Culture Voice: Ngô Kim Khôi – “Đấu giá tranh giả vẫn chưa có sự bảo hộ nhất định, tại Việt Nam”
LUXUO Việt Nam đã được lắng nghe những chia sẻ từ nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi về thị trường tranh đương đại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi đã có 30 năm trong việc nghiên cứu về mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là mỹ thuật Đông Dương Việt Nam. Ông cũng là cháu trai của hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn – người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Trước khi dành toàn bộ tâm huyết trong việc nghiên cứu, Ngô Kim Khôi từng làm việc cho nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Hermes với thời gian gắn bó 5 năm, Givenchy, Yves Saint Laurent và Dior. Những kinh nghiệm này góp phần hình thành tư duy về mối liên hệ mật thiết giữa mỹ thuật và thời trang của Ngô Kim Khôi. Theo nhà nghiên cứu này, khi được truyền cảm hứng từ những NTK hàng đầu, “Tôi dần hiểu về tầm quan trọng của mỹ thuật trong thời trang khi mọi sản phẩm đều yêu cầu sự tỉ mỉ đến từng chi tiết”.
Sau những dấu ấn với ngành thời trang, ông quyết định dành trọn tâm huyết cho công việc nghiên cứu mỹ thuật. Đối với Ngô Kim Khôi, mỹ thuật là niềm đam mê thuở nhỏ được di truyền từ người ông – hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn.
“Mỹ thuật Đông Dương giống như một huyền thoại mà thế hệ chúng ta chỉ được nhìn và biết đến qua MXH. Những tên tuổi lớn như Lê Phổ, Mai Trung Thứ,…. sở hữu khối lượng tác phẩm đồ sộ mà mới đây đã có một triển lãm quy tụ được hơn 50 bức tranh Đông Dương từ nhiều nhà sưu tập khác nhau,” Ngô Kim Khôi chia sẻ. “Nếu đánh giá mỹ thuật qua phương diện vật chất, nhiều bức tranh được đấu giá lên đến hàng triệu USD như La famille dans le jardin của Lê Phổ (2,37 triệu USD); Portrait of mademoiselle Phuong của Mai Trung Thứ (3,1 triệu USD)”.
Trong bối cảnh thị trường tranh Đông Dương “nóng bỏng” với những giao dịch lên tới hàng triệu đô la, nhiều người nhìn nhận đó là niềm tự hào của hội hoạ Việt Nam. Nhưng điều này cũng nảy sinh ra những mặt tối với vấn nạn chép tranh, rao bán tranh giả trên thị trường, đặc biệt là ngay cả đối với nhà đấu giá tư nhân.
Theo Ngô Kim Khôi, thị trường tranh Đông Dương gần đây chứng kiến một số trường hợp chép tranh giả của Lê Văn Đệ với bức “Nắng hè”. Nhiều người mua không được tư vấn phải bỏ ra hơn 72.000 euro (2 tỷ VNĐ) và sau khi phát hiện tranh giả, họ bán lại cho một nhà đấu giá với giá trị 42.000 euro. Nếu người chủ mới xác định được nguồn gốc tranh thì sẽ được đền bù nhưng trường hợp đó không nhiều.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định: “Một số nhà đấu giá có danh tiếng trên thế giới vẫn vướng phải scandal bán tranh giả. Như trường hợp của Sotheby’s khi đã bán bức tranh giả “Lá thư” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân do nhầm lẫn từ giám tuyển. Sau đó họ đã thu hồi bức tranh đó. Nhưng đó là trường hợp của những nhà đấu giá có danh tiếng.
Còn đối với nhà đấu giá có quy mô nhỏ, họ vẫn có thể lừa được người khác bằng mánh khoé tương tự. Bởi vậy, tôi mới gọi nhà đấu giá giống như một cái chợ”.
“Khi chúng ta mua phải áo giả, túi giả từ những thương hiệu lớn thì món đồ đó lập tức bị thiêu huỷ và bạn sẽ được đền bù. Nhưng tại Việt Nam, vấn đề đấu giá tranh giả vẫn chưa có sự bảo hộ nhất định dành cho người mua, bởi vậy họ cần những người tư vấn đủ uy tín và trình độ trước khi bỏ ra số tiền rất lớn”, ông nhấn mạnh.
Nhìn rộng ra, giải pháp lâu dài cần có sự vào cuộc của chính quyền với văn bản pháp lý cụ thể. Nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng ta cần sự đồng lòng, không che giấu thì vấn đề tranh giả có thể được đẩy lùi khi chưa có pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người mua và tác giả. Những bức tranh đã quá nổi tiếng như của danh hoạ Van Gogh hay Picasso, chúng ta có quyền chép bởi nó trong thời gian 60 năm nhưng không có quyền bán. Nếu bán phải để lại phần trăm cho nhân thân tác giả. Ở Việt Nam, quy định đó chưa thực sự phổ biến”.
Đồng thời, khi phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, đây cũng chính là vũ khí sắc bén để đẩy lùi tình trạng tranh giả. Người mua cũng có thể trực tiếp tìm hiểu về lịch sử tác phẩm dễ dàng hơn.