BUSINESS OF LUXURY

Better Together: Khi thời trang, nghệ thuật Việt là sự cộng hưởng

Aug 07, 2022 | By Ton Binh

Khi hai ý tưởng lớn gặp nhau bao giờ cũng tốt hơn một. Sử dụng thời trang như yếu tố cộng hưởng chính là cách tiếp cận mới của nhiều thương hiệu xa xỉ. Nhận thấy tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, những nhãn hàng cao cấp đã lựa chọn kết hợp với các nhà thiết kế trẻ nhằm ra mắt sản phẩm mới. 

Những sự hợp tác sáng tạo này không phải là mới nhưng dần trở thành xu hướng đang phát triển. Ngoài niềm vui khi thách thức sự sáng tạo, lý do chính còn đến từ những chiến lược giúp nhiều thương hiệu tiếp cận thị trường mới. 

Tuần qua, CAO STU – thương hiệu thời trang tại Việt Nam đã được Lancôme – thương hiệu nước hoa Pháp lựa chọn trong sự kiện ra mắt dòng nước hoa Idole vừa ra mắt. Cụ thể, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Quý Cao – người sáng lập nên CAO STU đã lấy cảm hứng từ sự mềm mại, tinh tế để tạo ra bộ sưu tập “The Inner Self”. Với thông điệp mỗi người phụ nữ là một cá thể riêng biệt, không thể trộn lẫn, nhà thiết kế mong muốn truyền sức mạnh của niềm tin trong nội tại để họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đây cũng là năng lượng mà Idôle truyền tải, lan toả tới phái đẹp: tự tin, bản lĩnh và duy nhất. 

Nhà thiết kế Quý Cao và bộ sưu tập “The Inner Self” (Ảnh: FBNV)

Hay trong sự kiện ra mắt xe điện Audi e-tron GT quattro, bộ sưu tập “The Future Women” của nhà thiết kế Lý Giám Tiền cũng gây ấn tượng mạnh khi xuất hiện bên cạnh dàn siêu xe đắt giá. Theo đó, bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ những cô gái bước ra từ tương lai trong những năm 20xx. Anh đã ấp ủ từ 2 năm trước khi đi cách ly tập trung vì bị nhiễm Covid – 19. Đây cũng là bộ sưu tập đánh dấu 8 năm làm nghề của anh và thể hiện rõ tinh thần của thương hiệu LY GIAM TIEN ATELIER. 

Bộ sưu tập The Future Woman của NTK Lý Giám Tiền

Các thiết kế mang hơi thở từ tương lai được thể hiện một cách nhẹ nhàng với tính ứng dụng cao với form dáng bay bổng, uyển chuyển nhưng cũng mạnh mẽ, táo bạo. Chất liệu chính được sử dụng là nguyên liệu tái chế từ nhà cung cấp vải FasLink bao gồm vỏ hàu, vỏ chai nhựa, sợi sen, bã cafe,… kết hợp với lụa, tơ, nhung, taffeta,… Màu sắc chủ đạo như Đen – Gold, Trắng – Silver, Xám, Be,.. tương đồng với các thiết kế trong những mẫu xe được ra mắt từ nhà Audi. 

Ngoài ra, nghệ thuật Việt Nam cũng dần thu hút sự chú ý khi năm 2020 Chopard – hãng đồng hồ cao cấp Thuỵ Điển đã hợp tác với Hanoia để tạo ra phiên bản giới hạn cho ba mẫu đồng hồ, đưa Hanoia trở thành nhà sản xuất sơn mài đầu tiên được làm việc với nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng trên thế giới.

Ảnh: Hanoia

Ảnh: Hanoia

Cụ thể, đây là dự án đồng hồ gồm ba mẫu được thiết kế mang những nét tinh xảo vốn đã tạo nên thương hiệu của đồng hồ Chopard, với mặt số được thiết kế sáng tạo bởi Hanoia. LUC Urushi Việt Nam là phiên bản giới hạn chỉ có 15 chiếc, mỗi chiếc được đánh số từ 1 đến 6 và đặt trong bộ quà tặng sơn mài. Mỗi phiên bản chứa đựng câu chuyện riêng về Hà Nội với bức tường cổ kính, mái ngói hay bức tranh Đông Hồ về một chú bé chăn trâu gắn liền nền văn minh lúa nước, hình ảnh người phụ nữ tân thời trong tà áo trắng thanh thoát bên cạnh gánh hoa sen tỏa hương thơm dìu dặt. 

Bên cạnh sự tiếp cận mang tính chiến lược của các thương hiệu cao cấp, xu hướng kết hợp này còn giúp nâng tầm hình ảnh thời trang, nghệ thuật Việt Nam trong cách tiếp cận đầy sáng tạo, hiệu quả. 

Thu Thảo – tổng hợp 


 
Back to top