳng thể nào có thể mụ mị dối trá, và lọc lừa. Chẳng thể nào có thể giả vờ đau khổ hay yêu đương, nếu chưa một lần được dấn thân, được nếm trải mùi vị riêng của nó.

Anh cho rằng, nghệ thuật vì nghệ thuật thì đã bao hàm đầy đủ ngữ nghĩa của nghệ thuật vì nhân sinh! Nghệ thuật thì phải đẹp, cái đẹp ở đây được hiểu nôm na là cái bạo liệt của tỷ lệ, cái bồng bềnh của hình khối, cái va đập của xa gần, đậm nhạt, nhám mịn, mờ rõ, cái đẹp ở đây chính là sự nỗ lực tột cùng vươn tới sự hoàn hảo và rồi thì khoan khoái đắm chìm trong những khiếm khuyết bất ngờ lộ diện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của hiểu biết, anh thường gọi đó là những khiếm-khuyết-hoàn-hảo!

2/ Hành trình buông của họa sĩ Trần Nhật Thăng

Trần Nhật Thăng thẳng thắn chia sẻ: “Có thể nói, sau khi đã trải qua những giai đoạn cực đoan, tôi trở về chính mình, trở về với chân tâm hồn nhiên trong sáng.”

Với anh, tranh là kết quả cuối cùng của đời sống tư duy. Cân bằng trong đời sống lẫn suy nghĩ cảm xúc sẽ dẫn đến sự cân bằng trong tư duy sáng tác. Nói cách khác, để cân bằng, thì cần có hiểu biết một cách thấu triệt bản chất vấn đề. Trước đây, anh thường suy nghĩ miên man, sau đó, chắt lọc rồi ngộ ra những điều gì là quan trọng. Chính khi giản lược những suy nghĩ cảm xúc thừa thãi, không lành mạnh, thì ta lại có được những ý tưởng rất thú vị và độc đáo.

Anh chỉ cầm bút khi hứng khỏi thực sự, bên trong mình đầy ắp ý tưởng. Anh không vẽ đều đều hằng ngày. Anh không làm một họa sĩ hành nghề họa sĩ mà theo lối một nghệ sĩ. Đôi khi nhâm nhi một vài ly rượu, thắp một ngọn nến, một mình trong xưởng vẽ là khởi đầu tốt cho các bức tranh. Còn vẽ xong rồi thì buông, thái độ coi như đã xong việc rồi. Bức tranh sẽ có đời sống riêng của nó.

3/ Duy Hòa yêu thích những gì dung dị mà mang tính vĩnh cửu

Duy Hòa gắn bó với thiên nhiên và trong sáng tác tranh cũng có nhiều nguyên cớ. Sự yên tĩnh hay sự không lời trong thế giới ấy là điều khiến anh thấy dung hoà và nuôi dưỡng bản thân rất nhiều. Chủ thể trong tranh của anh không nhằm mục đích hướng riêng tới vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn nhờ đó để biểu hiện những suy tư về mối quan hệ của tâm thức với thế giới, dù anh không hẳn phân tách hai điều này như hai cá thể độc lập hoàn toàn. Càng về sau, khi nhìn thật vào các tác phẩm của đấng tạo hoá, anh càng thấy mình bé nhỏ và cần nhìn nhận lại bản thân nhiều hơn.

Giai đoạn bản lề nhất cho việc sáng tác của Duy Hòa có lẽ là năm 2016, sau bước chuyển tiếp xúc với thiền Vipassana vào năm 2015. Những tranh trong giai đoạn này quan tâm tới sự rung động và tính không lời của thế giới. Việc đặt tên tác phẩm đơn giản nhất cũng là một phần của việc mình muốn lược bớt các khái niệm trung gian để người thưởng thức có thể bước vào không gian của tác phẩm nhanh hơn và tự do hơn. Có những tranh có lẽ không đặt tên lại phù hợp hơn với mục đích này.

4/ Suy tư thời dịch của Nguyễn Mạnh Hùng

Có câu thơ thế này mà nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng rất thích: “Ngày mai chẳng biết ra sao nữa Mà có ra sao cũng chẳng sao.” Bài học mà vợ chồng anh đang học là: Nhìn rõ cái gì làm cho mình sợ. Nó có chi phối mình không? Nhìn rõ cái gì làm cho mình hãnh diện. Nó có trói buộc mình không? Nhìn rõ các mối quan hệ với người khác. Mình có dính mắc vào đó không?

Từ vài năm nay, anh thường xuyên nghĩ về cái chết của mình, sau khi chết mình sẽ ra sao? Ở cuộc đời này mình tin vào điều gì? Cũng phải nói thêm rằng việc suy niệm về sự chết là một việc làm bình thường và rất thường xuyên của những hành giả đạo Phật. Và những bức tranh anh đang vẽ liên quan đến sự chết thực ra đã được trăn trở từ vài năm trước rồi.

Nếu nhìn lại quãng đường sáng tác hơn 20 năm, anh thấy đa số các ý tưởng quan trọng sẽ đi qua các dạng thức khác nhau: phác thảo, tranh, tranh in, điêu khắc, sắp đặt 3 chiều… Các dự án lớn cũng theo lộ trình đó mà tiến hành, do vậy mà anh không lên kế hoạch cho tương lai quá xa.

5/ Phương Quốc Trí “Vẽ người như tạc tượng!”

Phương Quốc Trí có mảng tranh khác ít người biết. Mảng tranh mà anh tự nhận, là “vẽ cho riêng mình.” Mảng tranh mà anh phải chối bỏ thói quen, mày mò tìm lối… Cây viết Nguyên Hưng đã chứng kiến ngay từ đầu những bước đi loạng choạng đầy trăn trở, và cũng đầy bất an của Phương Quốc Trí. Đứng ở vị trí người quan sát, anh trân trọng và thích thú với sự bất an này. Trong sáng tạo nghệ thuật, khi còn bất an, người nghệ sĩ mới còn khám phá, còn dày vò bóc tách tâm hồn mình. Từ đó, may ra, mới làm ra được cái gì thực sự mới mẻ và chân thực.

6/ Cuộc khám phá về nỗi sợ của Nguyễn Việt Cường

Với quan điểm để tự do sáng tác, người thực hành nghệ thuật phải tự do khỏi tất cả mọi nỗi sợ hãi do chính anh ta tự thêu dệt nên, nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường vẫn đang không ngừng đào sâu nguồn gốc sâu thẳm của nỗi sợ này, để từ đó, những dự án mà anh đang và sẽ thực hiện dần được sinh ra từ một tâm thức tự tại và thanh thản.

Với anh, xã hội thường có hai thái cực. tốt – xấu, chấp nhận – từ chối, tham lam – mãn nguyện, thành công – thất bại,… Nhưng trong tâm thức anh, mọi thứ đều trôi chảy ở trạng thái liên tục dịch chuyển và tiến hoá, biến đổi và biến đổi. Vậy nên cách thực hành nghệ thuật cùa anh như một phản ứng chuyển đổi, bằng nhiều phương pháp khác nhau (vẽ, điêu khắc, sắp đặt) lên nhiều vật liệu để nó trở thành một tác phẩm có ý nghĩa và thành một loại hình nghệ thuật riêng của mình. Chính ý tưởng đó đã thôi thúc Cường theo đuổi ước mơ và không ngừng nghiên cứu để làm thêm nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác

7/ Cuộc khám phá bất tận vào cùng chưa biết của Hiền Nguyễn

Sự thật là, họa sĩ sơn mài Hiền Nguyễn đã nhiều lần đối mặt với những giai đoạn khó khăn cô đơn đến nỗi tưởng chừng không thể vượt qua. Từ thái độ cần một điểm tựa và mơ ước về một gia đình nhưng bất toàn, sau cùng, chị nhận ra chỉ có quay về bên trong, sống thật với chính mình, thì mới bớt đi những dao động trước đa biến động cuộc đời. Sự chuyển hóa tâm thức này đã khiến chị dần chạm đến đỉnh cao tự do và buông bỏ trong sáng tác, có thể gọi đó là ngộ đạo trong nghề.

Những nơi tuyệt đẹp nhất thường được biết đến do đi lạc, và có lẽ, nếu không từng lạc lối, ta lại chẳng bao giờ thấy ra bản chất cuộc đời. Như tên gọi của nó, bộ tranh sơn mài “mở” của họa sĩ Hiền Nguyễn là một cuộc khám phá tự do vào sự bất tận đầy bí ẩn của vũ trụ theo nghĩa đen nhưng lại là hành trình tìm đạo vừa cô đơn lặng lẽ nhưng cũng vừa thăng hoa can đảm của chính tác giả.

8/ Lê Minh Phong nỗ lực để nghệ thuật của mình như một con sông

Lê Minh Phong luôn nỗ lực để nghệ thuật của mình như một con sông, có thể sẽ là một con sông nhỏ trong trăm ngàn những con sông khác. Con sông đó chảy qua từng mùa với từng màu nước khác nhau, lượng nước khác nhau, nó có chảy qua thác ghềnh và chảy qua cả những cánh đồng êm ái. Dưới lòng sông ấy có một nguồn mạch chung, nguồn mạch thống nhất ấy chính là tâm thức của anh. Anh luôn băn khoăn, lo lắng khi những thực hành nghệ thuật của anh bị lặp lại, lặp lại về ý tưởng và cách thức tạo nên các ý tưởng, có nhiều khi sự lặp lại này gây ra áp lực khủng khiếp với người nghệ sĩ.

Đến nay, anh đã thực hiện được một số series tranh khác nhau, mỗi dòng tranh là một kiểu dạng ngôn ngữ biểu đạt khác nhau tùy thuộc vào cách nhìn sự vật của anh qua mỗi thời kỳ. Hiện tại, anh vẫn luôn thử nghiệm những dòng tranh khác song hành với dòng tranh mà anh đang thực hiện. Nhưng để tạo ra một kiểu dạng tư duy gây ngạc nhiên hơn những gì đã làm là điều rất khó khăn, cần tới một thái độ tự hủy triệt để trong sáng tạo nghệ thuật. Mà xưa nay mấy ai có thể tự hủy diệt mình để rồi mà tái sinh, điều này chỉ có nhiều trong các huyền thoại.

9/ Nghệ sĩ Thế Sơn: Cần cởi trói cho nghệ thuật công cộng phát triển

Là một người thực hành nghệ thuật công cộng và là giám tuyển, nghệ sĩ Thế Sơn có nhiều kinh nghiệm dày dạn trong nghề. Bằng quan sát thực tế, anh nhận thấy các dự án nghệ thuật công cộng của những vùng đất nước ngoài anh đã đi qua thường thu hút rất nhiều các nghệ sỹ địa phương cũng như nghệ sỹ quốc tế tạo nên sự cộng hưởng lan toả mạnh mẽ. Thị trưởng các thành phố đó luôn cởi mở và có những chính sách hỗ trợ, mời gọi các nghệ sỹ tham gia. Các tác phẩm thường được trưng bày từ vài tháng tới vài năm tuỳ vào tính chất để bộ mặt thành phố luôn được hấp dẫn sinh động và tươi mới thu hút các hoạt động của người dân. Sự gắn kết giữa chính quyền thành phố với các bảo tàng, trường nghệ thuật và các giám tuyển nghệ thuật tạo nên một hệ thống hỗ trợ sự sáng tạo nghệ thuật cho thành phố một cách rất hiệu quả. Cùng với đó là sự chuyên nghiệp trong truyền thông và quảng bá cũng giúp nghệ thuật công cộng thực sự trở thành một tác lực đáng kể cho sinh khí mới mẻ của một thành phố. Những điều này thực sự vẫn còn rất xa vời với tình hình thực tế ở Việt nam. Từ đó, anh đưa ra những quan điểm rất thuyết phục để nghệ thuật công cộng ở nước ta có thể phát triển…

10/ Nguyễn Văn Đủ thực hành nghệ thuật như một cuộc nghiên cứu bền bỉ

Với họa sĩ Nguyễn Văn Đủ, nghệ thuật thông thường sẽ đứng lùi lại một bước đối với sự phát triển của xã hội, kinh tế và chính trị. Nhờ đứng lùi lại mà nghệ thuật mới nhìn thấy được tổng thể cuộc sống đang diễn ra, vai trò của nghệ thuật đối với xã hội là chỉ ra vấn đề hay là đặt câu hỏi gây cảm hứng tranh luận cho sự phát triển của nền kinh tế và chính trị, giúp cho đời sống giữ được thế cân bằng chậm rãi, thảo luận cởi mở để trở nên giàu có dữ liệu hơn. Tác phẩm nghệ thuật là một câu hỏi, và tuỳ vào nền tảng riêng tư của mỗi người mà tự trả lời câu hỏi đó cho riêng mình.

Anh làm việc tập trung vào nội dung của câu chuyện được kể, chỉ khi bản thân thật sự có một câu hỏi quan trọng và sâu sắc thì anh mới bắt đầu làm tác phẩm. Khi đã trải qua một quá trình nghiên cứu dài và thu thập đủ dữ liệu, thì ý tưởng sẽ tình cờ đến, cũng giống như vô tình vấp phải cục đá té sấp mặt và bỗng dưng nhận ra vấn đề vậy. Tác phẩm cần tập trung vào sự quan trọng của ý tưởng, thì ở đây tác phẩm có 50% thuộc về nội dung mang tính văn bản trình bày câu chuyện được kể là gì, 50% còn lại là phần thể hiện thị giác. Hai phần này tương trợ nhau bằng các câu hỏi tại sao, tại sao, tại sao… kéo dài khoảng 10.000 lần hoặc hơn thì mới nhìn thấy câu trả lời ổn thoả có logic.

11/ Sung Tiêu sử dụng bản thân như chất liệu sáng tác ở nhiều tầng lớp

Sung Tiêu muốn tìm hiểu sự ô nhiễm tiếng ồn của Singapore, một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, với mật độ dân số cũng thuộc dạng cao nhất. Đây lại là một thủ phủ giao dịch tài chính trừu tượng, số hóa, nằm trên một châu lục được định dạng bởi sản xuất vật chất và thương vận toàn cầu. Sự đối lập này làm cô tò mò, muốn nghiên cứu về những cơ cấu âm thanh nơi đây – theo tính chất xã hội, tình cảm, chính trị hay môi trường – bằng cách tìm hiểu về hạ tầng và kiến trúc của thành phố, hai thứ vốn được kiến thiết bởi khối tài chính.

Tính tự sự trong tác phẩm của cô thiên về một dạng hư cấu tự thân, thay vì tường thuật tiểu sử theo nghĩa đen. Cô sử dụng bản thân như một chất liệu sáng tác có nhiều tầng lớp tưởng tượng tâm lý, tổng hợp lại những kỷ niệm khác nhau không chỉ của riêng mình, mà phần nhiều là giao thoa với những cuộc đời khác.

12/ Kathy Uyên: Điện ảnh lớn lên cùng tôi

Kathy bảo, làm diễn viên hay lắm, vì mỗi bộ phim lại cho chị cơ hội trở thành một nhân vật khác mà nếu không tự tin, chị sẽ không thể nào hóa thân cho ra cái hồn của nhân vật. “Những điều này cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi, rằng đôi khi, món quà lớn nhất của tôi khi trở thành diễn viên, biên kịch hay đạo diễn chính là sự tự tin mà tôi có, và cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người”, Kathy bộc bạch.

“Nghề này đã cho tôi quá nhiều. Nó giúp tôi trở thành diễn viên, nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Tôi rất biết ơn và nghĩ nếu nó có thể giúp tôi thì cũng sẽ giúp được cho nhiều người khác”, Kathy cho biết.

13/ Họa sĩ Florian Sông Nguyễn và cuộc đi tìm nguồn gốc của bản thân

Anh thường vẽ những chủ thể trừu tượng, được hợp thành từ vô vàn chi tiết nhỏ. Vì vậy, mỗi tác phẩm có thể được hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau. Một số chỗ trong tranh là tập hợp rất nhiều chi tiết nhỏ và đơn giản như đoạn thẳng, dấu chấm, vòng tròn… Đây là ngôn ngữ sáng tác riêng của Florian Nguyen. Anh cho rằng mỗi sự vật đều được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau và cố gắng truyền tải ý nghĩ này qua kỹ thuật vẽ của mình.

Anh coi hành động vẽ như một sự trung gian giữa tác giả và chủ đề của tác phẩm. Có một sự trao đổi thông tin giữa mắt, tâm trí, bàn tay của tác giả cùng với tất cả năng lượng xung quanh và bên trong. Vì vậy, đối với anh, chủ thể cần phải đi vào tâm trí của tác giả qua đôi mắt. Bằng tất cả sự trao đổi trên, thông điệp sẽ được cơ thể thể hiện thông qua chủ yếu là hành động của bàn tay (vẽ). Tóm lại, đối tượng cần được “hấp thụ” vào tác giả trước khi được biến đổi và trở lại dưới dạng khác (tác phẩm).

14/ “Sự sống” trong “Gia đình nhập cư” của Nguyễn Quốc Dũng

Chuỗi tranh sơn dầu “Gia đình nhập cư” của hoạ sỹ Nguyễn Quốc Dũng mượn đề tài này để nói về sự sống và sự sống còn rất “người”, và vĩ mô hơn là những luồng ảnh hưởng kinh tế – xã hội sau nền, với một quá trình sáng tác và thể hiện công phu hơn sự tả kể rất nhiều.

Anh có mối quan tâm tới những tầng lớp yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, như người chuyển giới và lao động nhập cư… trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hội nhập toàn cầu.

Mọi người thường tò mò làm thế nào mà anh có thể thuyết phục họ chia sẻ sự riêng tư. Đúng là cần một quá trình, nhưng đó là chưa đủ cho thực hành nghệ thuật của tôi. Anh đã trải qua giai đoạn đi làm công nhân và sống trong những căn phòng trọ, trở thành bạn của những con người sinh sống trong môi trường đó, làm việc tại đó, và chúng tôi chia sẻ với nhau về những khó khăn trong cuộc sống. Nhiều lúc nỗi lo của họ cũng là nỗi lo của anh, lúc đó anh gạt bỏ suy nghĩ mình là nghệ sỹ. Đối với anh, công việc sáng tạo có thể ví như người nông dân cày trên mảnh ruộng, đó là quá trình gian khổ để người nghệ sỹ nâng cao chất lượng tác phẩm, cũng như tác động của nó tới xã hội đương đại.

15/ Họa sĩ Lê Võ Tuân: Tự làm mới mình để tái khám phá bản thân

Thường mỗi họa sĩ sáng tác đều có lý tưởng riêng, cách nhìn riêng, hình tượng riêng… tất cả đều trải qua tôi luyện và hình thành như một kiểu tín hiệu nhận biết hay phong cách nghệ thuật… Với Lê Võ Tuân, trong một thời gian dài hình ảnh mà anh thường thể hiện là những gương mặt hồn nhiên trong sáng… những họa tiết mang âm hưởng của những thể loại nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ví dụ như tranh Đông Hồ, hay hoa văn cung đình Triều Nguyễn… Tranh của anh cũng ảnh hưởng khá nhiều từ các danh họa như Pablo Picasso, Gustav Klimt …

Nhưng hiện tại anh không nuôi dưỡng hình ảnh nào quá lâu quá dài. Anh thích luôn thay đổi, vừa tự làm mới mình, vừa tự khám phá khả năng bản thân. Rất thú vị nếu nhìn lại những chuyển biến của quá trình làm việc, nó giống như cuốn nhật ký về cách nghĩ, cách làm việc. Anh sáng tạo theo từng ý niệm riêng biệt cho những series tranh khác nhau.

16/ Lê Brothers và trạm thực nghiệm đầy tham vọng

Triển lãm Ảo Ảnh của Lê Brothers trưng bày các tác phẩm hội họa và 06 chum gốm lớn, đánh dấu chặng dừng đầu tiên của một dự án dài hạn được khởi đầu từ cuối 2017 đến nay. Những bức tranh được xử lý bằng các thủ pháp sơn mài, nhưng không quá phụ thuộc vào kĩ thuật truyền thống mà kết hợp nhiều cách thức và vật liệu tự nhiên và công nghiệp để tạo nên hiệu quả thị giác cuối cùng.

Ảo ảnh không chỉ nằm ở sự phủ nhận hay che mờ sự vật và hiện tượng, mà còn nằm ở trong chính mâu thuẫn nội tại của nhận thức và trực giác mỗi người, nằm giữa khát vọng của ý thức thực tại và bất lực trước hiện hữu của vô minh.

17/ Họa sĩ Trương Văn Ngọc: “Vừa học, vừa hành và vừa buông”

Tranh màu nước của Trương Văn Ngọc dễ dẫn đưa người ta vào trạng thái trầm tư mặc tưởng trong một khoảng không gian tâm thức khó xác định. Hướng về tinh thần phương Đông tối giản trong gam sắc và tạo hình, thực hành nghệ thuật của nam họa sĩ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu tâm hồn mạnh mẽ.

Với họa sĩ, muốn bên trong phong phú thì phải quan sát, trải nghiệm, tu dưỡng trong đời sống. Vừa học nhưng cũng vừa hành và vừa buông: buông đi những cố chấp, buông đi những ràng buộc của sách vở. Muốn chạm đến trái tim người xem thì bản thân phải chân thành và cởi mở trước… Tranh và họa sĩ tuy hai là một. Nó là hơi thở và đời sống của người họa sĩ đó. Anh chú trọng tâm thế của mình trước khi vẽ, không bị căng thẳng, áp lực hay bị đè nén bởi ý tưởng nào. Anh dành nhiều thời gian để chơi với con mình, uống trà, nghe nhạc còn trong lúc vẽ ít khi anh bật nhạc vì muốn có sự tĩnh lặng tuyệt đối.

18/ “Nhà tù” của Văn Ngọc

Nghệ sĩ đa phương tiện Văn Ngọc tiếp cận và thực hiện công trình mang tên “Nhà tù” mà gia đình ông hiện sống ở Vũng Tàu từ góc độ của một người làm nghệ thuật, biến tổng thể không gian giống như một tác phẩm nơi mà khái niệm từng loại hình nghệ thuật trở nên mờ nhạt. Đặc biệt hơn, với “Nhà tù”, ông đã thành công trong việc xóa bỏ lằn ranh giữa nghệ thuật và đời thường đồng thời khích lệ người xem tự do tư tưởng bấp chấp hoàn cảnh.

19/ Họa sĩ Nguyễn Thu Hương và khoảng trống cân bằng

Khoảng trống luôn là sự cân bằng hài hòa của ngôn ngữ trong tranh, đôi khi khoảng trống cũng là chủ ý sáng tác của Hương. Khi xây dựng hình trong tranh lụa, chị luôn chú trọng về không gian giản dị, tế nhị, mà vẫn tràn đầy sức sống, có thần dù nhân vật ngồi yên lặng đi chăng nữa. Chúng ta gặp khoảng trống ở những bố cục tranh Việt Nam xưa như tranh dân gian, tranh thờ, phù điêu cổ,… mà ngày nay, nhiều họa sĩ nước ta đã khai thác và phát triển trong nhu cầu muốn cô đọng và tập trung vào chủ đề đang hướng đến.

Trong suy nghĩ của chị, một bức tranh lụa thành công khi đủ ý tưởng và ngôn ngữ tạo hình. Sự sinh động trong tạo hình của tranh lụa là yêu cầu vô cùng quan trọng. Ngoài hình còn cần để tâm đến cấu tạo của nét. Nét cấu tạo trong sự vật có nhịp điệu, và nét cũng cần chọn lọc để thống nhất với mình.

20/ Sự trở lại bình thường của Nguyễn Công Hoài

Những cuộc trò chuyện với Hoài, ít khi về nghệ thuật mà về những vấn đề rất đời thường, khiến tôi nhận ra rằng anh là một người sống thực tế. Thực tế (đối mặt với thực tại) chứ không phải thực dụng (chỉ biết đến lợi ích cá nhân mình, đề cao vật chất, xem nhẹ tinh thần). Thực chất, hai cách sống này cũng cho thấy sự trái ngược. Sống thực tế mang đến sự giàu có về mặt tinh thần, dần tự do khỏi những dính mắc. Còn sống thực dụng chỉ khiến người đó đánh mất chính mình, dễ rơi vào sa ngã và cám dỗ. Chính cách sống này khiến nghệ thuật của Hoài trở lại cái bình thường chứ không hề mơ mộng hay viển vông xa xôi. Với anh, hướng nội hay hướng ngoại đều cần thiết, đều cần dung hòa, lấy hướng ngoại mà hướng nội, lấy hướng nội mà hướng ngoại, thì cuối cùng tâm thức sẽ trở lại thăng bằng, và tất cả biểu lộ lên tranh.

 

 


 
Back to top