Triangle of Sadness: Người giàu cũng khóc
Giành giải Cành cọ vàng danh giá tại LHP Cannes 2022, “Triangle of Sadness” (tựa Việt: Đáy thượng lưu) là tác phẩm mới nhất từ nhà làm phim Thụy Điển Ruben Östlund. Đây cũng là lần thứ 2 ông được vinh danh ở giải thưởng này. Mới đây, bộ phim cũng được đề cử ở Quả cầu vàng 2023.
Bộ phim kể về cặp đôi Carl và Yaya, những người hoạt động trong ngành thời trang và là influencer có sức ảnh hưởng, trong một lần lên chiếc du thuyền xa hoa của giới nhà giàu nhưng không may gặp phải cướp biển, cuối cùng là trôi dạt lên một hòn đảo hoang. Với “sức ảnh hưởng” và sự giàu có của những “ông lớn”, liệu họ có thể tồn tại cũng như may mắn thoát chết?
Nghịch lý của thời hiện đại
Thuộc dòng art-house, hơn 2 giờ phim của “Triangle of Sadness” trôi qua chậm rãi với các nghịch lý được thiết lập công phu. Thật khó để xếp bộ phim vào phân nhánh nào, bởi nó không là hài kịch và cũng không là hài đen. Có thể tác phẩm sẽ không mang đến những tràng cười giòn, thông điệp cũng không hàm ẩn, thế nhưng những sự châm biếm cũng như giễu nhại đã được nâng lên hạng mức cao nhất.
“Triangle of Sadness” hay “Vùng lo âu” là khái niệm dùng để chỉ các nếp nhăn xuất hiện giữa hai hàng chân mày. Hẳn nhiên, tác phẩm không nói về các đặc trưng sinh lý, mà là phản ứng của người xem khi chứng kiến bộ phim trôi đi. Ruben Östlund trong tài biên kịch cũng như đạo diễn đã làm được việc vô cùng khó khăn, đó là đoán định được trước phản ứng từ phía người xem, từ đó tin chắc sự giản dị cũng như thong thả mà tác phẩm này có thể mang lại.
Kết cấu bộ phim gồm 3 hồi. Ở đó, đạo diễn Ruben Östlund dẫn dắt người xem đi từ màn mở đầu khi cặp đôi Carl và Yaya tranh cãi về định kiến giới, về sự bình đẳng cũng như vai trò xã hội của các cặp đôi… trong việc giữ lời hứa và chi trả cho các bữa ăn. Carl thất bại trong nghiệp người mẫu và phải chứng kiến thành công của bạn gái. Khi thấy cô không chia phần tiền ăn tối, cả hai nảy sinh nhiều tranh luận. Đáng nói là điều này tuy nhỏ nhưng thường không được xét đến trong các phong trào đòi quyền bình đẳng, và Ruben Östlund đã khai thác một cách tinh tế, cũng đầy châm biếm vào vấn đề này.
Từ đó, để làm lành, họ bước lên chiếc du thuyền sang trọng trị giá 250 triệu USD của giới nhà giàu để mở ra hồi thứ 2 của tác phẩm. Ở đây, họ đã gặp được những người giàu có, là một cặp đôi người Anh buôn bán vũ khí, là triệu phú người Nga kinh doanh phân bón hay một tay nhà giàu thuộc giới công nghệ… Họ tận hưởng hết dịch vụ sang trọng, cho đến một ngày một toán cướp biển leo lên chiếc thuyền, và cho nổ tung tất cả mọi thứ.
Phần ba mở ra ở trên hoang đảo, khi với danh tiếng, của cải hay sự giàu có… tất cả đều phải chịu thua một người lau dọn toilet, là dân nhập cư nói tiếng Anh bồi. Người phụ nữ ấy tự tôn mình lên làm vua, và nắm quyền lực chi phối mọi người. Ruben Östlund truyền đi thông điệp có phần giản đơn về sự thích nghi, cũng như các giá trị ảo cho đến cuối cùng vẫn luôn vô dụng trong xã hội này.
Những sự tương phản
Ruben Östlund có cách làm phim nêu bật được cá tính. Ông chọn những góc nhìn riêng để châm biếm và làm rõ được rất nhiều lằn ranh vẫn luôn tồn tại. Đó là sự tương phản giữa những nhân viên phục vụ đa sắc tộc, chủ yếu là người nhập cư phát âm không chuẩn, là phi hành đoàn – những người phương Tây mang theo sứ mệnh làm hài lòng khách để lấy về món tiền thưởng, và cuối cùng là giới siêu giàu, những người cho mình quyền làm “bá chủ”.
Mối quan tâm thường trực của họ cũng khác hẳn nhau. Trong khi người giàu thì lo ghen tuông và chụp những hình ảnh phù phiếm, phô bày xa hoa, thì những người ở các boong dưới vẫn đang tập trung làm hết sức mình. Không còn thứ gì để làm, giới thượng lưu chỉ quan tâm đến việc khoe mẽ mà không bận tâm đến những cảm xúc của người khác. Đòi hỏi vô lý và những trò đùa trẻ con được họ đưa ra như một thú tiêu khiển, mà không hề biết nó sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những cá thể dưới boong tàu đó.
Ruben Östlund mang người xem đến ranh giới của sự ngốc nghếch, với rất nhiều trò trịch thượng kiểu Molière. Đó là những chi tiết quay cận vào các món ăn – một mẫu đuôi cá, một phần thạch trong… tuy được giới thiệu là những cao lương mỹ vị, nhưng về phần nhìn cũng khiến cho bất cứ ai sẽ phải cau mày, và đó là khi “vùng tam giác buồn” đầu tiên đã được kích hoạt.
Trong việc chuyển đổi âm nhạc giữa metal rock và jazz sang trọng, người xem cũng được dẫn đến những sự tương phản gần như một trời một vực. Khi giới giàu có nôn thốc nôn tháo, những vũng phế thải được dịp trào ra, họ liền hoảng loạn và rồi ngụp trong vũng lầy của bản thân mình. Ở đây, Ruben Östlund cho các nhân vật tắm trong nhơ nhớp, từ bỏ hết mọi mỹ cảm hay lịch sự, khiến thêm lần nữa người xem sẽ phải nhăn mặt, càng nâng cấp thêm “vùng buồn khổ” đó.
Đến cuối tác phẩm, những điều ngớ ngẩn càng được nâng lên một cấp cao hơn, với những tình tiết lại được sắp đặt một cách… lộ liễu. Điểm hay của Ruben Östlund là nếu trong các tác phẩm chính kịch, những điều này được coi như là “điểm chết” và thiếu sáng tạo, thì với “Triangle of Sadness”, nó càng làm rõ những sự ngớ ngẩn cũng như châm biếm giai tầng xa hoa. Nó cho người xem cảm giác ô nhục, từ đó vùng giữa chân mày lại được cau lên, để chưa bao giờ hơn chính lúc này, họ thấy được sự giả hiệu cũng như giả tạo của một tầng lớp vẫn thường được xem như tinh hoa.
Trở về hoang dã, ai sẽ sống sót?
Ruben Östlund đi đến tận cùng cũng những thô tục mà không giảm nhẹ hay mỹ hóa. Trên chính phông nền của sự xa hoa, có thể thấy rằng từ đầu đến cuối ông đã châm biếm một cách sâu cay vọng tưởng tiền bạc, nơi những hashtag #Equal, #HappyLife hay #StopClimateChange… tuy được truyền thông ra rả, thế nhưng tận cùng đâu đó cũng vẫn tồn tại những sự trịch thượng, những ngóc ngách nhỏ có thể lách luật. Và cũng từ chính những cách làm đó, sự bất bình đẳng cũng như phân hóa giàu nghèo sẽ được nâng lên, khiến cho chỉ một hoang đảo mới có thể lập lại trật tự, biến sự thích nghi thành ra lên ngôi.
“Triangle of Sadness” có thể nói là một tác phẩm không hề dễ xem, thế nhưng nội dung mà nó truyền đi lại vô cùng thâm cay, sâu sắc. Suốt hai giờ của thời lượng phim, người xem sẽ có những cái nhăn mày, cười mỉa… nhưng tựu trung, đó là đỉnh cao của sự châm biếm mà không cần có những nụ cười giòn. Bằng sự giễu nhại cũng như châm biếm lên đến cao nhất, Ruben Östlund đã tạo nên một tác phẩm vô cùng thành công.