Khám phá thực hành nghệ thuật đa dạng từ 11 nghệ sĩ Latinx mới nổi hàng đầu
Trải dài khắp châu Mỹ, từ tận Argentina và về phía bắc như New York, 11 nghệ sĩ Latinx dưới đây mang trong mình dòng máu văn hóa đa dạng, nhiều trong số đó là tự học, với cách thực hành sáng tạo độc đáo, bền bỉ, xứng đáng đón nhận nhiều quan tâm hơn từ công chúng quốc tế.
1/ Angel Otero (sinh năm 1981 tại Santurce, Puerto Rico. Sống và làm việc tại New York)
Angel Otero tận dụng mọi tiềm năng của sơn dầu bằng cách tạo ra các tác phẩm nghệ thuật nổi bật với sự xếp lớp của vật liệu này lên bề mặt thủy tinh, đợi cho đến khi chúng khô, rồi cạo đi để tạo ra thứ mà anh gọi là “da sơn dầu”. Anh cắt dán những bộ da này một cách cẩn thận, biến thành các tác phẩm trừu tượng quy mô lớn, mang đến hiệu ứng như một thế lực tự nhiên đầy khốc liệt.
Cố ý tiếp cận chất liệu như vậy phần nào đó chứng minh quá trình khám phá bộ nhớ của nghệ sĩ, một chủ đề chính trong suốt quá trình nghiên cứu của anh. Thông qua công việc của mình, Otero muốn phản ánh các hình dạng, cảm giác và cấu trúc lịch sử con người bị bóp méo bởi các lực bên ngoài.
Tuy nhiên, các bức tranh cũng phần nào đó thể hiện thời thơ ấu của nam nghệ sĩ tại Santurce, Puerto Rico. Gần đây, những vật dụng hàng ngày như khăn trải bàn, ghế, hay rèm cửa cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của anh.
2/ Glendalys Medina (sinh năm 1979 tại Puerto Rico. Sống và làm việc tại New York)
Thông qua sáng tác của mình, Medina muốn kích hoạt bộ não người xem. Thực hành của cô được thúc đẩy bởi nhà phát minh kiêm nhà tương lai học Ray Kurzweil, người dự đoán sự gia tăng theo cấp số nhân trong các công nghệ như máy tính, di truyền học, công nghệ nano, robot và trí tuệ nhân tạo.
Như một nhà khoa học, Medina nghiên cứu các mẫu, sắp xếp lại chúng rồi thể hiện bằng những hình tượng nổi bật với nhịp điệu, chuyển động, họa tiết và cử chỉ.
Sinh ra tại Puerto Rico, hầu hết các biểu tượng trong tác phẩm của cô lấy cảm hứng từ văn hóa bản ngữ xoay quanh lịch sử và cuộc sống hàng ngày, từ nhịp điệu của các bản hip-hop đến graffiti và họa tiết tiếng Taino truyền thống. Medina coi những tác phẩm hình học của mình là cuộc khám phá những hình thức mới nhằm truyền tải một góc nhìn đa chiều hơn và giàu yêu thương hơn đến thế giới xung quanh chúng ta.
3/ Guadalupe Maravilla (sinh năm 1976 tại El Salvador. Sống và làm việc ở Brooklyn và Richmond, Virginia)
Là một người chữa lành, nhà hoạt động và nghệ sĩ, tác phẩm của Maravilla kết hợp điêu khắc, trình diễn và vẽ. Tất cả theo dấu chân câu chuyện cá nhân anh khi còn là đứa trẻ bỗng một ngày di cư không giấy tờ đến Hoa Kỳ.
Các tác phẩm của nam nghệ sĩ mang năng lượng thần bí, gọi mời thanh âm tâm linh như một yếu tố thiết yếu cho mục đích sống của con người.
4/ Joiri Minaya (sinh năm 1990 tại New York. Sống và làm việc tại New York)
Suốt đầu thế kỷ 20, những người phụ nữ Caribe gây sốt trong các hình ảnh quảng cáo trên khắp châu Mỹ và châu Âu, thậm chí được định vị như “đồ chơi” của những người đàn ông da trắng đi nghỉ dưỡng. Joiri Minaya, một nghệ sĩ người Dominica sinh ra ở New York và lớn lên ở Santo Domingo đã định vị lại ánh nhìn này bằng cách giải cấu trúc mảnh vỡ của cơ thể phụ nữ.
Các hình tượng của cô bị che khuất hoặc pha trộn vào lý lịch của họ với mục đích giải phóng phụ nữ Caribe khỏi khuôn khổ thuộc địa, gia trưởng đồng thời ám chỉ trải nghiệm của nữ nghệ sĩ khi sống giữa Cộng hòa Dominica và Hoa Kỳ.
5/ Justin Favela (sinh năm 1986 tại Las Vegas. Sống và làm việc tại Las Vegas)
Nghệ sĩ đến từ Las Vegas thường lấy cảm hứng từ những biểu tượng tinh túy của nước Mỹ như chiếc xe hơi, và biến nó thành một chiếc có DNA Chicano, từ đó xóa nhòa ranh giới giữa những hiện vật này và nguồn gốc thực sự chúng trong văn hóa Mỹ và Chicano.
Thông qua sáng tác của mình, Favela cũng muốn đề cập đến việc văn hóa và di sản Mexico được kỳ lạ hóa và tôn kính như thế nào tại Hoa Kỳ.
6/ Roberto Lugo (sinh năm 1981 tại Philadelphia. Sống và làm việc tại Philadelphia)
Là một nghệ sĩ gốm sứ, nhà hoạt động kiêm nhà thơ, Roberto Lugo sinh ra và lớn lên tại Philadelphia. Sáng tác gốm sứ của anh kết hợp những ảnh hưởng lịch sử châu Á lẫn châu Âu. Các họa tiết mang phong cách đường phố được phô diễn nổi bật và tinh tế trên bình hoa, bát, đĩa, kết hợp những nét chạm khắc cẩn thận truyền thống với hình ảnh gia đình, bạn bè và các biểu tượng của Lugo như Notorious BIG.
Giống như những người cùng thời, sự nghiệp của Lugo bắt đầu với graffiti, rồi sau đó mới chuyển sang công việc sáng tạo trên gốm sứ. Lugo cũng là nghệ sĩ gốm sứ đầu tiên giành Giải thưởng Rome.
7/ Agustina Woodgate (sinh năm 1981 tại Buenos Aires. Sống và làm việc tại Amsterdam và Miami)
Agustina Woodgate sử dụng các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất hàng loạt như bản đồ, đồng hồ, đồ chơi để “giải phẫu” những cấu trúc tiềm ẩn của quyền lực chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Thông thường, các chất liệu được cô tách rời hoàn toàn, sau đó ghép lại với nhau để tạo thành các tác phẩm ấn tượng thể hiện một cơ chế chính trị cụ thể. Cô ấy đặc biệt quan tâm đến cách vật liệu riêng tư có thể thâm nhập vào khu vực công cộng, chẳng hạn như một con thú nhồi bông yêu quý hay bản đồ cá nhân bị vứt bỏ rồi bắt đầu cuộc sống mới của chúng.
8/ Gabriel Chaile (sinh năm 1985 tại Tucumán, Argentina. Sống và làm việc tại Lisbon)
Khi Art Basel Cities ra mắt ở Buenos Aires vào năm 2018, Gabriel Chaile đã xây dựng một tác phẩm điêu khắc bằng đất sét khổng lồ cũng là một lò đốt củi ở trung tâm La Boca.
Vào một ngày tháng 9 cực lạnh giá, hàng chục người tập trung quanh tác phẩm của Chaile, để đốt và chế biến món bánh empanadas. Tác phẩm điêu khắc có chức năng như một lò nướng này được làm bằng đất sét và bùn có hình dáng như một chiếc bình khổng lồ thời tiền Colombia, một dấu hiệu cho thấy di sản bản địa của nghệ sĩ đã bị xóa sổ trong nền văn hóa.
Gabriel Chaile đã đưa yếu tố nhân chủng học của Argentina vào tác phẩm rồi có những tương tác với khán giả giống như những tương tác đã diễn ra trong thời thơ ấu của anh. Trong một xã hội ngày càng phát triển, thực hành sáng tạo của nam nghệ sĩ là hoàn toàn độc đáo và đưa anh trở nên nổi tiếng quốc tế.
9/ Claudia Peña Salinas (sinh năm 1975, tại Nuevo León. Sống và làm việc tại New York)
Các tác phẩm của Claudia Peña Salinas như một “giải ngân hà” tối giản mời gọi người xem lạc bước vào chiêm ngưỡng để khám phá những chiều không gian khác. Nam nghệ sĩ lấy cảm hứng từ kiến trúc và mối quan hệ của con người với kiến trúc cũng như các giới hạn và ý tưởng mới của nó.
Tác phẩm của Salinas sử dụng điêu khắc, sắp đặt, thêu, vẽ và cắt dán, từ đó khuyến khích người xem khám phá các mặt phẳng khác nhau.
10/ Farley Aguilar (sinh năm 1981 tại Managua, Nicaragua. Sống và làm việc ở Miami)
Họa sĩ tự học Farley Aguilar mô tả thế giới ngầm thối nát của chủ nghĩa bảo thủ tại Hoa Kỳ, được thể hiện qua những nhân vật kỳ cục với khuôn mặt thường bị che khuất. Lấy cảm hứng từ những bức tranh cổ, các nhân vật của anh mang thẩm mỹ trừu tượng, hỗn loạn, báo hiệu mối quan hệ hỗn loạn giữa cá nhân và xã hội.
Kết hợp than chì thô và sơn dầu nhiều lớp màu, các bức tranh của Aguilar phản ánh những vấn đề về công bằng xã hội, bạo lực và tình trạng thể chế, từ đó làm nổi bật những rào cản kinh tế mà người da màu ở Mỹ đang phải đối mặt.
11/ José Parlá (sinh năm 1973 tại Miami. Sống và làm việc ở Brooklyn)
Những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và đa phương tiện của José Parlá là kho lưu trữ sống động về địa danh, lần theo đường bờ biển phía đông của châu Mỹ, và đúc kết kinh nghiệm của anh với tư cách từng là một người New York, Miami và Cuba. Như anh chia sẻ, thực hành sáng tác của anh xoay quanh câu chuyện của người nhập cư.
Sống giữa Miami và Puerto Rico, và sau đó là New York, Parlá có dịp tiếp xúc với văn hóa hip-hop ngầm, thứ thúc đẩy quá trình thử nghiệm viết lách hồi đầu của anh. Kết hợp phong cách của những bức tranh hang động với graffiti, anh đã tạo ra những bức tranh hiện đại trừu tượng từ những bức ảnh chụp các bức tường, đường phố và cảnh quan thành phố.