Metaverse và luật lao động trên không gian ảo
Sự tham gia của người lao động trong metaverse đặt ra hàng loạt câu hỏi về quyền riêng tư, tính bảo mật dựa trên quy mô dữ liệu cá nhân mà các công ty như Meta mong đợi sẽ thu thập và kiếm tiền.
Trong hơn 2 năm làm việc từ xa tại nhà, các công ty đã bắt đầu thử nghiệm thực tế ảo. Tập đoàn khách sạn Hilton ứng dụng công nghệ thực tế ảo để đào tạo nhân viên về cách xử lý tình huống với khách hàng.
Năm 2021, Microsoft cũng triển khai kế hoạch cho phép nhân viên xuất hiện trên phần mềm Teams dưới dạng avatar.
Tuy nhiên, khi metaverse phát triển và dần có sự ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống thì bộ luật đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia không gian ảo này vẫn còn chưa rõ ràng.
Thiếu khung pháp lý
Nếu như ở thế giới thực, mỗi quốc gia sẽ ban hành bộ luật lao động riêng biệt. Ví dụ như ở California (Mỹ), người lao động có thể bị sa thải mà không cần thông báo. Trong khi ở Hà Lan, nhân viên sẽ không thể bị sa thải nếu không có sự chấp thuận của toà án hoặc công ty chủ quản.
Trái lại, những người tham gia vào metaverse cho đến nay vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể cho không gian làm việc kỹ thuật số. Jonathan Newman, đồng quản lý tại công ty luật Simmons & Simmons cho biết: “Không có ranh giới quốc gia nào trên metaverse, bởi vậy câu hỏi đặt ra là cơ quan tài phán chịu trách nhiệm quản lý các công ty hoạt động trên đó là gì? Đó có thể là luật của quốc gia – nơi công ty sở hữu nền tảng. Đó có thể là luật của quốc gia nơi đặt máy chủ hoặc nhân viên ở đó…”.
Sự tham gia của người lao động trong metaverse đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư, tính bảo mật dựa trên quy mô dữ liệu cá nhân mà các công ty như Meta mong đợi sẽ thu thập và kiếm tiền.
Cụ thể, theo báo cáo từ tạp chí Financial Times, Meta đã thu thập một lượng lớn dữ liệu sinh trắc cơ thể con người để tối ưu hoá hình ảnh thực tế ảo của người dùng. Đồng thời, đây cũng nằm trong kế hoạch kiếm tiền nhờ việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng mà Meta đang triển khai.
Điều này đã dấy lên lo ngại khi vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân của người lao động được quan tâm hàng đầu tại các nước châu Âu. Theo đó, Anh quốc và EU có quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) – quản lý những thông tin mà người sử dụng lao động có thể hoặc không thể thu thập và lưu trữ, bao gồm hồ sơ y tế, cá nhân, thẩm định… Do vậy, các công ty muốn lấn sân sang metaverse cần phải cân nhắc cách bảo vệ dữ liệu của người lao động khi yêu cầu họ tham gia.
Brittan Heller, luật sư công nghệ và là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương (Hoa Kỳ) cho biết: “Các luật hiện hành chưa thực sự bắt kịp với những mô hình mới được tạo ra bởi công nghệ nhập vai. Quá trình thu thập dữ liệu người dùng được tiến hành như nào? Thông tin được lưu trữ ra sao? Trong bao lâu?… Tất cả đều chưa được quy định rõ ràng”.
Nguy hiểm tiềm ẩn
Nina Jane Patel, 43 tuổi – một nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Reading cho biết, cô từng là nạn nhân của vụ “quấy rối tình dục” trên metaverse.
Cô đang nghiên cứu các tác động về tâm lý và sinh lý khi người chơi tham gia vào không gian kỹ thuật số. Trong một bài khảo sát, khi đưa ra trường hợp vị quấy rối trên đây, nhiều ý kiến cho rằng hành vi này có thể được chấp nhận vì dù sao metaverse không phải cuộc sống thực.
Họ cho rằng, các luật bảo vệ khỏi hành vi quấy rối hoặc phân biệt đối xử không phù hợp để áp dụng trong không gian kỹ thuật số. Bởi người thực hiện hành động đó chỉ là hình ảnh đại diện chưa được công nhận các quyền và nghĩa vụ hợp pháp.
Tại Anh, luật pháp hiện hành cũng ngăn chặn việc phân biệt đối xử trong môi trường lao động dựa trên 9 đặc điểm bao gồm: giới tính, tôn giáo và chủng tộc. Nhiều người băn khoăn rằng những đạo luật đó có phù hợp trên metaverse khi mà mọi người có thể giới thiệu mình như bất cứ thứ gì họ thích, thậm chí là động vật hoặc robot.
Ngoài ra vấn đề về tự do ngôn luận trên metaverse cũng được quan tâm đặc biệt là với những đối tượng như phụ nữ, trẻ em da màu.
Cần thời gian để hoàn thiện và phát triển
Trên một bài đăng trên blog vào năm ngoái, Meta cho biết: “Metaverse sẽ không được xây dựng và phát triển trong một sớm một chiều. Nhiều sản phẩm trong đây sẽ được hoàn thiện đầy đủ trong 10 – 15 năm tới”.
Mark Zuckerberg, người sáng lập Meta đã cam kết chi 10 tỷ USD mỗi năm để phát triển metaverse.
Microsoft đã mua công ty phát triển video game của Mỹ (Activision) vào tháng 1/2022 trong một thoả thuận trị giá 75 tỷ USD. Thương vụ nhằm cung cấp “các khối xây dựng cho metaverse”.