Triển lãm “Ngày hôm qua”: Những mảnh ghép từ ký ức
Nếu triển lãm “Xúc cảnh” của Trần Quốc Giang là trực họa hòa cảm xúc, thì “Ngày hôm qua” lại là sự phản tỉnh, chiêm nghiệm hòa vào hồn riêng của anh về những gì đã thấy, đã cảm. Bộ tranh là một bước tiến mới của Giang trong việc “dùng tâm để họa”.
Như tên gọi triển lãm, “Ngày hôm qua” đã không còn thực tế và rõ ràng như hôm nay. Gọi là cảnh thì chẳng đúng, vì tất cả chỉ còn lại tâm cảnh, tức mọi thứ được nhớ lại, phản chiếu lại bằng chính những nghĩ suy và cảm xúc trong tâm trí. Vì thế mà chúng chẳng rõ ràng, đôi khi huyền ảo, đôi khi mang những cảm xúc đặc biệt riêng tư, biến thiên, đa tầng. Cũng bởi vậy nên tranh mới mang nhiều lớp lang của tâm hồn, mới dễ chạm vào những khoảng nông-sâu phức tạp trong tâm thức người thưởng tranh.
Cách Trần Quốc Giang vẽ loạt tranh này như một người đang lơ lửng giữa không trung, hay vũ trụ, để ngắm nhìn và thưởng thức thế giới xung quanh. Đó là khi mọi thứ không chỉ được nhìn bằng ánh mắt mà còn cả trí tưởng tượng. Như cái cách mà bạn và tôi, khi nhìn vào một thứ gì đó quá xa, sự liên tưởng bắt đầu hoạt động vì tâm trí muốn đoán biết đó là cái gì. Nó muốn tạo ra một khung cảnh mới, chồng lấp lên khung cảnh thực tế.
“Ngày hôm qua” là như vậy, đó là sự chồng chất của cái thực và cái ảo, của quá khứ và hiện tại, của những cảm xúc biến thiên đột ngột qua từng mảng thời gian và không gian. Tất cả kéo theo sự biến đổi của bút cọ, của màu sắc, của đôi bàn tay khi vững chãi khi như run rẩy để trên tranh, ta thấy cái rõ ràng, và cái chấm phá.
Bộ tranh này được thể hiện ở hai chất liệu, sơn mài và sơn dầu. Trong chất liệu sơn mài, ta thấy được vẻ đẹp huyền ảo và thẳm sâu, trong khi đó, sơn dầu loang lổ thể hiện cá tính lãng mạn. Và điểm chung trong cách thể hiện của Giang là làm sao để toát lên phần hồn, phiêu bồng và vừa hư vừa thực.
Nếu nói về sự tinh luyện trong tay nghề, có lẽ, Trần Quốc Giang thiên về xúc cảm nhiều hơn. Sự trong và sâu về tinh thần hội họa lẫn kỹ thuật sẽ còn cần một quãng đường dài để thêm tinh thông và điệu nghệ. Đó cũng là lẽ dễ hiểu vì “họa” vốn từ “tâm”, từ vốn sống và sự nhẫn nại mỗi ngày.