“Review lương” – Bao giờ nói cũng dễ hơn làm?
Một sự thật nghe hơi mất lòng nhưng hầu hết người sếp nào cũng muốn tiết kiệm ngân sách nhiều nhất có thể. Thế nên việc đề nghị xem xét “review lương” chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng vấn đề không nằm ở độ khó của cuộc hội thoại, mà nằm ở sự minh bạch và thẳng thắn của đôi bên, cùng vài bí quyết.
“Review lương” và vô vàn tình huống oái oăm
“Review lương” được hiểu nôm na là đánh giá hoặc xem xét lại mức lương của nhân viên sau một thời gian làm việc tại công ty. Đây là một đánh giá mà nhà tuyển dụng tiến hành để xem xét liệu mức lương của nhân viên có thật sự phù hợp với hiệu suất, vị trí và sự đóng góp của họ cho công ty hay không. Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ tiến hành “review lương” sau một năm hoặc vài tháng như đã cam kết với người lao động ngay từ buổi đầu. Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Vì sao? Có rất nhiều trường hợp oái ăm và chua chát đã xảy ra, mà nếu những người nhân viên cùng ngồi lại để kể thì 3 ngày 3 đêm cũng không hết.
Đầu tiên, dễ thấy nhất là sau khi bản thân đã có những bước tiến bộ vượt đáng kể trong công việc, khi ta đã có thể tự xoay sở đảm đương hết mọi thứ, không cần cấp trên theo sát từng bước. Thậm chí, ta còn mạnh dạn làm thêm những công việc nằm ngoài chuyên môn và bằng tất cả sự xông xáo của mình, ta cũng làm nên thành tích. Khi ta từ xuất phát điểm là thực tập không hề có kinh nghiệm rồi dần dà làm được nhiều thứ to lớn hơn, vượt xa khởi điểm ban đầu rất nhiều. Vậy mà sau một năm, ta gửi email đề nghị được “review lương”, hộp email ấy im ắng sau nhiều ngày liền.
Đến mức ta phải nhắc nhiều lần thì người có thẩm quyền mới từ tốn phản hồi. Khá chắc chắn là nếu bạn không kiên nhẫn nhắc nhở thì họ có thể xem như chưa có gì xảy ra. Tín hiệu này cho thấy quá trình đàm phán tiếp theo khá là cam go.
Ngoài ra, cũng có không ít những trường hợp khác, nhân viên rất khiêm tốn và tự đòi hỏi ở bản thân rất cao nên đặt ra cho mình thử thách hai hoặc ba năm trước khi họ mạnh dạn gửi đi email bày tỏ nguyện vọng về chuyện điều chỉnh lương. Nhưng liên tiếp nhiều năm luôn từ chối hoặc phớt lờ đối với một nhân sự đã nỗ lực rất nhiều thì không thỏa đáng một chút nào. Có thể công ty muốn dành ngân sách cho một vị trí khác mà họ đã lên kế hoạch cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng dù nói thế nào chăng nữa, họ đang không thực sự ghi nhận nỗ lực của nhân sự. Và không có bất kỳ điều gì tồi tệ hơn là sự cống hiến của mình không được trân trọng. Những trăn trở và khó khăn của mình không tìm thấy sự lắng nghe và san sẻ. Phải nói thêm là “trân trọng” phải thể hiện bằng hành động, đừng chỉ dừng lại ở lời nói. Đó là trường hợp của bạn tôi.
Đến khi bạn quyết định dừng lại sau khi đã sức cùng lực kiệt, hoàn toàn bị “cháy sạch” (burn-out) thì công ty bất ngờ đồng ý “review lương”. Nhưng theo bạn tôi nói thì tất cả đã quá muộn, bạn chẳng còn bất kỳ mong chờ nào, nếu đề nghị này đến từ vài tháng trước thì có lẽ bạn đã suy nghĩ lại. Tôi chứng kiến tất cả quá trình của bạn, thời gian bạn làm việc có thể là full tuần, chưa có một tin nhắn công việc nào bạn bỏ sót, ăn uống qua loa, nhiều lần ngủ tại khách sạn cùng team vì thời gian chạy dự án thường quá gấp rút… nên tôi không nghĩ bạn nói quá. Bạn kiệt sức và ám ảnh về công việc này đến mức giờ tìm việc ở công ty khác, bạn vẫn rất sợ tình cảnh cũ lặp lại và đang xem xét rất cẩn thận.
Còn một trường hợp khác tuy ít xảy ra nhưng vẫn đáng được nhắc đến. Ai bước vào “chiến trường công sở” đều biết đến câu chuyện “review lương” nhưng vẫn có một số ít người không hề biết đến sự tồn tại của khái niệm này. Họ làm việc bằng đam mê nhiều đến mức không hề tìm hiểu gì đến chuyện lương lậu, họ đơn thuần nghĩ rằng mức lương sẽ tỷ lệ thuận với vị trí công việc họ đảm đương. Tức là tiền lương sẽ tăng khi họ thăng tiến. Họ có lỗi với bản thân, song công ty cũng không vô tội. Họ không chủ động minh bạch thời gian “review lương” và cũng không nhắc tới nếu nhân sự không hỏi đến. Nếu bạn không may nằm trong trường hợp vừa nói trên, hay lập tức trao đổi lại về vấn đề này.
Nhưng nói đi phải nói lại, có rất nhiều nhà tuyển dụng vô cùng minh bạch về vấn đề “review lương”, có mốc thời gian cụ thể và lý do; họ trao đổi rất thẳng thắn và thể hiện sự kỳ vọng của mình đối với sự phát triển của nhân viên trong quá trình làm việc. Họ hiểu được tầm quan trọng của điều chỉnh lương trong việc cấu trúc ngân sách và lập kế hoạch cho những năm sắp tới, giữ chân nhân tài, thúc đẩy sự phát triển của nhân sự…
Sau cùng, vấn đề quan trọng nhất cần xem xét tiếp theo đó là làm sao để có thể “review lương” hiệu quả nhất có thể. Sử dụng đúng từ, đúng chỗ, đúng lúc là tất cả các yếu tố quan trọng để mặc cả thu nhập mà bạn cho rằng mình xứng đáng.
Cần chuẩn bị gì cho những đợt “review lương”?
1. Luôn là người chủ động và đưa ra một con số cụ thể
Dù bạn có hiểu rằng mình xứng đáng được tăng lương nhưng không nên chờ đợi cuộc hội thoại ấy tự đến. Hãy luôn chủ động trong việc nắm giữ vận mệnh và túi tiền của mình. Bởi vì nếu không, phần lớn các nhà tuyển dụng chỉ cần cảm thấy chưa phù hợp hoặc những vấn đề liên quan đến ngân sách, họ sẽ lướt qua. Sự chờ đợi trong vô vọng của bạn sẽ chỉ làm tích tụ thêm nhiều ấm ức.
Hãy nói chuyện với cấp trên của bạn và dù kết quả như thế nào, bạn cũng biết bước tiếp theo nên làm gì. Điều tối cần thiết đi cùng sự chủ động này là đề nghị cụ thể một con số. Nó là thứ bắt đầu và chi phối câu chuyện. Đừng nói về “một khoảng lương” (ví dụ như từ 10 đến 15 triệu), điều đó cho thấy bạn sẵn sàng nhượng bộ và người mà bạn đang đàm phán sẽ ngay lập tức chuyển sang con số nhỏ hơn.
2. Mạnh dạn yêu cầu nhiều hơn điều mình muốn
Tâm lý học cho thấy rằng đối tác của bạn sẽ cảm thấy họ đang có được một thỏa thuận tốt hơn nếu họ chấp thuận những yêu cầu ban đầu của bạn. Đừng sợ khi đưa ra mong muốn của mình vì điều tồi tệ hơn là bạn từ bỏ cơ hội để chiến đấu cho mình, kết quả là bạn chẳng nhận được bất kỳ điều gì.
3. “Nói có sách, mách có chứng”
Đây là một khó khăn đối với nhiều người. Tuy nhiên, xét đến cùng thì bạn đang làm cho một doanh nghiệp. Bạn không thể bước vào phòng họp với cấp trên và thao thao bất tuyệt rằng bạn tuyệt vời ra sao? Dù cho mối quan hệ của bạn và sếp có tốt đẹp như thế nào và có lẽ họ cũng quan sát bạn đủ nhiều để thấy bạn có tốt hơn mỗi ngày, nhưng bấy nhiêu chưa đủ để “deal” lương.
Khi nói về “review lương”, bạn hãy chỉ ra được những điểm này và trình bày thành một văn bản báo cáo chỉn chu và cụ thể, bao gồm những kết quả nào mà bạn đã đem về/xúc tiến để tạo thành, dự án nổi bật thể hiện dấu ấn của bạn nhiều nhất, khách hàng/đối tác dành cho bạn những phản hồi ra sao về chất lượng công việc, thị trường ngoài kia đánh giá khối lượng công việc của bạn ở mức nào so với công ty, sự đóng góp/chịu trách nhiệm trong phần việc nào của dự án…
Sự chuẩn bị rất quan trọng, bạn cần cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để thuyết phục họ. Bạn cần dự đoán cuộc nói chuyện sẽ đi theo hướng nào và dự phòng những câu trả lời tốt nhất có thể. Lưu ý rằng bạn chỉ tập trung vào hiệu suất và thành tích của mình, đừng nói về những vấn đề cá nhân vì ai cũng có những khó khăn riêng. Không có nỗi khổ nào khổ hơn cái nào.
4. Đặt mình vào trường hợp của người khác
Chuyên gia nghề nghiệp khuyến nghị rằng khi chuẩn bị đàm phán, hãy suy nghĩ về tình huống từ quan điểm của người kia. Khi xem xét suy nghĩ và sở thích của đối phương, chúng ta có nhiều khả năng tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai chúng ta. Đàm phán có thể đáng sợ, nhưng bạn nên luôn duy trì cuộc trò chuyện theo hướng tích cực.
5. Chuẩn bị tâm lý cho một cuộc thương lượng kéo dài
Hiếm khi bạn nhận được câu trả lời về mức tăng lương trong một lần nói chuyện. Hãy chuẩn bị tâm lý bởi đây sẽ là một cuộc trò chuyện có thể kéo dài vài tuần hoặc một tháng và không biết chừng sẽ lâu hơn. Xuyên suốt tất cả các cuộc trò chuyện này, điều quan trọng là bạn phải ghi chú lại những gì đã được thảo luận và quyết định trong lần họp đó. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ đề cập lại trong lần họp tiếp theo. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hành nhiều lần về những gì bạn muốn chia sẻ để cuộc đàm phán hiệu quả hơn.
6. Đặt lịch nói chuyện vào ngày thứ Năm
Các nghiên cứu của Psychology Today cho thấy rằng bạn có nhiều khả năng được tăng lương nếu bạn đàm phán vào vào thứ Năm. Chúng ta có xu hướng bắt đầu một tuần mới khó khăn và thậm chí là nhiều căng thẳng hơn vào những ngày đầu tuần, nhưng trở nên linh hoạt và dễ chịu hơn khi tuần đó dần trôi qua. Trong khi đó, thứ Năm và thứ Sáu cho thấy mọi người cởi mở trong đàm phán và thỏa hiệp vì họ muốn hoàn thành công việc của mình trước khi hết tuần. Không gian cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng. Hãy chọn một căn phòng cách âm và mang lại sự riêng tư – tránh những khu vực ồn ào và những căn phòng có cửa sổ rộng mở.