LIFESTYLE / Ecoxury

Dự án trồng rừng Sugi: Mang mảng xanh về đô thị

Jul 05, 2021 | By Trang Ps

Trên một dải đất bằng phẳng ở Dagenham phía đông London, một khu rừng tràn đầy sức sống đang vươn mình trỗi dậy. Những cây non chưa cao đến hơn một mét, nhưng theo thời gian, chúng sẽ mau chóng trở thành những tán sồi và anh đào vạm vỡ. Tầng bên dưới rậm rạp với những bụi rậm, hoa hồng leo, cây gai đen,… Một năm trước, mảnh đất rộng 11.000 m2 này chỉ là đồng cỏ bị bỏ hoang đầy lạc lõng. Vậy mà giờ đây, nó đã trở thành một trong 80 khu rừng triển vọng được trồng bởi dự án Sugi suốt 2 năm qua.

Mục đích của những khu rừng này nhằm đảm bảo 3 cam kết: khôi phục đa dạng sinh học, giới thiệu các loài bản địa và tái kết nối con người với thiên nhiên. Bà Elise Van Middelem, nhà sáng lập Sugi, với mạng lưới 25 người làm rừng trên toàn cầu, nhắm đến các khu đất hoang chốn đô thị, hay còn gọi là “sa mạc xanh”.  Bà cho biết: “Chúng tôi khích lệ bất cứ ai ở bất cứ nơi nào đầu tư vào thiên nhiên và xây dựng đa dạng sinh học. Hiện, Sugi có rừng ở 15 quốc gia khác nhau.”

Bằng cách sử dụng những loại cây phát triển vững chãi và tự nhiên, Sugi đang góp phần tạo ra những khu rừng dày đặc hơn, đàn hồi hơn và đa dạng sinh học cao hơn so với những khu rừng độc canh.

Trồng cây ở Yakama Nation, Washington

Trồng cây ở Yakama Nation, Washington

Cây bản địa có thể là nơi trú ngụ của ít nhất 80 loài côn trùng. Chúng cũng ít nhu cầu tưới nước và chăm bón, từ đó giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu và thức ăn thực vật nhân tạo. Bằng chứng dựa trên các công trình nghiên cứu của nhà thực vật học Nhật Bản Akira Miyawaki, người đã thử nghiệm phương pháp trên 3.000 địa điểm, với tỷ lệ thành công 97% với sự sống của cây.

Sugi cung cấp cho khu rừng 4 lớp bao gồm, cây bụi, cây phụ, cây gỗ và tán cây với ít nhất 3 cây được trồng trên một mét vuông đất. Mỗi loại được lựa chọn dựa trên cơ sở nghiên cứu động thực vật, khảo sát đất và báo cáo thảm thực vật. Van Middelem chia sẻ: “Đó là một hệ thống phức tạp, không phức tạp thì không có cơ hội phục hồi rừng. Tác động của môi trường cũng vô cùng quan trọng. Mỗi loài cây làm tăng 6% tiềm năng thu giữ CO2 của khu rừng.”

Godfred, một người trồng cây Sugi ở Cameroon

Godfred, một người trồng cây Sugi ở Cameroon

Sau hai năm, mỗi khu rừng ở Miyawaki có thể tự duy trì. Điều đó khiến dự án đầu tiên của Sugi, một mảng 2.000 cây được trồng dọc sông Beirut vào tháng 5 năm 2019, đối diện thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời nó. Khu rừng ấy đã tồn tại sau một cuộc cách mạng, một đại dịch và một vụ nổ chất độc. Đó là biểu tượng cho lòng kiên cường của thiên nhiên và cộng đồng.

Elise Van Middelem coi mỗi khu rừng Sugi như một trung tâm chữa bệnh và học tập. Bà nhắc đến một địa điểm cách đó khoảng 10.000 km ở Yakama Nation, Washington, dự án giám sát việc trồng 47 loài cây bản địa dưới bàn tay của những tù nhân. Một trong số họ chia sẻ rằng một lúc nào đó sẽ dẫn những đứa con đến và chiêm ngưỡng thành quả mà họ góp phần gầy dựng. Trái tim anh ta trở nên thổn thức xúc động trong mỗi lời nói.

Rừng bản địa lan tỏa một sức sống chữa lành đến khó tả, ở đó có tiếng chim hót, tiếng vo ve của các loài côn trùng và lời thì thầm của những làn gió lướt qua những tán lá cây… Rừng đôi khi gợi vẻ đẹp uy nghiêm, nhiều lúc khôn ngoan và có khi dịu dàng trong ánh nắng mai và hoàng hôn buông xuống… Sugi đã thu hẹp khoảng cách giữa rừng và con người bằng cách đưa vẻ đẹp kỳ diệu ấy vào môi trường đô thị. Đó là một phương án tiếp cận bền vững mà bất cứ quốc gia nào cũng cần nhìn vào để học hỏi.


 
Back to top