Việt Nghệ: Sớm mai với amaï, và Tú Phạm
Tối giản, nhẹ tênh và khiêm nhường, đó là ba đặc trưng chính yếu khi nói về sản phẩm gốm thủ công của amaï. Một câu chuyện thương hiệu thú vị, cách tiếp cận sản phẩm độc đáo, suốt hơn 10 năm qua, amaï vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình Việt Nam và quốc tế.
Được biết anh Tú Phạm là người chủ thứ hai kế tục sự nghiệp của hai người phụ nữ từng sáng lập amaï. Anh có thể chia sẻ về nhân duyên thú vị này?
amaï ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Ban đầu, đây là công ty với 100% vốn nước ngoài, được thành lập và lấy cảm hứng tại Việt Nam.
Từ khi mở cửa, cộng đồng chuyên gia nước ngoài đến đây làm việc thường mang theo gia đình. Có hai người phụ nữ từ Hà Lan và Bỉ theo gia đình đến đây sống và làm việc… Khi nhân duyên đủ đầy, họ quyết định sáng lập công ty amaï vào năm 2011, với dây chuyển sản xuất thủ công tại miền Bắc. Mỗi sản phẩm làm ra đều “made in Vietnam”.
Dù sáng lập công ty, thế nhưng, hai phu nhân làm vì đam mê là chính. Tuy nhiên, bất ngờ thay, khi sản phẩm amaï được tung ra thị trường lại tạo tiếng vang rất lớn trong cộng đồng Tây phương ở Sài Gòn và trên thế giới.
Đến năm 2014, khi cuộc sống chuyên gia thường thay đổi nơi làm việc, họ cũng phải chuyển đi. Tình thế ấy khiến hai cô phải đưa ra lựa chọn chuyển giao công ty cho một người mà hai cô cho rằng hiểu đủ và đúng về amaï. Trong điều kiện này, tôi với tư cách là một khách hàng, nhiều lần được hai cô khuyến khích đi tiếp đoạn đường của amaï vì họ thấy ở tôi niềm đam mê đồ gốm với sự tìm hiểu sản phẩm kỹ lưỡng. Vào năm 2015, việc chuyển giao diễn ra, tôi chính thức trở thành người kế thừa amaï, tiếp tục con đường sáng tạo của hai người phụ nữ.
Đến bây giờ, dù hai cô sống ở Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn thường thư từ qua lại. Nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được người khác tiếp tục một cách thành công, họ cũng thực sự vui mừng.
Còn về ý nghĩa amaï và biểu tượng logo cánh quạt thì sao, anh có thể chia sẻ?
Với hai nhà sáng lập ban đầu, một cô đến từ Hà Lan, một cô đến từ Bỉ. Ở Bỉ, có một phố cổ Antwerp nhỏ xíu, với sắc dân nói tiếng Flemish không phổ biến, trong ngôn ngữ này, amaï có nghĩa là “WOW” trong tiếng Anh. Và hai cô đã lấy từ amaï này để đặt tên cho công ty.
Với người Tây, khi thấy chiếc quạt giấy, họ thường nghĩ ngay tới văn hóa phương Đông. Vì thế, hai cô mới cho vẽ logo hình chiếc quạt và chữ amaï với nghĩa “Đông Tây hội ngộ”, cũng hàm ý sản phẩm thủ công của thương hiệu là sự kết hợp hài hòa giữa thẩm mỹ và văn hóa Đông – Tây.
Từ khi ra đời cho đến nay, amaï rất được ưa chuộng bởi cộng đồng nước ngoài ở Việt Nam cũng như những người nước ngoài ở nước ngoài. Anh có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
Hai yếu tố tạo nên sự hấp dẫp cho sản phẩm là màu sắc và kiểu dáng.
Về màu sắc: Những sản phẩm gốm sứ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam luôn có một hình dáng đặc trưng là tròn và căng, nhưng amaï lại phá ngôn ngữ đó. Nếu chiếc đĩa thông thường tròn và phẳng lỳ thì chiếc đĩa của amaï bị bóp méo như một tờ giấy bị vò rồi mở ngược ra. Sự khác biệt này khiến người dùng thích thú.
Về kiểu dáng: Sản phẩm gốm sứ thông thường có màu trắng tinh hoặc ngà ngà, họa tiết trang trí phổ biến là hoa lá, tuy nhiên, sản phẩm của amaï lại đi theo bảng màu đơn sắc pastel.
Một yếu tố thứ ba mà sản phẩm amaï có nữa là sự nhẹ tênh. Để đạt đến sự nhẹ tênh hay mỏng tanh này đòi hỏi một kỹ thuật xử lý rất cao, vì yếu tố mỏng sẽ khiến sản phẩm gốm có nguy cơ dễ vỡ. Như bạn biết, nếu gốm được nung ở nhiệt độ càng cao, thì nó càng cứng. Gốm amaï được nung ở nhiệt độ cao hơn các loại gốm khác trên thị trường vì thế sẽ tốn năng lượng gas nhiều hơn, giá thành sẽ cao hơn.
Trong ba yếu tố này, tôi khá tò mò về màu sắc, một điểm gây hiệu ứng độc đáo ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Nó tạo ra một cảm giác sạch sẽ, thanh thoát và nhẹ nhàng, khác hẳn các sản phẩm thông thường. Anh có thể chia sẻ thêm về kỹ thuật tạo màu?
Như bạn cũng biết, đất sét thông thường có màu ngà, và khi muốn tạo màu thì phải phủ men màu lên. Nhưng riêng gốm amaï, chúng tôi trộn màu vào ngay trong đất sét. Vì ở sản phẩm này, một mặt không được tráng men, nhưng vẫn cho hiệu ứng màu như mặt tráng men. Điều đó cho thấy ở bên trong đã có sự pha trộn màu một cách tinh tế. Khi vỡ ra, màu bên trong cũng như màu bên ngoài, chứ không giống như sản phẩm gốm thông thường là bên trong chỉ là màu trắng hay ngà. Đó cũng là lý do vì sao sản phẩm amaï được bán ra với giá cao gấp nhiều lần so với gốm sứ thông thường.
Nếu vậy, đối tượng khách hàng của amaï sẽ là ai? Sản phẩm của amaï là gì?
Sản phẩm của amaï chủ yếu trên bàn ăn, và đối tượng khách hàng phổ biến là gia đình, vì nhà hàng và quán ăn bình thường sẽ khó xử khi sử dụng khi giá đầu vào khá cao.
Còn về tính thủ công được thể hiện như thế nào thưa anh?
Mỗi sản phẩm đều được làm bằng tay và phải đi qua hơn 10 công đoạn để có mặt tại cửa hàng.
Nếu một sản phẩm gốm sứ bình thường khi xong tạo hình, thì quá trình tráng men sẽ được làm bằng máy. Tuy nhiên, sản phẩm amaï vì chỉ có một mặt tráng men, nên khi đổ men, những người thợ thủ công phải tự làm bằng tay từng sản phẩm nên công lao động khá nhiều.
Thiết kế vừa thực hiện vai trò chức năng chứa đựng sản phẩm, vừa có cơ cấu chịu lực tốt. Vì có những thiết kế đẹp mà khi sử dụng lại dễ vỡ, hoặc không thể chồng lên nhau, thì chi phí vận chuyển rất cao.
Với màu sắc và kiểu dáng như vậy, amaï phù hợp với các dòng ẩm thực trên thế giới.
Tinh giản màu sắc và kiểu dáng, có lẽ, đó cũng là một triết lý sáng tạo của amaï?
Chúng tôi hướng đến phong cách tối giản tươi vui. Tối giản về mặt trang trí (không trang trí hoa lá), khi đó, đồ ăn sẽ được nổi bật. Bạn có thể bày một bàn ăn từ 15 đến 20 đĩa, chén cùng màu nếu muốn, hoặc pha hai, ba màu vào nhau. Sự tối giản ở cách bày trí lại tùy thuộc vào người sử dụng.
Nếu bạn bày một bàn ăn cho 15 – 20 người mà chỉ sử dụng một gam màu gốm sứ, thì bạn phải thật sự tinh tế trong cách kết hợp đồ ăn và vật dụng, còn nếu không, nó có thể gây nên sự nhàm chán. Vì ranh giới giữa tối giản và nhàm chán thực sự mỏng manh, không phải ai cũng làm được.
Sự tối giản ở đây không phải chỉ là ít đồ, mà sự nhuần nhuyễn trong cách kết hợp, làm sao cho tinh giản mà vẫn tạo ra thẩm mỹ khác biệt.
Còn về khái niệm “khiêm nhường” mà amaï hướng đến?
Sự khiêm nhường ở đây hàm ý đồ gốm của amaï không tạo sự cạnh tranh với thức ăn, mà là bệ đỡ của thức ăn.
Kể từ khi tiếp quản amaï, sự phát triển của thương hiệu được thể hiện như thế nào trong nhiều năm qua thưa anh?
Từ khi tiếp nhận vào năm 2015, về mặt thiết kế và độ phát triển, amaï đã lớn gấp 10 lần ngày xưa. Trước khi Covid diễn ra, amaï có cửa hàng phân phối tại Đức, Tokyo (Nhật Bản), Hội An, Hà Lan hoặc vị trí đắc địa như Đồng Khởi (Sài Gòn),… Nhưng Covid đã thay đổi nhiều thứ, như bạn biết đấy…
Anh nhận định ra sao về sự cạnh tranh giữa amaï và thị trường?
Tôi thường ít nghĩ đến khái niệm cạnh trạnh khi chúng tôi là một doanh nghiệp khá nhỏ so với các cô chú, anh chị đi trước trong ngành với rất nhiều năm kinh nghiệm. Chân dung điển hình khách hàng của amaï là những người duy mỹ và hướng đến sự tối giản.